Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Gia đình, chủng viện đầu tiên

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

TÂN PHÚC-ÂM-HÓA GIA ĐÌNH:

GIA ĐÌNH – CHỦNG VIỆN ĐẦU TIÊN

 

Mới nghe nói gia đình là “Chủng viện đầu tiên”, chắc chắn sẽ có phản biện: Chủng viện là nơi đào tạo linh mục, tu sĩ, đó là ngành giáo dục chuyên về thần học; thì những bậc cha mẹ ở gia đình là những giáo dân bình thường, biết gì về thần học mà dạy với dỗ? Vậy phải hiểu vấn đề như thế nào? Xin cùng tìm hiểu:

 

I.- Chủng viện là gì?

 

Theo Bách Khoa Toàn Thư thì Chủng viện (tiếng Anh: seminary) là “Trường của đạo Thiên Chúa, nơi đào tạo linh mục, tu sĩ”. Còn theo tiếng La-tinh (seminarium) thì có nghĩa là “vườn ươm”, là “nơi đào tạo các chủng sinh, tu sĩ Công giáo trở thành linh mục”. Chủng viện thông thường đào tạo trên bốn lãnh vực: nhân bản, tri thức, đạo đức và mục vụ. Chủng viện có hai hình thức: Tiểu chủng viện và Đại chủng viện.

 

Tiểu chủng viện là nơi nội trú dành cho các tiểu chủng sinh chuẩn bị bước vào đại chủng viện, tiểu chủng viện thường được coi như là một trường trung học nội trú. Tên gọi cũ của tiểu chủng viện là trường (tràng) La-tinh vì đây là lúc các chủng sinh bắt đầu học tiếng La-tinh.

 

Đại chủng viện là nơi thật sự đào tạo các ứng viên linh mục, tu sĩ về triết học và thần học với thời gian từ sáu đến tám năm. Tên gọi cũ là trường (tràng) Lý đoán.

 

Trước đây, tại Việt Nam có hình thức tiểu chủng viện như trên, nhưng ngày nay không còn nữa. Thay vào đó là ứng sinh dự tu vào chủng viện. Các ứng sinh không phải nội trú nhưng phải theo học văn hóa trong các đại học, mỗi tháng tập trung vài ngày để được đào tạo về tu đức, sau đó mới được vào học tại đại chủng viện. Cũng có trường hợp các ứng sinh đã đậu Tú Tài, Cử nhân ngoài xã hội, nhưng có ơn gọi tu trì xin thi thẳng vào đại chủng viện.

 

Rõ ràng Chủng viện chỉ có nghĩa là ngôi trường Công Giáo chuyên đào tạo các linh mục, tu sĩ. Còn vấn đề thần học, thì cần hiểu theo nghĩa rộng, đó là “môn học về thần linh”. Riêng về Thần học Ki-tô giáo, Bách Khoa Toàn Thư giải thích: “Thần học là ngành nghiên cứu về Thiên Chúa, hay rộng hơn là về niềm tin tôn giáo, thực hành và trải nghiệm tôn giáo, về linh hồn. Thần học giúp các nhà thần học hiểu rõ hơn về truyền thống tôn giáo của chính mình, về các truyền thống tôn giáo khác, cũng như so sánh giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau”.

 

Điều đó cho thấy: khi cha mẹ dạy dỗ con cái về nhân bản và đức tin là bước đầu khai tâm cho trẻ học biết về cái gốc của con người (triết lý nhân sinh) và niềm tin vào Thiên Chúa (thần học). Vấn đề giáo dục chuyên sâu về triết học và thần học chỉ được đặt ra từ cấp đại chủng viện. Như thế, nếu đã coi gia đình là “Ngôi trường đầu tiên” thì gia đình Công Giáo tất nhiên là “Ngôi trường Công Giáo đầu tiên”, là “Chủng viện sơ khởi” (SL Đào tạo Linh Mục “Optatam Totius”, số 2), tức “Chủng viện đầu tiên” vậy.

