MỞ ĐƯỜNG
Thánh Gioan thuật lại câu truyện Chúa Giêsu, Ngài động viên các tông đồ đừng xao xuyến, nhưng hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài. Ngài báo về chuyến đi là để dọn chỗ trong nhà Cha, rồi sẽ trở lại đón các ông.
Tôma liền thưa: nhưng chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?. Ngài trả lời: chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.
Philípphê tiếp lời: Vậy xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện. Đức Giêsu trả lời: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. [x.Ga 14,1-12]
Chúa Giêsu là người mở đường
Đi đâu cũng cần có đường. Không con đường nào tự nhiên có. Phải có người mở đường.
Có người mở ra những con đường vật chất, nhờ có óc phiêu lưu mạo hiểm, có tầm nhìn bao quát, có óc tính toán thực tế.
Có người mở ra những con đường suy tư triết học, sáng tác nghệ thuật, nhờ trí tuệ thông minh xuất chúng, có tư duy sáng tạo, có trực giác bén nhạy, có trí tưởng tượng phong phú.
Nhưng không ai có thể mở con đường lên trời. Đường lên trời hoàn toàn vượt khả năng con người. Phải có Đấng, ấy là Chúa Giêsu, Ngài đã đến từ Đức Chúa Cha, nay trở về cùng Người. Ngài hứa dọn chỗ cho ta trong Nhà Cha. Với những thông tin như thế, Ngài đã cho ta biết Trời chính là Nhà Cha. Quê Trời là trở thành Quê Cha. Nước Trời trở thành một cõi đi về thân thương của con người. Con đường đi về ấy, chính Chúa Giêsu đã mở.
Chúa Giêsu là đường
Khác với Đức Phật, chỉ cho ta thấy trăng, chứ Ngài không phải là trăng. Còn Đức Giêsu thì khác. Trước khi về cùng Cha, Ngà đã khẳng định: “Chính Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.
Đức Giêsu chính là Đường dẫn chúng ta đi từ nhịp cầu đau khổ đến bến bờ vinh quang, từ cõi chết trở về cõi sống, từ đời sống tạm bợ tới cuộc sống vĩnh hằng, từ trần gian tục lụy về quê hương thiên đàng.
Đức Giêsu chính là đường Sự Thật. Sự thật tuyệt đối, sự thật về một Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta.
Đức Giêsu chính là đường Sự Sống. Sự sống vĩnh cửu, sự sống từ cung lòng Cha ban cho mọi loài được sống. Sự sống đã giải thoát con người khỏi chết muôn đời. Ngài là Đấng cứu độ duy nhất.
Mọi con đường cứu độ đều phải dẫn đến Đức Giêsu. Tất cả loài người đều được cứu độ nhờ danh Ngài, kể cả những con người không biết Chúa, nhưng sống theo lương tâm ngay lành, đều được Ngài ban ơn cứu độ. Sách Công vụ Tông đồ viết: “Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ”.
Con đường ấy là phục vụ, yêu thương. Vì thế những ai muốn đi trên con đường này cũng phải dấn thân phục vụ anh em, và tận tình yêu thương nhau.
Con đường ấy là thập giá và đau khổ. Vì thế những ai bước đi trên con đường này cũng phải hy sinh bản thân, và sẵn lòng chịu khổ vì danh Đức Giêsu.
Hy sinh bao giờ cũng cho tâm hồn nét đẹp cao thượng. Với tình yêu, những khó khăn sẽ nhỏ lại, những vất vả sẽ được nhẹ vơi, những thương tích sẽ bị xóa nhòa. Lòng chúng ta cảm thấy vui hơn, cuộc đời thênh thang rộng mở.
Không chỉ là người mở đường, Chúa Giêsu chính là con đường về Nhà Cha, ta không chỉ đi theo, đi với mà còn phải đi trong Ngài. Không chỉ đi trong đường lối, trong tinh thần, nhưng trong chính bản thân Ngài. Như cành nho gắn liền với thân nho và sống bằng sự sống của thân nho. Như bánh rượu tan hoà vào trong máu thịt trở nên thành phần của bản thân ta. Như bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính loài người trong bản thân Ngài. Đi trong Ngài để ta ở giống Ngài ở trong Chúa Cha. Đi trong Ngài để mang hình ảnh của Ngài, để ai thấy ta cũng nhận ra Chúa. Như “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.
Chúa Giêsu là đích tới của con đường
Đi trong Chúa Giêsu là một hành trình dài. Hành trình cả đời.
Để đi trong Ngài ta phải từ bỏ hết những gì của bản thân mình, kết hiệp trọn vẹn với Ngài, cũng như Ngài đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, để trở nên một với Chúa Cha.
Khi đã hoàn toàn từ bỏ ý riêng và trở nên một với Ngài cũng là lúc ta đạt tới đích điểm, là lúc ta gặp được Chúa Cha, là lúc ta ở trong Nhà Cha, là lúc ta đạt tới Quê Hương yêu dấu trên trời.
Đường hy vọng và tin tưởng của tín hữu
Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Chúng con không biết Thầy đi đâu? Câu hỏi được các tông đồ hỏi Thầy Giêsu nhiều lần.
Thực vậy, thuở ban đầu, lúc mới gặp Chúa, các ông đã hỏi: Thưa Thầy, Thầy ở đâu?
Và rồi Chúa Giêsu trả lời: Hãy đến mà xem.
Trước bữa tiệc ly, các ông muốn biết một địa chỉ, một nơi chốn chính xác để mà chuẩn bị, nên đã hỏi Chúa Giêsu: Thưa Thầy, Thầy muốn chúng con ăn lễ vượt qua ở đâu?
Và hôm nay trước một tương lai còn mù mờ và bấp bênh, Tôma đã hỏi Chúa: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường đi.
Sở dĩ các ông bận tâm về nơi chốn là vì trong quãng đời theo Chúa, các ông luôn được dẫn vào những cuộc hành trình, nay đây mai đó, không có một địa chỉ, một nơi chốn cố định: Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người thì không có cả chốn để mà tựa đầu.
Còn cuộc hành trình cuối cùng lại là cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để chứng kiến Thầy mình chịu chết trên thập giá. Các ông đã coi đây là con đường thất bại của Chúa Giêsu, làm cho các ông tuyệt vọng. Mấy năm dài miệt mài theo Chúa những mong có ngày tả hữu vinh quang, nào ngờ Ngài lại bị đóng đinh như một tên tử tội… Đúng là dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.
Khi mọi vốn liếng hy vọng đặt cả vào canh bạc cuộc đời, rồi bỗng dưng lật ngửa trắng tay. Các ông như từ trên cao rớt xuống. Hụt hẫng, chới với, chao đảo. Ước mơ bị sụp đổ, các ông như người bị phá sản. Thế mới hay mơ ước thì to lớn, nhưng khung đời lại chật hẹp. Mơ ước thật nhiều mà thực tế chẳng được bao nhiêu, nhiều lúc còn cay đắng phũ phàng.
Thầy đi đâu? Đằng sau câu hỏi này là tâm trạng hoang mang bất ổn trước một dĩ vãng vừa mới khép lại mà tương lai thì chưa kịp mở ra. Tương lai ấy hoàn toàn đổi mới hay chỉ là một dĩ vãng được lặp lai nơi chính bản thân mình. Đã một lần vỡ mộng, các ông băn khoăn là chuyện thường tình. Giống như đứa trẻ lỡ một lần bị phỏng, hễ thấy lửa, là tự nhiên rụt tay lại. Vì thế trong câu hỏi: Thầy đi đâu? Cũng nói lên nỗi âu lo rằng mình sẽ đi đâu? Thất vọng về dĩ vãng. Hoang mang trước tương lai đó là con đường các tông đồ đã nếm trải.
Nhưng thật an tâm, Chúa Giêsu đã khuyên nhủ các ông: Các con đừng xao xuyến.
Đó là một lời an ủi, mở ra một con đường mới, tràn ngập hy vọng và tin yêu. Thực vậy, Chúa Giêsu nói tiếp: Thầy đi để dọn chỗ cho các con.
Và như thế một tương lai đã được hé mở. Tương lai ấy không còn xa xôi, nhưng đã bén rễ ngay từ cuộc đời này. Sống hiện tại là chuẩn bị cho tương lai. Ngày mai đang bặt đầu từ hôm nay. Hay nói cách khác, cuộc sống trong nước trời phải được chuẩn bị, phải được định hình ngay từ bây giờ.
Đi trong hy vọng là nhận ra rằng con người được tạo dựng để hướng tới một mục đích, chứ không phải sống một cách vất vưởng, như thuyền không lái, như ngựa không cương. Và mục đích chúng ta cần phải đạt tới là chính Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc bất tận.
Thầy ở đâu? Thầy không có địa chỉ, mà cũng chẳng ai có thể tìm được địa chỉ, ngoài Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
THANH THANH
http://niemvuimoi.org