Augustinô - Một Cuộc Đời Độc Đáo !
Một vài suy tư Nhân ngày lễ kính Giáo Phụ Augustinô (28-8)
AUGUSTINÔ
MỘT CUỘC ĐỜI ĐỘC ĐÁO - HỌA ẢNH TƯƠNG LAI NHÂN LOẠI ?
Thay lời nói đầu:
Giáo hội ở những thế kỷ đầu luôn gặp nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt thường xuyên trực diện những lạc thuyết nguy hiểm, rất nguy hiểm, có thể làm lạc hướng Giáo hội Tông truyền…
Chính trong những nguy khó ấy, giữa lòng Giáo hội xuất hiện nhiều vì sao sáng - các Giáo Phụ. Với tài đức của mình, các ngài đã vận dụng hết tài trí để hộ giáo, kiên định bênh vực giáo thuyết chính truyền Công giáo, một cách công khai, quyết liệt…
Trên nền trời nhiều sao ấy, thánh Augustinô xuất hiện như một ngôi sao sáng nhất, đặc sắc nhất.
Anre Jus Augustinô “đến” với Giáo hội, gặp được Thiên Chúa nguồn Chân - Thiện - Mỹ quá muộn màng (!), chính ngài đã thú nhận điều ấy. Chành trai Augustinô đầy nhiệt huyết, thông minh nhất nam tử, cả một quãng đời trai trẻ đã sống sa đọa, chìm đắm trong thú vui nhục dục, đam mê danh vọng trần thế, hoặc mải miết theo những lạc thuyết…
“Đêm trường tăm tối” qua đi, ngài trực diện vầng Kim Ô sáng ngời - chân lý Thiên Chúa!
Một khi đã “quy hồi”, trở về với mẹ Giáo hội, vững tin vào Tình Chúa, ngài đã phát huy hết mọi khả năng, tài đức của mình để bênh vực Giáo hội, giáo lý Công giáo, Chân lý trân truyền… Phạm vi hoạt động của ngài chủ yếu “gói trọn” trong phạm vi giáo phận Hippone (Châu Phi), nhưng tư tưởng của ngài có sức lan tỏa và vang dội ra khắp nơi.
Thánh Augustinô, thực ra không hẳn là một triết gia thuần tuý, ngài không để lại một hệ thống tư tưởng nhưng dưới cái nhìn triết học - trong dòng triết sử, tư tưởng của ngài có vị trí và ảnh hưởng không nhỏ [1]. Ngài đã để lại một “kho tàng” triết học, thần học rất phong phú, cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt với Kitô giáo.
Được dịp tiếp cận tư tưởng của một vĩ nhân, một thánh nhân như Augustinô quả là một may mắn, và trong niềm tin - là một Hồng ân. Đây cũng là lúc trở về với chính mình để tìm gặp Thiên Chúa đang ngự trị sinh động thẳm sâu nơi tâm lòng và nhận ra giá trị tuyệt vời của tặng phẩm “Con người”.
Nói cách khác, tiếp cận Thánh Augustinô để được đi trên một hành trình hai chiều: Thượng Đế - Con người. Ngài đã từng khắc khoải:
“Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con Biết con!”
Theo các nhà nghiên cứu, các trước tác của Thánh Nhân đều lưu ấn sâu đậm những dấu tích kinh nghiệm bản thân - một cuộc đời suy tư, tìm kiếm chân lý không mệt mỏi.
Samuel Enoch Stumpf nhận định: “Một chuỗi kinh nghiệm bản thân đã dẫn Thánh Augustinô đạt tới phương pháp triết học độc đáo”[2].
Augustinô - Một Cuộc Đời Độc Đáo !
Anre Jus Augustinô sinh ngày 13-11-354 tại Tagaste (bắc Phi Châu). Ngài học tiểu học tại quê nhà (Tagaste), trung học tại Madaure gần đó, và đại học Cartage (phía bắc Tunis bây giờ).
Nét độc đáo cuộc đời ngài luôn thể hiện một còn người đầy nhiệt huyết, sống trong tội cũng rất ra trò, nhưng khi đã trở thành Kitô hữu, quyết tâm nên thánh thì không sức gì cản nổi. Augustinô đã thành công, một cách ngoạn mục, cả trên hai lĩnh vực!
Nhìn góc độ khác, nét độc đáo còn thể hiện xuyên suốt từng quãng đời của Augustinô: Một tuổi thơ bị xâu xé, một tuổi trẻ ngạo mạn phóng túng và quãng đời còn lại đầy khắc khoải trong Tình yêu Chúa.
* Tuổi thơ bị xâu xé !:
Augustinô sinh ra trong một gia đình, nói bất hạnh thì không hẳn đúng, nhưng quả thật kém may mắn hơn nhiều bạn đồng tuổi. Cha cậu, ông Patricio, một người ngoại giáo; mẹ là Monica, một bà mẹ Công giáo đạo đức.
Cha cậu thường thất tín hay nổi nóng dù có trái tim tốt; mẹ chịu đựng một cách nhẫn nại, không hề đôi co với chồng, thậm chí nếu có bị chồng đánh cũng chỉ nhịn chịu, khóc thầm trong khấn nguyện, không hề tỏ dấu gì cho người ngoài biết chuyện bất hòa trong gia đình [3].
Sống cảnh gia đình cha mẹ dường như ở hai đầu thái cực, chắc chắn cậu bé Augustinô bị ảnh hưởng không ít. Cậu được giáo dục với hai “trường phái” đối nghịch nhau. Một đàng thân mẫu hướng dạy theo tinh thần Kitô giáo, muốn cậu sống đạo đức, hữu ích cho Giáo hội; một bên thân phụ truyền đạt một tinh thần vô giáo và muốn hướng dẫn cậu vào những mục tiêu khác. Hình như những năm tháng tuỗi thơ, cậu Augustinô bị “xâu xé” bởi hai ảnh hưởng nghịch nhau ấy [4].
Và thật nguy hiểm, lối giáo dục của người cha ngoại giáo đã dần lấn át. Tuổi trẻ cậu lún sâu trong vũng lầy đam mê tục dục…
* Tuổi trẻ sa đọa:
Năm 16 tuổi, Augustinô xa nhà đến học ở Cartage, một thành phố cảng phồn thịnh, tràn ngập lối sống hưởng thụ, trác táng.
Tuổi thơ cậu đã không tìm được điểm tựa định hướng, khi đẩy ra xã hội, cậu dễ sa vào cạm bẫy thế gian. Buông theo dòng đời Augustinô sống phóng đãng, thỏa thê tìm mọi thú vui, kể cả thú vui xác thịt…
Với tính cách như cậu, có lẽ trong chốn ăn chơi cậu không chịu nhường bước thua ai. Tội nghiệp Người mẹ đã cố công dạy dỗ tinh thần Kitô giáo thủa nào, bây giờ cậu vứt bỏ tất cả, cả niềm tin và nền đạo đức ấy. Augustinô công khai ăn ở như vợ chồng với một thiếu phụ…
Năm 17 tuổi, cậu đã có đứa con ngoài ý muốn (tên Adeodat - tặng vật của Thiên Chúa)
Năm 19 tuổi, Augustinô đọc được tác phẩm Hotensius của hiền triết Cicero, khuyến khích tìm đạt sự khôn ngoan, đột nhiên cậu cảm thấy trong mình bùng cháy ngọn lửa đi tìm tri thức. Chắc hẳn do tuổi trẻ bồng bột, bước chân đã đưa cậu tới một giáo phái- đạo Thiện-Ác (Mánès), một bè rối thời thịnh nguy hiểm. Mánès chủ trương cái ác đồng giá trị với cái thiện, làm cậu say mê nhiều năm… Đạo Thiện-Ác không thoả mãn trí tri, cậu từ giã nhưng lại tiếp tục lạc bước vào thuyết Hoài nghi.
Dẫu sa vào trốn nhục thể, lỡ lối trong các lạc thuyết, mê tín dị đoan… nhưng Augustinô không quên con đường học vấn. Ở trường, cậu từng là sinh viên rất ưu tú, thông thạo văn chương cổ điển La tinh, uyên bác trong lý luận… Có thời Augustinô từng mơ làm luật sư nhưng cuối cùng lại chọn theo giáo sư.
12 năm theo nghề dạy học (374-386), giáo sư văn chương Augustinô nổi tiếng khắp nơi, từng được mời qua nước ngoài giảng dạy như Rôma, Milan….
Và tại Milan, Augustinô có ân duyên gặp thánh Giám mục Ambrosio - nhân vật tích cực trong cuộc “lột xác” ngoạn mục của ông.
* Hành trình “ngược dòng” ngoạn mục!
Rất ngoạn mục!..
Hướng đời Augustinô đang chảy theo dòng thế tục chợt đổi hướng ngược lại khi ông khám phá nguồn Chân-Thiện-Mỹ đích thực là: chính Thiên Chúa! Ông trở về với Giáo hội Tông truyền.
Có ba yếu tố nổi bật giúp ông trong hành trình lội ngược dòng này: Đoạn thư thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Rôma (Rm 13.13-14), thánh Giám mục Ambrosio và tân triết học Platon
+ Thư Thánh Phaolô: Trong lúc đang miên dạo (ở Milan), bỗng có tiếng trẻ nói to với Augustinô: “Hãy cầm đọc!”. Ông liền mở sách cầm tay và gặp đoạn thư Rôma 13,13-14 khuyên ông từ bỏ đam mê xác thịt và hãy mặc lấy Đức Kitô.
+ Giám mục Ambrosio: Ở thành Milan ngài nổi tiếng là vị Giám mục tài đức, có biệt tài hùng biện, những bài giáo huấn rất văn chương và hùng hồn đã hút hồn Augustinô. Đặc biệt cách diễn giảng Kinh Thánh của ngài làm Augustinô chú ý đến giá trị Cựu ước mà trước đây ông vốn lãnh đạm, coi khinh. Qua Thánh Ambrosio, Augustinô được làm quen với triết học Platon.
+ Tân triết học Platon: Đặc tính tinh thần cao thượng, và quan niệm chính đáng về chân lý của Tân thuyết Platon-Platin đã giúp ông thoát khỏi ám ảnh của thuyết duy vật và hoài nghi.
Hẳn nhiên, một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng rất lớn cho quyết tâm trở về, chính người mẹ thánh Monica. Những bài giáo lý bình dân, sơ khai của mẹ thủa nào những tưởng đã chết nay gặp “thiên mưa” chợt vươn sức nảy trồi hồi sinh. Đặc biệt hình ảnh người mẹ đạo hạnh, bao lần nước mắt cạn khô khóc trong lời nguyện xin sẽ luôn mãi là tấm gương, động lực giúp Augustinô vững bước.
* Một vài mốc son trong hành trình lội ngược dòng của Augustinô:
+ Năm 387, Augustinô 33 tuổi được Rửa Tội do chính tay Giám mục Ambrosio.
+ Năm 391 được phong làm Linh mục.
+ Năm 395 được thụ phong Giám mục.
Trong vai trò “con người mới”- Kitô hữu, ở cương vị Tông đồ (Giám mục), Thánh Augustinô không biết mệt mỏi bảo vệ Giáo hội Đức Kitô. Ở tuổi 72 già yếu, Giám mục Augustinô, vẫn miệt mài, dành 5 buổi mỗi tuần để viết tác phẩm về thần học theo như nguyện vọng của Công đồng Numidie và Châu Phi.
Trong quyển Tự Thuật, Thánh Augustinô từng tâm sự với Đấng Chí Tôn, nghe âm hưởng một niềm hối tiếc: “Tuổi thanh xuân xấu xa và gian ác của con đã chết…. Con đã yêu Chúa quá muộn, ôi Đấng tốt đẹp!… Con Đã yêu Chúa quá muộn!”
Ngày 28 tháng 8 năm 434, bầu trời Giáo hội vụt tắt một ngôi sao sáng rực, Augustinô từ trần, hưởng thọ 76 tuổi. Thánh Augustinô được trở về quê hương đích thực, nơi mà ngài khắc khoải cả đời: “Lạy Chúa, lòng con mải khắc khoải cho tới khi được nghỉ an trong Chúa!”.
Nhưng tinh anh của Thánh Augustinô- tư tưởng triết- thần và tâm gương ‘sám hối’ của ngài sẽ vẫn ngời sáng thiên thu!
Thay lời kết:
Augustinô một vĩ nhân, một thánh nhân! Ngài dã để lại cho nhân thế một công trình với những trước tác đồ sộ, rất phong phú và thật độc đáo. Cùng với các Giáo phụ thời đại, ngài đã có công lớn trong việc hội nhập những phương pháp suy tư triết học Hy Lạp để đào sâu đức tin Kitô giáo nhằm củng cố, hộ giáo cũng như phát triển Đức tin của Hội thánh trân truyền. Nhờ tài đức của ngài, chân lý Đức tin Kitô giáo phát triển một cách khoa học, mạch lạc hơn.
Tư tưởng Thánh Augustinô ảnh hưởng rất lớn cho nhiều thế hệ hậu sinh, đặc biệt với Giáo hội Công giáo. Các nhà tư tưởng lớn mở đường cho triết học Kinh viện chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ngài như quan niệm về linh hồn bất tử, khả năng vươn tới Đấng Chí Tôn, tính cách thiết yếu của Ân sủng và Đức tin… Ảnh hưởng của thánh nhân còn lan tới những nhà siêu hình học như Cotigo, Ergo Sum… cách riêng với triết gia nổi tiếng Descarter với câu nói: tôi suy tư tức tôi tồn tại.
Ngày nay, tư tưởng triết-thần của vị thánh tiến sĩ Augustinô vẫn giữ vai trò trọng yếu trong Giáo lý- Đức tin Kitô giáo, đúng như Karl Jasper đã nhận định rất xác đáng: “Trong số các Giáo phụ, Thánh Augustinô là người vượt trội hẳn. Đọc các trước tác của ngài là nhìn được toàn diện triết lý Kitô giáo”.
Tuy nhiên, quan điểm chính đáng và rất đạo đức của ngài xem ra “lạc lõng” với xã hội hôm nay, khi mà “thần tiền” lên ngôi, con người đề cao lối sống hưởng thụ, ích kỷ, hiện sinh, thiên về duy nghiệm…
Dường như xã hội của chúng ta đang “họa ảnh” lại quãng đường lầm lạc của chính thánh nhân thời trai trẻ (!). Nhưng cũng chính ngài, giúp ta tin rằng, một ngày nào đó, nhân loại sẽ được “luồng sáng” giác ngộ ra chân lý đích thực.
Cuộc đời ngài, dưới góc nhìn khác có thể phản ánh đường hướng của nhân loại, của anh và của tôi!
Lm. Đaminh Hương Quất
[1]x. Giáo trình Lịch sử triết học Phương Tây, tập 1, Thư Viện Tiểu Chủng viện Xuân Lộc, tr.109.
[2] Samuel Enoch Stumpf, Lịch Sử Trết Học Và Các Luận Đề (Philosophy-history anh problem)- do Đỗ Văn Thuấn- Lưu Văn Hy biên dịch, NXB Lao Động-2004 tr.112.
[3] x. Augustino, bản Tự Thuật, phần Monica.
- Thể loại khác: