Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

CƠN GIÓ và HỒ NƯỚC

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

CƠN GIÓ và HỒ NƯỚC

 

Cơn gió tinh nghịch ghé đến bên hồ nước dạo chơi. Hồ nước trong xanh, mặt hồ phẳng lặng. Có rất nhiều người đến đây ngắm cảnh. Trên cây, tiếng chim hót ríu ra ríu rít trông thật vui vẻ và hạnh phúc.

Cơn gió thấy hồ nước có vẻ hạnh phúc nên tự nhiên trong lòng cảm thấy tức giận, bực mình và ganh ghét nghĩ thầm: Tại sao hồ nước lại được mọi người mến yêu như vậy? Tại sao nó hạnh phúc sung sướng như vậy? Ghét quá đi thôi ! Mình đâu thua kém gì nó. Mình cũng xinh đẹp, cũng thơ mộng, cũng đáng yêu thế mà tại sao phải chịu cảnh cô đơn một mình lang thang khắp chốn mà chẳng ai thèm đến thăm? Tức quá ! Tức quá đi thôi ! Phải quả cho bõ ghét mới được !

Nghĩ vậy rồi, cơn gió liên tục đập mạnh vào mặt nước khiến hồ nước bùng lên những cơn sóng lớn vỗ vào bờ tung bọt trắng xóa. Mọi người liền chạy tứ tán và bỏ đi hết. Chim chóc cũng im bặt tiếng ca.

Cơn gió trông thấy mọi người bỏ đi nơi khác hết nên tự nhiên cảm thấy cô quạnh, buồn bã tự nhủ: Ôi! Mình đã làm gì vậy?

Cơn gió thôi không đập mạnh xuống nước nữa. Mặt hồ bình yên êm ả trở lại và mọi người cũng trở lại đông đúc vui vẻ như trước.

Cơn gió giờ mới nhận ra là khi mình giận dữ nóng nảy thì mọi người không ưa mình và bỏ đi hết mà chính bản thân mình cũng cảm thấy buồn bã hơn, cô đơn hơn. Nhận ra điều này rồi, cơn gió liền thổi nhè nhẹ hiu hiu và mọi người cảm thấy mát mẻ vui tươi. Cuộc đời như được tô hồng hơn. Cơn gió cũng cảm thấy vui vẻ quá nên cứ luôn miệng ca hát mãi bài ca vi vu của gió.

Ganh nhau đem đến nỗi buồn

Ghét nhau dẫn đến đau thương ngập tràn !!!

Thương nhau đem đến hân hoan

Yêu nhau dẫn đến chứa chan vui mừng !!!

(Lm. Nguyễn Ngọc Phi)



Vẫn biết rằng hiền hòa, từ tốn, khiêm nhường, nhân hậu thì được nhiều người tin tưởng, mến thương. Nhưng thực tế, cuộc sống con người lại dễ lộn xộn, xung khắc với nhau và với chính mình, bởi những yếu đuối do mình gây ra.

Biểu dương sự cáu gắt, tức giận, giận cá chém thớt là chuyện thường tình trong cuộc sống tập thể. Nhất là để thói ghen tị chế ngự cuộc sống, thì càng chia lắm bè nhiều phái, gây chia rẽ cộng đoàn.

Biểu dương bằng sức mạnh của kiến thức, vật chất, quyền lực hay phô trương, kiêu căng, tự phụ cũng làm cho người khác tránh mặt, kẻo lại phải gặp những rắc rối không đáng.

Biểu dương bạo lực để chế tài, trấn át người khác cũng thế, dễ làm cho người thân sợ hãi, bạn bè xa tránh, mọi người coi thường.

Có những người nhần lẫn rằng mỗi khi mình ra oai thì người khác phải tim lặng, phải khuất phục, phải sợ. Không phải thế. Không phải sợ, mà vì người ta coi thường, không thèm đếm xỉa, chẳng cần trả lời, càng không muốn dây vào cho khỏi phiền phức mà thôi.

Có người còn biện minh rằng tính tôi trời sinh ra đã thế, mọi người chịu thì chịu, không chịu thì thôi. Không phải thế. Thiên Chúa không bao giờ tác sinh nên ta như vậy. Đành rằng có những ảnh hưởng do hoàn cảnh, do di truyền hoặc do môi trường giáo dục.

Có người còn nhầm rằng nếu mình không vậy thì người khác qua mặt, coi thường, mất uy tín thì làm sao lãnh đạo được. Không phải thế. Muốn thành công thì phải lấy được lòng người trước đã. Khi được mến yêu rồi, người ta sẽ hết lòng hết sức mà cộng tác để giúp mình đạt được những kết quả mỹ mãn. Còn ngược lại người ta nếu vì bắt buộc, sẽ chỉ làm một cách chiếu lệ, cho xong mà thôi.

Đời là một hành trình của biến đổi và nâng cấp, dù ở khía cạnh nào, thì cũng luôn đòi hỏi phải được hoàn thiện mỗi ngày. Nếu nói tính tôi là thế chỉ là cách biện minh cho sự cố chấp của mình mà thôi.

Nếu mỗi người nhạy bén nhận ra sự cô đơn của mình vì thiếu người cộng tác, chia sẻ, an ủi, hy sinh vì lý do nào đó của mình, mà kịp thời điều chỉnh, thì tương lai ấm áp, vui vẻ vẫn đang luôn chờ ta. Được như thế, chắc chắn, cuộc sống của mình sẽ tươi vui, mạnh mẽ và hạnh phúc hơn nhiều.



THANH THANH

http://niemvuimoi.org