Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hạt lúa cần phải chết đi

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

HẠT LÚA CẦN PHẢI CHẾT ĐI                  

(CN V/MC-B)

 

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 12, 20-33) trình thuật: “Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp đến nói với ông Phi-lip-phê xin được gặp Đức Giê-su. Ông Phi-lip-phê liền cùng với ông An-rê đến thưa với Đức Giê-su và được Người trả lời: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12, 23-24). Đã có nhiều người chia sẻ bài Tin Mừng cho rằng “hạt lúa miến gieo xuống đất phải mục nát đi mới có thể nảy sinh nên những cây lúa miến tươi tốt trổ sinh nên bao hạt lúa miến khác.” Nếu căn cứ vào thực tế sẽ thấy không phải như vậy, vì hạt lúa gieo vào lòng đất không hề mục nát, bởi nếu mục nát thì không thể mọc thành cây lúa rồi trổ sinh những hạt khác được. Thực sự, nó chỉ hư đi 2 mảnh vỏ bên ngoài khi hạt gạo bên trong nảy mầm (đâm rễ và nảy mầm trổ sinh 2 cái lá đầu tiên).

 

Thực ra, Đức Giê-su cũng không hề nói mục nát, mà Người dùng tiếng “chết” để chỉ sự biến đổi từ sự chết sang sự sống (cái hình hài bề ngoài là 2 mảnh vỏ trấu chết đi để mầm sống bên trong là tinh túy của hạt gạo nảy sinh). Nếu từ hình ảnh hạt lúa, nhìn sang con người, vấn đề sẽ sáng tỏ ngay: Con người cũng có cái vỏ bên ngoài là thân xác và cái ẩn kín bên trong là linh hồn. Sách Khôn ngoan đã viết: “Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống.” (Kn 9, 15). Tuy nhiên, cần phải hiểu Lời dạy của Đức Giê-su mang tính ẩn dụ: Người lấy hình ảnh hạt lúa miến gieo vào lòng đất để nói về chính bản thân Người trong sứ vụ cứu độ nhân loại; từ đó Người dạy các môn đệ học hỏi và làm theo để mưu ích cho tha nhân. Có 2 điểm nhấn trong du ngôn này:

 

1- “Nếu hạt lúa miến không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình” hàm chứa một chân lý thật sâu sắc, đó là ý nghĩa và giá trị của hạt lúa miến hệ tại cuộc hiện hữu của nó cho kẻ khác, để phục vụ kẻ khác. Nếu không như thế, nó sẽ “trơ trọi một mình’’. “Trơ trọi một mình” là đặc điểm của cuộc hiện hữu vị kỷ, ích kỷ, và vì thế không có lợi ích cho cộng đồng. Đức Giê-su nhấn mạnh rằng: hạt lúa miến chỉ đạt được phẩm giá cao quý của nó khi chấp nhận “chết đi” (từ bỏ chính mình).

 

2- “Nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều hạt khác”: Hạt lúa giống gieo vào lòng đất phải chết đi, tức là phải chấp nhận mất căn tính hạt lúa, để nẩy mầm, đâm rễ, rồi lớn lên thành cây lúa chính, sinh sôi thành nhiều cây lúa khác và từ đó nẩy sinh rất nhiều hạt lúa khác. Cũng từ những hạt lúa đó nếu hạt nào chấp nhận chết đi, thì lại tiếp tục trổ sinh thêm thật nhiều những hạt khác. Chỉ một hạt lúa chết đi, mà sinh ra hằng trăm hạt lúa mới. Đó là sự gia tăng về số lượng. Đến lượt những hạt lúa mới phát sinh từ cái chết của hạt lúa giống, cũng chấp nhận bị nghiền nát, nghĩa là chấp nhận mất căn tính hạt lúa, để trở thành tinh bột, hoà mình với nước, với men, rồi trải qua thử thách của lửa để trở thành tấm bánh thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng cho con người. Đó là sự gia tăng về chất lượng.

