Cấp vốn làm ăn
CẤP VỐN LÀM ĂN
(CN.XXXIII/TN-A KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)
Bài Tin Mừng hôm nay (CN.XXXIII/TN-A – Mt 25, 14-30) trình thuật dụ ngôn “Những yến bạc”. Dụ ngôn kể câu chuyện ông chủ cấp vốn làm ăn cho những đầy tớ, vì đã biết rõ khả năng từng người, nên “Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người.” Điều này cho thấy ông chủ không hề bắt ép một ai phải làm việc quá sức của mình. Thấy rõ được tấm lòng bao dung của ông chủ, nên hai người đã làm ăn đàng hoàng và sinh lợi gấp đôi số vốn ban đầu. Khi tính sổ, đã được ông chủ khen ngợi: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!"
Duy chỉ có tên đầy tớ thứ ba thì nói thẳng vào mặt chủ: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!" Điều đó cho thấy ngay từ trong tư tưởng, tên đầy tớ thứ ba đã không tin tưởng vào ông chủ, không những đã lười biếng không chịu làm ăn, mà còn bày tỏ thái độ chống đối lại bằng lời lẽ hỗn xược. Nếu chẳng vậy, ông chủ đã không nặng lời gọi hắn là "đầy tớ tồi tệ và biếng nhác!” Bị án phạt “quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng” là điều tất nhiên. Vậy là lại thêm một bằng chứng cụ thể đặt ra cho người tín hữu, đó là vấn đề căn cơ, nền tảng của Ki-tô Giáo: Đức Tin. Nói đến đức tin là phải nói đến mối liên hệ giữa tư tưởng với lời nói “Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.” (Rm 10, 10), đồng thời còn phải làm sao cho lời nói đi đôi với việc làm, bởi “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17).
Chúa nhật hôm nay cũng là lễ kính trọng thể các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam. Hơn ai hết, các ngài đã hiểu rất rõ ràng các ngài hiện diện trên trái đất này chính là một đặc sủng, một quà tặng tuyệt đối vô song Thiên Chúa đã ban cho, và khi đón nhận ơn gọi Ki-tô hữu chính là lúc các ngài được Người cấp vốn làm ăn. Người có thể gọi các ngài về bất cứ lúc nào để tính sổ coi các ngài đã sử dụng số vốn được trao ấy ra sao. Hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, các Thánh Tử Vì Đạo đã tuyệt đối tin tưởng, sống và hành động hết mình cho lý tưởng mình đã khám phá được với một ý chí sắt đá, dù cho còng trói tay, gươm kề cổ cũng không chùn bước, cuối cùng đã hy sinh cả mạng sống; đó là phẩm hạnh tuyệt hảo của các ngài, và hôm nay chính là kỷ niệm ngày các ngài được chính thức “hưởng niềm vui của Chủ” nơi cõi phúc trường sinh.
Quả thực, “Một số Ki-tô hữu ngay từ thời sơ khai đã được gọi và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng tình yêu ấy cách hùng hồn trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ bách hại mình. Khi tử vì đạo, người môn đệ đồng hóa với Thầy mình, Ðấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu; Giáo Hội coi việc tử vì đạo đó như một ân huệ lớn lao và một bằng chứng cao cả về đức ái.” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 42). Chính Con đường (Đạo) Thập Giá là món quà vô giá Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, mà các Thánh Tử Vì Đạo đã sống để được nên “đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô”. Chẳng thế mà Thánh Tử Vì Đạo VN Tê-ô-pha-nô Ven đã nói với bọn quan quyền bách hại Đạo Chúa: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về Đạo Thập Giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hoá đến độ tôi phải bỏ Đạo mà mua?” (Điệp ca Ca vịnh 3, Kinh Chiều II, Lễ kính CTTĐ/VN). Sự sống đời này dù quý hoá tới đâu cũng không thể so sánh với quà tặng Đạo Thập Giá được. Hiển nhiên là thế.
Càng suy niệm, càng thấy lời dậy của Thánh Phê-rô là xác thực: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1Pr 4, 12-14). Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam đã “thật có phúc”, vì “cùng được vui mừng hoan hỷ” khi “vinh quang của Đức Ki-tô tỏ hiện”. Đó chẳng phải là món quà tặng vô giá mà chỉ những người “thật có phúc” mới biết trân trọng chu toàn ý muốn của Người Chủ đã trao tặng đó sao? Vì thế, chỉ trong ba thế kỷ (từ thế kỷ XVI tới XIX) đã có trên 130.000 Ki-tô hữu VN vui mừng đón nhận quà tặng (là cây Hồng-Thập-Tự-Kitô-hữu), kiên cường vác cây thập-giá-đời-mình mà theo Đức Ki-tô, để rồi anh dũng đổ máu ra nhuộm thắm cây Hồng-Thập-Tự. Và trong số ấy, Giáo Hội đã tuyên phong 117 vị lên bậc hiển thánh.
