CÁI BÀN và GIA ĐÌNH
Muốn gia đình hạnh phúc, vững bền và thăng tiến, nhất thiết phải có 3 cái bàn. Đó là: bàn tay, bàn tiệc và bàn thánh.
Bàn Tay
Chúa không ban cho con người bàn tay để làm điều ác, gây ra đau khổ, đổ máu hay sát hại nhau, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Thiên Chúa và công trình của Người.
Con người được ban cho cho đôi tay để làm hai việc. Một là cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Chúa. Hai là giúp đỡ, chia sẻ trách nhiệm, công việc với nhau.
Khi dựng nên trời đất muôn vật và con người, Thiên Chúa thật tuyệt khi không kết thúc chương trình sáng tạo, mà mở ra con đường ân sủng, là cho con người được tiếp tục cộng tác vào chương trình sáng tạo mới của Ngài.
Khác với gà làm tổ theo thói quen. Con người sử dụng trí khôn Chúa ban để làm việc với thời gian ngắn nhất, đầu tư ít nhất, hiệu quả cao nhất.
Nhờ ơn Chúa, nhiều người đã phát huy và làm sinh lợi nén bạc Chúa trao để xây dựng nhiều công trình giúp bảo vệ vũ trụ thiên nhiên, bảo vệ con người, làm cho thế giới xanh, sạch, đẹp, giàu có sung túc hơn.
Nhờ bàn tay siêng năng làm việc mà của cải được sản sinh, có điều kiện để xây dựng và phát triển các chiều kích khác con người.
Nhờ bàn tay lao động mà con người có của nuôi thân, có cơm ăn áo mặc, gia đình được ấm no, và có điều kiện giúp đỡ nhiều người túng quẫn, thiếu cơ hội...
Gia đình mà vợ chồng biết sẻ chia công việc, không phân biệt việc của tôi việc của anh thì thật hạnh phúc.
Nếu còn phân biệt theo kiểu cha chú, bề trên như: việc sinh con đẻ cái, trong nhà ngoại ngõ, ao vườn chuồng trại, cơm nước nhà cửa, con cái là chuyện của bà. Còn tôi thì bàn đại sự quốc gia, hòa bình thế giới, bầu tổng thống, bầu giáo hoàng, thì mỗi thành viên trong gia đình chỉ là những công nhân lao động không lương mà thôi.
Bàn Tiệc
Của cải làm ra là để tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ con người, nhất là phục vụ gia đình.
Những thành quả do công sức con người làm ra lại được sử dụng để tái tạo cuộc sống, làm gia đình và bảo tồn sức khỏe, qua bữa ăn thân tình.
Ăn cơm chung của gia đình không chỉ đơn giản là bồi dưỡng sức khỏe thân xác, mà còn bồi dưỡng sức khỏe tình yêu, tinh thần. Bù đáp lại sự thiếu thốn trong khoảng thời gian phải xa cách nhau vì công việc, vì trách nhiệm.
Cơm chung là một kỷ luật. Vợ chồng phải coi việc ăn cơm chung là một kỷ luật, vì hạnh phúc gia đình. Nếu không, sẽ có đủ lý do để tránh mặt. Nào là mệt mỏi khó chịu đến nóng nảy cần nghỉ ngơi, tắm rửa; nào là phim hay cần xem ngay đến phải đi với bạn bè, đồng nghiệp, giao dịch.. Nào là cơm canh không vừa miệng đến…
Nếu không có kỷ luật và tôn trọng, thì sẽ có trăm ngàn lý do không ngồi dùng chung trong bữa cơm gia đình. Và chính ta sẽ mở đường cho ý riêng hoạt động, dẫn đến sự mong manh, rạn rứt, đổ vỡ gia đình.
Nếu không ăn cơm chung được 3 lần thì 2 lần hoặc cố gắng sắp xếp 1 lần, hay thống nhất một giờ khắc nhất định để có mặt đầy đủ trong bữa cơm thân tình. Mỗi người phải nghiêm túc tuân theo để tôn trọng người thân yêu của mình.
Nếu ai đó viện đủ mọi lý do để vắng mặt trong sinh hoạt chung của, thì đây là dấu hiệu về tình yêu của mình đang nguội dần, nên cố gắng cũng ít dần.
Cơm chung là việc hy sinh. Vợ chồng phải coi việc dùng cơm chung là việc hy sinh cụ thể và cần thiết, vì hạnh phúc gia đình.
Thật nghịch lý khi chồng hay vợ là người rất hào phóng với bạn bè nhưng lại khắt khe với gia đình; rộng rã với đồng nghiệp nhưng lại tính toán với người thân; dễ dãi với mọi người nhưng lại nghiêm khắc với gia đình.
