Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

CUỘC ĐỐI THOẠI

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Có một cuộc đối thoại giữa giáo sư, giáo sỹ và giáo dân như sau:

Giáo sư: Mọi người thử nghĩ xem, ông Giêsu mà người ta nói đến, là người thường chứ có phải thần thánh gì đâu, toàn làm những trò ảo thuật, giống như phù thuỷ thôi. Làm gì mà có phép lạ phép quen nào. Mọi người nhìn coi, trong những ly nước này, tôi sẽ cho một chút bột vào, nước trắng đổi thành màu đỏ, hay bất cứ màu gì tôi muốn. Còn ly này, với một chút bột, nuớc biến thành rượu. Rồi từ rượu, tôi cũng có thể cho nó biến thành nước. Vậy mà ông Giêsu ấy lại bảo là máu. Tôi còn có thể làm được nhiều hơn ông ta.

Giáo dân: giáo sư làm hay và đúng lắm. Vậy xin giáo sư uống ly rượu đó đi.

Giáo sư: Tôi làm sao uống, vì đó là chất bột hoá học mà.

Giáo dân: Đó chính là việc khác nhau giữa Chúa Giêsu và ông. Rượu nho biến thành máu chúng tôi uống mấy ngàn năm nay chẳng những không độc mà còn bồi dưỡng tâm linh nữa.

Giáo sĩ: Năm 700, tại làng Lanciano, nước Ý, một linh mục hồ nghi khi dâng lễ. khi nhìn xuống bàn thờ thì bánh đã trở thành Thịt, tượu đã trở thành Máu thật. Ðây là phép lạ cổ kính nhất, đã được Tòa Thánh cho xét nghiệm 5 lần, và ngày nay Thánh Tích vẫn còn trưng bày, rất đông khách hành hương khắp nơi kính viếng. (Gioan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 1, Regina xb, USA , 2002).

Khoa học đã xác nhận đây chính là thịt máu thật của người. Có nhóm máu AB, trong máu có protein là chất thường có để giữ máu tươi. Có đủ các chất như thịt máu chúng ta và các chất khoáng như chlorides, phosphorus, magnesium, potassium, sodium và calcium. Trọng lượng của máu là 16,505 gram.

Thế giáo sư là nhà học mà lại không biết nghe biết chuyện này sao.

Giáo sư: thì tôi cũng nghe thoáng vậy. Nhưng làm sao mà bánh và rượu lại có thể trở nên thịt và máu, thành chất bổ dưỡng được.

Giáo dân: Có khó gì. Anh biến đổi thức ăn thành thịt và máu. Sao Chúa lại không làm được.

Giáo sư: Rồi bằng cách nào mà Đức Giêsu ngự trọn vẹn trong tấm bánh nhỏ như vậy?

Giáo dân: Quang cảnh bao la cũng đang ở trước và trong con mắt nhỏ bé của ông đó thôi.

Giáo sư: Nhưng làm sao Đức Giêsu có thể hiện diện ở tất cả các nhà thờ cùng một lúc được?

Giáo dân: Cầm một chiếc gương, đập bể nát, rồi nói, chỉ một mình ông nhưng giờ lại có thể nhìn thấy trong tất cả những mảnh gương vỡ này cùng một lúc đó thôi.

Giáo sĩ: Thế giới này còn rất nhiều điều trong đời thường mà còn chẳng hiểu được, càng không thể đem ra cân đo được, như tình cảm, tình thương yêu của vợ chồng, cha mẹ, con cái… Nhưng điều ta có thể nhận ra dễ dàng là: người có sức khoẻ cường tráng, có tư cách và uy tín, có hiểu biết và thông thái, có tinh thần sáng suốt và lòng mến sắt son, có thương xót và bao dung, có cảm thông và tha thứ, có đạo đức và thánh thiện… Thì chắc chắn họ phải là người đã hưởng và thưởng thức được mọi thứ tốt lành và bổ dưỡng. Chính những điều con người tiếp nhận sẽ hình thành nên con người của mình.

À, giáo sư nói là có thể làm được nhiều chuyện mà ngài cho là phù thuỷ. Đúng hơn, đó chỉ là những phản ứng hoá học mà khoa học cho ta biết.

Giáo sư: không sai chút nào.

Giáo sĩ: Nhưng có một điều mà không có nhà khoa học nào kể cả giáo sư có thể làm được. Đó là những thứ đưa vào trong người, rồi trở nên thành các phần của cơ thể. Sức khoẻ của ta lệ thuộc vào thức ăn và thứ bạn ăn. Tục ngữ đã nói, bạn là những gì bạn đã ăn. Thức ăn giàu chất dinh dưỡng, con người khoẻ mạnh, ngược lại sẽ suy nhược. Giáo sư học nhiều như thế, ngài có cho là đủ chưa, ít là lãnh vực khoa học.

Giáo sư: làm sao nói thế được. Học đến chết thì thôi.

Giáo sĩ: Nhìn nào thế giới hôm nay, tuy con người giàu có hơn, thực phẩm nhiều hơn, nhưng người ta vẫn thấy đói khát. Ăn rồi vẫn đói, uống rồi vẫn khát. Đói đủ thứ, khát đủ điều.

- Đói cơm bánh, khát nước uống. Đói sức khoẻ, khát sống lâu.

- Đói tiền bạc, khát danh vọng. Đói nghề nghiệp, khát thành công.

- Đói lời hay, khát lẽ phải. Đói hạnh phúc, khát bình an.

- Đói khôn ngoan, khát kiến thức. Đói cảm thông, khát được chia sẻ.

- Đói cảm thương, khát lòng nhân ái. Đói trung tín, khát thật thà.

- Đói chân lý, khát công chính. Đói công bằng, khát bác ái.

- Đói nhân đức, khát trưởng thành. Đói hiền lành, khát khiêm nhường.

- Đói tình thương, khát nghĩa tình. Đói hoà giải, khát hiệp thông.

- Đói an nhàn, khát thư thái. Đói quan tâm, khát được phục vụ.

- Đói yêu thương, khát được chấp nhận. Đói lòng tin, khát lòng mến.

- Đói thiêng liêng, khát ân sủng. Đói tình Chúa, khát tình người.

Quả thực, Đức Giêsu mới thực sự là Đấng trao ban mọi thứ bổ dưỡng cho đời sống con người. Bất cứ ai đến với Ngài đều được hả hê, được bình an hạnh phúc, kinh thánh đã cho biết:

- Với những người theo Ngài trong sa mạc ba ngày, họ đói, Ngài đã cho họ bánh tự nhiên thỏa mãn cơn đói thể xác.

- Với người cùi bị mọi người ghê tởm lánh xa, Ngài đã cho anh bánh chữa lành cơn bệnh.

- Với người phụ nữ nhiều chồng bên bờ giếng Giacóp, Ngài đã cho chị thứ bánh nhân ái và cảm thông làm thỏa mãn cơn đói muốn được chấp nhận.

- Với những người tội lỗi như người phụ nữ bị bắt quả tang vì tội ngoại tình, lẽ ra bị ném đá, thì Ngài lại ban bánh của thứ tha. “Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11).

- Với những người bị xã hội ruồng bỏ, Ngài cùng ăn với họ và ban cho họ bánh cảm thông để thỏa mãn cơn đói muốn được người ta nhìn nhận phẩm giá của mình.

- Với người mẹ thành Naim đang đi chôn đứa con độc nhất của mình, và với Matta, Maria đang khóc vì Ladarô mới chết (x.Ga 11), Ngài ban bánh sự sống cho người thân của họ sống lại.

- Với người thu thuế Giakêu bấy lâu nay đã quen ăn cắp phần bánh của người nghèo (x.Lc 19, 1-10), Ngài đến nhà và ăn cùng bàn với ông, ban cho ông bánh thứ bánh công bằng và chia sẻ, để đời sống ông tốt đẹp hơn.

- Với tên trộm bên phải thập giá Ngài (x.Lc 23, 43), Ngài ban cho bánh hòa giải và một chỗ trên bàn tiệc thiên quốc.

Điều quan trọng nhất là đến và hưởng Lương Thực Hằng Sống Ngài này. Đó chính là thân thể Ngài. Nhiều người biết vậy, nhưng thực tế lại khác, đã có rất nhiều người không đón nhận, họ từ chối thịt máu Ngài.