Suy niệm bài Tin Mừng thì thấy mọi sự đã rõ ràng: Các Thánh Tử Vì Đạo được cấp vốn, các ngài đã làm ăn buôn bán sinh lợi đúng như ý muốn của Ông Chủ. Tuy nhiên khi coi lại bài đọc 1 (Cn 31, 10-13.19-20.30-31), tự nhiên nảy sinh thắc mắc: Vấn đề chủ yếu trong Thánh lễ CN XXXIII/TN-A (mừng kính các Thánh Tử Vì Đạo VN) thì có liên quan gì tới “Người Vợ Đảm Đang”? Ngay từ Cựu Ước, đã nhiều lần Hội Thánh được mô tả như một phụ nữ hay trinh nữ (2Sm 1, 24; 1V 1, 2-4; Is 16, 1; Is 61, 4-5; Is 62, 11; Dc 2, 14; Hs 2, 12; Xp 3, 14…); sang đến Tân Ước cũng vậy (Mt 21, 5; Mt 25, 1-7; Ga 12, 15; 2 Cr 11, 2; Gl 3, 27…); không những thế, chính Đức Giê-su Thiên Chúa cũng coi Giáo Hội là hiền thê của Người. Vì thế, qua bài đọc 1 (trích sách Châm ngôn), Phụng vụ muốn nói với tất cả Giáo Hội: hãy cố gắng trở thành người vợ đảm đang, tức là nhiệt tình thi hành tốt sứ mệnh của mình. Nói cách khác, bài sách Châm ngôn muốn nhắc nhở trước hết với những ai có trách nhiệm lãnh đạo từ Giáo Hội toàn cầu đến Giáo Hội địa phương (Giáo phận, Giáo xứ): Họ phải tỏ ra đảm đang để cộng đoàn Dân Chúa được hoàn hảo.
Ngoài ra, nếu coi các Thánh Tử Vì Đạo đã kinh doanh với số vốn do Thiên Chúa cấp được lời lãi như vậy, thì cũng chẳng khác gì các ngài là hạt giống tốt được Người Gieo Giống Chí Thánh đem gieo và đã trổ sinh “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt 13, 9). Nói cách khác, máu của các Thánh Tử Vì Đạo là hạt giống trổ sinh Giáo Hội, nhờ đó, “Giáo Hội trong mỗi khúc quanh của lịch sử vẫn bén rễ sâu qua lời chứng của các vị tử vì đạo.” (Tông sắc Mầu nhiệm Nhập thể “Incarnationis Mysterium”, số 13). Và vì thế, “Ðối với các tông đồ và những vị tử vì đạo của Chúa Ki-tô, là những chứng nhân cao cả đã đổ máu vì đức tin và đức ái, Giáo Hội luôn tin rằng, các ngài liên kết với chúng ta khắng khít hơn trong Chúa Ki-tô: với lòng yêu mến đặc biệt, Giáo Hội tôn kính các ngài cùng Ðức Trinh Nữ Maria và các Thánh Thiên Thần, và sốt sắng nài xin các ngài trợ giúp và cầu bầu cho.” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 50).
Mừng lễ các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, người Ki-tô hữu phải để ý đến nét Việt Nam nơi các ngài, tức là phải noi gương các ngài trong đời sống xã hội phục vụ anh em đồng bào. Nói cách cụ thể, thì người có đức tin phải luôn duy trì và phát triển động lực thúc đẩy (tức là Thần Khí Ðức Ki-tô ở trong bản thân mình) để sống đời sống chứng tá ngay trong môi trường xã hội nơi mình cư ngụ. Để được như vậy, cần phải mang sự chết của Người trong thân xác, là biết chết cho bản thân và các khuynh hướng vị kỷ. Chỉ có như vậy mới đi vào được đường lối của các Thánh Tử vì Đạo và mới có thể theo các ngài cho đến tận cùng hành trình thực thi sứ vụ làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ. Ấy cũng bởi vì muốn nên giống các ngài hoàn toàn (để được đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô), thì không những phải biết sống như các ngài mà còn phải biết chết như các ngài. Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: