Hình thức gia đình
Hình thức gia đình
Xét về hình thức cơ chế gia đình, ngày nay đã có nhiều thay đổi khác xưa rất nhiều. Trước đây, gia đình theo hình thức đại gia đình (bộ tộc), gồm nhiều thế hệ sống chung, từ ông bà, cha mẹ, con, cháu, chắt… dần theo thời gian, hình thức chuyển sang loại gia đình hạt nhân, giờ đây, những thành viên trong gia đình chỉ gói gọn vào cha mẹ và con cái. Ta thấy có sự khác biệt rõ nét về thành viên trong gia đình bộ tộc và gia đình hạt nhân.
Khoa học kỹ thuật thay thế con người
Trước đây cho tới đầu đến thế kỷ 18, chỉ có gia đình truyền thống, còn từ thế kỷ 18 đến nay xuất hiện gia đình hạt nhân. Lý do có sự thay đổi, phần lớn là kinh tế. Với cơ chế gia đình bộ tộc, nông nghiệp là chủ yếu, các thành viên là những lao động chính, dụng cụ là sức người, là cơ bắp. Từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra, vai trò của dụng cụ đã hỗ trợ và thay đổi cho sức người một cách mạnh mẽ đến kinh khủng, và dụng cụ, máy móc là phương tiện sản xuất chính, con người giờ đây chỉ là phụ thôi.
Đây chính là lý do khiến con người thất nghiệp. Đời sống kinh tế trong gia đình bộ tộc bắt đầu khó khăn, tình trạng di dân đi tìm việc làm để sống bắt đầu tăng dần, dĩ nhiên để tồn tại, con người cũng phải thích nghi với hoàn cảnh xã hội, về môi trường sống, với khả năng của bản thân, nhất là mức thu nhập chi phối các hoạt động trong đời sống, kể cả trong vấn đề hôn nhân gia đình.
Trước đây, để có thêm nhân sự lao động, con người có thể kết hôn sớm, trai 16, gái 14 là được. Còn nay, phải có ổn định về công ăn việc làm, có sự nghiệp rồi mới lập gia đình. Tuổi của nam khoảng 30, nữ khoảng 24 trở lên.
Khuynh hướng hạn chế sinh sản
Ta thấy cách suy nghĩ, cách sống của gia đình bộ tộc và hạt nhân đã đổi thay, dường như hoàn toàn độc lập. Sự thay đổi mạnh mẽ hơn chính là cuộc cách mạng về tính dục thế kỷ 20.
Xưa, vì đời sống kinh tế, sinh con cháu để gia đình thêm đông, thêm nhân sự lao động. Nay mỗi gia đình chỉ sinh một vài người con thôi cũng đuối làm rồi.
Phải chăng có phải vì lý do kinh tế? Đúng. Nhưng sâu xa hơn là vì đời sống hưởng thụ. Có thêm con cái thì phải thêm trách nhiệm, thêm lo, như thế sẽ không còn nhiều thời giờ để đáp ứng cho nhu cầu bản thân, không có nhiều giờ để vui chơi giải trí… Chính vì thế mà việc hạn chế sinh sản là cần thiết, xu hướng này thật nguy hiểm, vì đời sống tính dục và sinh sản bị tách rời nhau. Đặc biệt giờ đây con người có thêm “thần hộ mệnh” chính là thuốc ngừa thai. Con người chẳng cần lo lắng vì sợ “bể kế hoạch” nữa, có thuốc ngừa thai, ta cứ tha hồ vui chơi hưởng thụ…
Sự thay đổi về hình thức và cơ chế gia đình từ bộ tộc sang hạt nhân mở ra một trang sử mới mà dù tốt hay xấu, giờ đây cũng chính các gia đình phải hứng chịu hậu quả, cụ thể như lời đức Giáo hoàng đã cảnh báo, tình yêu và hôn nhân gia đình dần bị tục hoá, bị rạn nứt, gia đình phải sống trong phập phồng lo âu vì nguy cơ đổ vỡ ngày càng cao.
Ánh sáng và bóng tối trong hôn nhân gia đình
Do có sự thay đổi ở trên, hoàn cảnh của các gia đình đang sống hiện tại có những khía cạnh tích cực cũng như có những mặt tiêu cực. Một số khía cạnh là dấu chỉ cho thấy ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô đang tác động trong thế gian, một số khía cạnh khác cho thấy sự từ chối của con người đang chống lại tình thương của Thiên Chúa.
Ánh sáng
Các gia đình ngày nay, người ta thấy có một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và một sự chú ý nhiều hơn đến phẩm chất của các tương quan liên vị trong hôn nhân, liên vị giữa các thành viên trong gia đình; thêm vào đó là ý thức về nhu cầu phát triển những liên hệ giữa các gia đình để giúp đỡ nhau về cả tinh thần lẫn vật chất, cũng như khám phá lại sứ mạng mà Giáo hội riêng biệt của gia đình và trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng một xã hội công bình hơn. Mỗi người không còn chỉ nghĩ đến bản thân mình nữa, mà biết nghĩ đến nhu cầu, lợi ích của người khác, để tạo thêm niềm vui cho nhau qua các dịp lễ hội, kỷ niệm…
Nói chung con người biết tuỳ khả năng của mình để hỗ trợ nhau phát triển các mặt trong cuộc sống nhân bản, đạo đức, các chiều kích khác trong cuộc sống, giúp nhau thăng tiến, hội nhập vào xã hội, cộng tác vào Giáo hội để Giáo hội được trở nên thể hiện sức sống của nền văn minh tình thương.
Sự tự do còn được thể hiện trong việc chọn lựa người bạn đời, không theo còn theo định chế cha mẹ đặt đâu con phải theo đó. Điểm tích cực khác là con người biết quan tâm và nâng cao phẩm giá của người phụ nữ, nhờ đó, người phụ nữ có thể hội nhập, cộng tác đắc lực của cá nhân mình vào cộng đoàn xã hội và Giáo hội.
Họ ý thức việc hôn nhân gia đình là điều quan trọng nên khi đi vào đời sống này, họ luôn có trách nhiệm xây dựng cho hạnh phúc của mình, nhất là ý thức quan tâm đến việc sinh con có trách nhiệm. Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu. Họ ý thức trong đời sống sinh hoạt vợ chồng để làm sao sự sống mới được hình thành với đầy đủ yếu tố tốt đẹp của bố mẹ truyền sang. Không những thế, họ còn lo lắng dưỡng nuôi con cái để con cái phát triển một cách tốt nhất.
Được như thế đó là một điều mơ ước mà mỗi gia đình phải phấn đấu đạt được. Tuy nhiên, nhiều gia đình khác đã, đang phải sống trong những bóng mây của thất vọng, đau khổ vì thiếu tình thương trong cộng đoàn gia đình. cha mẹ không hoà thuận, con cái thiếu tin tưởng cha mẹ…
Bóng tối
Chính những xu hướng và các trào lưu thực dụng, tục hoá làm cho con người chỉ biết đến mình mà thôi, họ dần bị sai lầm trong ý thức, rồi sai lầm trong thực hành. Họ đề cao cá nhân chủ nghĩa. Giờ đây, đời sống con người trở nên độc lập.
Vợ chồng độc lập. Con cái độc lập. Độc lập trong mọi tương quan nhân vị với người khác…
Độc lập trong giao tế: bạn tôi bạn anh; việc tôi việc anh; tiền của tôi, tiền của cô…
Họ sai lầm trong quan niệm về tự do, nghĩa là, theo họ, tự do là muốn làm gì thì làm, kể cả điều xấu. Trong khi tự do đích thực luôn phải hướng đến sự thiện. Càng làm điều xấu ta càng mất tự do, vì phải lệ thuộc cho điều xấu. Còn càng làm điều thiện thì ta càng được tự do và được phát triển toàn vẹn phẩm cách con người trong tình yêu thương nhân loại và tình yêu thương Thiên Chúa.
Cuộc sống của họ mất đi sự tin tưởng lẫn nhau, họ sợ phải chịu trách nhiệm đối với nhau, đối với con cái, với người thân. Và dĩ nhiên họ cũng sợ phải sinh con, phải có trách nhiệm đối với con, nên những mầm sống được hình thành trong tình yêu cha mẹ bớt dần, những sự sống bị đe doạ cao hơn vì tính ích kỷ, muốn loại trừ mầm sống đi để có được sự hưởng thụ cao hơn cho thân xác, cho bản năng… Kết cục cho thấy, vấn đề ly dị ngày càng cao. Hôn nhân gia đình không còn mở ngõ cho sự sống hình thành và phát triển.
Bóng tối và ánh sáng đan chen nhau trong gia đình, gia đình luôn phải ứng phó, phải dấn thân và phải phân định mọi điều xảy đến trong gia đình từng ngày từng giờ để có một chọn lựa tốt nhất. Gia đình phải can đảm chọn lựa. Chọn lựa lòng yêu mến Chúa hay coi thường kinh rẻ sự hiện diện của Ngài. Chọn lựa để giáo dục con cái trong đức tin hay để mặc chúng muốn trở thành gì cũng được… Nói chung phải cậy đến sức mạnh của Chúa qua việc tham dự lãnh nhận các bí tích, sống Tin mừng hàng ngày, đến và sống với Chúa trong từng biến cố cuộc sống.
(Tham khảo: ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio)
BÀI ĐỌC THÊM
Thống nhất và rõ ràng
Chuyện chung :
1. Hai vợ chồng nên đồng ý, thống nhất với nhau về một số vấn đề thiết yếu và quan trọng trong cuộc sống như : tôn giáo - giáo dục con cái - quan hệ với cha mẹ.
Còn những chuyện phụ thuộc như : thời trang - giải trí… hai bạn có thể có ý kiến khác nhau và nên tôn trọng ý kiến của nhau. Tuy chỉ là phụ thuộc thôi, nhưng mỗi người cũng vì bác ái mà hy sinh nếu xét thấy sự hy sinh mang lại niềm vui cho gia đình, niềm vui phát sinh niềm vui, và mình cũng được nếm hưởng sự ngọt ngào của nó.
2. Vợ chồng đừng bao giờ to tiếng với nhau. Nhất là không nên tranh luận với nhau vào buổi tối. Khi cả hai đều mệt mỏi sau một ngày làm việc, nhất là sau không biết bao nhiêu là phiền toái mà hai bạn gặp trong ngày ; nhưng chẳng may cuộc tranh luận đã phát sinh một cách tự nhiên và đến hồi sôi nổi, căng thẳng, thì thái độ tốt nhất là nên dừng lại, giữ thinh lặng. Giấc ngủ luôn là liều thuốc hữu hiệu để chữa trị mọi vết thương đau.
3. Hãy học lấy sự khôn ngoan này là : lắng nghe trước khi trả lời. Biết lắng nghe tức là khiêm tốn, tôn trọng đối với người khác và nhất là biết thương yêu thật sự người bạn đời của mình. Lắng nghe là một nghệ thuật giúp ta có thể trả lời cho sự thực và tránh được việc làm quan trọng hoá vấn đề…
4. Đừng bao giờ khăng khăng tự cho mình là người có lý và quyết ăn thua bằng mọi giá. Vì tất cả ai trong chúng ta cũng có thể lầm lẫn.
5. Một qui luật đáng được xem như là khuôn vàng thước ngọc của vợ chồng đó là : Không nên tốn nhiều nước mắt cho những cái đã rồi mà hãy coi đó như bàn đạp để tiến đến những cái tốt đẹp hơn.
6. Sau cuộc tranh luận, hai bạn nên cười với nhau. Điều này cho thấy dù thế nào đi nữa là hai bạn vẫn còn yêu nhau. Dù có một bên cười mà thôi thì cũng chứng tỏ là : sự thông cảm đã bắt đầu có giữa hai người.
Chuyện riêng :
Vì một lý do nào đó cần phải lên tiếng, hãy nhớ rằng :
Cần cho người bạn mình có một khoảng thời gian tâm lý để sẵn sàng đón nhận điều ta muốn nói (không phải ở bất cứ đâu hay nói bất cứ lúc nào…). Và phải chắc chắn là vấn đề của ta không làm đau lòng, tổn thương người bạn. Nhưng trước hết phải cố tìm ra lý do, hoàn cảnh và phương cách xảy ra những sai lầm đó. Hãy nói lời “xin lỗi", lời này thật hữu hiệu, nhưng nó chỉ có tác dụng thật sự khi ta cố gắng sửa và không tái phạm trong tương lai. Biết nói “lời cám ơn”. Ta cám ơn người khác vì đã giúp ta điều gì, thì tại sao mình không biết cảm ơn nhau vì bạn đời đã không phải chỉ giúp ta một ngày, hay một vài việc, nhưng là giúp ta mọi công việc, mang đến niềm vui cho ta suốt cả cuộc đời. Vợ chồng càng hiểu nhau nhiều, các vấn đề rắc rối càng dễ dàng được giải quyết nhanh chóng.
Nhưng tất cả những cố gắng của con người sẽ không có kết quả mỹ mãn nếu tách ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. Một khi tách rời khỏi ơn Chúa thì con người khó có thể thực hiện điều Chúa dạy là : chung thuỷ với nhau suốt đời. Hãy nhớ rằng : không có một cố gắng nào hữu hiệu hơn để tránh hoặc giảm thiểu những cãi cọ bất bình cho bằng một đời sống đức tin vững mạnh.
Đời sống đức tin vững mạnh, nghĩa là : có lòng tốt, sự thành thật, tinh thần hy sinh và nhất là biết tha thứ. Con người ai cũng có lầm lỗi, nên tha thứ dấu hiệu cụ thể nhất nói rằng mình vẫn còn yêu bạn mình. Ta hãy bắt chước Đức Kitô - Người đã hy sinh tất cả, dấn thân tất cả, yêu thương tất cả, chấp nhận tất cả, phục vụ tất cả, và nhất là tha thứ tất cả, miễn là tình yêu được biểu lộ. Chỉ bằng một đời sống như thế vợ chồng mới có thể giải quyết một cách êm thắm những bất bình với nhau, bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể là câu giải đáp cho những vấn đề xem ra không thể giải đáp được.
Hai bạn phải sống chung thuỷ với nhau, vì sự kết hợp này không phải do loài người, nhưng bởi ơn trên. “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Hãy cậy trông, chạy đến với Chúa và tin tưởng vào sự trợ giúp của Người trong mọi lúc, nhất là lúc khốn khó. Xin Chúa Giêsu Tình Yêu chúc lành và thánh hoá cuộc sống hai bạn, để gia đình trở thành ánh sáng, thành dấu chỉ Tình Yêu Chúa đang hiện diện trong cuộc sống hai bạn bằng việc chấp nhận, dấn thân, hy sinh, hiến thân, và tha thứ tất cả, miễn là tình yêu được biểu lộ.
THANH THANH