BA BỨC TƯỜNG
Tường, dù làm bằng chất liệu nào và ở đâu, thì mục đích chung vẫn là: bảo vệ.
Nhưng có những bức tường khác, chúng không bảo vệ, mà còn ngăn cản sự thăng tiến của con người. Ba bức tường lớn nhất khiến con người đánh mất chính mình, xa rời Thiên Chúa, đó là: lười biếng, nhu nhược và kiêu căng.
Bức tường kiêu căng
Nói về kiêu căng thì, không nhân vật nào sáng giá cho bằng ông bà nguyên tổ mà Thánh kinh đã ghi lại. Vì ham muốn nổi bật hơn người, vì ước ao biết mọi sự, thấy đủ điều, muốn bằng Thiên Chúa, nên sẵn sàng chống lệnh Ngài để nghe theo sự mời mọc dễ nghe, ngọt tai của con rắn.
Vấn đề không phải là vâng lời hay không vâng lời, không phải là ham thích hay tham lam thường tình, cũng không phải để tìm hiểu, tò mò hay hiếu kỳ, chỉ thử cho biết. Mà cội rễ thẳm sâu của vấn đề chính là kiêu căng. Một thúc bách mạnh mẽ của cõi lòng muốn tách mình ra khỏi tình yêu của Đức Chúa, cùng mọi sự tốt lành Người ban cho khi dựng nên con người.
Vấn đề hệ tại ở chỗ muốn bằng Thiên Chúa, muốn biết mọi sự, nhất là muốn có đầy đủ quyền lực như Người, để được tự do muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, không còn phải bị cấm đoán, dò xét của Chúa nữa.
Việc ăn trái cấm không còn là chuyện lỡ ăn, hay thử ăn cho biết xem nó chát chua ngọt bùi thế nào, nhưng là một sự thách thức Thiên Chúa cách minh nhiên, khi nghe theo con rắn mà không nghe lời Đức Chúa. Một sự so sánh và cân nhắc ngang hàng trong quyết định của Đức Chúa và cám dỗ của ma quỷ.
Không phải Thiên Chúa dấu nghề, hay ích kỷ chỉ ban cho con người một phần sự thật, một phần quyền uy hay một phần tình yêu, nhưng vì Thiên Chúa biết rõ con người là ai và là gì, nên Người định liệu cho hưởng dùng và sử dụng trong một mức độ nhất định để không gây hại cho con người. Con người bởi đất bụi mà ra mà.
Vì thế, không phải vô tình mà bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người được dựng lên. Càng không phải Thiên Chúa làm bẫy để con người vi phạm rồi trừng trị.
Hậu quả của kiêu căng thật khủng khiếp. Nào là phải xa cách Thiên Chúa, rồi đến cực nhọc đau đớn khi sinh nở, đến đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có của ăn. Nào là các nhân đức làm người và làm con Chúa bị phá huỷ khiến tiến trình hoàn thiện bản thân bị cắt ngang. Nào là kiêu căng đẻ ra kiêu căng, sự dữ sinh ra sự dữ, đau khổ lan tràn khổ đau, huỷ diệt tiếp nối chết chóc. Nào là ràng buộc của ma quỷ cột chặt con người lại, để điều tốt ta muốn làm thì lại không làm, còn điều xấu không muốn là thì lại cứ làm. Nào là con người không còn làm chủ mình nữa, nhưng bị lôi kéo, điều khiển bởi ma quỷ từng ngày từng giờ trong suốt đời ta. Nào là đánh mất tình nghĩa cha con, anh em, bè bạn. Rồi đến cắt đi các mối tương quan giữa con người với nhau và với Chúa.
Kiêu căng, bức tường đáng sợ. Kiêu căng, đường đưa tới diệt vong.
Bức tường nhu nhược
Thánh kinh thuật lại câu truyện người mù từ thuở mới sinh được Đức Giêsu chữa lành. Anh đã làm theo chỉ dẫn của Ngài khi đi tắm rửa ở hồ Siloac, và anh đã nhìn thấy.
Anh can đảm đối diện với sự thật mình là ai và ai đã chữa cho, mặc cho áp lực của dư luận, của giới chức tôn giáo có thể gây khó dễ cho anh.
Đang khi đó, cha mẹ anh không dám biểu lộ niềm vui khi con được lành sạch. “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi và bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được. Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Dothái. Thật vậy, người Dothái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Vì thế mới nói: Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó" (x.Gioan 9).
Nhu nhược nên ông bà đã không dám nhìn nhận hành động tốt lành của Đức Giêsu, vì sợ bị trục xuất khỏi hội đường.
