Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thần khí là chứng nhân

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

THẦN KHÍ LÀ CHỨNG NHÂN                        

(CN.III/PS-B)

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN III.PS-B – Lc 24, 35-48) trình thuật 2 môn đệ trên đường Em-mau sau khi được Đức Giê-su Phục Sinh hiện ra, liền trở về Giê-ru-sa-lem gặp nhóm mười một và “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.” Chính nhóm mười một cũng nói cho 2 môn đệ trên đường Em-mau biết: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Ấy vậy mà “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.” Thái độ đó đã khiến Người phải quở trách: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.”

 

Sự kiện Đức Giê-su Ki-tô bị bắt, chịu xét xử, bị kết án tử hình, chết treo thảm khốc trên thập giá, đã như một nỗi ám ảnh kinh hoàng tột đỉnh, khiến các môn đệ sợ hãi và tuyệt vọng. Không còn một tia hy vọng nào rọi vào tâm trí nữa. Tất cả là bóng tối và tảng đá liệm mồ Chúa đã trở nên như một tảng đá nặng nề khô cứng niêm kín tâm hồn họ. Cái hành trình đức tin của các Tông đồ tiên khởi kể ra cũng éo le và gian nan thật. Sống liền bên, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ, nghe biết bao lời giáo huấn thánh thiện chân tình, nhất là được chứng kiến tận mắt rất nhiều phép lạ Thầy mình đã làm, vậy mà vấn bán tin bán nghi, lúc thì tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, lúc thì coi Thầy là ma. Khi Thầy còn sinh tiền và chưa bước vào cuộc thương khó, thấy Thầy đi trên mặt biển mà coi là ma, thì còn có thể chấp nhận được, vì bản chất con người là thế. Nhưng đến lúc Chúa đã phục sinh và đã được những nhân chứng sống (bà Maria Mac-đa-la, 2 môn đệ trên dường Em-mau) báo trước, vậy mà khi được thực mục sở thị vẫn không tin, vẫn tưởng là thấy ma, kể cũng lạ thật! Lạ, nhưng không trái thường nghịch lý chút nào, vì đó chính là bản chất con người. Hoá cho nên cũng chẳng lạ khi thấy có một Tô-ma "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin" (Ga 20, 25).

 

Các Tông đồ tiên khởi còn như thế, huống hồ là những tin hữu sống sau các ngài tời 2000 năm. Các tín hữu ngày nay được mang tước hiệu Ki-tô hữu (“nhãn hiệu trình toà – marque déposée" đàng hoàng!) xem ra còn thê thảm hơn các môn đệ thủa xưa. Vẫn còn không ít người tin vào thần nhà thần bếp, thần cây đa cây đề, thần sông thần núi, thần sấm thần chớp, thần năm tuổi, thần hộ mệnh nọ kia… Và nếu có tin vào Đấng Ki-tô thì chỉ là tin trên môi trên miệng, chỉ cần sợ bóng sợ vía đã vội vàng “chối Thầy không chỉ ba lần mà có thể lên tới ba mươi lần ba” bằng cách cất bàn thờ vào một xó xỉnh nào đó để chưng hình lãnh tụ, khai vào lý lịch là không tôn giáo, theo đạo thờ ông bà v.v…và v.v… Chính vì thế, vấn đề thiết thân đặt ra luôn luôn và mãi mãi phải là củng cố đức tin, không thể khác hơn.

 

Thánh Tô-ma ngày xưa vẫn còn cơ may khi được chính Người mà mình không tin là đã sống lại, trưc tiếp phán dậy: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." (Ga 20, 27). Đối với Ki-tô hữu ngày nay, không được như Thánh Tô-ma để thốt lên tự đáy lòng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (Ga 20, 28) và được chính Người mà mình tin phán bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" Thật vậy, Ki-tô hữu ngày nay tuy không được "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin", nhưng lại có nhiều cơ hội được chiêm ngưỡng những dấu chỉ thời đại, những phép lạ dưới nhiều hình thức chứng tỏ thật sự đã có một Đấng “không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” đến độ hy sinh cả tính mạng để giúp họ được sạch. Ki-tô hữu ngày nay còn được thử thách, đối diện với những mưu ma chước quỷ thâm độc hơn, cọ xát với những cám dỗ mời mọc ma mãnh hơn các Tông đồ thủa xưa. Vì thế, nếu từ bỏ được tội lỗi, xa lánh được cám dỗ, vượt qua được thử thách – tức là ”thắng được chính mình, thắng được thế gian” – chắc chắn sẽ được "Phúc thay những người không thấy mà tin!".