- Là chàng thanh niên giàu có buồn bã bỏ đi khi được đề nghị bán tài sản rồi đi theo Ngài.

- Là những người biệt phái và luật sĩ nhiều lần cố tình không muốn hiểu Tin Mừng của Ngài.

- Là dân thành Giêrusalem đã khiến Ngài phải khóc vì họ không đón nhận bình an của Ngài.

- Là Philatô, ông đã mỉa mai khi Ngài xưng mình là chứng nhân của Sự Thật. “Sự Thật là cái gì” (Ga 18, 38).

- Là những người Dothái, họ tranh luận sôi nổi rằng: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?" (Ga 6, 52).

Ngài chăm lo cho sức khoẻ của ta không phải bằng thứ lương thực chóng thối, mà bằng lương thực vĩnh cửu. Ai muốn có đời sống hạnh phúc và sự sống dài lâu, chỉ một cách duy nhất là ăn thịt máu Chúa Giêsu. “Ai ăn thịt Chúa Ta không hề phải đói, ai uống Máu ta, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 34).

Giáo sư: vậy hả, có dịp tôi sẽ tìm hiểu.

Thanh Thanh

--------------------------------------------------------------------------


ĐỌC THÊM



Bảo tồn thánh tích: Suốt 5 thế kỉ sau, các cha dòng thánh Basiliô trông coi gìn giữ Mình Máu Chúa cẩn thận.

Năm 1176, đức thánh cha Alexandriô trao cho các linh mục dòng Benedicto.

Từ năm 1252, đức Innocentê lại trao cho các cha dòng thánh Phanxicô.

Năm 1258, một đền thờ rộng lớn xây bao trùm nhà thờ nhỏ thánh Legonziano. Thánh tích được đặt ở đây.

Từ năm 1566 đã qua nhiều lần phải cất giấu quân giặc Thổ, xây nhà nguyện, lập bàn thờ…sau 150 năm.

Năm 1809, theo lệnh vua Napoléon I, bãi bỏ các dòng tu, dòng Phanxico phải rời đi và mãi tới năm 1953 mới trở lại sinh hoạt bình thường.

Năm 1953 các cha dòng Phanxicô lại trông coi như trước.

Phép lạ này được ghi chép trên tài liệu viết trên giấy da rất cổ. Nhưng vào đầu thế kỷ 15 bị hai đan sỹ dòng Basilio lấy cắp của dòng Phanxicô. Hiện nay chỉ còn tài liệu năm 1631, ghi trên giấy da bằng tiếng Hy Lạp và Latinh về tất cả chi tiết phép lạ ở Lanciano.

Trước hết Thánh tích được đặt trong một hòm bằng ngà voi và được đặt tại nguyện đường cạnh nhà thờ chính. Năm 1902 được lưu giữ đàng sau bàn thờ ở giữa cung nguyện. Bánh Thánh trở thành Thịt, như ngày nay người ta quan sát, được kính giữ trong hào quang bằng bạc, có kích thước như Mình Thánh lớn vẫn được các linh mục dùng trong Thánh Lễ. Thịt có màu hơi nâu và trở thành hồng nếu quan sát dưới ánh sáng trong. Rượu hóa thành Máu được kính giữ trong chén thánh bằng thủy tinh, họp thành 5 giọt to nhỏ khác nhau. Từ năm 1923, Thịt Thánh được trưng bày trong một hào quang, và những hột máu khô được đựng trong một chén lễ thủy tinh ở dưới chân hào quang. Trước nay, qua thời gian, các Thánh Tích được các tín hữu và khách hành hương rất mực tôn kính.

Vào những dịp đặc biệt Thánh Tích được rước qua các đường phố trong thị trấn.
Khảo nghiệm kiểm chứng:

Rượu hóa thành Máu được kính giữ trong chén thánh bằng thủy tinh, họp thành 5 giọt to nhỏ khác nhau.

Phép lạ Mình Máu Chúa ở Lanciano là một phép lạ lâu dài, liên tiếp.

