Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cơn giận bất thường

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 CƠN GIẬN BẤT THƯỜNG       (CN III/MC-B)

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN III/MC-B – Ga 2, 13-25) miêu tả hình ảnh một Chúa Giê-su khác hẳn với hình ảnh thường gặp: Không phải một Đức Ki-tô “hiền lành và khiêm nhường”, mà là một Chúa Giê-su giận dữ và hành động của Người như mang vẻ bạo lực. Người thẳng tay đuổi mọi kẻ buôn bán và đổi tiền cũng như các con vật ra khỏi Đền Thờ ("Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán." – Ga 4, 14-16).

 

Thật khó hiểu khi được chứng kiến Đức Giê-su bộc lộ cơn giận bất thường như vậy. Chỉ cần nhìn theo con mắt trần gian cũng đã thấy được Đức Giê-su là một mẫu người rất hiền lành và có một tấm lòng bao dung độ lượng không ai sánh kịp. Còn nhìn theo lăng kính siêu nhiên thì vì Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, nên bản tính của Người là nhân từ bác ái ("Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường." – Mt 11, 29-30). Người luôn bộc lộ một tấm lòng khoan dung độ lượng bao la (“hãy yêu kẻ thù, ai tát mình má trái, thì hãy đưa cả mà phải cho họ tát tiếp, họ lấy áo ngoài thì cho luôn cả áo trong” – Lc 6, 27-29; “tha thứ cho anh em đã xúc phạm đến mình không chỉ 3 hay 7 lần, mà là bảy mươi lần bảy.” – Mt 18, 21-22) và một đức tính khiêm nhường tuyệt đối (“Thầy là Thầy là Chúa mà còn quỳ xuống rửa chân cho anh em thì anh em hãy rửa chân cho nhau.” – Ga 13, 13-14; “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” – Pl 2, 8). Vậy mà lần này Người đã nổi cơn thịnh nộ dữ dội như vậy là vì sao?

 

Đền thờ là ngôi nhà của Thiên Chúa, cũng là nơi dân Chúa tập trung để bày tỏ lòng tôn kính phụng thờ Đấng Toàn Năng hằng hữu. Vì thế, Đền thờ Giê-ru-sa-lem vào những ngày sa-bát, những ngày đại lễ, người Do-thái ở các nơi tề tựu hành lễ rất đông. Trong những dịp đó, dân chúng thường phải đổi tiền và mua các con vật như chiên, bò, bồ câu để dùng làm lễ vật dâng tiến theo nghi thức Do-thái giáo thời đó. Tuy nhiên, người ta đã lợi dụng dịp này, biến Đền Thờ thành chỗ buôn bán, đổi chác để kiếm lời, biến nơi linh thiêng thành chốn ô uế. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là quy lỗi cho những người buôn bán, mà là đối với những người trông coi đền thờ – bọn luật sĩ, kinh sư Pha-ri-sêu. Họ đã làm ngơ để những bọn con buôn vào buôn bán, mà vì sao họ làm ngơ? Tất nhiên là vì lợi nhuận do đám người buôn bán đóng thuế. Không đóng thuế, chắc chắn không thể làm ăn gì được. Vì thế, nói đám người kinh sư luật sĩ làm ngơ còn là nhẹ, mà phải nói là họ đã cố tình để xảy ra tình trạng bát nháo trong đền thờ nhằm trục lợi cá nhân. Cơn thịnh nộ của Chúa là điều tất yếu vậy.

 

Hành động của Đức Giê-su Ki-tô không chỉ đơn thuần là xua đuổi các con buôn, đụng chạm đến quyền lực và lợi nhuận của đám người kinh sư, luật sĩ; nhưng sâu xa hơn, đó là Người phủ nhận hoàn toàn cung cách thờ phượng đã biến chất (chẳng khác gì cảnh buôn thần bán thánh diễn ra nhan nhản ở thế kỷ XXI này). Ngoài ra,Đức Giê-su – thông qua vịêc tẩy uế đền thờ được xây dựng bằng vật chất – còn giới thiệu ngôi đền thờ đích thực là tâm linh hướng thượng của tín hữu (như Lời Người trao đổi với người phụ nữ Sa-ma-ri: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." – Ga 4, 21-24).

