Chết đi sống lại
CHẾT ĐI SỐNG LẠI
(CN PHỤC SINH – Năm B)
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chết đi sống lại”. Câu tục ngữ này không dùng theo nghĩa đen (nghĩa chiểu tự), mà dùng theo nghĩa bóng (nghĩa ẩn dụ): ý muốn nói đến cuộc sống con người thường trải qua những sóng gió thử thách nghiệt ngã (tựa như đã chết đi), và nếu vượt qua được sẽ như người được sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, cách đây 20 thế kỷ, đã có một cuộc “chết đi sống lại” (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) của một nhân vật làm thay đổi hẳn cục diện thế giới (từ đêm đen Cựu Ước sang Tân Ước), mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Cứu Độ. Nhân vật ấy không ai khác hơn là Đức Giê-su Ki-tô. Gọi Người là “nhân vật” vì chính Người đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” Hơn thế nữa, “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 7). Ngày hôm nay, toàn Giáo Hội mừng kính trọng thể Đức Ki-tô đã “chết đi vì tội lỗi loài người và sống lại hiển vinh”: Lễ Phục Sinh.
Theo Lich Phụng vụ thì trước khi cử hành đại lễ Phục Sinh, Giáo Hội cử hành đêm Canh Thức Vượt Qua ("Theo truyền thống xa xưa, đêm nay là đêm Chúa truyền phải giữ, và cử hành Canh Thức Vượt Qua để kính nhớ Đêm Thánh Chúa Sống Lại, được coi là "Mẹ của mọi lễ Canh Thức". Trong lễ Canh Thức này, Hội Thánh canh thức để mong đợi Chúa phục sinh và cử hành mầu nhiệm Vượt Qua ấy trong các bí tích khai tâm Ki-tô hữu. Toàn thể truyền thống Ki-tô Giáo luôn nhìn nhận buổi canh thức này mang tính chất trông đợi cuộc quang lâm cánh chung của Chúa." – xc “Những ngày lễ Công Giáo 2014-2015”, tr. 71).
Đêm Canh Thức Vượt Qua là đêm cuối của Tam Nhật Vượt Qua, mà “Tam Nhật Vượt Qua nhằm tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của năm Phụng vụ.” (xc AC – “Những Quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch – Normæ de Anno liturgico et Calendario”, số 18). Cuộc Thương khó của Chúa Giê-su Ki-tô chính là cuộc Vượt Qua tội lỗi và cái chết của loài người để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại (“Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người; nhờ đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta.” – AC, số 18). Như vậy cũng có thể nói Đức Ki-tô đã vượt qua chính mình, tiêu diệt sự chết, phục hồi sự sống (phục sinh) vậy.
Nói đến vượt qua chính mình là nói đến một việc làm thiên nan vạn nan. Ngay chính Đức Giê-su với bản tính loài người, thì Người cũng khó lòng vượt qua được chính mình. Người đã đổ cả mồ hôi máu ra nơi vườn Ghết-sê-ma-ni khi nghĩ đến cuộc khổ nạn mà Người phải vượt qua, thậm chí Người còn cầu xin cùng Chúa Cha cho khỏi phải chịu sự thương khó ấy (“Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy." Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này." – Mt 26, 37-39). Tuy nhiên, với bản tính Thiên Chúa thì Người lại thưa: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha." (Mt 26, 39). Sở dĩ Người vượt qua được, chính là nhờ bản tính Thiên Chúa đã có sẵn trong Người. Đặt một giả thiết, nếu Đức Giê-su không vượt qua được bản tính con người với cuộc thương khó không một phàm nhân nào có thể tưởng tượng ra được (chớ đừng nói là có thể vượt qua), thì chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa sẽ ra sao?
Vì thế, nghi thức Đêm Canh Thức Vượt Qua được sắp xếp theo 4 bước: 1. Thắp nến Phục Sinh (quen gọi là làm phép lửa): đem ”Ánh sáng Chúa Ki-tô” chiếu toả vào tận nơi sâu thẳm của cung lòng mỗi Ki-tô hữu; 2. Phụng vụ Lời Chúa: suy niệm những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho dân Người từ khởi nguyên (alpha) đến tận cùng (omega); 3. Phụng vụ Thánh Tẩy (quen gọi là làm phép nước): Cộng đoàn Dân Chúa đón nhận những anh chị em tân tòng và cùng đồng thanh lặp lai lời cam kết khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy; 4. Phụng vụ Thánh Thể: Toàn thể Hội Thánh được mời vào bàn tịêc trong đời sống mới mà Chúa đã dọn sẵn thông qua sự chết và phục sinh vinh hiển của Người (”Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật mà ăn mừng đại lễ.” – 1Cr 5, 6-8).