 

”Thắng được thế gian” ư? Nghe ra thì có vẻ là điều không tưởng, nhưng nghĩ cho kỹ, suy cho cùng thì đó chính là vượt qua được chính mình. Mình là thế nhân (người thế gian), vượt qua được chính mình tức là vượt qua, là chiến thắng được thế gian. Mà muốn được như thế thì điều kiện tiên quyết phải là làm sao hiểu cho thấu lý đạt tình mình hoàn toàn không phải là con cái thế gian, mà chính là con cái Thiên Chúa, Đấng là Cha Toàn Năng hằng hữu. Ấy cũng bởi “vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.” (1Ga 5, 4). Đó là điều tất yếu và cũng chính điều đó đã đưa chúng ta về với nguồn mạch đức tin: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.” (1Ga 5, 5-6).

 

Nói về hành trình đức tin của các Tông đồ tiên khởi, thì nhân vật điển hình không ai khác hơn là thánh Phê-rô. Ngài làm nghề chài luới mà theo Chúa vì tin Chúa có thể  "làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá" (Mt 4, 19). Theo Thầy, ở liền bên Thầy không rời nửa bước, vậy mà lúc thì tuyên xưng Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, khi thì lại tưởng Thầy là ma đi trên mặt biển. Vừa mới leo lẻo: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã… Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." (Mt 26,33-35); vậy mà chỉ cần một đứa tớ gái nhà Cai-pha nói "Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy", đã vội thề mà chối bai bải: “Tôi thề là không biết người ấy” (Mt 26, 71-74). Chỉ đến khi được chính Thần Khí Sự Thật chiếu toả trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh nhân mới thật sự vững lòng tin và nhờ thế ngài đã chữa cho 1 người què đi được và giảng cho dân chúng nghe bằng cách trưng dẫn tất cả những lời tiên tri căn bản trong Cựu Ước để chứng minh cho mọi người có thể tin nhận “Chính Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại.” (Cv. 3, 13-15, 17-19).

 

Nhìn vào tấm gương chân thực của người đứng đầu Hội Thánh tiên khởi ấy, có thể kết luận: Hành trình đức tin của mỗi Ki-tô hữu – dù xưa hay nay – không phải là một lộ trình rộng thênh thang, trơn tru phẳng lặng; mà là một con đường hẹp, gồ ghề, khúc khuỷu, sỏi đá, gai góc, ấy là chưa kể còn biết bao nhiêu rắn độc, thú dữ rình mò. Nói cách cụ thể, hành trình đức tin luôn là một hành trình gian khổ, chứa đầy thử thách và chỉ khi nào vượt qua được thử thách mới tới được cùng đích (“Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì.” – Gc 1, 2-4). Và vì thế mới nói: Đức tin là ân sủng Thiên Chúa ban nhưng không cho con người và chính nhờ Đức Tin, con người mới đến được với Thiên Chúa hằng sống.

 

Vậy thì không lý gì khi niềm tin bị chao đảo vì những thử thách, người tín hữu lại không biết “cầu xin với lòng tin” (Gc 1, 5-7) để được chính suối nguồn Đức Tin là Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh thương ban Thần Khí Sự Thật, hầu củng cố niềm tin cho vững mạnh. Ấy cũng bởi vì chính “Thần Khí là chứng nhân” (”Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.” – 1Ga 5, 6; “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” – Ga 15, 26-27).

 

Ôi! Lạy Chúa! Con biết rõ rằng, với thân phận mỏng giòn và bất toàn, đức tin của con luôn bị chao đảo. Cúi xin Chúa thương ban Thần Khí Sự Thật – Thần Khí Chứng Nhân cho con, để con có đủ sáng suốt và nhất là dũng khí thi hành sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô phục sinh giữa đời thường. Ôi! Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con! Con tin! Amen. Alleluia! Alleluia!

 

JM. Lam Thy ĐVD.