HOA THẦN
Đã là hoa, hoa nào cũng đẹp, hương thơm nào cũng tốt, nở vào thời gian nào và ở đâu đều có giá trị. Thế nhưng, lại có một loại hoa đặc biệt gây được chú ý của các loài hoa khác, đó là:
Hoa thần
Trên ngọn núi cao kia, có một loại hoa ngày nào cũng toả ra hương thơm ngào ngạt, cánh hoa mềm mại, màu sắc không chê chỗ nào được. Không những các loài hoa khác, mà núi non, sông rạch, cây cối chung quanh, con vật, con người, cả thần tiên cũng phải để mắt đến và muốn xin màu sắc của hoa nữa.
Tôi là mây, tôi thích và ngưỡng mộ màu đỏ của chị, chị có thể cho tôi xin chút ít được không?
Đương nhiên là được, bạn cứ lấy. Hoa thần nói và đem tất cả màu đỏ tặng cho mây.
Đám mây bay nhẹ qua bên trời đông thì biến thành ráng hồng ban mai.
Tôi là suối đây, hoa thần ơi chị đẹp lắm, trong các màu sắc, tôi thích nhất là màu xanh lam. Chị cho tôi xin tí nhé.
Hoa thần nhìn xuống dưới chân núi, thì đúng là có người bạn đang uốn mình qua các hốc đá đi xa dần. Và vội lên tiếng, nào bạn cứ lấy đi, và rồi dòng suối biến thành màu xanh biếc chảy đến khắp nơi.
Chẳng bao lâu, chị mang thân mình ra tặng cho núi non, sông suối, cỏ hoa, muông thú, trăng sao. Màu xanh, đỏ, tím, vàng, lục, lam, chàm, hồng, ngọc,… cũng từ từ rời xa. Thế rồi bỗng chợt có một cơn gió thổi đến làm cô lạnh buốt. Nó thật bàng hoàng khi biết mình giờ đã gầy guộc, không còn được như trước nữa.
Tưởng thế là xong, nào ngờ, một cơn bão ập tới, nước mưa cứ ầm ầm trút xuống. Đúng lúc ấy một con bướm kêu lớn: xin chị cho em xin màu trắng đi, em chết mất bây giờ. Hoa thần sửng sốt và sợ hãi, bởi mình chỉ còn có một màu trắng duy nhất mà thôi. Nếu cho hết thì làm sao. Nhưng rồi cũng quyết cho con bướm luôn.
Tưởng hết, nào ngờ, sau cơn mưa trời lại sáng. Thật ngạc nhiên khi mặt trời toả nắng, tất cả các loại nhận màu sắc bỗng dưng toả sáng cả ngọn núi. Hoa thần lúc này càng sáng đẹp và thơm hơn trước.
[Sưu tầm và viết lại]
Hoa Giêsu
Không phải ở núi này hay núi nọ, mà là núi Calvê.
Không phải là hoa lá hay cỏ cây, mà là con người.
Không phải là hoa thần tiên, mà là Con Thiên Chúa.
Không phải là hương thơm của cỏ hoa, mà là hương ngọt của tình yêu.
Không phải là ánh sáng của màu sắc, mà là ánh sáng niềm tin và sức sống mới.
Không phải là sắc màu cầu vồng, mà là màu sắc của sức mạnh và biến đổi.
Màu vàng của vinh quang và hạnh phúc. Màu xanh của hy vọng và vươn lên.
Màu tím của thanh tẩy và vượt qua. Màu trắng của trong sáng và thanh khiết.
Màu đỏ của hy sinh và dâng hiến.
Cuộc sống của Chúa Giêsu tại thế minh chứng là các loại người đến nương nhờ, cậy dựa, đều được hả hê sung sướng ra về.
Nhiều người nhận được bánh và cá; được chữa lành bệnh sốt, phong cùi, phù thũng, băng huyết, quỷ ám; được cho nhìn thấy khi đui mù, đi được khi què quặt, nói được dù bị câm, nghe được dũ đã điếc.
Người phụ nữ bên giếng Giacóp, người phạm tội ngoại tình, được ơn tha thứ, bình an trở về làm lại cuộc đời, và giới thiệu cho cả thành biết về Đấng Messia.
Những người được sống lại như Lagiarô, con bà goá thành Naim, thay vì thối rữa trong mồ đá cùng với sự xa lánh của người thân, xóm làng, bè bạn.
Người được sám hối trở về đón nhận công bằng và tình nghĩa như Giakêu, kẻ trộm lành.
Thời gian và cuộc đời, sức khoẻ và tinh thần, tình yêu và xót thương cùng năng lực sự sống nơi Chúa Giêsu đã đem ra cho hết mọi người. Cho tin yêu và hy vọng, bình an và can đảm, tha thứ và biến đổi, phục vụ và hy sinh. Trên đồi cao Calvê, sự sống quý giá nhất cũng được trao ban.
Quả thật, không ai yêu con người đến cuồng si như Ngài. Đúng là sức mạnh của tình yêu, yêu tới chết, như lời đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Vì yêu nên Ngài, “dù là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Ngài chỉ biết cho, cho một cách hào phóng mà chẳng mong đáp đền. Ngài sẵn sàng như “hạt lúa mì rơi xuống đất, chịu thối đi để sinh nhiều bông hạt khác” (Ga 12,24). Chính vì thế, mà Chúa Cha “đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ. Và để tôn vinh Thiên Chúa là Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9-11).
Ôi. Tình yêu Thiên Chúa cao mãi muôn đời, toả sáng muôn nơi, hương thơm khắp chốn.
Hoa Linh mục
Linh mục là người đại diện của Chúa Kitô trước mặt Hội thánh và được trao chìa khoá nước trời. “Dưới đất anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18,18).
Linh mục được “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (Phip 3,10), và trở nên người mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước.
Giống như Tông đồ xưa có phúc sống bên Chúa, các linh mục cũng được hạnh phúc sống bên Ngài như vậy. Biết bao người hiến dâng đời mình để phục vụ Chúa và Giáo hội, nhưng chỉ linh mục mới trực tiếp kết hợp với Chúa Giêsu trên bàn thờ khi cử hành lễ tế tạ ơn dâng lên Chúa Cha.
Giá trị của người linh mục giống như hoa thần, hoa Giêsu, là biết cho đi, hy sinh và dâng hiến. Sẵn sàng hao mòn như ngọn nến lung linh toả sáng cạnh bàn thờ; như tấm bánh thơm ngon bẻ ra cho anh em, vì đồng loại; trở nên người cha mẫu mực, người mẹ hiền từ, người anh em tốt, thành bạn đồng hành với dân thánh suốt cuộc đời hồn xác của họ. Để bất cứ lúc nào họ cần, có linh mục. Và qua linh mục, họ nhận ra khuôn mặt thật của Chúa Giêsu.
Cuộc đời của các ngài thật đáng kính trọng, khâm phục và đẹp biết bao khi tận tuỵ chăm sóc đoàn chiên chẳng khác cha mẹ lo cho con cái. Người là tất cả, nhưng lại không là gì.
Người của mọi người nhưng lại không thuộc về riêng ai.
Người được tung hô, nhưng cũng không thiếu lời chỉ trích chống đối sau lưng.
Người chấp nhận thương tích và giữ riêng mình vì sự ấm êm, an bình của đoàn chiên.
Người luôn sẵn sàng đón lấy đau khổ từ những người mình yêu thương chăm sóc hết mình.
Nét đẹp của người mục tử là sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên, biết cho đi mà không tính toán.
Càng cho nhiều, hương thơm càng bay xa. Chấp nhận thiệt thòi vì dân Chúa, thì ánh sáng cứu độ càng rực sáng.
Chỉ biết hy sinh và dâng hiến thì linh mục mới giống Chúa, mới nở hoa ơn gọi được.
Chắc chắn, người linh mục biết rõ rằng: đàng sau thập giá là hình bóng của vinh quang thì mới dám chấp nhận đầu tư trọn đời mình cho hành trình trình phục vụ dân chúa được.
Nếu linh mục đi tìm một Giêsu không thập giá, thì sẽ gặp toàn thập giá mà không thấy Giêsu.
Hoa muôn Hoa
Nhờ ánh sáng mặt trời và phản chiếu của hoa thần, mà mỗi loại được đẹp và xứng đáng hơn. Nhưng quan trọng nhất, nhờ vậy mà từng loại thấy rõ nét đẹp, hấp dẫn, hương thơm, ngọt ngào quyến rũ của chính mình.
Con người cũng vậy, vì là con Thiên Chúa, rồi ta sẽ phải trở về với Ngài. Muốn vậy, ta chỉ có thể tìm gặp bản thân trong Chúa Giêsu mà thôi.
Trong Ngài, khi soi mình, ta mới thấy rõ bản thân, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trong Ngài, khi soi mình, ta biết sự thật về Thiên Chúa, và những người công chính,
Trong Ngài, khi soi mình, ta biết thế nào là Giáo hội hiệp thông gồm: Giáo hội đau khổ, Giáo hội lữ hành và Giáo hội vinh thăng.
Trong Ngài, khi soi mình, ta biết quyền lợi của người con là có quyền hưởng gia tài cứu độ.
Trong Ngài, khi soi mình, ta biết bổn phận của mình là luôn trung thành yêu mến Chúa.
Trong Ngài, khi soi mình, ta biết trách nhiệm yêu thương anh em như chính mình ta vậy.
Trong Ngài, khi soi mình, ta biết tất cả mọi người đều là anh em con cùng một Cha trên trời.
Trong Ngài, khi soi mình, ta biết mình có giá trị, được Chúa và Giáo hội trân trọng.
Trong Ngài, khi soi mình, ta biết mình dễ dàng cộng tác để xây dựng nước Chúa ở trần gian.
Mỗi người hãy là một nụ hoa, nở ra tươi thắm, làm thành vườn hoa chúng mình.
Nguồn: http://niemvuimoi.org