Thức tỉnh
Chúa Nhật I Mùa Vọng B
THÚC TỈNH
Is 63,16b-17.19b; 64,2-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
Baden-Powell ông tổ của ngành hướng đạo (hướng đạo sinh thế giới gọi âu yếm là BP) sinh ngày 22 tháng 2 năm 1857 tại London, sau khi tốt nghiệp trung học gia nhập trường sĩ quan võ bị Hoàng Gia Anh năm 19 tuổi. Powell là một sĩ quan kỵ binh, chiến đấu ở Ấn Ðộ, Ai Cập và Phi Châu... Tại Nam Phi, khi ở thành Mafeking bị bộ lạc người Boers bao vây, Powell đã thành công trong việc huấn luyện các thiếu niên Phi Châu giúp đỡ tải thương, truyền tin, vận chuyển lương thực thay thế các binh sĩ trực tiếp chiến đấu. Lòng can đảm, tháo vát và hiệu quả tác chiến của Đội Thiếu sinh đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến Ông khi định hướng chương trình huấn luyện và thành lập phong trào Hướng đạo sau này: huấn luyện và tận dụng các khả năng mình có.
Khi ở cấp bậc là đại tá chỉ huy những cuộc chiến đấu tại Âu Châu, lần kia đoàn quân của ông có một ngàn mà phải đương đầu với địch quân những chín ngàn. Suốt trong 217 ngày đợi chờ được cứu viện, ông đã dùng chiến thuật nghi binh : ban ngày thỉnh thoảng ông cho nổ chỗ này chỗ khác mấy trái lựu đạn. Ban đêm trong một vùng rộng lớn, ông cho thắp đèn sáng tại nhiều nơi, mục đích là để đánh lừa đối phương, khiến địch tin rằng ông có nhiều lính và hiện diện ở khắp nơi, chớ có liều lĩnh mà tấn công. Khi viện binh tới, ông mới tấn công đối phương và đã dành được thắng lợi.
Giữa lúc chính phủ nước Anh định nâng ông lên cấp bậc thống tướng thì ông rút lui, để rồi lập nên phong trào hướng đạo, huấn luyện các em thiếu nhi trở thành những người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mục đích của phong trào hướng đạo là lúc nào cũng phải tỉnh thức và sẵn sàng để đương đầu với mọi hoàn cảnh… luôn là người hữu dụng cho mình, cho xã hội bằng chính sự thức tỉnh và sẵn sàng bước vào cuộc sống… Đó là tinh thần rất nhân bản trong giáo dục con người tiến bước vào cuộc sống.
Người Kitô hữu không chỉ có tinh thần nhân bản, nhưng còn tiến bước trong Đức Tin: Tinh thần Thức tỉnh, sẵn sàng cũng chính là sứ điệp vang lên Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa trong chờ đón Chúa đến. Phải tỉnh thức vì Chúa đến rất bất ngờ và rất âm thầm… Lời kêu gọi “tỉnh thức” gửi đến các môn đệ (33). Các môn đệ của Đức Kitô cần phải canh thức, bởi vì họ không biết ngày giờ của cuộc Quang Lâm.
Thánh Phaolô đã dùng những ý tưởng về “đêm” để mô tả thời kỳ hiện tại cho đến ngày Quang Lâm (Rm 13,12) là ban ngày. Vì thế, Phaolô sử dụng một thứ ngôn ngữ bi thiết để nói về thái độ tỉnh thức, Ngài đòi hỏi: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy” (Rm 13,11) vì ơn cứu độ đã gần hơn khi họ mới tin, như Phaolô nhấn mạnh : “đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,12; x. 1 Tx 5,5tt). Những giờ đó không ai biết và vị Tông đồ dân ngọai nhấn mạnh thêm : “Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1 Tx 5,2). Hình ảnh “kẻ trộm đến ban đêm” chỉ có trong Tân Ước mà Chúa Giêsu đã dùng và sau các môn đệ khai triển (x. Mt 24,42-44; Lc 12,39t; 2 Pr 3,10; Kh 3,3; 16,15). Đây là một yếu tố thuộc truyền thống Kitô giáo bắt nguồn từ Đức Giêsu. Từ truyến thống đó Phaolô khuyên tín hữu thành Thêxalônica : hãy tỉnh thức (1 Tx 5,6).
Trong Dụ ngôn Mười cô Trinh Nữ (x. Mt 25, 1-13) mà Chúa Kitô minh họa cho Giáo huấn Tỉnh Thức : khi tiếng hô“Kìa chàng rễ đến” thình lình vang lên giữa đêm khuya, Trong mười cô Trinh Nữ đón rể, chỉ có năm trinh nữ khôn ngoan tỉnh thức sẵn sàng đem đèn với dầu nên thắp sáng đèn sáng được vào hội Hoa Đăng Tiệc cuới với chàng rể, còn năm cô khờ dại còn lại vì không chịu chuẩn bị sẵn sàng dầu nên đã không được vào dự tiệc cưới.