Ý nghĩa trọng đại của Tam Nhật Vượt Qua cô đọng trong đêm Canh Thức Vượt Qua nhắc nhở người Ki-tô hữu hãy làm sao thực hành (không chỉ là cử hành) cho kỳ được công cuộc vượt qua được Mùa Chay của bản thân, của cuộc đời mình. Và nhất là làm thế nào để mỗi năm thêm một lần ghi dấu được cuộc vượt qua chính mình bằng một cái mốc thời gian trong cuộc đời. Phải sống làm sao cho đúng với ý nghĩa “sống là chấp nhận vượt qua, vượt qua mọi cám dỗ ngọt ngào, mọi đam mê thấp kém, vượt qua mọi gian lao nguy hiểm, mọi thử thách nghiệt ngã – vượt qua được chính mình”. Cuộc sống của người tín hữu không chỉ là mỗi năm một lần cử hành Tam Nhật Vượt Qua trong giới hạn 3 ngày, mà phải là thực hành liên lỉ cuộc “Bách Niên Vượt Qua” trong suốt cả trăm năm trần thế, cho đến ngày tới được cùng đích của cuộc đời. Ở đó, chính Người đã chết, đã Vượt Qua sự chết để cứu chuộc nhân loại, sẽ dang rộng vòng tay đón nhận những kẻ đã dám cùng-chết-với-Đức-Kitô để được cùng-sống-lại-với-Người (”Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” – Rm 6, 5).
Hoá cho nên vấn đề đặt ra với Ki-tô hữu khi bước vào Tuần Thánh, chuẩn bị cử hành Tam Nhật Vượt Qua, không chỉ là tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su Ki-tô và ăn mừng Lễ Phục Sinh đánh dấu mầu nhiệm Vượt Qua vinh hiển của Người, mà còn là làm sao vượt qua được chính mình trên hành trình dương thế. Tuy không thể so sánh với cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su Thiên Chúa; nhưng con người giữa cuộc đời đầy cạm bẫy gian truân, cần phải vượt qua những thử thách nghiệt ngã, mới hy vọng chiếm lĩnh được Nước Trời. Phải coi những thử thách ấy là “lủa thử vàng” (1Pr 1, 6-7) nhằm trui rèn ý chí vượt qua thử thách. Tất nhiên “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1Cr 10, 13).
Ngoài ra, suy niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Ki-tô, còn cần phải đặt cho mình một câu hỏi: “Đức Giê-su Vượt Qua cuộc khổ nạn là vì ai và để làm gì?” Câu trả lời thật hiển nhiên: “Người Vượt Qua cuộc thương khó là để cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời”. Đức Ki-tô hoàn toàn không vượt qua cuộc khổ nạn cho bản thân Người, mà là cho toàn thể nhân loại. Như vậy thì người Ki-tô hữu vượt qua những thử thách của bản thân, nhưng đồng thời còn phải biết vượt qua chính mình, vượt qua cái tôi vị kỷ, dửng dưng với tha nhân. Ấy cũng bởi vì: “Dửng dưng đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Ki-tô hữu chúng ta. Đó là một bất hạnh chúng ta cần đương đầu trong tư cách là Ki-tô hữu. Khi Dân Chúa trở về với tình thương của Chúa, thì họ tìm được những câu trả lời cho những vấn nạn mà lịch sử luôn đề ra cho họ. Một trong những thách đố khẩn cấp nhất mà tôi muốn dừng lại trong Sứ Điệp này chính là thách đố hoàn cầu hóa sự dửng dưng.” (Lời mở đầu Sứ điệp Mùa Chay 2015). Vượt qua chính mình, mở lòng ra đến với anh em, đó mới thực sự sống đúng với ý nghĩa và mục đích đêm Canh Thức Vượt Qua để mừng đón ngày Chúa Phục Sinh.
Tóm lại, “Đây là đỉnh cao của Phúc Âm, là Tin Vui tuyệt hảo: Chúa Giê-su, Đấng chịu đóng đinh, đã sống lại! Biến cố này là nền tảng của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta: nếu Chúa Kitô không sống lại, Kitô giáo chẳng còn ý nghĩa; toàn bộ sứ mệnh của Giáo hội sẽ mất hết động lực, bởi vì Giáo hội đã khởi đầu từ đó và luôn bắt đầu lại từ đó. Sứ điệp mà các Kitô hữu mang đến cho thế giới này là: Chúa Giêsu, Tình yêu nhập thể, đã chết trên thập giá vì tội chúng ta, nhưng Thiên Chúa Cha đã cho Người sống lại và đặt Người làm Chúa của sự sống và cái chết. Trong Chúa Giêsu, tình yêu đã chiến thắng hận thù, lòng thương xót chiến thắng tội lỗi, sự thiện chiến thắng sự dữ, sự thật chiến thắng dối trá, sự sống chiến thắng sự chết.” (Thông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi 2014).
Ôi! Lạy Chúa! Con biết nếu con vượt qua được chính mình để cùng chết với Chúa, con sẽ được sống lại trong Ngài. Nhưng con cũng biết rõ, với con người mỏng giòn yếu đuối, con không thể thực hiện được cuộc vượt qua vô vàn khó khăn đó. Ôi! Lạy Chúa Ki-tô! Chúa đã sống lại thật như Lời đã phán hứa. Xin cho chúng con ”được trỗi dậy cùng với Ngài”, để chúng con biết ”tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha”, xin giúp chúng con luôn ”hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chớ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” Chúng con luôn cầu mong chúng con ”đã chết, và sự sống mới của chúng con hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” và ”Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng con xuất hiện, chúng con sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.” (Cl 3, 1-4).
Ôi! Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh! Con tha thiết khẩn cầu Chúa ban Thần Khí cho con – như xưa Chúa đã ban cho các Tông đồ tiên khởi của Giáo Hội trong ngày Lễ Ngũ Tuần – để con có thể vượt qua được chính mình, ngõ hầu được cùng chết và cùng sống lại với Chúa trong ngày cánh chung. “Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật Phục Sinh).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: