Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

CÀPHÊ và TÁCH

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Một nhóm học trò thành đạt về thăm thầy cũ, người có tài pha cà phê tuyệt vời. Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu kể lể, than phiền về những sức ép trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy vào bếp lấy cà phê mời học trò cũ của mình.

Thầy đem ra nhiều tách khác nhau để trên bàn: bằng sứ, bằng nhựa, bằng thủy tinh, pha lê. Từ loại đắt tiền, tinh xảo khó tìm đến loại rẻ tiền dễ mua. Thầy nói: các em tự chọn tách và rót cà phê cho mình đi.

Học trò nào cũng nhanh tay chọn cho mình chiếc đẹp và tinh xảo nhất, rồi bắt đầu bình luận về chiếc tách.

Thầy bắt đầu nói: em nào cũng chọn những tách đắt tiền, chẳng ai thèm màng đến những chiếc tách nhựa rẻ tiền này.

Thầy thở dài, nói tiếp: các em đến đây để uống cà phê chứ đâu phải để xem cái tách. Cà phê thì một thôi mà. Cho vào loại đẹp nhất hay là loại nhựa rẻ tiền thì cũng đâu có ảnh hưởng gì đến cà phê.

Các em chọn, nhiều người chọn như thế cũng là điều bình thường, vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại là nguồn cội của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống.

Thầy tiếc là các em tuy học được nhiều thứ, thành công nhiều lãnh vực, nhưng điều quan trọng trong đời thì các em vẫn chưa học được. Đó là các em chỉ đi tìm cái vỏ mà thôi. Tìm vỏ mà bỏ ruột.

Học trò chú ý lắng nghe từng câu rồi trầm ngâm.

Hãy suy ngẫm điều này nhé: cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách. Và những “chiếc tách” này không hề xác định hay ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chúng ta. Đôi khi, do cứ mãi để ý vào những “chiếc tách hư danh” mà chúng ta bỏ lỡ việc vui hưởng cuộc sống đáng yêu.

Món quà mà Thượng đế ban tặng cho con người là cà phê chứ không phải tách. Vậy thì cứ thoải mái nhâm nhi cà phê của mình và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.

[Sưu tầm]

-----------

Câu truyện thật chí lí và đáng suy gẫm khi liên hệ đến đời mình.

Người biết nhìn cà phê cũng giống như biết nhìn đời vậy.

Người biết thưởng thức cà phê sẽ đánh giá được loại nào chất lượng. Người biết nhìn đời sẽ thấy cuộc sống này thật giá trị và thú vị.

Hơn bao giờ hết, thời nay và hôm nay, con người say mê đi tìm cái vẻ bề ngoài. Và coi bề ngoài là tiêu chuẩn để chọn lựa, đánh giá một con người.

Các giá trị về luân lý, đạo đức, nhân cách, nhân đức, lễ nghĩa, đạo hiếu, tình yêu, thì bị xem nhẹ. Tệ hơn, những giá trị này lại được đồng hoá bằng vật chất, được quy đổi bằng tiền bạc.

Thế nên, khi cần đến tình yêu, tôi bỏ tiền ra mua. Thích đạo đức, tôi đổi bằng tiền. Muốn có hạnh phúc, tinh thần… tôi đã có tiền.

Con người đi tìm, tích góp, tô vẽ lên mình cái bề ngoài, nên khi cái vỏ mất đi, thì con người cũng bị suy sụp, thất vọng, đổ vỡ theo, và coi như mất tất cả.

Con người thật khó hiểu. Cả một thế giới kỳ diệu, và tuyệt mỹ trong ta, thì lại bị bỏ rơi, lãng quên, đang khi ấy lại cặm cụi vất vả đi tìm cái bên ngoài. Thích đi tìm vỏ mà bỏ ruột.

Những dáng vẻ hay giá trị bên ngoài như tiền bạc, nghề nghiệp, sức khoẻ, sắc đẹp, vật chất, quyền lực, nó chỉ có sức lôi cuốn một số đối tượng nào đó mà thôi. Còn cái đẹp của tâm hồn, của nhân đức thì có sức hấp dẫn và lôi cuốn mọi người.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II là một ví dụ. Một ông già lọm khọm mà nhiều người cho là không còn giá trị, cần phải từ chức, thì thực tế cho thấy, đi đến đâu cũng được giới trẻ quý mến, tìm gặp. Ấy là vì nơi Ngài, toát lên cái nhân từ, hiền hậu, đạo đức. Gặp được ngài, là gặp được sự ấm áp của tình thương…

Con người nếu không biết dừng lại để đánh giá các bậc thang giá trị, mà cứ tiếp tục đi vào vòng xáy của cái vỏ hào nhoáng, thì con người còn tiếp tục đau khổ, thất vọng, trống rỗng, sợ hãi, khủng hoảng, và chẳng được mấy khi bình an.

Thanh Thanh