Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sống ơn gọi Kitô hữu

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

Đức Maria- Mẹ Thiên Chúa  (01.01)

 

SỐNG ƠN GỌI KITÔ HỮU - SỐNG NIỀM VUI ĐEM CHÚA GIÊSU CHO NGƯỜI KHÁC  (Lc 2, 16-21)

 

Có thể nói, Thánh lễ hôm nay – Thánh lễ cuối Tuần Bát nhật Mừng Chúa Giáng sinh có nhiều ý nghĩa, ít là 4 điểm: 

 

1. Thánh lễ đầu năm dương lịch;

2. Kính thánh Danh Chúa Giêsu (đặt tên Chúa Giêsu);

3. Cầu cho hòa bình thế giới;

4. Đặc biệt Giáo hội mừng kính trọng thể Mẹ Thiên Chúa.

 

Trở về bài Tin Mừng kể lại việc các Mục đồng được Thiên sứ loan báo về Đấng Cứu Thế và họ đã ra đi cùng với những dấu chỉ nhận biết Đấng Cứu Thế và các mục đồng đã đến chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ bên cạnh Thánh Giuse và Mẹ Maria.

 

Đáng lưu ý, có hai thái độ khác nhau, song thống nhất và bổ túc cho nhau: 1/Thái độ hăng say của những người chăn chiên tíu tít kể chuyện khi gặp Tin Mừng Chúa Giêsu Giáng sinh ; b/ Thái độ tuyệt vời của Đức Maria là ghi nhớ mọi sự và suy niệm trong lòng.

 

Hai thái độ nhắc nhớ ta đến việc sống Đạo với hai chiều hướng: đời sống hoạt động và đời sống nội tâm. Hoạt động hướng đến phục vụ tha nhân, hướng đến việc Loan báo- đem Chúa Giêsu cho người khác, nhất là anh chị em lương dân; đời sống nội tâm nhắc nhớ về đời sống cầu nguyện, nghe và suy gẫm Lời Chúa, sống thân mật với Chúa. 

 

Vấn đề quan trọng của mỗi người Môn đệ theo Chúa Giêsu, là cần biết hài hòa, quân bình giữa hai hướng sống ấy: Vừa biết sống cho Chúa, vừa biết sống cho tha nhân; vừa biết chu toàn bổn phận đối với Chúa, vừa chu toàn bổn phận trần thế.

 

Thực ra trong Chúa Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể làm người không còn biệt phân hai chiều kích trên nữa, chúng thống nhất nên một. Phục vụ tha nhân, sống vì người khác chính là đang Phục vụ Thiên Chúa; Phục vụ Thiên Chúa nơi bổn phận đi lễ, đọc kinh tối, cầu nguyện chính là đang phục vụ tha nhân, đang cầu nguyện cho cho người khác. 

 

Bài Tin Mừng cho thấy hình ảnh các Mục đồng thật dễ thương, đáng cho ta suy nghĩ học hỏi.

 

Sau một ngày chăn chiên vất vả, lẽ thường tình họ đang rất cần được yêu giấc, nhất là những đêm đông trở lạnh. Thế nhưng khi nghe sứ thần loan tin: Tin Mừng trọng đại, Đấng Cứu Độ đã sinh ra Lc 2, 10-12), họ liền hối hả lên đường sang Belem. Đáp lại tiếng Chúa mời gọi, các mục đồng liền bỏ giấc ngủ ngon ấm áp đầy thích thú, tức là họ cũng dứt khoát giã từ chiều chuộng thân xác, những đam mê ươn hèn của xác thịt.

 

Điều đáng nói hơn: Khi họ gặp được Tin Mừng là Chúa Giêsu đặt nằm trong máng cỏ, họ không bo bo giữ cho riêng mình mà sẵn sàng, vui thích chia sẻ Tin Mừng người  khác.

 

Thánh sử Luca nói rõ: ‘Rồi những người chăn chiên trở về, vừa đi vừa tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên’.

 

Khi được Chúa ban đặc ân được biết và thấy Tin mừng Chúa Giêsu Giáng sinh, các Mục đồng đã không ngớt ca ngợi, tạ ơn Chúa, tích cực đem Chúa Giêsu cho người khác..

 

Còn chúng ta thì sao?

 

Một năm qua, xa hơn, nhiều năm qua, chúng ta nhận được biết bao hồng ân Chúa: nào sức khỏe, thời gian, điều kiện vật chất… Nhất là Hồng ân được làm Con Người, đặc biệt ân sủng được làm Con Chúa. Vậy ta đã ý thức cám ơn Chúa, tích cực sống tốt, sống thánh thiện, nhất là biết đem Chúa cho người khác chưa?