 

II.- Vai trò của Chủng viện Gia đình:

 

Khi lãnh nhận Phép Rửa, mỗi Ki-tô hữu được tham dự vào 3 chức vụ Ngôn sứ, Tư tế, Vương giả của Linh Mục Thượng Phẩm Giê-su Ki-tô, nên đều được coi là linh mục, như Tông huấn “Ki-tô Hữu Giáo Dân – Christi Fideles Laici” (số 14) viết: “Như thế mỗi người được tham gia vào ba sứ vụ của Đức Ki-tô chỉ vì họ là phần thân thể của Giáo Hội, như Thánh Phê-rô Tông đồ đã dạy khi gọi những người đã chịu phép rửa tội "là dòng giông được lựa chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, là dân tộc thuộc về Thiên Chúa" (1Pr 2, 9). Và cũng vì nó bắt nguồn từ sự thông hiệp trong Giáo Hội nên việc tham dự của các tín hữu giáo dân vào ba chức vụ của Đức Ki-tô đòi hỏi phải sống và thực hiện trong sự thông hiệp, và để cho sự thông hiệp ngày càng tăng trưởng. Thánh Au-gus-ti-nô viết (xc “De Civitate Dei” - XX, 10): "Cũng như chúng ta tât cả được gọi là Kitô-hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục duy nhât."

 

Tất cả các thành viên trong gia đình vì đã chịu Phép Rửa, được tham dự vào chức tư tế của Đức Giê-su, nên đều được coi là linh mục. Tuy nhiên, cần phải phân biệt 2 chức tư tế: Mọi tín hữu khi lãnh nhận ơn gọi Ki-tô hữu (Phép Rửa) đều trở thành “Tư tế cộng đồng”. Cách riêng, ai đón nhận ơn gọi tu trì được lãnh nhận bí tích Truyền Chức sẽ trở thành “Tư tế thừa tác” (tức là linh mục – người trực tiếp thừa kế tác vụ của Linh Mục Thượng Phẩm Giê-su Ki-tô). Ơn gọi đó chính là “ơn gọi linh mục và tu sĩ” như Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (số 6) viết: “Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hoá, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình Công Giáo, ngay giữa những khó hăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình Công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ.”

 

Rõ ràng gia đình có vai trò quan trọng bậc nhất không chỉ ở lãnh vực xã hội, mà cả trong lãnh vực tôn giáo. Cứ nhìn vào 7 bí tích của Ki-tô giáo (bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể, Hòa Giải, Xức Dầu, Truyền Chức, Hôn Phối), sẽ thấy bí tích Hôn Phối (kiến tạo gia đình) là bí tích nền tảng, vì phải có gia đình thì mới sản sinh ra các nhân tố để lãnh nhận các bí tích khác. Khi đã nhận chân được vấn đề như vậy, thì điều tất yếu là phải hiểu được sứ mạng của những nhà giáo dục đầu tiên (các bậc cha mẹ) trong ngôi trường Công Giáo đầu tiên quan trọng và cấp thiết như thế nào, ngõ hầu chu toàn được trách nhiệm của mình.

 

III.- Trách nhiệm của Chủng viện Gia đình:

 

Vì gia đình là “ngôi trường Công Giáo (chủng viện) đầu tiên” nên trách nhiệm chủ yếu chỉ có thể là giáo dục. Tuyên ngôn “Giáo Dục Ki-tô Giáo” (số 8) đã chỉ rõ vai trò và trách nhiệm trường Công Giáo, đó là “trường Công Giáo cũng theo đuổi những mục tiêu văn hóa và giáo dục nhân bản cho thanh thiếu niên không kém gì các trường khác. Điều riêng biệt của trường Công Giáo là có sứ mệnh tạo cho môi trường học đường một bầu khí sống động, thấm nhuần tự do và bác ái theo tinh thần Phúc Âm, giúp thanh thiếu niên phát triển nhân cách mình đồng thời làm phát triển con người mới đã được thành hình khi chịu phép rửa tội. Sau cùng, trường công giáo còn phải hướng nền văn hóa chung của nhân loại vào việc loan truyền ơn cứu rỗi để cho các học sinh dần dần nhận thức về thế giới, cuộc đời và con người nhờ ánh sáng đức tin soi chiếu.”

