Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Này tôi là tôi tớ Chúa

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

“NÀY TÔI LÀ TÔI TỚ CHÚA

 (Lc 1, 26- 38)

 

Kính tặng Cha Đaminh- nguyên Quản hạt Phước Lý

 

Tin mừng hôm nay tường thuật biến cố Truyền tin. Chiêm ngắm cuộc đời Đức Maria trong giây phút Truyền Tin hẳn ta sẽ khám phá nhiều điều thú vị, thiết yếu cho đời sống Đạo, nhất là trong Năm Thánh Giáo phận Xuân Lộc mùng Kim Khánh thành lập Giáo phận (1965-1915).

 

Đức Trinh nữ Maria cho thấy- đặc biệt qua bài Tin Mừng vừa công bố- đời sống cầu nguyện của Nàng như cuộc gặp gỡ- đối thọai với Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện như đối thoại phải thấy Chúa hiện diện, để Chúa nói với và ta phải lắng nghe tiếng Ngài nói.

 

Trong cuộc đối thoại này, Thiên Chúa là người đi bước trước và thái độ Đức Maria đều quy hướng về Thiên Chúa trong khiêm tốn đối thoại, trong tin yêu, phó thác. Không hiểu lời Sứ thần chào, Đức Maria hướng về Chúa xin giải thích; thắc mắc không biết thực thi cách nào, Maria trông cậy Chúa để Người chỉ dạy… Và một khi đã hiểu được ý Chúa, Đức Maria mau mắn nhận lời, đưa vào cuộc sống.

 

  Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền’. Biến cố Truyền tin dẫn Trinh nữ Maria đến một bước ngoặc cuộc sống. Bắt đầu từ giây phút này, trong  quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giêsu Nhập thể làm người trong cung lòng Trinh nữ, Mẹ chính thức thi hành ý Chúa trong vai trò làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa.

 

Này tôi là tôi tớ Chúa’, vâng, cùng trong tâm tình Mẹ Maria, ngày này 17 năm trước, Cha Đaminh, trong sự vâng phục thánh ý Chúa đã can đảm lãnh nhận Thiên chức Linh mục, tiến tới một bước ngoặc mang tính quyết định cho cả cuộc đời và cả đời đời. Nói can đảm, bởi từ giây phút này, Linh mục mới chính thức bước vào hành trình Thập giá theo Thầy Giêsu chí thánh.

 

Nói can đảm, bởi từ đây Linh mục- hiện thân của Chúa Giêsu, trở nên như Thầy Giêsu. Linh mục- Tư tế Thừa tác, hiện thân Đức Kitô trong tư cách là Đầu, thì cũng có nghĩa trở nên tôi tớ phục vụ như Chúa: ‘Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, song để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người’ (Mc 10, 45).

 

Này tôi là tôi tớ Chúa’, trong đời sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, Mẹ Maria đã nhận ra con người thật của mình, xác định được vị trí của mình. Người môn đệ theo Chúa Giêsu không phải giết đi cái tôi, xóa đi bản ngã độc đáo của mình, mà chính là tìm ra được ‘cái tôi’- cái bản ngã- cái con người thật của chính mình. ‘Xin Cho con biết Chúa, xin cho con biết con”, Thánh Giáo phụ Augustino đã từng khắc khoải, luôn cầu nguyện như thế.

 

Này tôi là tôi tớ Chúa’, trong ơn Chúa, việc đi tìm con người thật của chính mình rất quan trọng. Chúa Giêsu mẫu gương toàn hảo mọi đàng: khiêm nhường tột độ, vâng phục tuyệt đỉnh, tự hủy tận cùng nhưng đồng thời Người cũng luôn khẳng định rõ Ngôi Vị đích thực của mình: “Các người nghe người xưa… còn Ta, Ta bảo” (Mt 6,11-48); “Ai nghe lời Ta và thi hành” (Mt, 7,21); “Người chăn chiên tốt, chính là Ta” (Ga 10,14 ); ‘đây là Mình Ta, đây là Máu Ta v.v.

 

Môn đệ theo Chúa, Người cũng đòi hỏi phải thể hiện được “nhân vị”- khẳng định được chính mình. “Phần anh em, anh em nói Thày là ai?” (Mt 16,15). Từ “anh em” đặt các môn đệ ra khỏi đám đông, trực diện với chính mình để tự trả lời về căn tính Giêsu. Người muốn lời tuyên xưng Đức tin phát xuất từ chính cuộc sống mỗi người chứ không muốn chấp nhận thụ động từ một công thức.

 

 Ta cần xác tín: Thiên Chúa cũng xem ta một “nhân vị”- một bản ngã có một không hai. Thiên Chúa không chỉ là “Cha chúng con” mà còn là “Cha tôi”, tình yêu của Ngài bao chùm tất cả mọi người, song cũng rất “riêng tư” đối với tôi. Cảm nghiệm được điều này, ta thấy đời sống Đức tin trong Năm Thánh Giáo phận thật sống động, theo Chúa là Tin Mừng chứ không phải tin buồn.

 

“Này tôi là tôi tớ Chúa’, đấy chính là con đường Cứu thế của Chúa Giêsu Kitô- Người Tôi trung của Thiên Chúa. Đấng, như Giáo hội xác tín ‘vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn chút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế’ (Pl 2,6-7).    

