NHỮNG TƯ THẾ
(Mt 25,1-13)
Câu truyện đời thường
Núi lửa Vêsuve phun ngập thành phố Pompei cao gần 6m. Các nhà khoa học đã khai quật lên và khám phá nhiều điều thú vị. Nham thạch làm đông cứng mọi người trong thành phố. Và thân thể bị huỷ đi thì để lại những chỗ trống. Người ta đổ thạch cao vào những chỗ trống ấy, rồi tháo lớp đá cứng ra, chúng như cái khuôn đúc, thì có được hình dạng với những tư thế khác nhau của con người lúc xảy ra đại hoạ.
Có thiếu phụ thì đang ôm con, người lính đứng thẳng tắp tại các trạm canh gác, kẻ lại cầm gươm giơ cao với bộ mặt dữ tợn, người khác thì ôm chặt lấy số vàng vẫn còn đó, có nhóm thì như đang ẩu đả, tàn sát lẫn nhau, có những người thì đang trong tư thế chạy nhanh…Rồi lại cũng có người quỳ gối như đang cầu nguyện, một số trẻ thì vẫn vui chơi không tỏ vẻ dấu hiệu của sợ hãi.
Cùng một biến cố, nhưng lại có nhiều phản ứng, nhiều tư thế khác nhau. Kẻ thế này, người thế khác. Phải chắc là do phát xuất từ những quan niệm về lối sống và về cuộc đời khác nhau.
Câu truyện Lời Chúa
Chẳng riêng ở Pompei, trong sách thánh cũng cho biết nhiều thái độ khác nhau của con người:
Là vợ ông Lót đã ngoái lại đàng sau và hoá thành cột muối, đang khi chồng, con cái và dân thành lo chạy ra khỏi thành Gômôra và Xơđom để thoát thân, tránh được lửa và diêm sinh từ trời. (St 19).
Là ông Nôê và con tàu đã cứu thoát gia đình ông cùng với mọi loài vật thanh sạch gồm bảy đôi, con đực và con cái. Còn các loài vật không thanh sạch, thì một đôi, con đực và con cái, trong các loài chim trời cũng lấy bảy đôi, trống và mái, để giữ giống trên khắp mặt đất, đang khi ấy, sự gian ác của con người nhiều quá trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày (St 6-7).
Là tháp Baben tại Sina được dựng lên vì dân chúng quên mất Thiên Chúa, họ cố xây một cây tháp chọc trời. Nhưng nào ngờ lại thất bại, vì họ bị chia rẽ bởi không hiểu nhau, và con bị phân tán khắp nơi trên mặt đất (St 11).
Là hai anh em Cain và Aben dâng lễ vật đầu mùa lên Đức Chúa, nhưng chỉ có Aben được nhận, còn Cain thì không. Cain ghen tị, tức giận nên đã giết chết em mình. Ghen tị giống như lớp mây đen bao phủ khiến mắt ta không còn nhận ra đâu là sự thật, đâu là phải trái, và hậu quả là bàn tay nhuốm máu.
Là câu truyện của gia đình ông Dêbêđê. Người mẹ đến xin cho hai con là Gioan và Giacôbê, một ngồi bên hữu và một ngồi bên tả Chúa Giêsu trong nước Ngài. Mười tồng đồ biết chuyện thì khó chịu, tức tối.
Là Gioan Tẩy Giả kêu gọi người ta sám hối, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng để đón nhận Đấng Cứu Thế. Và nhiều người từ Giêrusalem, Giuđêa đến thú tội, nhận lời sửa dạy và phép rửa của ông.
Là những người trinh nữ khôn ngoan khi chuẩn bị dầu trong đèn chờ đợi chàng rể đến, đang khi những trinh nữ khác không chuẩn bị gì hết. (Mt 25,1-13)
Là một Gioan rất mực khiêm tốn, không đấu tranh hay lôi kéo đồ đệ cho mình, nhưng lại giới thiệu về Chúa Giêsu “ Người phải nổi bật lên, con thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
Là người kiêu căng lên đền thờ cầu nguyện tự cho mình là công chính rồi khinh chê, kết tội người khác (Lc 18,9-12).
Là người thu thuế tội lỗi đấm ngực cúi đầu ở cuối nhà thờ xin lòng thương xót và tha thứ của Đức Chúa (Lc 18,13).
Là những kỳ mục, thượng tế lo họp bàn trong dinh tìm cách bắt Đức Giêsu và giết đi (Mt 26,3-4).
