Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

TIẾNG KHÓC ĐẦU ĐỜI

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Khi sinh ra mà không khóc là chuyện lạ. Còn khóc là chuyện bình thường.

Khóc để bắt đầu cho một hành trình mới. Khóc để vượt qua từng chặng đường của hành trình. Và khóc để hoàt tất một hành trình. Hành trình tiến thân, hiến thân và dấn thân.

Khóc cho một thực tế phũ phàng, và khóc cho những đau thương triền miên. Khóc cho những bất trắc xảy đến, và khóc cho những tai họ giáng xuống.

Hành trình lớn lên và trưởng thành của con người gắn liền với khóc. Muốn vui để nhận thì phải khóc để buông. Buông đi mọi sự để nhận lãnh mọi cơ hội mới, giúp phát triển nhân bản, trí thức, đạo đức, nhân cách, tình yêu, bao dung, tha thứ…

Nhất là, nhiều người phải khóc để thể hiện được thiện chí, nhẫn nhục, bác ái, tình yêu, hy sinh vì Thiên Chúa và vì đồng loại, mà lại đón nhận được kết quả là lãnh cảm, soi mói, chỉ trích, chống báng, tẩy chay, lên án, giết chết. Đức Giêsu là một ví dụ. Đức Mẹ cũng không hơn gì.

Nếu ra khỏi lòng mẹ thì khóc để đón nhận một tiến trình thành người, thì khi lãnh nhận bí tích cũng là lúc tín hữu khóc cho một hành trình làm con Chúa. Còn hơn thế nữa, khi lãnh nhận chức thánh, khi thề hứa hiến thân, cũng là bắt đầu khóc cho con đường tông đồ theo Chúa.

Mẹ chúng ta khóc

Ta sẽ hiểu và thương cảm nhiều hơn khi nhìn vào đời Mẹ.

Khi Mẹ lên tiếng xin vâng, chính là lúc mẹ cất tiếng chào đời lần thứ hai, để bắt đầu một bước ngoặt mới. Bước đi theo Chúa.

. Mẹ đã khóc vì có thể bị hiểu lầm mang thai mà không có chồng (Mt 1,18-25).

. Mẹ đã khóc vì có thể bị ném đá cho chết vì đã mang thai (Đnl 22,21).

. Mẹ đã khóc vì sợ người thân yêu trong gia đình sẽ bị liên luỵ để đời bởi mình.

. Mẹ đã khóc vì vất vả không nơi để trọ khi chuyển dạ, chọn chuồng lừa để dựa lưng, sinh nở.

. Mẹ đã khóc khi sinh con ở hang lừa, điều mà không người mẹ nào muốn vậy dành cho con.

. Mẹ đã khóc khi phải đem con còn non nữa phải trốn sang Ai Cập, vì vua Hêrôđê. Một đoạn đường không dài, khoảng 150km, nhưng đây là đường samạc khó khăn hiểm trở. Đoạn đường lànhít dữ nhiều. Đến nỗi đội quân của Rôma, Aicập cũng phải khiếp run.

. Mẹ đã khóc khi nghe ông Simêon nói về con mình sẽ là duyên cớ cho nhiều người vấp ngã, là dấu hiệu bị người đời chống báng. Phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà (Lc 2,34-35).

. Mẹ đã khóc khi mất con sau sau cuộc hành hương khi tại Giêrusalem (Lc 2,41-50).

. Mẹ đã khóc khi con mình bị chính người đồng hương coi thường khinh khi (Mt 13,57).

. Mẹ đã khóc khi con mình bị môn đệ bỏ trốn nơi vườn cây dầu.

. Mẹ đã khóc khi con mình bị môn đệ phản bội đem bán lấy ba mươi đồng bạc (Mt 26,14-16).

. Mẹ đã khóc khi nhóm môn đệ phỉ báng tình thương của con mẹ khi đổi bằng cái hôn.