Ðể đánh tan dư luận và hồ nghi lâu đời trong dân chúng, sau công đồng Trente (1545-1563) Tòa Thánh đã 5 lần cho khảo nghiệm Thánh Tích ở Lanciano, và kết như sau:

- Năm 1574, chứng từ còn ghi lại để trong nhà nguyện bên tay phải gian chính nhà thờ. Sau mấy trăm năm, Thánh Tích được đựng trong hòm sắt: Thịt vẫn còn nguyên vẹn. Máu phân thành 5 phần không đều nhau. Khi thì 5 phần hiệp thành một cục khi thì tách rời ra.

- Năm 1637, Ðức Tổng Giám Mục Rodriguez cho cân lại máu đã đông từ lâu, trước mặt giới hữu trách và đông người. Ðược thấy trọng lượng 5 cục máu cộng lại cũng bằng từng cục. Trọng lượng 5 cục là 16, 505 grames.

- Năm 1770 và 1886, có cuộc tranh luận về sự biến thể từ bánh ruợu hóa ra Thánh Thể chất (Transsubstantiation) qua trọng lượng như cân đo ở trên. Chúa muốn chứng tỏ dấu hiệu mới sự hiện diện của Ngài trong Mầu Nhiệm Thánh Thể. Tức là trong mỗi giọt rượu và mẩu bánh được thánh hiến có sự hiện diện thực sự của toàn thể Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.

Từ năm 1713, Thịt được lưu giữ trong một Mặt nhật bằng bạc chạm trổ nghệ thuật, do một nghệ thuật gia trường thành Neapoli chạm trổ. Máu được đựng trong chén kiểu nghệ thuật xưa bằng đá phalê trong suốt.

Bánh Thánh Thịt ấy đã được giữ rất cẩn thận tới ngày nay, cũng có kích thước lớn như bánh được Giáo hội quen dùng. Bánh có mầu nâu nhạt, và trở thành mầu hồng khi chiếu ánh sáng từ phía sau dọi lại. Máu thì đông lại và ngả mầu đất, vàng vàng như mầu đất thó.

- Năm 1971, sau công đồng Vatican 2, các Tu sĩ dòng Phanxicô quyết định trao cho một nhóm bác học danh tiếng viện đại học Siena khảo sát lại theo khoa học.

Cuộc khảo sát đã đưa đến những quả quyết khoa học tuyệt đối không thể chối cãi và trở thành tài liệu với những bức hình chụp bằng ống kính hiển vi tinh xảo, có thể giúp ích cho việc tôn thờ công cộng. Giáo sư Odoardo Lioni trong một cuộc họp vào ngày 4 tháng Ba năm 1971 tại nhà thờ có phép lạ đã đưa ra những kết luận sau. Công trình nghiên cứu này, được nhiều tạp chí khoa học trên thế giới đăng tải:

1- Thịt và Máu là thịt máu thật,

2- Thịt và Máu của cùng một người, đang sống, cùng một loại AB. Trong máu có protein là chất thường có để giữ máu tươi.

3- Thịt máu có đủ các thành phần như thịt máu chúng ta: cũng có những khoáng chất: chlorides, phosphorus, magnesium, potassium, sodium và calcium.

Sau khi nghiên cứu, giáo sư Linoli tuyên bố: Tôi không thể ngờ được trong những điều tôi phân tích đó có những chất hữu cơ cách đây 12 thế kỷ. Khoa học phải đầu hàng đứng trước sự kiện lạ lùng không thể giải thích nổi. Ông đã viết kèm theo hồ sơ phân tích, cho dòng Phanxico một câu ngắn: In principio erat Verbum et Verbum Caro factum est. (Từ đầu đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời đã trở nên Thịt) (LC. Số 214, 7-2000, tr. 8-11).

Những lời quả quyết trên đây được Giáo quyền xác nhận trong một cuốn sách nhỏ có chuẩn ấn của Đức Cha Leopoldo Teofili, Tổng Giám mục Lanciano.

Việc các di tích thánh này được lưu trữ một cách tự nhiên trong 12 thế kỉ qua, không bằng chất hóa học, giữ trong không khí thường, mà Thịt Máu vẫn tồn tại cách khác thường, là một hiện tượng không sao giải thích theo khoa học được.


Thanh Thanh