 

Đối với hạt lúa miến, một cách nào đó, chết đi là tự hạ, tự huỷ; còn gia tăng số luợng và chất lượng là thăng hoa tinh túy của bản thân. Vì thế, cái chết của hạt lúa miến được Đức Giê-su chọn làm biểu tượng cho sự tự khiêm tự hạ (vâng lời), tự huỷ (bằng lòng chịu chết) của Người như bước chuẩn bị cần thiết cho việc Thiên Chúa siêu thăng và tôn vinh Người qua mầu nhiệm Phục Sinh. Nếu chẳng vậy thì Người đã không mở đầu bằng câu: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” Như vậy, “tự hạ” và “siêu thăng” qua sự Chết và sự Phục sinh, đó là một quy luật tất yếu chi phối định mệnh của Hạt Lúa Miến, hay nói cách cụ thể thì đó chính là sứ vụ mà Vua Ki-tô Thiên-Chúa-làm-người đã thực hiện, đồng thời mong ước và mời gọi các Ki-tô hữu hãy học và làm theo gương Người. Có thể nói, Hạt Lúa Miến cũng là một huyền nhiệm. vì đó chính là biểu tượng minh hoạ cách sâu sắc ơn gọi của Thiên Chúa dành cho con người.

 

Quả thật từ khi nhập thể, mang lấy thân xác con người phàm tục, Đức Giê-su đã trở nên như hạt lúa gieo vào lòng đất nhân loại. Cái vỏ bằng đất của chàng thanh niên Giê-su Na-da-ret đã có lúc làm linh hồn ra nặng (như trường hợp trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Người đã phải thốt lên: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy." Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này.” – Mt 26, 38-39). Hơn thế nữa, Người còn dạy cho các môn đệ biết: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở.” (Mc 8, 31-32). Và chỉ có như vậy thì hạt lúa Giê-su mới sinh nhiều hạt khác, hay nói khác hơn, nhờ cái chết của Người mà muôn vàn con người được cứu rỗi, được “cùng chết với Đức Ki-tô và cùng sống lại với Người” (Rm 6, 8).

 

Từ tính ẩn dụ của hạt lúa miến, Đức Ki-tô cảnh tỉnh các môn đệ: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” Cũng như 2 mảnh vỏ trấu bên ngoài hạt gạo (hình ảnh của hạt lúa miến) phải chết đi thì hạt gạo mới nảy mầm sống mới và sinh nhiều hạt lúa khác; cái vỏ bằng đất cưu mang mạng sống con người nơi trần thế là tro bụi tất nhiên sẽ trở về với bụi tro. Nếu cứ bám chặt lấy những hư danh phù phiếm chóng qua ấy, thì chắc chắn sẽ mất tất cả. Còn nếu chân nhận được cuộc sống trường tồn vĩnh cửu mai sau sẽ “khóc lóc nghiến răng” hay “chan hoà hạnh phúc” là tuỳ thuộc ở chỗ ngay trong cuộc sống tạm bợ này có biết sẵn sàng “coi thường mạng sống mình” hay không mà thôi. Đức Giê-su đã không hề dạy suông, mà lấy ngay mạng sống trần thế của Người để minh hoạ, dẫn chứng cho Lời dạy chí tình chí nghĩa ấy (“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” – Pl 2, 8-9). “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” là điều tất nhiên.

 

Ý thức được vấn đề, người Ki-tô hữu ngày hôm nay hãy cầu xin cho được sáng mắt sáng lòng nhìn ra thân phận yếu hèn mỏng manh như đoá hoa phù dung sớm nở tối tàn của bản thân, để luôn biết can đảm từ bỏ cái tôi – cái xác phàm tục như hai mảnh vỏ trấu của hạt lúa miến – mà sống theo Lời Chúa dạy, ngõ hầu được như Thánh Phao-lô thủa xưa: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 19b-20).

 

Ôi! Lạy Chúa! Được làm người tín hửu Ki-tô giáo, con đã mang danh là tin vào Chúa, tin vào Đức Giê-su Ki-tô biết bao nhiêu năm nay. Nhưng thử hỏi đức tin của con đã biến đổi con thế nào? Con đã thật sự tốt hơn, mạnh mẽ hơn những người không tin chưa? Đáng lẽ có đức tin, con phải vượt hơn họ xa lắm! Phải chăng, con mới chỉ mang danh là tin, chứ chưa thật sự tin? Cúi xin Chúa thương ban cho con đức tin đích thật, một đức tin được minh chứng bằng hành động cụ thể, bởi “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2, 26).

 

Lạy Chúa! “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan. Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.” (Tv 50, 7-9). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.