Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chinh phục

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CHINH PHỤC (CN XXIII/TN-A)

 

Mở đầu bài Tin Mừng CN.XXIII/TN-A (Mt 18, 15-20), Đức Giê-su dạy môn đệ: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế" (Mt 18, 15-17). Sửa lỗi anh em, được anh em nghe lời mà tỉnh ngộ nhận ra sai lầm của mình, thì đúng là "đã chinh phục được người anh em".

 

Tuy nhiên, tiếp liền theo đó, thì Đức Giê-su lại dạy: "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy" (Mt 18, 18), khiến cho nhiều vị chức sắc thấy mình là number one, và tự cho mình cái quyền làm "phê bình gia" bất chấp phải trái, làm quan toà bất chấp luật lệ. Họ cứ bám vào đoạn Tin Mừng này, mà quên mất một điều, không ít lần Đức Ki-tô còn dạy: "Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: "Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn", trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em"  (Mt 7, 1-5). Quả thật, muốn lấy cọng rác ra khỏi mắt người anh em thì trước hết hãy lấy cái xà ra khỏi mắt mình. Muốn phê bình người khác, hãy biết tự phê bình chính mình trước đã.

 

Thế nhưng tại sao Chúa Ki-tô lại dạy như vậy ("Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy" – Mt 18, 18)? Bình tâm đọc lại bài Tin Mừng, vấn đề sẽ sáng tỏ ngay. Vâng, trước hết phải xét cho kỹ xem có thật là người anh em mình phạm lỗi hay không. Khi đã thấy đúng sự thật, lúc đó mới tới sửa lỗi và chỉ nên có "một mình anh với nó mà thôi". Tại sao lại thế? Đó chính là một cách giao tế khôn khéo, một cách phê bình tế nhị, phê bình để giúp anh em nhận ra sự sai sót của mình mà sửa đổi. Còn nếu chưa gì mà đã lu loa, mồm năm miệng mười, đòi công khai hoá lỗi phạm của người ta, thì dù cho người bị phê bình có thật sự sai phạm, họ cũng chẳng chịu nhận. Không những thế, coi chừng người phê bình sẽ bị "lỗ mũi ăn trầu". Hãy tuần tự nhi tiến, nếu bước một không kết quả, thì bước 2 sẽ nhờ cộng đoàn hỗ trợ ("căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân"). Đã có nhân chứng để tăng thêm phần thuyết phục, mà họ vẫn không nghe ra, thì đành phải trình với Hội Thánh (Giáo quyền) giải quyết vấn đề. Đến như thế, mà người anh em vẫn ngoan cố không chiu nghe, thì đành chỉ còn một nước "bó tay chấm com" ("botay.com"), “kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18, 17), phó “mặc cho con Tạo xoay vần" (Kiều).

 

Tiếp liền lời dạy sửa lỗi anh em, Đức Ki-tô tiếp tục dạy "Hiệp lời cầu nguyện". Đọc lướt qua thì tưởng chừng như 2 vấn đề trong bài Tin Mừng hôm nay ("Sửa lỗi anh em", "Hiệp lời cầu nguyện") chẳng ăn nhập gì với nhau; nhưng suy nghĩ cho kỹ sẽ thấy tuy là 2 vấn đề có hai chiều hướng khác nhau (một bên là "nói với anh em", còn một bên là "nói với Chúa"), nhưng chúng vẫn gắn liền với nhau. Vấn đề "Sửa lỗi anh em" tưởng chừng như đã bị bó tay, không còn lối thoát, thói thường thì hay bị buông xuôi. Tuy nhiên, cũng đừng vội nản chí, bởi vẫn còn một cứu cánh cuối cùng là bàn tay của Chúa (Chúa Thánh Thần). Muốn được vậy, thì tất nhiên phải biết "nói với Chúa". Chúa đã từng dạy "Yêu thương cả kẻ thù", huống hồ đây cũng là người anh em của mình dù đã sai lỗi và ngoan cố không chịu sửa đổi. Vậy thì hãy "cầu nguyện" cho họ. Đắc sách nhất trong trường hợp này là hãy "hiệp lời cầu nguyện" cho người anh em phạm lỗi, bởi  "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." (Mt 18, 19-20).

 

Ba đặc tính của cộng đoàn Ki-tô hữu "cầu nguyện cho nhau, sửa chữa cho nhau, cầu nguyện với nhau" luôn gắn kết chặt chẽ với nhau như câu ca dao Việt Nam khẳng định: "Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Cầu nguyện cho nhau thì tương đối dễ thực hiện, cầu nguyện với nhau khó hơn vì phải đồng tâm nhất trí, nhưng sửa chữa cho nhau là điều khó hơn cả. Sửa chữa lỗi lầm cho nhau không phải và không thể là phê bình bới lông tìm vết, là xét đoán, kết án nọ kia, mà đòi hỏi phải thực sự xuất phát từ "món nợ Tình Yêu", như lời Chúa trong thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma: "Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy" (Rm 13,8-10).

 

Sai lỗi là vi phạm Lề Luật, thì khi "sửa lỗi cho nhau" chính là chu toàn Lề Luật vậy. Vâng, trang trải thoả đáng được "món nợ Tình Yêu" ("cho đi"), thì kết quả thu được ("nhận về") sẽ thật mỹ mãn. Tóm lại, đừng vội làm phê bình gia, làm quan tòa, khi chưa lấy được cái xà trong mắt mình. Hãy nhìn lại mình mà "sửa mình" trước, nhiên hậu mới "sửa lỗi anh em". "Sửa mình" tất nhiên là một trách nhiệm bất khả thay thế, nhưng "sửa lỗi anh em" cũng phải được coi là một trach nhiệm bất khả từ nan. Cũng bởi vì “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết", mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (Bài đọc 1: Ed 33, 8-9).

 

Khi đã ý thức được tất cả đều là con cái của Thiên Chúa mà Trưởng Tử chính là Đức Giê-su Ki-tô, đã hiểu được tất cả đều là anh em ("tứ hải giai huynh đệ"), thì dứt khoát phải yêu người như yêu chính mình ("ái nhân như ái thân"). Bản thân mình sai lỗi, ao ước được Thiên Chúa thứ tha như thế nào, thì cũng phải ao ước cho người anh em sai lỗi cũng được tha thứ như vậy. Chỉ có như thế mới hy vọng "cứu được mạng sống mình" và được Trưởng Tử Giê-su dang rộng vòng tay đón vào cõi phúc. Ôi, lạy Chúa ! Con khao khát được Chúa tha thứ mọi lỗi phạm của con với Chúa và với anh em; đồng thời con cũng khao khát Chúa sẽ nghe chúng con hiệp lời cầu nguyện cho những anh em của chúng con đã lỗi phạm cùng Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.