Chủ đề phải canh thức mà Chúa Giêsu rao giảng, rất dễ hiểu với dân tộc Do Thái vì được đề cập đến trong một viễn tượng quốc gia Israel luôn bị bị các Đế Quốc áp bức như chúng ta thấy suốt trong lịch sử Dân Tộc Do Thái bị xâm lược, bị lưu đày và có khi bi đát vô tổ quốc phân tán khắp thế giới… Nên đối với dân tộc Do Thái nói chung, tỉnh thức đối diện với cuộc sống là việc phải làm đối diện sống còn với cuộc sống riêng với cuộc sống cộng đồng quốc gia.
Chúa Giêsu minh họa cho giáo lý tỉnh thức bằng Dụ ngôn người chủ đi xa (Mc 34) ông chủ đi phương xa, “để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ” và “chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức”. Ngày trở về của ông chủ không ai biết trước : Ông có thể về bất cứ lúc nào. Chính vì thế buộc người giữ cửa phải canh thức liên tục. Không biết giờ nào có thể xa và cũng có thể gần, nên các gia nhân luôn phải thức tỉnh với các công việc của nhà và sinh lợi cho chủ. Các môn đệ của Đức Giêsu vừa là “các gia nhân” vừa là “người giữ cửa”; họ phải vừa làm việc vừa canh thức.
Nhấn mạnh “khi nào chủ nhà đến” vào “Thời ấy” chính là lúc chủ nhà trở về, tức ngày Quang Lâm của Đức Giêsu. Các môn đệ của Đức Giêsu đang ở trong “đêm”, nhưng họ không được “ngủ”, vẫn sinh hoạt bởi vì ông chủ có thể về ngay trong đêm nay. Cho nên các môn đệ phải canh thức vì khi ông chủ trở về thay đổi mọi sự, người môn đệ của Chúa “làm việc” và “cùng làm việc” trong thức tỉnh. Trong hiện tại, khi người môn đệ thức tỉnh và làm việc là Đức Giêsu đang hành động trong thế giới để đưa đến một nhân loại mới. Người lôi kéo con người cùng thức tỉnh làm việc cùng với Ngài, làm cho họ thành những đầy tớ phục vụ hoạt động của Ngài… làm cho thế giới trù phú sinh hoa trái cho chính con người, và hoa trái dâng lên Thiên Chúa như là những hoa quả do sự thức tỉnh.
Bước vào mùa vọng chúng ta được mời gọi sống giáo huấn của Đức Giêsu : sẵn sàng thức tỉnh chờ đón Chúa, chúng ta gọi là canh thức:
- Theo tác giả Lohmeyer canh thức là: “Đời sống của người đạo đức không diễn tiến trong những trạng thái thiu thiu ngủ, những giấc mơ và những đam mê, nhưng trong nỗ lực dấn thân luôn luôn chăm chú và điều độ của con tim nhân loại”. Thật thế, chăm chú điều độ con tim nhân loại luôn hướng về Chúa đến và nỗ lực canh tân làm việc với tất cả tấm lòng cho Chúa và cho anh em.
- Tác giả Schweizer nhận định thêm canh thức là luôn mang “thái độ trong đó con người luôn luôn chờ đợi với tinh thần trách nhiệm Đức Chúa đến và không để mình bị sao nhãng trong thái độ sẵn sàng thường hằng này đối với Ngài bởi bất cứ điều gì”. Có nghĩa là dấn thân trong chính cuộc sống hằng ngày có trách nhiệm ở công sở, xã hội và trong gia đình.
Chính vì lẽ đó ngươi sống canh thức là:
Biết sống là biết chờ đợi
Chờ đợi làm nên cuộc sống
(‘Manna’)
Như tâm tình Thi sĩ Tagore với cuộc sống:
”Tôi nằm ngủ và mơ thấy đời sống là một niềm vui.
Tôi thức dậy và tôi thấy đời là bổn phận.
Tôi hành động và tôi thấy bổn phận là niềm vui”.
Cho nên, chúng ta bước vào Mùa Vọng, cùng với Giáo hội sống một Mùa Vọng mới, thức tỉnh cầm đèn sáng trong tay ra đón Chúa với lời khấn nguyện thật thiết tha:
Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy đến!
(Kh 22,20).
Lm Vinh Sơn, Hà nội 30/11/2014
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: