CÂY LÚA và CON NGƯỜI
(Ga 12, 24-26)
Hình ảnh cây lúa, đối với người nông dân thì chẳng lạ gì. Nhìn vào cây lúa mà thấy những liên hệ gần gũi với con người trong từng giai đoạn sinh trưởng, kết trái và tái tạo sự sống mới.
Nếu biết nhìn vào cây lúa rất hai lúa như sau, thì ta sẽ luôn bình an, không có gì phải sợ hãi, kể cả cái chết. Mà ngược lại rất vui tươi phấn khởi.
Và như chờ mùa gặt thế nào, thì ta cũng chờ cái chết như vậy để được thu nhận vào nước thiên đàng huởng niềm vui bất tận cùng các người Chúa chọn.
Cây lúa và con người
Cây lúa và con người có những tương ứng từ lúc khởi sự cho đến hoàn thành như sau:
Giai đoạn ủ mầm tương ứng với giai đoạn gieo mầm sống của con người.
Giai đoạn nảy mầm tương ứng với giai đoạn 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ.
Giai đoạn mạ non tương ứng với lúc sinh nở, cất tiếng khóc chào đời.
Giai đoạn đẻ nhánh tương ứng với giai đoạn thiếu nhi, thiếu niên.
Giai đoạn trưởng thành, trổ đòng tương ứng với giai đoạn thanh niên và hôn nhân.
Giai đoạn lúa chín tương ứng với giai đoạn lão niên, thượng thọ.
Giai đoạn mùa gặt tương ứng với giai đoạn đón nhận cái chết.
- Lúc này cây lúa sẽ bị đốt thành tro, bị trục dìm xuống nước cho thối, còn con người thân xác cũng sẽ thối rữa đi.
- Lúc này thu lúa về kho, thì linh hồn cũng về chầu Chúa.
Con người và Bí tích
Từ cây lúa và con người, ta lại thấy hành trình sinh ra và trưởng thành trong ân sủng Chúa, liên hệ gắn bó với các bí tích.
Sinh ra liên hệ đến bí tích Rửa tội. Con người được sinh ra trong đức tin.
Nuôi dưỡng bằng lương thực, liên hệ đến bí tích Thánh Thể, nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn.
Vấp phạm, sa ngã, tội lỗi, sửa sai liên hệ đến bí tích Hoà giải, xá tội, sức mạnh.
Trưởng thành, khôn lớn, liên hệ đến bí tích Thêm sức, tăng ơn Chúa, giúp phát huy nhân đức.
Bệnh tật, chữa lành liên hệ đến bí tích Xức dầu, an ủi, thêm ơn, gìn giữ linh hồn.
Lập gia đình, liên hệ đến bí tích Hôn nhân, triển nở, thăng hoa tình yêu Chúa nơi con người.
Đi tu, liên hệ đến bí tích Truyền chức thánh, đến khấn đời hiến dâng phục vụ Giáo hội Chúa.
Bí tích và Thiên Chúa
Như cây lúa, chúng chẳng đáng là gì, vậy mà được trân trọng, bảo vệ. Con người cũng thế, chẳng là chi, mà cũng được Thiên Chúa nâng niu chăm sóc bảo vệ.
Bí tích là dấu chỉ bề ngoài, qua đó, Chúa ban ơn thánh bên trong, để giúp con người có thêm sức mạnh, thêm nhân đức, thêm chắc hạt.
Bí tích thì tuyệt đối, nhưng Thiên Chúa lại trao cho con người quản lý, vốn rất tương đối.
Bí tích thì tuyệt đối nhưng Thiên Chúa lại trao cho những người không xứng đáng nhận lãnh.
Bí tích thì tuyệt đối nhưng Thiên Chúa lại rộng rãi chia cho mọi tầng lớp con người.
Bí tích, dấu chỉ sự tuyệt vời của Thiên Chúa. Đấng vô cùng khôn ngoan, thánh thiện và quyền năng. Ngài đã tiên liệu để khi mọi sự đã hoàn tất trên thập giá, thì cũng để lại cho con người một cách thức liên hệ gắn bó với Ngài. Cách thức này rất đơn giản, gần gũi, dễ dàng, thuận tiện, ích lợi cao. Nhờ gắn bó với Ngài qua các bí tích, con người nhận ra Thiên Chúa là ai, bản chất thế nào, đang hiện diện ở đâu.
Bí tích, con đường dẫn tới Thiên Chúa.
Thiên Chúa và cây lúa
Từ cây lúa, con người nhận ra Thiên Chúa tốt lành của mình cũng đã trở thành hạt giống tốt gieo vào lòng người, thành hạt lúa chịu nằm xuống để nảy sinh mầm sự sống, yêu thương và tự huỷ. Như lời Chúa Giêsu nói:
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. (Ga 12, 24-25).
Thiên Chúa quả vô cùng can đảm và mạnh mẽ khi tự huỷ mình đi như lời Thánh kinh:
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. (Pl 2,6-8)
Như hạt lúa và sự lạnh giá của đất đai, Đức Giêsu cũng đã chấp nhận nỗi buốt giá của tâm hồn để trở nên dấu chỉ sức mạnh tình yêu khi tự nguyện đón nhận cái chết để minh chứng tình yêu có thể chiến thắng tất cả.
Tình yêu giống trái bong bóng bơm căng rồi đè xuống nước vậy, càng đè lâu và sâu thì sức bật càng mạnh. Chúa Giêsu cũng trở thành trái bom với sức công phá khủng khiếp, nó có thể tiêu diệt sự chết, huỷ diệt satan, tội lỗi, và thay vào đó là hoà bình, tình yêu, hạnh phúc, sự sống mới.
“Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa”. (Pl 2,9-11).
Như người nông dân và hạt lúa, hy vọng một mùa lúa bội thu thế nào, thì người tín hữu cũng cần phải biết đến hạt giống tình yêu Giêsu mạnh mẽ và có sức đổi mới ra sao, thì cũng biết quý trọng, yêu quý, gắn bó để nhờ tình yêu ấy, ta được tẩy rửa, chữa lành, khoẻ mạnh, thánh thiện, xứng đáng đón nhận ơn Cứu độ của Chúa như vậy.
Hành trình biến đổi nhờ các Bí tích, ta tin tưởng một sự sinh lại mới được an toàn, được nhận sự sống mới một cách chắc chắn. Không phải chờ tới khi chết, mà ngay từ bây giờ, lúc này và ở đây, nhờ sinh lại trong ơn Thánh mà ta sẽ được đón nhận Thiên Chúa thật trong nước Ngài.
THANH THANH
http://niemvuimoi.org