. Mẹ đã khóc khi nhóm môn đệ bỏ con mình mà trốn chạy khi gặp nạn (Mt 26,56).

. Mẹ đã khóc khi con mình bị khạc nhổ đánh đập (Mt 26,67).

. Mẹ đã khóc khi môn đệ chối bỏ con mình (Mt 26,69-75).

. Mẹ đã khóc khi con mình bị lên án, đội mão gai, chế giễu, vác thập giá (Mt 27,27-33).

. Mẹ đã khóc khi con mình bị đóng đinh trên thập giá giữa hai tên trộm cướp (Mt 27,35-38).

. Mẹ đã khóc vì không thể làm được gì tốt hơn cho con mình ngoài chuyện đứng lặng yên dưới chân thập giá nhìn con mình chết dần.

Hành trình theo Chúa của Mẹ thật gian nan. Niềm vui của Mẹ có lẽ không gì khác ngoài việc luôn được ở cùng con mình. Chính vì muốn theo chân con mình mà cuộc đời mẹ, đã phải khóc, khóc nhiều lắm trong đời.

Chúng ta có khóc?

. Ta có khóc vì đã xúc phạm đến Chúa hay tha nhân không?

. Ta có khóc vì cuộc đời lười biếng bê tha của mình không?

. Ta có khóc vì chưa thực tâm chừa tội, chưa quyết từ bỏ tật xấu trong đời không?

. Ta có khóc vì những lý tưởng cao đẹp lại bị lãng quên không?

. Ta có khóc vì những cay đắng mình gây ra cho gia đình, cho người khác không?

. Ta có khóc vì tình yêu đã nhận mà chưa một lần đáp trả không?

. Ta có khóc vì những khô khan ươn lười của thân xác không?

. Ta có khóc vì những chai lỳ, cố chấp và kiêu căng không?

. Ta có khóc vì những gương xấu đã làm cho người thân hay không?

. Ta có khóc vì những đam mê bất chính gây chia rẽ, đổ vỡ tình cảm, đạo đức không?

. Ta có khóc vì những cớ vấp phạm cho người yếu về đức tin, kiến thức và nhân cách không?

. Ta có khóc vì những điều tốt lành có thể làm được mà lại bỏ qua không?.

. Ta có khóc vì những ơn lành Chúa ban lại đem chôn vùi, không sinh lợi gì không?

. Ta có khóc vì những bình an Chúa ban lại để cho hận thù chiếm chỗ suốt đời không?

. Ta có khóc vì đã phí phạm thời gian Chúa ban cho các dịp vui chơi hưởng thụ không?

. Ta có khóc vì đã phí phạm sức khoẻ cho những việc không nên và không đáng làm không?

. Ta có khóc vì đã phí phạm tài năng, không phục vụ Giáo hội và mọi người không?

. Ta có khóc vì đã phí phạm ơn Chúa để phục vụ những sự dưới đất, tầm thường không?

Ta có chấp nhận khóc để buông bỏ mọi sự là quá khứ, là xấu để nắm lấy cơ hội mới, giúp hoàn thiện bản thân không?

Mỗi lần xin vâng là mỗi lần khóc. Mỗi lần chấp nhận từ bỏ ma quỷ để lắng nghe tiếng Chúa và thực hành, là mỗi lần khóc. Bởi ta phải từ bỏ bản thân, ý riêng để theo đường nên thánh.

Vậy ta bắt chước Đức Mẹ để xin vâng, dù phải khóc, khóc nhiều.

Khóc để trưởng thành và vượt qua, để từ bỏ và hy sinh, để chấp nhận và đón nhận. Khóc để nhẫn nại, nhẫn nhịn và nhẫn nhục. Khóc để sám hối, thanh luyện và sửa lỗi. Khóc để thành thân và thành người thì nên khóc. Vì mỗi lần khóc là dấu chỉ của lớn lên, của phát triển và thăng tiến. Nhờ những lần khóc ấy mà con người tiến gần tới hoàn thiện.