Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

CON ĐƯỜNG TA ĐI

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Con đường ấy là xây dựng con người trưởng thành, sẵn sàng cùng với Giáo hội dấn thân vào đời, gieo mầm tin yêu, thánh hoá cuộc sống, kiến tạo hoà bình, thiết lập gia đình của tình thương.

Con đường ấy là thái độ của người con ngoan hiền, hiếu thảo, là luôn tạ ơn Chúa, cám ơn nhau, hiếu thảo với cha mẹ.

Con đường ấy là sẵn sàng sám hối trở về, dù tình trạng là vui hay buồn, thánh thiện hay tội lỗi.

Khuôn mẫu giáo dục

Ta không nghe biết Mẹ Maria và thánh Giuse đã dạy con thế nào. Ngoài việc nhìn vào kết quả là: “Trẻ Giêsu ngày càng thêm khoẻ mạnh, đầy khôn ngoan, hằng được ân sủng cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Thêm khoẻ mạnh ở đây là nói về thân xác. Khôn ngoan là nói về trí thức. Còn ân sủng là nói về đạo đức.

Đức Giêsu đã được chuẩn bị thật kỹ lưỡng những yếu tố cần thiết để đến thời đến buổi, đi vào đời xây dựng thế giới tình thương.

Có sức khoẻ để hăng say tích cực cộng tác, làm việc, dấn thân.

Có trí thức để hiểu biết, suy xét, cân nhắc, chọn lựa và quyết định chính xác, đúng lúc, kịp thời.

Có đạo đức để biết rõ xấu tốt, thiện ác, và làm theo lương tâm ngay chính, đúng sự thật, công bằng, hợp ý Chúa. Đạo đức là chiếc bánh lái của con thuyền giúp nó có thể cặp bến một cách an toàn.

Đây chính là ba tiêu chuẩn để mỗi người phấn đấu, chuẩn bị, cùng là để đánh giá ai, hoặc gia đình nào có giáo dục con cái tốt hay chưa.

Gieo gì năm nay

Mùa xuân của ngày Tết tuy ngắn mà còn cần thiết, thì mùa xuân của tâm hồn càng cần thiết hơn. Bởi mùa xuân luôn giúp con người sống trong hy vọng. Hy vọng ngày mai tươi sáng, và giúp cho ta phấn đấu nhiều hơn, cũng như biểu lộ thái độ sống tích cực hơn như cởi mở chân thành, bác ái, chia sẻ, tha thứ, bao dung. Nếu lòng ta lúc nào cũng có mùa xuân, thì mỗi ngày sống trong đời ta chính là những ngày Tết nối tiếp nhau.

Hôm nay ta ra sao, là do chọn lựa của ta hôm qua thế nào. Tương lai ta thế nào, tuỳ thuộc vào chọn lựa của hôm nay ra sao?

Vậy năm mới, năm thánh này ta gieo gì? Gieo sự sống hay sự chết, tình yêu hay oán thù, đoàn kết hay chia rẽ, bình an hay bất hoà, cảm thông hay lên án, hoà bình hay chiến tranh, chia sẻ hay thu góp.

Vậy ta hãy,

Gieo thành thật, sẽ gặt lòng tin. Gieo lòng tốt, sẽ gặt thân thiện.

Gieo khiêm tốn, sẽ gặt cao thượng. Gieo kiên nhẫn, sẽ gặt chiến thắng.

Gieo cẩn trọng, sẽ gặt hoà thuận. Gieo chăm chỉ, sẽ gặt thành công.

Gieo chịu đựng, sẽ gặt thân thiện. Gieo nhẫn nhục, sẽ gặt cộng tác.

Gieo niềm tin, sẽ gặt hy vọng. Gieo hy vọng sẽ gặt vượt khó.

Gieo tình yêu, sẽ gặt sự sống. Gieo an bình, sẽ gặt bình an.

Gieo tha thứ, sẽ gặt thứ tha.

Nhưng nếu,

Gieo dối trá, sẽ gặt ngờ vực. Gieo ích kỷ, sẽ gặt cô đơn.

Gieo kiêu căng, sẽ gặt huỷ diệt. Gieo đố kỵ, sẽ gặt phiền muộn.

Gieo lười biếng, sẽ gặt ngu muội. Gieo cay đắng, sẽ gặt cô lập.

Gieo tham lam, sẽ gặt tổn hại. Gieo tầm phào, sẽ gặt kẻ thù.

Gieo lo lắng, sẽ gặt âu lo. Gieo lỗi tội, sẽ gặt tội lỗi.

Thái độ sống đẹp

Thái độ đẹp năng động, dấn thân, đầu tư. Đầu tư cho tương lai bằng cách bắt đầu từ hôm nay.

Thái độ đẹp là luôn tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh vui buồn cuộc sống, biết hiếu thảo với mẹ cha và cám ơn mọi người.

Thái độ đẹp của người con ngoan hiền luôn làm Chúa vui thích và cha mẹ hài lòng.

Thái độ khôn ngoan là cậy dựa ơn Thánh Thần, rồi dùng trí khôn ngoan với lòng đạo đức mà hành xử với nhau qua những nghĩa cử thân ái, cao đẹp, thánh thiện.

Thái độ đẹp này luôn là niềm an ủi cho Chúa và mẹ cha, người khác thì thích thú.

Thái độ đẹp này tạo ra một sức hấp dẫn, là chìa khoá thành công, là làm cho người khác thích gần gũi, thích giao lưu, trao đổi, tin tưởng và nhờ cậy. Bởi nó toát lên cái từ tâm phúc hậu, toát lên cái mát mẻ không phải của gió chiều, mà mát dạ mát lòng.

Thái độ đẹp là thể hiện các giá trị siêu nhiên qua cách thế tự nhiên. Như an uống, ngủ nghỉ, làm việc, gặp gỡ... Giá trị đời sau được bắt đầu từ đời này, hôm nay.

Trở về

Một gia đình kia được đánh giá là có nề nếp, có giáo dục. Nhưng người con lại cho đó là bị chèn áp, mất tự do, nên tìm cách thoát ra khỏi nhà.

Cô đi làm hết công ty này đến xí nghiệp kia, văn phòng này nhà máy nọ, làm ở đâu cũng không được lâu. Bởi cô cho rằng mọi người khống chế, bó buộc, nên muốn làm gì thì làm. Vui làm buồn nghỉ, cần thì đến không cần thì thôi…

Và, đến lúc cô không còn có thể sống ở chỗ nào được, nên đành phải trở về nhà. Cô vào nhà thoải mái, vì cửa không đóng.

Mẹ ơi, con đã về. Nhà mình đóng không đóng cửa, con sợ trộm vào lấy đồ đạc, con lo quá.

Mẹ cô mừng rỡ chạy ra, và ôn tồn trả lời: Không phải đâu. Từ khi con đi, cửa nhà chưa bao giờ đóng. Vì Mẹ sợ bất cứ lúc nào trở về thì không vào nhà được!

[Câu truyện: Cửa không đóng]

Con đường sám hối trở về là cơ hội để thăng tiến. Nhờ vậy, ta luôn được biến đổi đời sống mọi mặt: nhân bản, trí thức, đạo đức. Nhất là ơn kính sợ Chúa.

Thiên Chúa luôn mở rộng cửa trời để đón con người. Thập giá tình yêu đã minh chứng. Chúa Giêsu lúc nào cũng giang rộng cánh tay. Ngài không bao giờ khép kín từ tâm, càng không đóng cửa lòng lại với bất cứ ai cậy dựa và trở về với Ngài.

Nhưng điều quan trọng là ai trở về?

Nếu ta nhận ra Thiên Chúa, Giáo hội, Cha mẹ, gia đình, cộng đoàn, luôn yêu thương mình thì việc sám hối trở về không khó chút nào.

Hãy nhớ, Thiên Chúa luôn vui mừng khi ta trở về, dù tình trạng trong sáng hay đen tối, hanh phúc hay thất vọng. Ta cứ nhìn thẳng về Ngài mà tiến bước, mà ra khơi thả lưới tinh thương, và cũng luôn sẵn sàng trở về với bất cứ giá nào.


Thanh Thanh