Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

GIỌT SƯƠNG và NGỌN CỎ

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Hoàng hôn đến. Giọt sương tha thướt rong chơi, trông thấy ngọn cỏ xanh, mượt mà óng ả thì sà xuống đậu trên ngọn cỏ. Ngọn cỏ tiếp đón giọt sương với tất cả tấm chân tình. Ngọn cỏ tâm tình với giọt sương suốt đêm dài và cả hai cùng ước hẹn với nhau sẽ ở bên nhau mãi mãi.

Ngọn cỏ: Giọt sương ơi, anh yêu em! Anh yêu em mãi mãi!!!

Giọt sương nũng nịu: Anh ngọn cỏ ơi, em cũng yêu anh say đắm, và chỉ một mình anh mà thôi! Muôn kiếp em sẽ ở với anh, mãi bên anh thôi, mãi bên anh thôi!!! Ngọn cỏ và giọt sương ở bên nhau rất sung sướng hạnh phúc.

Cây xanh cất tiếng véo von

Đêm khuya thanh vắng nỉ non dế gào

Trần gian soi bóng trăng sao

Tình yêu mầu nhiệm biết bao tuyệt vời!

Thời gian từ từ đến rồi đi. Bình minh dần ló rặng, những tia nắng vàng tươi, sáng chói, lộng lẫy càng làm cho giọt sương thêm nhiều sắc mầu rực rỡ, cùng với sự ấm áp dần lên theo ánh mặt trời mỗi lúc một nhiều. Họ thật hạnh phúc. Người khác nhìn thấy trầm trồ khen ngợi, ca tụng, ngưỡng mộ.

Thế rồi, nắng chói chang dần, giọt sương quên dần những lời thề hứa ngày nào với ngọn cỏ, bay theo tia nắng, để ngọn cỏ ở lại một mình với nỗi buồn mênh mang hiu hắt. (Lm. Nguyễn Ngọc Phi)

Tình yêu thì hoàn hảo, tuyệt đối. Con đường tình yêu lại rất diệu kỳ. Sức mạnh của tình yêu thì khỏi phải nói. Người ta có thể dám chết cho người mình yêu.

Tình yêu thì cao sang, cao vời và cũng rất thánh thiện. Tuy thế, nó không chỉ ở trên mây hay trong gió, nhưng rất thực tế, gắn liền với đời sống con người. Nếu thiếu nước, thiếu phân hay không đủ ánh sáng thì cây sẽ không thể phát triển bình thường được. Cũng vậy, con người nếu thiếu tình yêu, sẽ trở nên tiều tụy, héo tàn. Và cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa, mất giái trị. Giá trị lớn nhỏ của con người được đánh giá tùy ở mức độ tình yêu hy sinh cho đồng nhiều hay ít.

Thời gian càng lâu, con người càng thấm đẫm những nhu cầu, trách nhiệm và bổn phận của mình đối với Giáo hội, xã hội, nhất là đối với gia đình. Đôi vai mỗi lúc một trĩu nặng, gánh nặng cuộc đời càng làm cho mệt mỏi, chán chường, nên người ta dễ thoái thác, tránh né, nếu thiếu tình yêu.

Khi thiếu tình yêu, người ta khó chia sẻ, nâng đỡ, cảm thông cho nhau. Càng khó hơn trong việc bao dung tha thứ.

Khi thiếu tình yêu, người ta sẽ lo tìm sự an toàn cho bản thân, tìm sự thoải mái, nhẹ nhàng cho riêng mình, còn người thân là con cái, vợ chồng, cha mẹ, thì sẽ bị xem nhẹ.

Khi thiếu tình yêu, người ta ít khả năng để nhẫn nại, nhẫn nhịn và nhẫn nhục. Nhưng lại phô trương tính ghen tị, ghen tương, tranh dành quyền lợi.