 

Chúa Giêsu Giáng sinh- quà tặng Bình An- Yêu Thương- Hy Vọng của Chúa Cha ban tặng cho nhân loại, cho mỗi chúng ta. Mừng Chúa Giáng sinh, đón Chúa Giáng sinh, thế ta có nên sứ giả Bình an- yêu thương- hy vọng của Chúa Giêsu cho người khác chưa, tích cực góp phần xây dựng Hòa bình thế giới, khởi đi từ gia đình, vợ chồng con cái?

 

Vậy làm thế nào để ta có niềm vui- bình an của Chúa Giáng sinh và đem niềm vui ấy chia sẻ cho người khác?

 

Câu chuyện minh họa từ cuộc sống:

 Ngày đầu tiên về nhà chồng, sau đêm tân hôn, trời mới tỏ rạng, nàng đã thể hiện con dâu đảm đang chăm chỉ, lấy chổi quét sân.

‘Chồng yêu’ thấy vậy đưa ‘vợ yêu’ ly sữa nóng mới pha,  thơm nồng đang bốc khói

- Em thật đảm đang, mẹ thấy chắc vui lắm.

Nói rồi, chồng yêu đưa ly sữa cho vợ yêu, cầm chổi phụ quét:

Ở một góc khuất trong bếp, người mẹ già với đôi mắt đỏ hoe.

Bà khóc không phải cảm động trước tình yêu con trai dành cho vợ mới.

Mà vì… tủi hổ!

Mấy chục năm, cả đời bà đến lúc này, bà chưa bao giờ được người con trai quan tâm, thương yêu như thế, dù chỉ một chút như thế.

Có lần, bà nhờ con trai lấy giùm chổi để bà quét. Con lấy, nhưng không đưa, mà là ném chổi cho bà với thái độ khó chịu.

Mẹ già càng nghĩ, càng tủi thân… càng thêm nước mắt!

(x. Góc Khuất- Trương Ái Nhiệm)

 

Chúng ta đang trong mùa cưới. khi có gia đình, nhất là những đôi tân hôn, dễ thường ta hay chăm bo cho gia đình mình, cho gia đình mình mà quên đi ân nhân lớn nhất đời mình là Mẹ Cha đã sinh- dưỡng- giáo dục ta, nhất là khi các ngài đã cao niên. Các ngài hay bị con cháu đưa vào những góc khuất trong cuộc sống;

 

Và khi chúng ta sống thiếu trách nhiệm- vô trách nhiệm,   sống thờ ơ, vô cảm với những người khác, nhất là những người kém may mắn, nghèo khổ, những trách nhiệm chung để góp xây Giáo hội, Giáo xứ- cộng đồng hòa bình hơn, đáng sống hơn, hy vọng hơn… là ta đang tạo ra những khoảng trống, góc khuất. Ma quỷ rất thích nếu ta nhân rộng những góc khuất vô cảm này.

 

Sự vô cảm, ích kỷ của chúng ta, hay khi ta phạm tội trọng- nhất là tội phá thai,  thì ta đang làm cho sức mạnh ma quỷ lớn thêm trong cuộc sống này. Thế giới của ma quỷ là thế giới của hận thù, đố kỵ, của chiến tranh…

 

Trở nên sứ giả Hòa Bình- chứng nhân Tin Mừng của Chúa, Nên thánh trong cuộc sống nhiều khi rất đơn giản, đôi khi chỉ nụ cười, lời nói đây trân trọng, yêu thương; biết chu toàn trách nhiệm, gắn kết yêu thương….  

 

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung tại quảng trường Thánh Phêrô năm ngoái, Đức Phanxicô, thật bất ngờ đã gởi tặng ta những chìa khóa thiết thực, hết sức đơn giản để có niềm vui – bình an trong gia đình. Ngài nói: “Muốn có an bình và niềm vui trong gia đình, chúng ta hãy biết sống ba từ chìa khóa sau đây: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Khi trong một gia đình người ta không xâm lấn nhau, nhưng biết xin phép. Khi trong một gia đình người ta không ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn. Khi trong một gia đình một người nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có an bình và niềm vui”.

 

Ba từ chìa khóa sau đây: xin phép, cám ơn và xin lỗi, quá đơn giản, mọi người đều có thể làm được.  

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Xin cho con hằng noi gương Mẹ mà gắn bó cùng Chúa trọn đời, hun đúc và gìn giữ ngọn lửa  Truyền giáo- hăng say đem Tin Mừng Chúa Giêsu   trong môi trường trần thế chúng con sống.

 

Lm. Đaminh Hương Quất