Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

CHÌA KHÓA GIÚP SỐNG KHIÊM NHƯỜNG

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Chìa khóa ấy là: Chúa mời gọi, Chúa ban quyền, Chúa sai đi, và đi rao giảng Tin Mừng.

Đó là con đường giúp mình sống khiêm nhường theo Tin Mừng. Bởi mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra. Thiên Chúa, bao giờ cũng luôn chủ động trong mọi sự để mời gọi, còn con người thì đáp trả.

Tin Mừng miêu tả:

“Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ. Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi” (x.Lc 9,1-6).

Chúa mời gọi

Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai. Tất cả mọi người đều nằm trong cái nhìn xuyên suốt yêu thương của Ngài. Và mỗi người đều được mời gọi để cộng tác xây dựng Nước Trời tại thế, làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Tuy có nhiều đặc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều công việc khác nhau nhưng cũng chỉ có một Chúa.

Nhìn vào Giáo hội ta thấy rõ nét đẹp ấy, khi có nhiều người cộng tác xây dựng Giáo hội như: Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ; Còn người giáo dân, tùy theo khả năng và hoàn cảnh, họ cũng rất tích cực tham gia như Hội đồng Mục Vụ Giáo xứ, ca đoàn, hội kèn, hội trống, ca đoàn, lễ sinh, giáo lý viên, hội từ thiện bác ái, hội chăm sóc bệnh nhân…

Ta luôn được gọi mời vào làm vườn nho cho Chúa, cộng tác với Ngài, và qua thiện chí của mình, Thiên Chúa có nhiều cơ hội để ban ơn, giúp ta sống gần với sức mạnh tình yêu và sự sống vĩnh cửa của Thiên Chúa Ba Ngôi hơn.

Khi con người ở trong tư thế đáp trả, thì sẽ không so bì ghen tị, cũng chẳng tính toán hơn thiệt, càng không kiêu căng tự phụ, nhưng luôn vui với những hướng dẫn khôn ngoan của Thiên Chúa, khi Ngài, tùy theo hoàn cảnh, khả năng và trí khôn, mời gọi ta chia sẻ trách nhiệm với Giáo hội của Ngài.

Chúa huấn luyện, ban quyền

Ban cho các ông năng lực và quyền phép. Tùy theo hoàn cảnh, nơi chốn, công việc hay phận vụ khác nhau, cùng với thiện chí, lòng nhiệt thành của mỗi người mà Thiên Chúa chuẩn bị, hướng dẫn những điều kiện cần thiết để có thể phục vụ tốt, có thể chu toàn được trách nhiệm mà Chúa và Giáo hội trao phó.

Thời gian chuẩn bị dài ngắn khác nhau. Có khi vài giờ, vài ngày, vài tuần hay vài tháng, có khi vài năm hay hàng chục năm.

Địa điểm huấn luyện cũng thế, tùy vào công việc và chức vụ mà có những nơi đào tạo riêng. Có khi ngay tại Giáo xứ, Giáo hạt hay Giáo phận, hoặc ngoài Giáo phận, ngoài nước.

Những hướng dẫn chuyên môn, đặc biệt như thế, là cách Ngài giúp cho ta có những quyền hạn, quyền phép nhất định trong công việc phục vụ của mình. Cách này giúp ta tự tin, tự chủ và mạnh dạn hơn trong việc hoàn thành tốt sứ vụ được trao.

Chúa sai đi

Người sai các ông đi. Ngài không sai nhân sự của mình đi tham quan du lịch, hay làm một bất kỳ tùy thích. Nhưng chỉ định rõ, là đi rao giảng Nước Thiên Chúa. Và đến những nơi chốn cụ thể, với những con người cụ thể và từng hoàn cảnh cụ thể.

Mỗi người, khi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, được huấn luyện, thì cũng sẽ được Giáo hội sai đi phục vụ. Có khi phục vụ Tin Mừng ở trong nước, có khi ở nước ngoài; có khi ở trong Giáo phận, có khi ở ngoài Giáo phận; có khi ở trong Giáo xứ, có khi ở ngoài Giáo xứ.

