NGU CÔNG DỌN NÚI
NGU CÔNG DỌN NÚI
Phía nam châu Ký, có hai quả núi Thái hàng và Vương Ốc to bảy trăm dặm, cao hơn muôn thước, cây cối rậm rạp, ác thú nhiều, đi lại khó khăn. Ở chân núi có một ngôi nhà của ông lão tên là Ngu Công, tuổi đã chín mươi. Ngu Công thấy vì núi mà nhà ở chướng ngại, đường đi bất tiện, lấy làm bực tức. Một hôm, cụ họp cả vợ con, người nhà lại bàn rằng: Ta muốn cùng lũ ngươi hết sức bạt phẳng hai quả núi này thì có nên không?
Ai nấy đều thuận. Chỉ có người vợ ngần ngại, hỏi vặn rằng: Sức ông không bạt nổi một cái gò, thì làm thế nào bạt được những hai quả núi? Mà dù cho có sức bạt được nữa, thì đất, đá định đem đổ đi đâu?
Ngu Công nói: Khuân đổ ra bể Đông. Đoạn Ngu Công đem con cháu cùng cả họ ra phá núi, kẻ đục đá, người đào đất, kẻ đầu đội, người vai mang, hết ngày này sang tháng khác. Láng giềng có đứa bé mới tám tuổi, con người đàn bà hoá cũng xin đi làm giúp, hàng năm mới về một lần..
Gần miền có một ông lão khác, tên là Trí tẩu thấy vậy, cười Ngu Công và can rằng: Sao khờ dại vậy? Mình thì tuổi tác nhiều, núi lại cao nhớn, phá thế sao nổi.!
Ngu Công nói: Bền lòng thì việc gì cũng phải được. Ngươi không bằng người đàn bà góa, đứa trẻ, con thơ. Ta già, ta chết, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu ta, hết đời cháu ta đã có chắt ta, con con cháu cháu sinh hạ vô cùng mà núi thì bao giờ cũng vậy, lo gì không bạt nổi. Trí tẩu nghe nói, nín lặng, không giả lời.
Sau này vùng Nam Châu Ký không có núi non chướng ngại, đi lại thuận tiện là nhờ có Ngu Công. (sưu tầm)
Muốn gia đình luôn thăng tiến, đất nước được phát triển, cần phải có những người có tâm, có tầm. Tâm chính là tâm hồn đẹp, tấm lòng cao thưỡng, quảng đại, yêu mến quê hương đất nước, sẵn sàng hy sinh đời mình vì đồng loại. Tầm, là tầm nhìn phải xa, phải rộng. Luôn có định hướng rõ ràng cho tương lai, có kế sách lâu dài, phù hợp, khả thi, và với lòng kiên trì không chịu khuất phục gian khổ, thì mới có thể xây dựng được những nền tảng vững chắc về cơ sở hạ tầng, nhân sự, nghề nghiệp, quản trị, điều hành, hầu mang lại nhiều ích lợi cho hiện tại và thế hệ mai sau.
Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt thì tập thể sẽ chậm phát triển.
Nếu ai cũng ngại khó, thì sẽ chẳng có công trình lớn lao xuất hiện để phục vụ công ích.
Nếu ai cũng tính toán hơn thiệt, tránh né, thì sẽ chẳng hoàn thành được việc gì.
Nếu ai cũng lười biếng, sẽ chẳng nghiên cứu được việc gì.
Ngu Công trong câu truyện trên là một tấm gương để đời cho thiên hạ nọi theo.
Trong thực tế có nhiều người có tấm lòng cao cả, luôn sống vì quê hương đất nước. Bất luận là thể chế chính trị nào, họ cũng luôn tìm cách để phục vụ dân chúng, xây dựng đất nước, dù đóng góp của họ không thể thay đổi được gì, nhưng ít ra, họ đã làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa, tăng giá tị. Họ không thẹn với lòng, hổ với trời đất nữa. Thật đáng khâm phục.
Trong thực tế, cũng có những người như Trí Tẩu, tín toán, so đo, tránh né. Không những không cộng tác, mà còn bàn ra, tạo nản chí cho người khác đối với việc công. Thật đáng chê trách.
Cuộc sống là một vận hành vòng tròn hình trôn ốc, nếu mỗi người, không phân biệt màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, giàu nghèo, đều cộng tác với nhau xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình, thì chắc chắn ai nấy đều được sống trong công bằng, tự do đích thật. Nhờ vậy, phẩm giá con người sẽ được nâng lên, cuộc sống được phát triển mọi mặt. Nhất là, mọi tầng lớp đều thấm nhuần tư tưởng yêu nước, thương dân, đoàn kết gắn bó với nhau để vượt qua khó khăn, giúp giữ được hiệp nhất bình an chung cho mọi người mọi nhà.
THANH THANH
http://niemvuimoi.org