Đáng lẽ vợ, chồng phải là người đầu tiên được hưởng những hy sinh ấy trước khi dành cho người ngoài mới đúng. Vì vợ, chồng đã dâng hiến trọn vẹn thân xác, tâm hồn và cả đời cho nhau, thì cũng xứng đáng được hưởng mọi thứ tốt nhất của nhau.
Vợ chồng nếu biết quan tâm, lo lắng và đặt mình vào hoàn cảnh của nhau, thì sẽ đọc được ước muốn, khao khát, thao thức của nhau, xuyên qua các sinh hoạt đời thường.
Cơm chung là việc bác ái. Vợ chồng phải coi việc dùng cơm chung là việc bác ái cần thiết để nói lên rằng mình vẫn còn yêu thương nhau.
Cũng vậy, những lời ngon ngọt, dễ thương, những lời khen ngợi tế nhị có thể rất dễ áp dụng đối với người dưng, thì cũng hãy dành cách cư xử ấy đối với gia đình của mình.
Không chỉ bác ái vì có mặt, mà còn thể hiện bằng cách vui lòng đón nhận những hy sinh của nhau, dù có thể không đẹp, không ngon, không hấp dẫn bằng nhà hàng khách sạn. Nhưng vậy mới gọi là tình yêu. Tình yêu thì không so đo tính toán hay chê bai, nhưng là sẵn sàng đón nhận, dù không được hài lòng.
Bàn Thánh
Bàn thánh ở đây chính là lòng đạo đức, hết lòng gắn bó, tín thác vào tình yêu và quan phòng của Thiên Chúa.
Lòng đạo đức giúp vợ chồng đẩy lui thói ích kỷ, ghen tị, tìm tư lợi, phần thắng, phần tốt, phần dễ dãi thoải mái ra khỏi bản thân và gia đình.
Lòng đạo đức là trọng tài, là trung gian để vợ chồng dựa vào làm chuẩn mực cho đời mình, cũng như là thước đo giải quyết mọi trục trặc xảy ra trong cuộc sống gia đình.
Lòng đạo đức là liều thuốc tuyệt vời chữa lành các vết thương thể xác cũng như tinh thần do người thân gây ra.
Lòng đạo đức xoa dịu mọi mệt mỏi, chán nản, thất vọng để thay bằng mạnh khỏe, hy vọng, phấn khởi hân hoan.
Lòng đạo đức cho ta nguồn sức mạnh vượt khó, kiên trì nhẫn nại, không chấp nhất hẹp hòi.
Lòng đạo đức bù đắp mọi khuyết điểm và thiếu sót trong cuộc sống cũng như trong bản tính yếu đuối mỏng giòn của kiếp người.
Lòng đạo đức như sợi dây cột chặt con người với nhau trong nghĩa thiết, nghĩa hiếu và nghĩa ân.
Lòng đạo đức bù đắp mọi khoảng trống mà con người không thể làm đầy trong tiến trình hoàn thiện bản thân và gia đình.
Lòng đạo đức là kim chỉ nam dẫn đường cho vợ chồng đến bến bờ yêu thương một cách an toàn.
Lòng đạo đức giúp ta nhận ra tâm hồn, tấm lòng và hy sinh của nhau một cách dễ dàng.
Lòng đạo đức giúp ta sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Làm cho ta có thể cười trong cả những hoàn cảnh éo le và đau khổ nhất của cuộc đời.
Lòng đạo đức giúp con người có thể tin tưởng và thông cảm nhau, thay vì nghi ngờ, vô cảm.
Lòng đạo đức là mối dây ràng buộc giao ước, bổn phận và trách nhiệm của vợ chồng.
Lòng đạo đức giúp ta cố gắng hoàn thành tốt sứ mệnh Chúa trao với tất cả lòng yêu mến.
Lòng đạo đức cho ta sức mạnh để có thể chấp nhận nhau, sẵn sàng trung thành đến chết trong giao ước hôn nhân của mình.
Muốn gia đình của mình luôn hạnh phúc và bền vững, thì cần phải có và giữ cho được ba cái bàn. Đó là bàn tay, bàn tiệc và bàn thánh.
THANH THANH
http://niemvuimoi.org
BẮT QUỶ
Trong bàn nhậu, họ bàn nhiều chuyện và đưa ra nhiều quan điểm. Có người cho rằng không có ma quỷ trong thế giới này. Người khác lại bảo là có.
Người bảo có giữ nguyên lập trường của mình và lớn tiếng: nếu tôi không bắt được quỷ đem về chứng minh với xóm làng thì tôi không phải là người nữa.
