Nảy mầm
Chúa Nhật V Mùa Chay B
NẨY MẦM
Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33
Cộng đoàn Định Hướng chúng tôi gần 50 anh em, bữa ăn thời buổi kinh tế khủng hoảng cũng bị tác động, tráng miệng quả là quý hiếm với chúng tôi. Thỉnh thoảng có vị ân nhân lên biếu cha vài quả dưa hấu, vài chục trái vú sữa, mận, chỉ một bữa là hết. Gần đây có một em ở Bảo Lộc gia nhập Cộng Đoàn, thỉnh thoảng gia đình em gửi vài thùng chuối của nhà trồng, cộng đoàn có thêm tráng miệng sau bữa cơm, câu chuyện chia sẻ dài hơn,vui hơn, có lần quay sang chủ đề chuối.
Một anh em lớn lên ở thành phố nên không biết nhiều về cây chuối nên hỏi: “không biệt cây chuối nó sinh ra được bao nhiều buồng?”.
Em mà gia đình gửi chuối trả lời: “Chỉ một buồng duy nhất.”
Mọi người ngạc nhiên về câu trả lời của anh em vì cho rằng cây chuối ít nhất cũng phải cho vài buồng quả.
Em nói tiếp: Khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi.”
Câu chuyện làm tôi, gợi nhớ về tuổi ấu thơ bên ruộng đồng lúa, rau muống ở Biên hoà có trồng chuối, nên đã được nhìn cây chuối mang một buồng quả chín. Lá của cây chuối mẹ héo rũ xác xơ, và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu quả. Khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống. Cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình - chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá - dồn cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt… Cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh tuyệt đẹp về sự hy sinh.
Dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi, xuất hiện nhiều chồi non của những cây chuối mới. Người trồng chuối chỉ chọn một mầm, vì giữ một cây chuối mới cho năng suốt cao. Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu...
Sinh trái, đơm hoa, cây chuối mẹ héo tàn và chết, từ gốc cây lại nảy ra mầm chuồi non cho một sức sống mới…
Lời Chúa phán với chúng ta qua đoạn Tin Mừng Ga 12,20-33: Hạt lúa rơi xuống đất, có mục nát, thì mới sinh nhiều hoa trái….
Chúa Kitô là sự sống (Ga 14,7), Ngài là vị Thiên Chúa tự hiến như sau này thánh Phaolô nhấn mạnh: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(Pl 2,6-8).
Thật thế, Ngài sẵn sàng dâng hiến như một tặng vật cao quí nhất, để đem lại sự sống đời đời cho con người. Ngài ví sự dâng hiến đó như hạt lúa gieo vào lòng đất, để làm nẩy sinh trăm hạt lúa mới. Câu nói: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất … nếu nó thôi đi, thì nó sinh nhiều bông hạt (x.Ga 12,24), có thể đây là một câu tục ngữ quen thuộc trong xã hội Do Thái, Chúa Giêsu dùng để nói về chính cái chết cứu độ của Ngài đưa lại ơn cứu độ cho muôn người, câu này được vọng lại trong thư 1 Corintô (x. 1Cr 15,36).
Ngài chết khi được giương cao trên thập tự: "Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32). Theo truyền thống Kitô giáo tiên khởi, Đức Giêsu bị đóng đinh như là việc Người được tôn lên bên hữu Thiên Chúa và coi đây là nền tảng cho quyền chủ tể của Người trên vũ trụ (x. Pl 2,9-11). Rất có thể cặp từ ngữ “được tôn vinh – được giương cao” được lấy từ Is 52,13, nơi mà Người Tôi Tớ của Đức Chúa được “vươn cao”, và “được suy tôn”. Đức Giêsu Kitô vươn cao, giương cao, được “giương cao" ("upsothènai" trong tiếng Hy Lạp) mang hai ý nghĩa cao cả: Đức Giêsu vừa được "giương cao trên thập giá”, vừa được "đưa lên" ngự bên hữu Chúa Cha nhờ cuộc phục sinh và lên trời (x. Ga 3,14; 8,28; 12,32-34).
Trong Mầu Nhiệm Thương Khó, Chúa Kitô được gương cao và chết trên thập giá,: “Đức Giêsu chết đi. Ngài được chôn cất. Và Ngài sống lại” (1Cr 15,3-4), Ngài sống lại mang sự sống cho nhân loại. Thật thế Ngài chết là gieo, Ngài Phục sinh là sự sống được phát sinh cho chúng ta.
Hạt giống phải chết mới sinh ra sự sống, sự chết nuôi sự sống và sự sống có thể sống được là nhờ sự chết. Chúng ta đưa ra vài hình ảnh thiết thực trong đời sống để gẫm suy:
- Nơi thực vật: những thứ được dùng làm phân bón phải chết đi thì mới trở thành chất bổ dưỡng cho cây.
- Nơi sinh vật: các thức ăn phải “tiêu” mới “hoá” thành lương thực.
- Trong cõi nhân sinh: những người già chết đi để nhường đất và hoa mầu của đất cho các thế hệ sau dùng đó mà sống.
- Ngọn nến: sáp nến phải chảy ra và bị đốt thì ánh sáng mới bùng lên.
Đức Giêsu chết để cho con người sống. Sự chết của Ngài là nguồn sự sống cho chúng ta (Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 165).
Phải chết thì mới sinh ra sự sống, theo Flor McCarthy thì “Chết là một phần của sống. Chúng ta sinh ra là để chết, hầu có thể sống sung mãn hơn”.
Trong hình ảnh đó chúng ta suy gẫm giữa cuộc sống thường ngày:
- Mỗi một hành vi khiêm tốn sinh ra là một phần tính kiêu ngạo phải chết đi.
- Khi lòng can đảm phát sinh là một phần tính hèn nhát chết đi.
- Mỗi hành vi dịu dàng có được vì một phần tính hung hăng chết đi.
- Khi làm một hành vi yêu thương là một phần tính ích kỷ chết đi.
Chết đi và sinh ra. Hạt lúa chết đi mới sinh ra những hạt khác. Con người có đau khổ mới làm cho mình và người khác hạnh phúc (phỏng theo ý cha Đinh Lập Liễm trong suy niệm Tin Mừng V Mùa Chay B). Bao điều tốt đẹp hôm nay chúng ta được hưởng, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước... trở nên như hạt lúa, gieo để từ cái chết là sự hy sinh, đã tạo nên sự sống cho tha nhân.
Mỗi một hy sinh trong Chúa Kitô là chết cùng với Ngài, để sinh ra sự sống cho người tín hữu, chính Thánh Phaolô đã xác tín: “Nếu ta cùng chết với Ngài, nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài”(2Tm 2,11-12; x. Rm 6,8; 8,17). Như thánh Phanxicô Asisi xác tín, "Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân… và khi chết đi là khi vui sống muôn đời" (Kinh Hòa Bình).
Xin cho con bước vào đời sống với tâm tình của Thánh vịnh:
"Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng"
(Tv 126,5-6).
Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn
- Loại bài viết:
- Chia sẻ Lời Chúa: