HOA HỒNG ĐỎ
Mọi sự tốt lành có được, đều phải tưới bằng máu.
Máu Hoạ mi
Xin tắt câu truyện Hoạ mi và Bông hồng đỏ của Wiliam Oscar Wilde như sau:
Có đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết, nồng nàn. Tình yêu của họ thật đẹp và giá trị. Nhưng một hôm, nàng đòi chàng phải kiếm cho mình bông hồng đỏ, nếu không thì thôi thà chia tay.
Chàng buồn phiền, ủ rũ vì không kiếm đâu ra hoa hồng đỏ giữa trời nắng cháy khô cằn.
Hoạ mi thấy chàng trai đứng bên cửa sổ vừa nhớ thương người yêu, vừa lo sợ không tìm được hoa, bèn bay đi tìm hoa hồng và cầu cứu. Xin chị giúp họ đi, nếu không họ sẽ phải chia tay, phải đau khổ, thật đáng thương lắm.
Nhưng làm gì được với thời tiết hạn hán, thân chị còn dở sống dở chết, nói chi ra hoa. Cây hồng lên tiếng .
Chị cố nghĩ cách đi. Hay là em đem nước về tưới mát toàn thân để chị ra hoa. Hoạ mi đáp lại.
Nhưng tưới bằng nước thì làm sao nở hoa màu đỏ được. Cây hồng nói.
Vậy phải tưới bằng gì thì mới có hoa đỏ? Hoạ mi hỏi.
Bằng máu đó họa mi ơi. Chỉ bằng máu thì hoa mới có màu đỏ. Cây hồng nhỏ giọng.
Thế rồi, từng giọt máu của hoạ mi nhỏ xuống cây hồng, đến khi tắt thở. Cây hồng đã nở hoa màu đỏ rất tuyệt.
Nhờ máu của hoạ mi đổ xuống, hoa hồng đỏ thắm nở ra. Tình yêu của đôi bạn được tưới bằng máu nên ngày càng bền chặt, tha thiết, da diết và mãnh liệt hơn.
Máu Chúa Giêsu
Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, dây tình yêu Thiên Chúa và con người đã bị cắt đứt. Ngày đêm Thiên Chúa thì đợi mong, con người thì khắc khoải sợ hãi, vất vả, đau thương, khó gần.
Hình ảnh người nữ trong câu truyện trên là loài người. Chàng thanh niên là Chúa Cha. Hoạ mi là Ngôi Hai. Máu hoạ mi chính là máu tình yêu của Đức Giêsu.
Chúa Cha luôn ngóng chờ mỏi mòn nối lại tình yêu với con người. Ước chi con người trở về.
Để nối lại tình nghĩa cha con, tình yêu thương vô bờ của Ngài với nhân loại, Con Chí Ái đã tự nguyện từ bỏ tất cả để hàn gắn những vết đổ vỡ do Ađam Eva gây ra.
“Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Nhờ máu sự sống của Chúa Giêsu, con người giao hoà với Thiên Chúa. Thiên Chúa và loài người không còn phải mơ tưởng đến nhau, không phải tình yêu trong mộng, không phải cách biệt chia ly, không phải ngóng đợi trông chờ, không phải đứng ngoài nhìn về, nhưng đã bàn tay nắm chặt bàn tay, để tình yêu thương dâng đầy.
Nhờ máu Chúa Giêsu, sự dữ tiêu diệt, tội lỗi xoá bỏ, tình nghĩa nối lại, tình yêu dâng cao, sức sống dồi dào, niềm vui lan toả, ân sủng ban xuống. Con người và Thiên Chúa đã cùng chung hơi thở, nhịp đập của con tim, và được ở trong nhà thân phụ, trong tình yêu, là con có quyền thừa hưởng gia tài ơn cứu độ muôn đời.
Con người được tắm gội trong máu Con Chiên, nên đã nở hoa yêu thương, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Máu của gia đình
Gia đình muốn bình an, hạnh phúc, thăng tiến thì luôn phải tưới bằng máu.
Máu của sức khoẻ, thời gian và tiền bạc.