Thái độ quan trọng là sẵn sàng, nhanh chóng, hy sinh, tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa, thì Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ giúp ta chu toàn tốt công việc của mình.

Nội dung công việc

Đó là rao giảng Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không mơ hồ trừu tượng, hoặc khó hiểu, xa vời, nhưng là cụ thể cho từng nơi chốn và từng hoàn cảnh của con người.

Cụ thể là: “Công bố Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. (Lc 4,18-19).

Cụ thể là: kêu gọi mọi người “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Vì Nước trời đã đến gần”. (Mc 1,15).

Cụ thể là: “hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm hãy san cho phẳng. Rồi mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).

Cụ thể là: chữa lành bệnh tật, cho người mù được thấy, người què đi được, người điếc được nghe, người bệnh được khỏi, kẻ bị quỷ ám được lành sạch, người có tội được tự do, nhờ tin vào Đức Giêsu.

Cụ thể là: đem bình an đến cho mọi người và mời gọi họ bước theo con đường Đức Giêsu đang đi, đã đi để được hưởng niềm vui muôn đời trong Nước Ngài.

Cụ thể là: đem đến cho họ sự thanh thoát, không vướng bận vào bả thế gian, vào chuyện cơm ăn áo mặc, vào lương thực hư nát, nhưng vào lương thực trường tồn là chính Đức Giêsu.

Cụ thể là: đừng cậy dựa vào của cải thế gian, vì “đêm nay ta gọi hồn ngươi, thì những thứ tích góp được, người để lại cho ai”.

Cụ thể là: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-29). Là anh em “hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Thánh kinh nói chung, Tin Mừng nói riêng, chính là hình ảnh cụ thể về Nước Thiên Chúa mà Ngài mời gọi tất cả mọi người vào thừa hưởng Lời Hằng Sống, Bánh Hằng sống và sự sống muôn đời.

Để tránh những bám bíu vào những chóng qua bất toàn, tương đối của đời này. Vì mọi sự để có thời có buổi, có thời để xuất hiền, thì cũng có thời phải về trình diện Đấng Tối Cao. Thánh Phaolô tông đồi nói rất hay: “Mọi sự rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại là Đức Ái”. Nếu ai cũng biết như thế thì thế giới sẽ luôn hòa bình hạnh phúc.

Sách Giảng viên (x.Gv 3,1-11) còn diễn tả cụ thể nơn nữa giúp ta suy gẫm về cuộc sống con người. Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:

một thời để chào đời, một thời để lìa thế;

một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;

một thời để giết chết, một thời để chữa lành;

một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;

một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;

một thời để than van, một thời để múa nhảy;

một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;

một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;

một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;

một thời để giữ lại, một thời để vất đi;

một thời để xé rách, một thời để vá khâu;

một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;

một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;

một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

Con người hôm nay, quả thật đã tiến bộ rất nhanh. Phát huy được nhiều khả năng trí tuệ để ứng dụng vào cuộc sống và phục vụ đắc lực cho con người. Cũng chính vì những khả năng và thành quả đạt được, nên con người dễ có khuynh hướng tự tôn, cho mình là tất cả, và tin rằng có thể giải đáp mọi vấn đề trong cuộc sống.

Nếu mỗi người đều biết rõ, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra. Chính Ngài chủ động mời gọi ta bày tỏ thiện chí, còn ta đáp lại tiếng gọi ngọt ngào ấy, để Ngài có cơ hội ban phát ân sủng lớn lao, thì chắc chắn ta rất khiêm nhường và vui lòng đón nhận với tất cả lòng thành, lòng yêu mến, lòng kính trọng, sẵn sàng đem hết sức khỏe, thời gian, trí khôn, vật chất cùng mọi hy sinh của mình để đáp đền ân phúc Ngài đã tin tưởng và trao phó.



THANH THANH

http://niemvuimoi.org