Là người phụ nữ ở Bêtania, trong nhà ông Simon, chị đã khóc cho tội của mình. Lấy dầu thơm xức trên đầu Chúa Giêsu. (Mt 26,6-7).
Là người muốn theo Chúa và Ngài đã từ chối. "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9,58).
Là người được Chúa đề nghị theo Ngài nhưng lại không dứt khoát, muốn kéo dài thời gian ở gia đình với lý do chôn cất kẻ chết (Lc 9,59).
Là người môn đệ trung thành theo Thầy vượt qua thử thách gian nan để rao giảng Tin Mừng.
Là người Mẹ luôn âm thầm bên con mọi lúc trên đường đời. Khi hân hoan như hành hương Giêrusalem, khi vất vả tất bật như ở Caphacnaum, khi ồn ào náo nhiệt như ở Cana, khi bình lặng như ở Nagiaret, khi buồn đau nơi Calvê đồi cao ấy.
Câu truyện của chúng ta
Chẳng phải ở Tây hay Tàu, Á hay Âu, Bắc hay Nam , mà lúc nào, xã hội hay Giáo hội cũng có những con người với nhiều tư thế khác nhau.
Tư thế của người hô khẩu hiệu: có thực mới vực được đạo. Có chắc là no cơm ấm áo thì đạo nghĩa tốt hơn không, hay chỉ là cách biện minh cho một lối sống bê tha không phù hợp với danh nghĩa là kitô hữu.
Tư thế của người nói đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Tôi không trộm cắp giết người hay làm hại ai là được.
Tư thế của người nói cứ sống theo lương tâm là được. Vậy lương tâm của tôi là loại nào? Lương tâm nghiệm ngặt, lương tâm chai lỳ, lương tâm bối rối, lương tâm sợ hãi, lương tâm lệch lạc, lương tâm tương đối, lương tâm sai lầm hay lương tâm công chính.
Tư thế của người giương cao chủ nghĩa tự do cá nhân: muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, đi đâu thì đi…
Tư thế của người coi trời bằng vung, làm mọi sự theo ý thích của mình.
Tư thế của người vơ vét, coi thế giới này là của riêng mình. Vũ trụ to lớn nhưng lại không đầy được bàn tay nhỏ bé nhưng tham tham.
Tư thế của người ích kỷ: vui mừng khi người khác đau khổ và đau khổ khi người khác hạnh phúc.
Tư thế của người coi mình là ông trời con, và tất cả là phương tiện để mình sủ dụng.
Tư thế của người kiêu căng vì sự khôn ngoan thông thái qua những bằng cấp. Một tiền bối nói: “Bằng cấp là thứ rõ nhất chỉ cho ta biết sự ngu dốt và gới hạn của mình”. Quả thật, so với trời cao đất rộng, mình là là chi đâu.
Tư thế của người cào bằng các giá trị và quy đổi các giá trị ra bằng hiện vật hay hiện kim. Tinh thần đổi bằng quà cáp. Tình yêu đổi bằng hột soàn. Đạo đức đổi bằng tiền bạc. Mẹ cha đổi bằng nhà cửa. Hiếu thảo đổi bằng tiện nghi. Thiên Chúa đổi bằng vật chất…
Tư thế của người cân đo đời sống đạo đức bằng những lần tham gia phụng vụ bí tích và các việc đạo đức.
…. còn tư thế của ta thế nào?
Thánh Phaolô nói thật tuyệt: “Thời gian chẳng còn bao lâu nữa, vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm hãy làm như không có gì; kẻ hưởng dùng của cải đời này hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,29-31).
Quả thật, mọi sự khôn ngoan, trung tín, công bằng, hoàn hảo, giàu sang, tốt lành, bền vững, thánh thiện, vĩnh cửu và quyền năng thật chỉ có nơi Thiên Chúa. Tất cả vũ trụ này rồi sẽ qua đi, và mỗi thụ tạo đến thời đến buổi đều phải trở về trình diện Đấng Tối Cao.
Khi đối diện với Thiên Chúa, tư thế của ta sẽ thế nào: tin yêu phó thác, trung tín thật thà, vui tươi phấn khởi, hạnh phúc hân hoan, can đảm hãnh diện, hay sợ hãi lo âu?
Ta là gì hôm nay là do hôm qua đã chọn lựa thế nào. Tương lai ta thế nào tuỳ thuộc vào chọn lựa của ta hôm nay ra sao.
Thanh Thanh