Nhu nhược làm cho tâm hồn trở nên mềm yếu. Không biết từ chối những đam mê dục vọng, không biết can đảm nói lên sự thật về mình và về người. Không dám dấn thân để xây dựng tương quan tình nghĩa bè bạn, gia đình, vợ chồng hay nghề nghiệp và các lãnh vực trong cuộc sống.
Nhu nhược làm cho ta mất các cơ hội để tiến thân và hiến thân, mất hết dịp may trên đường đời. Cơ hội là Đức Giêsu đã đến, con thì gặp, còn cha mẹ lại không. Cơ hội bám sát tình yêu Đức Giêsu để được sống và cùng sống lại với Ngài lại vuột khỏi tầm tay. Cơ hội để cám ơn, bày tỏ lòng hiếu thảo của mình với Thiên Chúa cũng bị bỏ qua…
Nhu nhược làm đánh mất tư cách của mình, khiến người khác coi thường khinh khi. Bởi mình không có lòng tự trọng thì làm sao người khác có thể tôn trọng mình được.
Nhu nhược làm cho mình thành người sống dựa, sống bám vào người khác, hoặc an phận thủ thường, không có tinh thần cầu tiến.
Nhu nhược làm cho ta xa rời sự thật, công lý và hoà bình. Nhu nhược đóng cửa lòng lại với thế giới bao la của tình yêu và cơ hội đang gọi mời ta khám phá giúp hoàn thiện bản thân.
Nhu nhược tạo cho con người một bức rào chắn, một cách bảo vệ có vẻ khôn ngoan, với luận điệu như ở ống thì dài, ở bầu thì tròn. Hoặc là không biết dựng cột mà nghe, nói ra chẳng phải đầu thì phải tai. Hay im lặng là vàng mà. Rồi đến những trả lời gián tiếp hoặc trực tiếp chối bỏ sự thật…
Nhu nhược đánh mất chính mình, sai lạc về phán đoán, ngộ nhận về người khác, lầm lẫn về thực tế, sai lạc về Thiên Chúa.
Nhu nhược, bức tường nguy hiểm. Nhu nhược, đường đưa tới huỷ diệt.
Bức tường lười biếng
Lười biếng làm ta ươn lười, trễ nải, ngại khó, thờ ơ với sinh hoạt đời thường cũng như sinh hoạt đạo đức.
Lười biếng là để cuộc đời mình trôi theo dòng nước như bèo lục bình. Không cố gắng vươn lên để cải thiện và làm giàu cuộc sống, xây dựng gia đình, Giáo hội, xã hội ngày một tốt hơn, đẹp hơn, giàu hơn, thánh đức và hiệp nhất yêu thương nhau hơn.
Lười biếng làm cho con người sống trong lớp vỏ của an toàn giả tạo, tự an ủi rằng cuộc sống chỉ có thế, cố gắng rồi cũng chết. Chết là hết.
Lười biếng làm cho ta vô cảm trước đau thương khốn khó và nhu cầu của người khác khi cần đến sự giúp đỡ của ta.
Lười biếng làm cho ta ngại nhúng tay vào bất cứ việc gì, dù đó là bổn phận hay trách nhiệm phải thi hành.
Lười biếng làm ta mất cảm thức về tội, hoặc cho rằng chẳng có gì là tội lỗi. Đây là điều rất nguy hiểm, nó làm cho lương tâm sai lạc, xơ cứng, coi thường sức mạnh của sự dữ. Khiến người ta phạm tội mà vẫn yên tâm trong lệch lạc của mình.
Lười biếng làm cho ta trở nên tăm tối bởi thiếu khôn ngoan và hiểu biết của trí thức. Làm con người bị tụt hậu với sự tiến bộ của thế giới hiện tại.
Lười biếng làm con người trở nên thụ động. Không có tinh thần học hỏi hay cầu tiến để đời mình thêm giá trị. Không cố gắng phát huy nén bạc Chúa trao cho sinh lợi nhiều hơn. Về sức khoẻ, trí khôn, thời gian, tiền bạc vật chất, cùng mọi nhân đức làm người.
Lười biếng kéo lê cuộc đời con người theo năm tháng mà không chút hy vọng, thiếu vắng niềm tin, nghị lực và can đảm. Khiến đời người trở nên vô nghĩa.
Lười biếng chôn vùi ân sủng, các nhân đức, những giá trị tinh thần và thiêng liêng.
Lười biếng, bức tường khủng khiếp. Lười biếng, đường đưa đến sự chết.
THANH THANH
http://niemvuimoi.org