 

Sứ mạng giáo dục của các bậc cha mẹ trong gia đình bắt nguồn một cách mới mẻ và chuyên biệt nơi bí tích Hôn Phối, khởi sự từ việc dự phần vào cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Ấy cũng bởi bí tích Hôn Phối là bí tích thánh hiến họ trong sứ mạng truyền sinh (cộng tác vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa) và truyền giáo (giáo dục nền tảng đức tin Ki-tô giáo). Một cách cụ thể, thì việc giáo dục trong gia đình không những mời gọi các bậc cha mẹ dự phần vào chính quyền bính và tình yêu của Thiên Chúa và của Mục Tử Nhân Lành Giê-su Ki-tô, mà còn tháp nhập vào tình mẫu tử của Hội Thánh. Bí tích Hôn Phối còn làm cho họ được giàu thêm các ơn khôn ngoan, lo liệu và sức mạnh cùng tất cả những ơn khác của Thánh Thần, ngõ hầu có thể giúp cho con cái họ được lớn lên về mặt nhân bản và đức tin Ki-tô Giáo.

 

Vâng, “Nhờ Bí tích Hôn nhân, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá và ơn gọi của một “thừa tác vụ” đích thực trong Hội Thánh để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Hội Thánh… Khi lấy lại và khai triển các nét lớn trong giáo huấn của Công Đồng, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã trình bày sứ mạng giáo dục của gia đình Ki-tô hữu như một thừa tác vụ đích thực, nhờ thừa tác vụ ấy, Tin Mừng được thông truyền và phổ biến, đến nỗi xét trong toàn bộ, đời sống gia đình trở thành con đường đức tin, và một cách nào đó, trở thành sự khai tâm Ki-tô giáo và là trường học đời sống, dạy cho ta noi gương Đức Ki-tô.” (Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio”, số 39).

 

So sánh thừa tác vụ giáo dục trong gia đình với thừa tác vụ linh mục không phải là để đề cao, nhưng là để thấy được tầm quan trọng bất khả nhượng trong sứ mạng giáo dục con cái của những nhà giáo dục đầu tiên. Quả thật “Trong gia đình như một Giáo Hội nhỏ, cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục.” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 11). Tất nhiên các bậc cha mẹ “Phải giáo dục con cái thế nào để khi đến tuổi trưởng thành chúng có thể chọn bậc sống và theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì, với ý thức trách nhiệm đầy đủ; và nếu kết hôn, chúng có thể lập gia đình riêng trong những điều kiện luân lý, xã hội và kinh tế thuận lợi.” (Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes” – số 52).

 

IV.- Trách nhiệm của cộng đoàn Ki-tô hữu:

 

Nhiệm vụ giáo dục trước hết thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của cộng đoàn Ki-tô hữu, các hội đoàn và rộng ra là toàn thể xã hội. Thực vậy, ngoài những quyền lợi của cha mẹ và của những người được cha mẹ ủy thác cho một phần công việc giáo dục, chắc chắn cộng đoàn Dân Chúa và nhất là các hội đoàn Công Giáo cũng còn có những quyền lợi và bổn phận, mà một trong những bổn phận đó là đẩy mạnh công cuộc giáo dục giới trẻ bằng nhiều phương cách.

