Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

KHÁCH MỜI

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Khi con người đánh mất cái cốt lõi, điều chính yếu, điểm quan trọng, phía bên trong, thì sẽ dễ tìm cái bề ngoài, hình thức, phần phụ tùy, để thay thế.

Ví dụ:

Cứ tưởng là ngồi trên chiếc xe mắc tiền thì trở thành người sang trọng. Thực tế, người sang trọng dù đi xe đạp, đi bộ họ vẫn sang trọng.

Cứ tưởng là đeo vài chỉ vàng thì trở thành người giàu có. Thực tế, người giàu có dù không nói tới vàng bạc, chẳng bàn đô la, cũng không đeo bất cứ đồ trang sức nào, thì họ vẫn là người giàu có.

Cứ tưởng là nói những chữ, những câu của người khôn ngoan thì trở thành người khôn ngoan. Thực tế, người khôn ngoan chẳng nói lời nào vẫn là người khôn ngoan.

Cứ tưởng là nói những lời, làm những việc của người đạo đức thì trở thành người đạo đức. Thực tế, người đạo đức chẳng nói gì thì vẫn là người đạo đức.

Cứ tưởng là mua sắm nhiều đồ dùng, các phương tiện vật chất thì trở thành người sành điệu. Thực tế, người biết cách sử dụng vật chất như dầu thơm, phấn son, giày dép, quần áo, nón, mũ, điện thoại, máy nghe, máy chụp hình….mới là người sành điệu.

Cứ tưởng ngồi vào chỗ quan trọng thì trở thành người quan trọng. Thực tế, người quan trọng dù có ngồi đất, ngồi ngoài sân hay sau hè và cả trong nhà bếp, thì vẫn là người quan trọng.

Đây không chỉ là khuynh hướng của một số người, nhưng là nhiều người, của những nhóm, hay một xu thế của thời đại, họ chọn vỏ mà bỏ ruột. Vì thế mà nhiều người đã lao vào cuộc tìm kiếm, nắm giữ, rồi mất mát, tạo khủng hoảng và lo sợ cho nhiều người. Sợ không tìm thấy. Sợ thấy mà không nắm giữ được. Sợ nắm giữ được mà lại mất đi.

Bữa tiệc đời thường

Thánh kinh thuật lại câu truyện đời thường như sau: “Đức Giêsu được mời đi dự tiệc. Quan sát, Đức Giêsu thấy có một số khách chọn chỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ: Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn cũng được mời, và chủ nhà sẽ phải lên tiếng xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối” (x. Lc 14,1.7-14).

Tuy xưa, nhưng không khác thực tế hôm nay, khi người ta chọn hình thức bên ngoài mà bỏ mất nội dung chính yếu. Vì thế đã tạo ra sự tranh giành hay ghen tị giữa con người với nhau, về chỗ ngồi, về bàn tiệc, về món ăn, về thưa gửi…

Nếu biết rõ trong đám tiệc, tất cả mọi người đều là khách của gia chủ, trong đó có mình. Nhờ lòng tốt của chủ nhà mà mọi người có mặt. Nếu tất cả đều là khách quý, thì ngồi ở đâu, với ai đều tốt cả. Người già ngồi chung với người trẻ, người giàu có chung bàn với kẻ nghèo khó, người quyền chức an chung với người thường dân, đều quý, đều tốt cả. Còn việc sắp xếp chỗ ngồi của chủ nhà, chỉ là cách giúp cho việc phục vụ tốt hơn, đẹp mắt và gọn gàng hơn mà thôi.

Vì là khách quý, nên ta có trách nhiệm đáp lại tấm thịnh tình của gia chủ, không những là có mặt, mà còn phải tích cực trong ăn uống, trò chuyện, tâm sự, trao đổi, vui cười. Hoặc có thể góp vui bằng hát xướng, kể chuyên, đọc thơ, ảo thuật…để cho mọi người cùng vui.

Nhờ mỗi người nhiệt tình hăng say, mà bầu khí thêm sinh động, sống động. Từ gia chủ, bản thân và mọi người đều thích thú, hả hê tình cảm, tình nghĩa đầy tràn. Trong niềm vui, người ta càng thân thiết với nhau hơn, không còn so bì cao thấp về chỗ ngồi, hay so sánh về món ăn.



Bữa tiệc Thánh Thể

Từ bữa tiệc đời thường, Thiên Chúa mời gọi ta vào dự tiệc Thánh thể trong thánh lễ, mà người tín hữu đã từng tham dự và sẽ còn tiếp tục được mời gọi để sẻ chia sự sống thần linh của Ngài.

Cũng vậy, mọi thành phần dân Chúa đều là khách quý của Thiên Chúa. Dù đó là Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, tu sĩ hay Giáo dân, tất cả đều là quan trọng của Ngài.

Mỗi người hãy hăng hái tham dự bằng cách không những có mặt, mà còn tích cực lắng nghe, chú ý nhìn, rồi cùng hát, cùng đọc, và thể hiện sự kính trọng Chúa, trân trọng nhau khi đứng, quỳ hay ngồi. Bên cạnh đó, mỗi người tín hữu còn cần phải có lòng khao khát được dự tiệc, ước muốn được ăn bánh hằng sống, và luôn sẵn sàng có mặt mỗi khi có cử hành tiệc thánh. Ta hãy dành trọn thân xác và tâm hồn cho Chúa khi tham dự tiệc thánh. Hãy đặt mình trong khung cảnh bữa tiệc ly, khi được cùng đồng bàn với Chúa, cùng trò truyện với Ngài. Đó là cách để đáp lòng quý mến yêu thương của Thiên Chúa.

Vì tất cả đều là khách quý của Chúa, nên càng gần Chúa, càng gần cung thánh càng tốt. Còn thực tế, có sự sắp xếp chỗ ngồi khác nhau, đó không phải là để phân biệt đối xử, nhưng chỉ để tiện cho việc phục vụ và cử hành nghi thức mà thôi.

Ví dụ:

Như ca đoàn có thể ngồi chung, rải rác cùng với cộng đoàn, nhưng để tiện cho việc hát xướng, họ sẽ có chỗ dành riêng.

Như thiếu nhi giúp lễ ngồi riêng không có nghĩa là quan trọng hơn các em thiếu nhi khác, nhưng để tiện cho việc phục vụ mà thôi.

Như hàng Giám mục, linh mục, ngồi chung với mọi người, vẫn tốt, nhưng lại không tiện cho việc cử hành nghi thức, vì thế, nên đã có chỗ dành riêng cho các Ngài.

Còn nội dung vẫn là nghi thức thánh, bánh hằng sống vẫn luôn là chất lượng hảo hạng, bổ dưỡng cho mọi người, mọi lúc mọi nơi, và ai cũng đều được Thiên Chúa tha thiết mời gọi để chia sẻ.

Nhờ mỗi người tích cực như thế mà bầu khí phụng vụ có sức sống, thêm sinh động, tăng thêm sức sống. Và qua việc tham dự mầu nhiệm thánh, mọi người được no đầy ân phúc, dư đầy nghĩa tình và tràn trề niềm vui.



THANH THANH

http://niemvuimoi.org