 

Đi trên con đường Chúa Giêsu khai mở, trở nên giống Chúa Giêsu, mỗi ngày mỗi giống Chúa Giêsu, đấy chính lý do cuộc sống, ý nghĩa cuộc sống, động lực cuộc sống và là mục đích cuộc sống của mỗi kitô hữu, Kitô hữu giáo sĩ hay Kitô hữu giáo dân, nhất là trong Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo phận.

 

“Này tôi là tôi tớ Chúa’, con cảm ơn cha Đaminh, câu tâm niệm của Cha, điều Cha trong ơn Chúa đã- đang- và tiếp tục sống đã cho con, trong phạm vi riêng con thấy rõ con người thật của mình, thấy rõ hơn ân tình Chúa ban cho con dù con bất xứng, rất bất xứng.

 

Hè 2007, tôi may mắn được thự tập mục vụ hè trong Ban Bác ái Giáo phận, nhờ vậy tôi có dịp đi tiếp xúc người nghèo, có nghe và có thấy trực tiếp nhiều hòan cảnh bất hạnh, kém may mắn. Chuyện cảm động thì nhiều, nhưng ở đây chỉ xin kể một “vụn vặt” giúp tôi nhìn lại chính mình.

 

Người dẫn tôi đi khảo sát ở một vùng nghèo vốn có uy tín, “được lòng dân lắm”, bằng chứng tới nhà nào anh cũng được gia chủ tiếp đón nồng nhiệt vui vẻ. Anh dẫn tôi đến một trường hợp người già neo đơn, gặp cụ, anh chào và giới thiệu vắn tắt: “Có người trong Ban Bác ái xuống thăm cụ, xem có thể giúp cụ được gì không!”. Dường như cụ chưa nghe và hình như cụ cũng chẳng thèm quan tâm đến sự hiện diện của tôi, chỉ biết khi gặp được anh, cụ vồn vã, vui lắm, nói chuyện với anh liên hồi…

 

Lúc sau cụ nhìn tôi, có vẻ ngỡ ngàng: “ông này là ai?”.Thưa cụ, anh là thầy trong Ban Bác ái Giáo phận nhà...”. Chữ “thầy” như một dòng diện cực mạnh, làm xoay chuyển 180 độ thái độ của cụ. Cụ liền tỏ thái độ niềm nở, kính trọng khác thường, một lời hai lời đều xưng “thầy - con” một cách trọng kính, trang nghiêm.

 

Tôi tự hỏi: “Tôi là ai? Vẫn là tôi đấy mà nhưng sao trước tôi chẳng là gì hết, thậm chí sự hiện diện của tôi cũng chẳng có ý nghĩa nhưng sau khi gắn chữ “thầy” tôi bỗng là con người khác! Như vậy người ta niềm nở chào đón tôi, kính trọng tôi không phải vì tôi nhưng tại tôi mặc “áo thầy”, tức người ta kính trọng và yêu mến Giáo Hội vì uy tín của Giáo Hội, của Giáo phận.

 

Tôi giật mình!...

 

Vì cao trọng hơn “áo thầy” tôi còn là “Kitô hữu”- người có sự hiện diện của Thầy Giêsu, mang Đức Kitô trong máu huyết của mình.

 

Y phục xứng kỳ đức”! -Tôi tự nhắc nhủ chính mình. Tôi phải sống sao để khỏi hổ thẹn với chính mình, để Thầy Giêsu và Giáo hội không hổ thẹn vì mình.

 

Và trong tầm nhìn phổ quát, ‘chức Linh mục’  không chỉ cho cá nhân riêng ai mà là cho toàn thể Dân Chúa- những người mang danh Kitô hữu, bởi trong sức mạnh Chúa Thánh Thần, khi được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy đều được tham dự vào chức vụ Tư Tế Cứu thế của Chúa Giêsu. Bởi thế, Kitô hữu Giáo dân cũng chính là Linh mục của Chúa Giêsu  theo nghĩa phổ quát.

 

  Là Linh mục của Chúa Giêsu là cho Chúa và như Chúa là cho mọi người chứ không phải cho mình, như Gioan Tẩy giả là để cho Chúa lớn lên. Nghĩ tới đây tôi chợt lo sợ.

 

Lo sợ, bởi thấy mình đầy yếu đuối, chỉ trong một phút ngạo nghễ, không có ơn Chúa dễ mượn danh Chúa để làm mình lớn lên. Nhân danh Chúa để cho mình to lên, rất nguy hiểm, vì như thế ta đang đánh mất chính mình, đang xúc phạm đến Chúa. Chúa từng cảnh cáo, trong ngày Phán xét, có nhiều người nói: lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa làm phép lạ đó sao? Song Đấng Thẩm Phán chí công vẫn nghiêm trị: Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất măt ta, hỡi bọn làm điều gian ác (Mt 7,21- 23). 

 

Xin Quý ông  bà cầu nguyện cho các Linh mục của Chúa, thực sự là tôi tớ Chúa,  luôn đầy ơn Chúa Thánh Thần, những dự tính làm Sáng danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn, nhờ ơn Chúa, trong sự tích cực cộng tác của mọi người sớm gặt hái nhiều thành quả như ý Chúa.

 

Linh mục Đaminh Hương Quất