Anh dặn vợ con ở nhà chờ tin. Nếu sau ba tháng mà không trở về thì coi như đã chết. Và anh lên đường. Thời gian trôi qua. Một tháng rồi 3 tháng, một năm rồi 3 năm mà vẫn không thấy anh trở về.
Còn anh thì kiên trì đi bắt quỷ. Từ làng này sang làng khác, từ chốn phồn vinh đến nơi thôn quê, từ chốn ồn ào đến nơi vắng vẻ. Anh đến sa mạc vào tận rừng sâu. Thế rồi anh gặp được một vị ẩn sĩ, và hỏi: Ông có biết quỷ ở đâu không, xin chỉ để tôi đi bắt nó về.
Vị ẩn sĩ trả lời: Tôi thấy đâu phải là anh đi bắt quỷ, mà anh sẽ chẳng bao giờ bắt được quỷ. Vì quỷ đã bắt được anh rồi.
Không đời nào! Tôi khỏe mạnh thế này thì làm sao nó bắt được tôi.
Không. Vị ẩn sĩ nói tiếp: Quỷ đã bắt lòng dạ, tâm trí, tâm hồn và cuộc sống anh rồi. Đáng lẽ, anh phải dành trọn thời gian để lo cho gia đình, vợ con. Anh phải làm tròn trách nhiệm và bổn phận làm chồng làm cha, thì anh lại bỏ bê trách nhiệm, bỏ nhà ra đi. Chính anh đã bị quỷ tách ra khỏi tình yêu, hạnh phúc và sức mạnh của gia đình. Anh đã trở nên yếu nhược, thua trận, dù bề ngoài vẫn còn khỏe mạnh, phương phi. (Thanh Thanh)
Khi Đức Giêsu đến để thực hiện chương trình cứu độ, thì với chúng, ma quỷ, thời đã mãn, đã đến hồi kết thúc. Vì thế chúng càng ráo riết, tăng tốc tối đa. “Chúng như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Chúng len lỏi vào mọi sinh hoạt của con người, vào từng ngõ ngách của cuộc sống và tâm hồn con người. Chúng là hình ảnh thánh kinh nói đến trong dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa. Đúng là ma quỷ
Chúng thật tinh vi và xảo quyệt, dối trá và lưu manh, mưu mô và thủ đoạn. Nó dùng đủ cách để chống lại Thiên Chúa, tiêu diệt con người, và dùng con người chống đối Thiên Chúa. Hậu quả là con người trở nên yếu nhược, yếu đuối, yếu đau, vì bị tách ra khỏi Thiên Chúa.
Cách đơn giản, thường làm nhưng lại hiệu quả. Đó là, chúng bắt đầu từ cuộc sống hiện tại của của con người đang là, rồi lôi kéo, dẫn ta dần xa đường sự thật, xa Thiên Chúa và trở nên lầm lạc.
Ví dụ:
Với người siêng năng, đạo đức. Ma quỷ ru ngủ bằng một sự an toàn đến tuyệt đối, vì đã lãnh các bí tích, có dự lễ, đọc kinh, xưng tội… và ta cảm thấy thế là được là đủ, không cần phải kiếm tìm gì thêm nữa về chân lý tuyệt đối, về Thiên Chúa. Vì an toàn, nên không cần phải cảnh giác, đề phòng. Vì cho mình an toàn, nên ta đã bị nó tách ra khỏi Thiên Chúa.
Với người lười biếng khô khan. Ma quỷ ru ngủ bằng sự an toàn, an tâm giả tạo, là không phải lo lắng gì, cứ yên tâm, từ trước đến giờ sống vậy có sao đâu, có chết chóc gì ai. Vả lại, Thiên Chúa nhân từ độ lượng vô bờ, Ngài sẽ không hủy diệt con người. Ngài đến để cứu vớt mà. Thế rồi, ta bị nó tách ra khỏi Thiên Chúa.
Với người lương tâm ngặt. Ma quỷ ru ngủ bằng sự an toàn khi cậy dựa vào khuôn phép, nguyên tắc, lề luật, đến độ bóp nghẹt trái tim, trở nên khô khan, cứng nhắc. Và muốn áp đặt mọi người phải theo lập trường của mình. Thế rồi, ta bị tách ra khỏi Thiên Chúa.
Với người lương tâm rộng rãi. Ma quỷ ru ngủ bằng sự an toàn, khi giải thích mọi việc một cách đơn giản, nhỏ bé, dù thực tế rất nghiêm trọng, nặng nề, tội lỗi. Với loại người này thì tội to cũng thành tội nhỏ, điều xấu lớn cũng coi như không có gì. Thế rồi, ta bị tách mình ra khỏi Thiên Chúa.