Khi thiếu tình yêu, người ta làm mất nhiều nghĩa tình, nghĩa hiếu, nghĩa thiết và nghĩa ân.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ mất sức đề kháng, giúp bảo vệ cho sức khỏe thân xác, sức khỏe tinh thần, sức khỏe tình yêu, sức khỏe trí thức, sức khỏe đạo đức, sức khỏe cộng tác và đồng trách nhiệm với cộng đồng, cách riêng là với mái ấm gia đình của mình.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ sống trong thế giới ảo hoàn mỹ mà họ tự vẽ ra rồi mơ tưởng tới, hay co cụm, vo tròn lại, không dám đối mặt với thực tế.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ nghi ngờ. Nghi ngờ mọi thứ, mọi điều. Nhất cử nhất động của người thân đều được lôi ghép vào trong cái nhìn của ngờ vực.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ mất đi sinh lực sống, giảm đi nhuệ khí con người, khiến trở nên yếu nhược, mệt mỏi, buông xuôi.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ nghi kỵ, ghen tức, nóng giận, bực bội, hay la mắng, đánh đập người khác khi có cơ hội.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ lấy vật chất làm chỗ dựa, lấy quyền lực làm sức mạnh, lấy thần quyền để trấn át, chế tài người khác, dù người đó là cha mẹ, vợ chồng hay con cái của mình.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ cho mình là người quan trọng, nên mọi người phải chú ý, phải quan tâm lắng nghe và làm theo những điều mình muốn.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ cư xử thô lỗ, cục cằn, tục tằn, cố chấp, cứng đầu, gây hấn với mọi người, mọi việc trong cuộc sống, dù có liên quan hay không liên quan đến mình.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ trở thành đối tượng khiến người khác phải sợ hãi, tránh né, nếu ai gặp người người này, cũng chính là chuốc lấy những phiền toái cho mình.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ đòi hỏi sự tốt lành và hoàn hảo nơi xã hội, Giáo hội, hay trong người thân của mình, đang khi chính họ lại không cộng tác làm cho mọi sự được trở nên như ý.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ đồng hóa con người với con vật, tinh thần với vật chất, thiêng thánh với trần tục, Thiên Chúa với con người.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ quy đổi các giá trị tình nghĩa, tình yêu, bác ái, bao dung, tha thứ ra thành tiền bạc vật chất, và sẽ giải quyết mọi vấn đề bằng vật chất.

Khi thiếu tình yêu, người ta dễ sống một cuộc đời buông thả, mất định hướng, sống không tương lai, không mục đích, và dễ nuông chiều, dung dưỡng thân xác, dễ sống theo tính xác thịt. Thánh Phaolô tông đồ nói, đó là “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5,17-20).

Con đường tình yêu là con đường đẹp, nở đầy hoa, tỏa nhiều hương, nên hấp dẫn và lôi kéo con người đến với nó. Nhờ tình yêu mà người ta dám chấp nhận đến với nhau, sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình vì nhau, vì tha nhân.

Khi đi vào con đường tình yêu, người ta thường thần tượng hóa tình yêu, người yêu, mọi thứ mọi việc, mọi lời nói, đôi khi còn cả những điều tiêu cực, những việc xấu của người mình yêu nữa.

Tình yêu yêu thì tuyệt vời, nhưng nó phải được đưa ra phục vụ cho cuộc sống thường ngày của con người. Nó phải có thực tế. Thực tế là nhờ nó mà người ta có thêm sức mạnh, và vì nó mà người ta sẵn sàng hy sinh dấn bước, dấn thân và hiến thân cho nhau. Nhờ tình yêu mà người ta có thể tha thứ và chấp nhận những bất toàn yếu đuối của nhau. Nhờ tình yêu mà người ta có đủ can đảm đối mặt với thực tế, và vì nó mà dám sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, gian nguy, vất vả trong cuộc sống. Tình yêu phải được kiểm chứng bằng thực tế.

Thực tế để kiểm chứng tình yêu đã được Thánh kinh ghi lại rất rõ ràng trong thư thánh Phaolô tông đồ: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7). Tình yêu thực sự phải toát lên lòng “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).

Nói về tình yêu không khó chút nào. Nhưng nó chỉ thuyết phục khi có hành động cụ thể kèm theo. Nếu nói là hết lòng yêu thương nhau, nhưng lại so đo tính toán, hay nóng giận cáu gắt, thường cố chấp kiêu căng, thích làm theo ý riêng, và muốn mọi người trong gia đình quy phục mình thì đó chưa phải là yêu. Cách cư xử với nhau hàng ngày là điều dễ thấy nhất để chứng thực về tình yêu của nhau.

Bản chất của tình yêu là luôn tìm cách làm hài lòng người yêu, sẵn sàng hy sinh, tha thứ, và đánh đổi mọi sự về tiền bạc vật chất, thời gian, sức khỏe để cho người yêu được hạnh phúc. Tình yêu không bao giờ quy về chính mình, nhưng về người mình yêu.

Tình yêu là hoa đẹp, là hương thơm, là mật ngọt cho cuộc sống con người. Nhưng muốn có nó, con người phải đánh đổi bằng thời gian, tiền bạc, hy sinh, phải chết đi cho bản thân, sẵn sàng hết lòng phục vụ cuộc sống, nhất là cho người mình yêu.

THANH THANH

http://niemvuimoi.org