 

Cũng đã có nhiều người cho rằng khi trả lời người phụ nữ Sa-ma-ri, Đức Ki-tô đã phủ nhận những đền thờ xây dựng bằng vật chất. Nếu như vậy, thì tại sao Người lại nổi giận xua đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ Giê-ru-sa-lem và nói đó là "nhà Cha tôi"? Đức Giê-su không phủ nhận, vì – hơn ai hết – Người hiểu rất rõ Đền thờ xây dựng bằng vật chất là một biểu tượng không thể thiếu cho lòng tôn kính thờ phương của loài người đối với Đấng Tối Cao. Loài người với nhãn quan và tâm lực trần tục, thường thì phải có một điểm tựa, một điểm xuất phát hiện thực, để từ đó hướng tâm hồn lên cõi siêu linh. Đức Ki-tô nổi cơn thịnh nộ là nhằm xác định tầm quan trọng của nơi thờ phượng Thiên Chúa, nhiên hậu Người mới dẫn mọi người tới ngôi Đền thờ đích thực là nơi cung lòng mỗi người và cuối cùng là đích điểm: "Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người" (Ga 2, 21).

 

Rõ ràng là Đức Giê-su Ki-tô đã một lần nữa nhắc lại Lời dạy đừng chú trọng hình thức bên ngoài mà phải coi trọng cái cốt lõi, cái chân lý đích thực ẩn kín bên trong. Đừng khua chiêng gõ mõ khi làm việc thiện, đừng đứng ở ngã ba ngã tư lải nhải khi cầu nguyện; cũng vậy, việc thờ phượng Thiên Chúa không cứ ở núi này núi nọ, đền nọ miếu kia, mà phải là "thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật". Và cũng chính điều đó khiến đám luật sĩ đặt câu hỏi: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" và được Đức Giê-su trả lời: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." (Ga 2, 18-19). Đền thờ Giê-ru-sa-lem là một công trình xây dựng ròng rã 46 năm mới xong, vậy mà phá bỏ đi, chỉ cần ba ngày là Đức Giê-su sẽ xây lại được! Ai nghe cũng thấy là chuyện không tưởng, nên chẳng lạ khi thấy đám người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?" (Ga 2, 20). Đến như vậy mà đám người Do-thái vẫn chưa sáng mắt thì làm sao mà sáng lòng cho nổi! Chỉ đến khi Sự Thật phơi bày, mới đấm ngực thốt lên: "Quả thật người này là Con Thiên Chúa" (Mt 27, 54). Lời tiên báo của Chúa đã thành hiện thực: Ngôi Đền Thánh Giê-su Ki-tô bị dân Do-thái phá hủy tan tành, thì ngày thứ ba đã khôi phục hoàn toàn, tráng lệ hơn, sáng láng hơn: Chúa đã phục sinh vinh hiển.

 

Đối với Ki-tô hữu ngày nay thì sao? Tất cả những sự kiện và Lời dạy của Chúa đã được lịch sử chứng minh rất cụ thể và được trình thuật lại trong Kinh Thánh thật chi tiết, không còn cảnh như mấy người Do-thái ngơ ngác tự hỏi "xây một Đền thờ hoành tráng như thế mà chỉ trong 3 ngày thôi ư?" Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người vẫn chưa  ý thức được, đó là ngôi Đền thờ do chính Đức Giê-su xây dựng là Giáo hội cho đến nay, đã hơn 2000 năm trôi qua, tuy rằng rất nguy nga lộng lẫy, nhưng vẫn thực sự chưa được tẩy uế như mong muốn của Người đã xây dựng nên. Thật thế, những lầm lỗi khiếm khuyết của Giáo hội xuyên qua lịch sử 20 thế kỷ, cũng không phải là it. Bởi vậy ngày 12/3/2000, Thánh Gioan-Phaolô II đã chính thức thanh tẩy Giáo hội, ngài “đã đi tiên phong trong việc khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm của quá khứ. Ngày 12-3-2000, ngài chính thức xin lỗi toàn thế giới về những sai trái và lỗi lầm mà Giáo hội đã vi phạm hoặc làm ngơ trong suốt 2000 năm lịch sử. Tiếp đó, từ ngày 20 đến ngày 26-3-2000, ngài thực hiện chuyến viếng thăm Israel. Đây là cuộc hành hương về nguồn theo chân Mô-sê và Đức Ki-tô. Trong nghi lễ được cử hành tại đài tưởng niệm Yad Vashem ở Giê-ru-sa-lem, và tại Bức Tường Than Khóc vào ngày 26-3-2000, Đức Gio-an Phao-lô II đã lặp lại lời xin lỗi người Do-thái về các sơ suất lầm lỡ mà Hội Thánh khi xưa đã phạm.” (xc “Thánh thiện và tội lỗi” của Đức GM Giuse Vũ Văn Thiên – trang web HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM).

 

"Lầm lỗi là bản tính của con người", chuyện đó không có gì đáng trách, nhưng nó sẽ thật sự đáng trách phạt nếu người lầm lỗi không nhìn ra được mà ăn năn hối cải để xin ơn tha thứ như Thánh Gioan-Phaolô II đã làm. Ngoài ngôi đền thờ chung là Giáo hội, mỗi Ki-tô hữu còn là ngôi Đền thờ của Chúa Thánh Thần. Muốn thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật, thì xuất phát điểm phải là Đền thờ Thánh Linh nơi cung lòng mỗi người phải luôn được thanh tẩy hàng ngày hàng giờ. Khi nhắc đến công việc tẩy uế ngôi Đền thờ Thánh Linh trong cung lòng mỗi Ki-tô hữu, có người thì cho rằng "Chuỵên nhỏ! Chỉ cần đến toà hoà giải là mọi chuyện xong xuôi hết!"; nhưng cũng không ít người thì cho rằng khi "bàn tay đã chót nhúng chàm" khó lòng tẩy sạch, thì chi bằng nhúng chàm luôn cả thân mình cho yên chuyện.

 

Cả 2 thái độ cực đoan ấy (một bên thì lạc quan tếu, còn một bên thì bi quan thái quá) đều không thể chấp nhận. Anh đến toà hoà giải là để xin ơn tha thứ, Chúa luôn sẵn sàng "cho" nhưng anh có biết dọn dẹp cung lòng và mở rộng cửa đón "nhận" hay không. Đến toà hoà giải lấy lệ và theo luật, mà cửa lòng cứ khép kín, cung lòng không tẩy uế, thì cũng chẳng khác gì xua đuổi hơn là đón tiếp, liệu Chúa có vào cung lòng anh được không? Còn anh bi quan thái quá cũng không được. Anh nên nhớ ngôi đền thờ Chúa Thánh Thần nơi con người anh là do chính Thiên Chúa tạo dựng, không lý gì Người lại bỏ rơi anh, dù ngôi đền ấy có rác rưởi dơ dáy đến đâu chăng nữa. Điều quan trọng là bản thân anh có thực lòng mong muốn và quyết chí thanh tẩy hay không mà thôi. Nếu lòng anh đã mở, chí anh đã quyết, Thiên Chúa sẽ ban Thần Khi và anh sẽ được sạch.

 

Nói tóm lại, ngôi Đền Thánh Linh cá vị mỗi Ki-tô hữu cũng như ngôi Đền Giáo hội đều rất cần được thanh tẩy. Tất nhiên, với ngôi đền Giáo hội thì không thể chỉ ỷ lại vào một mình Đức Giáo hoàng, cũng như ngôi Đền Thánh Linh cá vị chỉ trông cậy vào vị Mục tử đại diện Chúa Ki-tô nơi toà hoà giải. Các ngài không thể làm gì được nếu không có sự đồng lòng cộng tác, quyết tâm hoán cải nơi mỗi Ki-tô hữu cũng như toàn thể Giáo hội. Đến như Thiên Chúa "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài." (Thánh Au-gus-ti-nô), huống hồ! Cách cộng tác vời Thiên Chúa chính là đức tin của tín hữu. Vâng, nếu anh tin và nhìn rõ được sai lầm của mình mà dốc lòng thanh tẩy thì anh sẽ được sạch (Mt 8, 1-4 ; Lc 5, 12-16 ; 18. 42). Ước được như vậy.

 

Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa thương ban Thần Khi cho chúng con để chúng con vững lòng tin cậy, biết tôn trọng bảo vệ sự trong sáng ngôi đền thờ Giáo xứ, Giáo phận và Giáo Hội toàn cầu, đặc biệt biết sửa sang dọn dẹp ngôi Đền thờ tâm linh của chúng con để xứng đáng là nơi Chúa yêu thương ngự trị. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.]