Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sống tỉnh thức là chu toàn bổn phận trong yêu thương

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

Chúa Nhật I Vọng B:

 

SỐNG TỈNH THỨC = CHU TOÀN BỔN PHẬN TRONG YÊU THƯƠNG.

(Mc 13, 33-37)

Dụ ngôn vừa nghe nói về ông chủ đi xa, trao phó cho đầy tớ tất cả nhà cửa- gia tài, ruộng vườn, mỗi người mỗi việc.

 

 Ông chủ ở đây được hiểu chính Chúa Giêsu. Khi Người Phục sinh và về trời, Chúa không hiện diện bằng thể lý mắt thấy tay chạm được, song Người vẫn hiện diện năng động trong Chúa Thánh Thần và trong Giáo hội, trong tha nhân, nhất là người nghèo khổ, bất hạnh. Theo đức Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận trong cuốn Đường Hy Vọng viết trong nhà tù, nói:  “Sự lầm lạc lớn nhất là không biết những người khác là Chúa Kitô. Có nhiều người tận thế mới vỡ lẽ!” (769) 

 

Đầy tớ được giao trong dụ ngôn  trong dụ ngôn chính là mỗi chúng ta với những bổn phận hàng ngày, trong từng vai trò cụ thể.  

 

Điểm đáng nói ở dụ ngôn, người đầy tớ không biết khi nào chủ về. Điều thú vị hệ tại điều đó, do vậy đòi hỏi ta phải luôn sống tỉnh thức, sẵn sàng, sống trong năng động. “Tỉnh thức sẵn sàng” nghĩa là luôn ở trong tư thế đang chu toàn bổn phận trong yêu thương.  

 

Tại sao ta phải tỉnh thức?

 

Chúa Giêsu nói rõ, vì con người không biết giờ Chúa đến. Có điều chắc chắn nhất, tất cả chúng ta đều chết, song bi kịch ở chỗ ta không biết chết lúc nào, chết như thế nào, chết ở đâu. Đấy là lý do thứ nhất.

 

Lý do thư hai: sự yếu đuối, trong thân xác nặng nề. Quả thật, sau khi Nguyên tổ phạm tội, con người trở nên yếu đuối, rất dễ nghiêng chiều theo sự dữ, dễ ươn lười, dễ nguội lạnh, dễ chai lì.

 

Việc siêng năng đạo đức, siêng năng đi lễ, tích cực hoạt động tông đồ là cách chúng ta ‘giữ lửa’ tỉnh thức, cách rèn luyện con người nhanh nhẹn, sẵn sàng. Như một chiếc xe máy, chạy mãi mà không được châm thêm, xăng sẽ vơi dần và cạn kiệt. Thì đời sống Đức tin của ta cũng thế, nếu không được tiếp sức- bồi bổ ơn thánh qua cầu nguyện, chịu khó lãnh nhận các Bí tích, nhất là Thánh Thể… 

 

Phạm tội trọng là dấu hiệu cho thấy rõ ta đang đánh mất ơn Chúa, phá hủy ơn Chúa… Thật khốn khổ cho những ai chẳng may Chúa đến đúng lúc ta cạn kiệt ơn Cứu độ bởi sống trong tội trọng.  

 

Trở về dụ ngôn, Chúa Giêsu cảnh báo: “Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ.”.

 

Trong thời gian đợi chủ về, mà không biết chủ về lúc nào, ta sẽ thấy đầy tớ có nhiều phản ứng:

 

i. “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”: những người sống buông thả phóng túng, bỏ bê hết mọi bổn phận.

 

ii. Đi ngủ. Khi đoán chủ sắp về mới thức dậy làm việc: những người lười biếng sống đạo, chờ gần chết mới ăn năn trở lại.

 

iii Lo làm trọn việc bổn phận chủ giao, để nếu chủ về bất thần thì mình không bị phạt: những người lo sống đạo tốt vì sợ hoả ngục.

 

iv. Luôn làm trọn bổn phận chủ giao, để đáp lại sự tín nhiệm của chủ, và vì lòng thương mến chủ : những người sống đạo vì lòng yêu mến Chúa. (x. HGNM)

 

Ta đang trong loại đầy tớ nào? Nếu ở loại 1-2 thì thật nguy hiểm; còn trong lạo đầy tớ thứ 3- giữa luật, làm tròn bổn phận vì sợ chủ phạt, sợ sa hỏa ngục- cách sống Đức tin tiêu cực, hành trình vác thập giá theo Chúa thật nặng nề.

 

Ta chú ý hạng người đầy tới thứ 4- chu toàn bổn phận, sống Luật Chúa để đáp lại sự tín nhiệm của chủ, và vì lòng thương mến chủ. Đấy là cách sống Đạo tích cực, sống Lời Chúa thật nhẹ nhàng, do đó hành trình vác Thập giá theo Chúa Giêsu  đầy hoan ca, hy vọng.

 

Khi ta sống Đạo vì lòng yêu mến, hay như trong tư cách người đầy tớ thứ 4, không phải đợi đến đời sau, mà nngay đời này ta đã nêm đước phúc Thiên đàng, phúc thật. 

 

Như đã nói, dụ ngôn cho thấy rõ, sống tinh thần tỉnh thức đồng nghĩa với việc sống nêu cao tinh thần trách nhiệm, biết chu toàn bổn phận: Bổn phận đối với Chúa và bổn phận với tha nhân, trong bổn phận đối với tha nhân, khởi đi từ bổn phận gia đình.

 

Nên thánh, sống tỉnh thức qua chu toàn trách nhiệm, chúng ta đùng coi thường những bổn phận nho nhỏ, đơn giản, biết quan tâm đến nhau, biết nói những lời tế nhị, dễ nghe.. Chúa Giêsu dạy: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10).

 

Mùa Vọng, trước mắt vừa là mùa chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh làm người, đến lần thứ nhất; xa hơn hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi. “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện  vì không biết lúc nào chủ nhà về”, Lời Chúa Tin Mừng Thứ nhất Mùa Vọng hướng định chúng ta sống thế nào để đón chờ Chúa Giêsu đến lần thư hai.

 

Lạy Chúa Giêsu, Xin Chúa ban ơn cho chúng con biết sống tỉnh thức bằng cầu nguyện, qua việc chu toàn bổn phận mỗi ngày vì yêu mến Chúa và các linh hồn.

Amen.

 

Lm. Đaminh Hương Quất