Máu của cam chịu, chấp nhận và đón nhận.
Máu của nhẫn nại, nhẫn nhịn và nhẫn nhục.
Máu của vui lòng, hài lòng và say mê.
Máu của nhìn lại, sám hối và sửa lỗi.
Máu của biết mình, thứ tha và xin tha thứ.
Máu của bao dung, quảng đại và thương xót.
Máu của nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm.
Máu của nghĩa hiếu, nghĩa thiết và nghĩa tình.
Máu của cộng tác, gắn bó và chia sẻ.
Máu của khiêm tốn, hạ mình và thiệt thân.
Máu của vất vả, hao mòn và tiều tuỵ.
Máu của từ bỏ, hy sinh và tự huỷ.
Máu của phấn đấu, cố gắng và vươn lên.
Máu của gian khổ, mồ hôi và nước mắt.
Máu của thanh tẩy, trao ban và dâng hiến.
Máu của nhẹ nhàng, hiền dịu và từ tâm.
Máu của đồng cảm, cầu nguyện và chúc lành.
Máu của lịch sự, cởi mở và chân thành.
Máu của chín chắn, cẩn thận và công bằng.
Máu của tôn trọng, trân trọng vá kính trọng.
Máu của nhớ ơn, biết ơn và đền ơn.
Máu của định hướng, xây dựng và vươn lên.
Máu của tin tưởng, cậy trông và phó thác.
Máu của tự tin, can đảm và dấn thân.
Máu của ngoan ngoãn, vâng lời và phục thiện.
Máu của tự chủ, tiết độ và tỉnh thức.
Máu của ngăn nắp, gọn gàng và trật tự.
Nếu gia đình không tưới bằng máu mà tưới bằng nước lạnh, nước ô nhiễm của tục tằn sơ cứng, nóng giận hờn dỗi, bảo thủ khép kín, nghi ngờ cố chấp, kiêu căng ích kỷ, ghen tị ghen tuông, say sưa chè chén, lười biếng khô khan, nông nổi giả tạo, môi mép dối trá, so đo tính toán, bất biếu bất trung, ngoại tình dâm dục, gây hấn chia rẽ, xét đoán lên án, báo oán trả thủ…thì gia đình sẽ mất hết sức lực, sức sống và sức mạnh. Gia đình khó có thể tồn tại, nở hoa, toả hương nhân đức.
Nhìn lại, mỗi thứ tốt lành có được, đều nhờ ơn Chúa và do mỗi người liên tục tưới bằn máu của đời mình là trí khôn, trái tim, sức khoẻ, thời gian.
Chúa Giêsu nói:“Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,34-35). Ta hãy bắt chước, đi theo và trung thành với Ngài, chắc chắn ta cũng sẽ được sống lại với Ngài. Bởi Ngài cũng đã được “Chúa Cha siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Vì thế, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Pl 2, 9-11).
TRIẾT LÝ CÀREM
Thưởng thức một cây cà rem cũng giống cách cảm nhận một niềm hạnh phúc, dù ngắn ngủi nhưng trọn vẹn và ngọt ngào.
Khi bạn thưởng thức từ từ, hương vị của cây cà rem cũng sẽ từ từ thấm đượm và cảm giác dần dần lan tỏa.
Khi bạn vội vã một chút thì bạn sẽ thấm thía sự "tê tái" tạm thời, cũng là vị ngọt ngào đó thôi nhưng cảm giác sẽ khác hẳn, và mất đi sự tận hưởng lẽ ra bạn được nhận.
Bạn không thể giữ mãi một cây cà rem, cũng như bạn không thể sống mãi trong một niềm hạnh phúc. Cà rem sẽ tan, hạnh phúc sẽ không còn nguyên vẹn, dù muốn hay không, bạn cũng phải chọn cách hoặc là tận hưởng sự hiện hữu của nó, hoặc là để nó tự nhiên tan biến đi.
Trẻ con thường thích ăn cà rem, vì một điều đơn giản là cà rem rất ngọt ngào và hương vị thật hấp dẫn, trẻ con không có khái niệm hạnh phúc, và tự nhiên, chúng nhận được cảm giác ấy. Người lớn không thích ăn cà rem, người lớn chỉ thích cảm nhận niềm hạnh phúc - cái niềm hạnh phúc ấy phải được gọi tên, và vô tình họ đã đánh mất cảm nhận ngọt ngào.
---------------------------------------
Cảm giác thơm ngon mát lạnh của càrem thật thú vị và hấp dẫn làm sao. Chỉ có điều là muốn thưởng thức thì đừng vội vàng, sẽ đau răng, buốt răng, cũng đừng quá lâu, kem sẽ chảy hết. Những câu diễn tả thêm như “Dục tốc bất đạt, đừng thái quá cũng đừng bất cập…” thì sẽ dẫn đần hấp tấp, hồ đồ…
Thiên Chúa đặt ta trong tư thế luôn phải sẵn sàng. Để cơ hội đến bất cứ lúc nào, ta đều có thể nắm lấy, rồi đưa ra những quyết định sáng suốt, đúng lúc, kịp thời.
Ta thường nói là đời còn dài, tương lai còn lâu, và thời gian tính bằng tháng bằng năm. Đang khi đó, Thiên Chúa lại đặt ta đối diện với từng giây của cuộc đời.
Bởi ranh giới giữa sống và chết, đau khổ hay hạnh phúc, thiện và ác, thành công và thất bại, đời này hay đời sau, tuỳ thuộc từng giây ấy. Từng giây trở nên rất quan trọng. Nếu ta không sáng suốt, tỉnh táo để nhận ra và chọn lựa. Và qua từng giây ấy, thể hiện được ta là người thế nào và ra sao.
Người thành công là người kiếm được nhiều hạnh phúc nhất trong đời. Nhưng hạnh phúc ở đời này chỉ là ngắn hạn, tương đối. Vì thế không cho phép ta ngắm nhìn, nắm giữ rồi cất giấu đi, mà bắt phải nếm thử, phải nuốt đi, phải tiêu hoá. Rồi dù thưởng được trọn vẹn niềm vui đi nữa, thì đó cũng chỉ là những khoảnh khắc êm dịu, những bóng mát giữa trưa hè mà thôi. Ta lại phải tìm lấy niềm vui tiếp theo, và cứ thế cứ thế…
Hình ảnh cây cà rem giúp ta suy nghĩ thêm về thời khắc của kiếp nhân sinh khi hiện diện ở trần gian này.
Thời gian chính là cà rem. Cà rem cho ta bổ dưõng và nhiều thú vị, thì thời gian cũng cho ta nhiều vui trong đời. Từ sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, đến kỷ niệm ngày Rửa tội, Thêm sức, Xưng tội lần đầu, Rước lễ bao đồng; Từ ngày cưới, kỷ niệm thành hôn, khấn dòng, lãnh tác vụ, thụ phong linh mục, kỷ niệm thụ phong, ngày bổn mạng; đến các dịp lễ Tết, lễ hội, phong trào…
Trong đời có quá nhiều dịp lớn nhỏ như trong nghề nghiệp, trong trách nhiệm, trong bổn phận, trong những đóng góp, cộng tác, hy sinh, hành hương, thăm viếng, du lịch, hay trong các dịp tham gia sinh hoạt đạo đức, phụng tự, hoặc khi gặp gỡ….
Nếu ta tha thiết và say yêu cuộc sống, thì đó là những dịp để thưởng thức cái ngọt ngào, mát lạnh dễ thương từ cuộc sống. Và qua từng dịp ấy, ta có dịp chia sẻ, đón nhận, gặp gỡ được niềm vui thật của Chúa, trong Giáo hội, từ anh em.
Đừng hấp tấp muốn một lúc mọi thứ hạnh phúc trên đời gom về cho ta, mà hãy biết từng giây mở lòng ra đón nhận và sẵn sàng chia sẻ, thì niềm vui sẽ không cạn đi, mà còn đầy thêm. Vì niềm vui nhân rộng niềm vui, nỗi buồn sẽ chia bớt buồn. “Ai có sẽ được cho thêm”.
Thanh Thanh