Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tiệc cưới, áo cưới

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên A

TIỆC CƯỚI – ÁO CƯỚI

Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14

Một trong những đám cưới được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đó là đám cưới của Alexandre Đại đế với công chúa Roxane của Ba Tư vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên.

 

Khi quyết định cưới một người Á Châu, dĩ nhiên, Alexandre theo tiếng gọi của con tim. Nhưng qua cuộc hôn nhân này, ông muốn biểu tỏ ý muốn thống nhất tất cả lãnh thổ đã được chinh phục từ Đông sang Tây. Ông cũng hy vọng có được một người con nối dõi với hai dòng máu Đông Tây để thống nhất hai phần đất của địa cầu.

 

Đám cưới được cử hành trong vòng bảy ngày, bảy đêm. Nơi nơi đều có yến tiệc. Và để tăng thêm phần long trọng, Alexandre đã cho tổ chức những cuộc tranh tài thể thao: Thế vận hội đã được khai sinh từ đó. Chính Đại đế là người đích thân trao giải thưởng cho những người thắng cuộc. Thông thường Hoàng đế trao tặng những chiếc cúp bằng vàng. Nhưng người được coi là đoạt nhiều giải nhất trong cuộc thi thế vận hội đầu tiên ấy chỉ nhận được một cành lá chiến thắng. Alexandre Đại đế giải thích như sau: Chỉ có vinh quang mới có thể tưởng thưởng được người xuất sắc nhất…

 

Đám cưới luôn là một ngày trọng đại cho cô dâu và chú rể, cả gia đình hai bên dù dòng dõi quý tộc đến các gia đình dân giã. Hai gia đình và cô dâu chú rể thường lựa chọn những người thân yêu nhất để gửi thiệp cưới cùng đến tham dự chia vui với họ. Người được mời, cũng hân hạnh đáp lại lòng trân trọng, chuẩn bị y phục tham dự lễ cưới. Sự chuẩn bị y phục đại lễ cưới, đôi lúc mang cho khách được mời nhiều căng thẳng. Mọi người đều biết rằng, y phục tham dự lễ cưới rất quan trọng

….

Trong Tin Mừng Mt 22,1-14, Chúa Giêsu qua dụ ngôn tiệc cưới hoàng gia: Đức vua mở tiệc cưới cho con mình (Mt 22,1) để nói về tiệc Thiên sai Nước trời. Hình ảnh bữa tiệc thiên sai có lẽ được mượn từ Cựu Ước (x. Is 25,6-9; 55,1-3). Cụ thể là ngôn sứ Isaia 25,6-9: Hạnh phúc viên mãn trong thời sau hết là tiệc cưới mà Thiên Chúa dọn cho mọi người trên núi thánh. Người tham dự không chỉ được thưởng thức những thức ăn ngon, mà còn được cất khỏi mọi buồn sầu tủi hổ, tang chế. Hạnh phúc Nước Trời được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người không phân biệt ai. Tiệc cưới diễn tả tính nhưng không của ơn cứu độ được Thiên Chúa ban tặng cho Dân Người. Sách Khải huyền sau này cũng trình bày ngày quang lâm của Nước Thiên Chúa như là việc cử hành lễ cưới của Con Chiên ( x. Kh 19).

 

Những “người đã được mời” (keklêmenous) là các bạn hữu, những người đang sống trong tương quan thân tình với nhà vua, nên Đức vua sai đầy tớ đến và mời thúc bách (Mt 22,4) xác định rõ ràng ngày giờ của tiệc cưới. Điều này cho thấy cử chỉ tối hậu do lòng tốt của nhà vua, nhưng đã không được đáp lại: Khách được mời lại không chịu đến (Mt 22,3), nếu dịch sát nghĩa là họ “không muốn đến”. Thánh Matthêu thường dùng động từ “muốn” (thelô) (x. Mt 11,14; 16,24; 18,30; 19,17; 23,27b) để diễn tả một quyết định rõ ràng. Thế mà nhà vua chỉ nhận được một sự từ khước dứt khoát:“không muốn đến” (Mt 22,3). Họ không đến vì có những mối quan tâm thực tiễn, những của cải vật chất (x. Mt 8,18-22; 19,21).

 

Dưới ánh sáng của các dụ ngôn trước trong văn mạch của Tin Mừng Matthêu: Dụ ngôn Những người thợ vườn nho (Mt 21,33-46), việc nhà vua sai các đầy tớ lần đầu (x. Mt 22,3), chúng ta có thể nghĩ đến các ngôn sứ trong Cựu Ước được sai đến dân được tuyển chọn là dân Israel, nhưng họ thường xử tệ và giết các ngôn sứ (x. Mt 23,34-35); qua lần sai phái thứ hai (Mt 22,4-6), chúng ta có thể nghĩ đến các tông đồ (x. Mt 21,34.36). Còn những khách được mời, chúng ta nghĩ đến các thượng tế và người Pharisêu, vì các dụ ngôn được nói cho họ (dụ ngôn Hai người con đi làm Vườn nho (x. Mt 21, 28-32), dụ ngôn Những người thợ vườn nho (x. Mt 21, 33-46) và dụ ngôn đang nói – dụ ngôn Tiệc cưới hoàng gia (Mt 22,1-14) – đều được gửi đến cho các thượng tế và các kỳ mục của Dân (x. Mt 21,23). Tuy nhiên, không chỉ nghĩ  tới giới lãnh đạo Do Thái, vì các sứ giả của Đức Giêsu được cử đến với toàn thể Israel (x. Mt 10,5-6.23)

 

Khách được mời lại không đến, nhà Vua liền sai các đầy tớ: “Vậy các người hãy ra các ngã đường, hễ gặp ai thì mời vào tiệc cưới”. Lời truyền "hãy đi"(poreuesthe oun) làm cho chúng ta nhớ lệnh truyền mà Chúa Giêsu sai các môn đồ đến với dân ngoại: “Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp các môn đồ khắp muôn dân” ( Mt 28,19). Ơn cứu độ nhưng không của Chúa Kitô, dù bị người Do thái khinh chê, vẫn được cống hiến cho bất cứ ai nghe lời mời gọi của các sứ giả phục vụ Tin Mừng trong khắp nẻo đường thế giới như Chúa Giêsu đã khẳng định: "Nhiều kẻ sẽ từ phương Đông, phương Tây mà đến và được dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước Trời" (Mt 8,11). Sự cứng lòng và từ chối của Israel khai mào thời gian của Giáo Hội, thời gian mà Tin Mừng được rao giảng cho mọi dân tộc (Mt 24,14), phòng tiệc sẽ tràn ngập đủ hạng người. Việc sai các gia nhân lần thứ ba tương ứng với việc sai các sứ đồ đến với dân ngoại sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Ở đây, chúng ta gặp lại chiều hướng phổ quát và truyền giáo rất được thánh Matthêu chú trọng (x. Mt 2,1-2; 3,9; 8,5-10; 8,28-34; 15, 21-28; 13,47; 21,43...). Trong dụ ngôn, lần thứ ba ra đi, các đầy tớ thi hành lệnh ngay, gặp ai “bất luận tốt xấu” cũng tập hợp lại. Thánh Matura nhận định: “Cách diễn tả này chứng tỏ rằng: Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, Người lựa chọn mà không đòi hỏi, nhưng chỉ vì lòng thương xót (Mt 6,45)”

 

Bữa tiệc là hình ảnh Nước Thiên sai - Nước Trời; chiếc áo tượng trưng cho  tư thế căn bản để được vào và ở lại tham dự tiệc. Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu đã yêu cầu các môn đệ phải có một “sự công chính dồi dào hơn” (x. Mt 5,20); đây chính là tinh thần mới người ta phải có để sống thật sự các tương quan với Thiên Chúa. 

 

Nước Trời giống như một tiệc cưới. Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới để nói lên niềm vui của Nước Trời, Chúa dùng hình ảnh này nhiều nhất để diễn tả Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu mặc cho tiệc cưới một ý nghĩa đặc biệt. Chúa đã biến nước lã thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana khi gia đình chú rễ đã hết rượu và khi cuộc vui chưa tàn (x. Ga 2,1-11).

 

Tuy nhiên có người tham dự tiệc cưới lại không mang y phục cưới đó là điều không thể chấp nhận, nên bị loại ra khỏi tiệc cưới. Người tham dự tiệc cưới phải mang y phục cưới. Trong ý nghĩa của ơn cứu độ mà thánh Phaolô khai triển, mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 3,27). Mặc lấy Chúa Kitô là mặc lấy các tâm tình: lân tuất, nhân hậu, khiêm nhu, nhẫn nại, hiền từ (x. Cl 3, 9-13). Noi gương Chúa Kitô mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha như thánh Phaolô khẳng định: Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa công chính và thánh thiện (x. Ep 4,24). Các thánh giáo phụ giải thích thêm một cách cụ thể chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, ít ra là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại cắt nghĩa: chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật…

 

Tiệc cưới nước Trời Chúa mời gọi,

Hân hoan tham dự áo chỉnh tề,

Giữ gìn tâm con luôn xứng đáng

Tiến về quê Trời, tim thiết tha…

 

                                  Lm. Vinh Sơn, Sài gòn