Với người lương tâm bối rối. Ma quỷ ru ngủ bằng sự an sự an toàn, khi coi mọi sự là nghiêm trọng, thứ gì chuyện gì cũng đều có vấn đề. Người này mang một tâm trạng sợ hãi, lo âu, rối trí, cuộc sống rối bời. Họ không phân biệt được đâu là tội đâu là phúc, đâu là xấu đâu là lành thánh. Mọi thứ như mớ bòng bong trong tâm hồn và cuộc sống của họ. Thế rồi, ta bị tách mình ra khỏi Thiên Chúa.
Với người học cao hiểu rộng. Ma quỷ ru ngủ bằng sự an toàn của kiến thức, bằng hiểu biết sâu sa nhiều vấn đề vũ trụ và con người. Họ có thể giải thích được nhiều vấn đề cuộc sống, tôn giáo, khoa học. Và họ cảm thấy trí tuệ là quan trọng nhất, lý trí có thể dẫn họ xa hơn trên đường khôn ngoan. Họ dần bám chặt vào kiến thức như chỗ dựa an toàn để có thể giải đáp tất cả mọi vấn nạn của thế giới, mà không cần đến ơn trên, hay không màng đến tiếng nói của lương tâm và Thánh Thần. Thế rồi, ta bị tách mình ra khỏi Thiên Chúa.
Với người ngu muội, kém cỏi. Ma quỷ ru ngủ bằng mặc cảm tự ti, yếu thế. Họ cảm thấy mình là không đáng, không giá trị, là đồ bỏ, ăn hại, đáng ghét, rồi dần thu mình vào thế giới riêng. Cuộc sống của họ hoặc sẽ trở nên cô độc, khép kín, không muốn tiếp xúc, tương giao hay cộng tác với ai. Hoặc sống trong thế giới hoang tưởng, vẽ ra một thế giới tuyệt vời như thần tiên, và cuộn mình vào thế giới này, dù thực tế không phải vậy. Họ không dám đối mặt với cuộc sống. Họ mất đi can đảm và nghị lực để vươn lên, yếu nhược đi trong tinh thần dấn thân xây dựng đời mình, phục vụ cộng đoàn, phát triển xã hội, thăng tiến Giáo hội. Thế rồi, ta bị tách mình ra khỏi Thiên Chúa.
Với người khỏe mạnh đẹp đẽ. Ma quỷ ru ngủ bằng sức mạnh phương phi, muốn làm gì là làm, không phải vất vả, mình có thể làm tất cả mà chẳng cần nhờ ai. Nó ru ngủ bằng sắc đẹp, coi đó là thứ bền vững, là giá trị của cao của con người, rồi nhìn đời nhìn người khác bằng ánh mặt coi thường. Ma qủy giúp ta bám chặt vào những thứ mình có và tưởng rằng ấy sức mạnh là tất cả, sắc đẹp là vô cùng. Thế rồi, ta bị tách mình ra khỏi Thiên Chúa.
Với người yếu đau bệnh tật, xấu xí. Ma quỷ rủ ngủ bằng tâm hồn tội lỗi. Nghĩ rằng mình bị Chúa phạt, nên không dám tiếp xúc với ai. Ở hiền gặp lành mà. Chắc là sống không ra gì thì mới bi đát đến vậy. Thế rồi từng cá nhân, đến cộng đoàn và cả đương sự cũng cảm thấy như thế, nên họ bị tách ra khỏi sức mạnh của tập thể. Và thế rồi, họ cũng bị tách ra khỏi Thiên Chúa.
Hãy cẩn thận, đừng tưởng ta đang đứng thì có nghĩa là vững. Ta có thể té ngã bất cứ lúc nào. Té ngã vì kiến thức hay bằng cấp, chức vụ hay quyền lực, nhân đức hay đạo đức, tiền bạc hay vật chất, sức mạnh hay sắc đẹp.
Hãy cẩn thận với cuộc sống đang là của ta. Hãy tỉnh thức, đừng để ma dẫn lối, quỷ đưa đường, làm cho ta phải xa rời tình yêu Chúa và sức mạnh của cộng đoàn.
Hã nhớ, đừng tưởng là ta có thế bắt quỷ. Coi chừng quỷ đã bắt lấy tâm trí, tâm hồn và cuộc sống của ta hồi nào không hay. Ta đã yếu nhược mà cứ tưởng rằng đang mạnh mẽ, vững chắc.
Nhờ nguồn lực là Thánh Thần, nội lực của bản thân và trợ lực của cộng đoàn, ta hãy can đảm tiến bước, bình an trên đường đức tin.
THANH THANH
http://niemvuimoi.org