 

Vì thế, “Toàn thể cộng đoàn Ki-tô hữu có bổn phận cổ võ các ơn thiên triệu, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Ki-tô hữu trọn vẹn; các gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện sơ khởi, còn những giáo xứ là nơi các thanh niên tham dự vào đời sống phong phú của mình. Các giáo chức và tất cả những ai, bằng bất cứ cách nào, lo việc giáo dục thiếu nhi và thanh niên, nhất là những Hội Ðoàn Công Giáo phải chú tâm đào luyện các thanh thiếu niên được ủy thác cho mình để họ có thể nhận ra ơn thiên triệu và sẵn lòng bước theo. Mọi Linh Mục phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành tông đồ để khích lệ các ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn các thanh thiếu niên đến chức Linh Mục, bằng chính đời sống cá nhân khiêm nhượng, cần mẫn, vui tươi, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các Linh Mục.” (Sắc lệnh về đào tạo Linh Mục “Optatam Totius”, số 2).

 

Kết luận:

 

Bài viết này vì tập trung vào Chủng viện đầu tiên là Gia đình Ki-tô giáo, nên tất cả chỉ là bước khởi đầu, là sự khai tâm giáo dục cho con trẻ nơi “vườn ươm” (seminarium) Ngôi trường Công Giáo. Để hiểu sâu xa hơn về “Ơn gọi Tu trì”, xin tham khảo thêm sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (các số 373, 863, 914-933, 1581-1589, 1603-1604, 1998, 2226-2233, 2331, 2369); các tài liệu Huấn Quyền: Tuyên ngôn về Giáo dục Ki-tô Giáo “Gravissimum Educationis” (số 3-8); Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 11); Sắc lệnh về đào tạo Linh Mục “Optatam totius” (số 2); Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân “Apostolicam Actuositatem” (số 2-4); Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội “Gaudium et Spes” (số 52); Thông điệp Sự sống con người “Humanae Vitae” (số 12); Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi Đời tu “Perfectae caritatis” (số 24); Tông huấn Gia đình “Familiaris Consortio” (số 38-39, 47); Tông huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân “Christi Fideles Laici” (số 21-25).

 

Tóm lai, sứ mạng giáo dục đòi hỏi các bậc cha mẹ Ki-tô hữu phải đem lại cho con cái tất cả những gì cần thiết để dần dần giáo dục cho chúng một nhân cách theo quan điểm Ki-tô giáo và Hội Thánh. Tất nhiên, vì là bước khởi đầu khai tâm cho con trẻ, cha mẹ giáo dục con cái không phải bằng những lý thuyết cao siêu, mà bằng hành động, bằng gương sáng thể hiện những đức tính căn bản của con người. Khi con trẻ trưởng thành sẽ có sự tiếp tay của cộng đoàn (Giáo xứ, các lớp Giáo lý, các trường Công Giáo, các hội đoàn…). Các bậc cha mẹ phải làm sao giáo dục theo đúng định hướng căn bản của Giáo dục Ki-tô giáo, tức là nhằm lo sao để chỉ cho các con thấy ý nghĩa sâu xa mà đức tin cũng như lòng yêu mến Đức Giê-su Ki-tô sẽ có thể đưa chúng đến. “Ngoài ra, trong khi họ bận tâm củng cố ân sủng Thiên Chúa đã ban trong linh hồn con cái, cha mẹ Ki-tô hữu sẽ được nâng đỡ nhờ ý thức rằng Chúa đang ký thác cho họ sự tăng trưởng của một người con Thiên Chúa, một người em của Đức Ki-tô, một đền thờ của Chúa Thánh Thần và một chi thể của Hội Thánh.” (Tông huấn Gia đình “Familiaris Consortio”, số 39)..

 

Ôi! Lạy Chúa! Được vinh dự là những nhà giáo dục đầu tiên trong “Chủng viện Gia đình”, chúng con biết rõ rằng – với sự bất toàn của con người – chúng con không thể làm gì được, nếu không được Chúa soi sáng và chỉ dạy. Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí hướng dẫn, tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm, để chúng con có thể chu toàn sứ vụ giáo dục trong gia đình mà Chúa đã trao phó cho chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.