Về Trời
Lễ Thăng Thiên B
VỀ TRỜI
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20
Gia đình Hersten là một gia đình Do Thái thuê Sophie Beranska về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ. Ngay hôm đầu tiên khi biết được Sophie là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là nàng không được "giảng đạo" cho con cái ông. Sophie nhận lời. Và chiều hôm ấy, lúc còn lại một mình trong phòng, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ, viết một dòng chữ xếp lại và bỏ vào chiếc huy chương cha nàng để lại, rồi mang vào cổ. Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi Sophie cho coi chiếc huy chương ấy nhưng nàng nhất định không cho vì đó bí mật của đời cô!
Dưới sự chăm sóc chỉ bảo của Sophie, lũ trẻ hiếu động trong gia đình của Hersten càng ngày càng trở nên ngoan ngoãn. Cuộc sống đang lặng lẽ trôi qua thì một hôm, tai họa dồn dập xảy đến: Bé Naim đau nặng, cả nhà cuống quít đưa đi bệnh viện. Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm ở đó. Rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng thì càng nặng thêm trên đôi vai Sophie. Tuy nhiên nàng vẫn tận tình phục vụ cách vui vẻ cho đến khi 3 đứa nhỏ trở lại bình thường. Rồi một hôm, kết quả của những ngày lao nhọc thức khuya dậy sớm, Sophie ngã bệnh và từ trần.
Hai năm trôi qua… vào ngày giỗ của Sophie Beranska. Người ta thấy cả gia đình Hersten dậy sớm và cùng nhau đến một nhà thờ Công giáo dự thánh lễ…
Sau khi Sophie đã mất được ít lâu, tình cờ khi mở chiếc huy chương của nàng mà tụi trẻ đã vất lăn lóc từ lâu trong một hộc tủ, ông Hersten rút ra được một mảnh giấy trên có ghi dòng chữ: "Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo của tôi trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn".
Ông và gia đình hết sức bàng hoàng và cảm phục. Sau đó cả gia đình Hersten đến nhà thờ xin được học đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội…
Sophie Beranska sống trách nhiệm của người môn sinh mà Chúa Giêsu khi về Trời đã lệnh truyền cho các môn đệ: "…hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…" (Mc 16,15). Vâng theo lệnh truyền của Thầy, các tông đồ đã đi khắp nơi rao giảng Tin mừng (Mc 16,20). Sứ mạng ra đi loan báo đã mở đầu một thời kỳ mới của Giáo hội. Chúa Giêsu hứa sẽ ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế trong sứ mạng các tông đồ ra đi loan báo (x. Mt 28,20). Sophie Beranska đã loan báo cả cuộc đời…
Kinh Thánh nhấn mạnh: Chúa Giêsu lên trời 40 ngày sau khi Ngài phục sinh (Cv 1,3). Tin Mừng Marco nhấn mạnh tóm lược các sự kiện trước khi Chúa Về Trời, sau khi Ngài Phục sinh bốn sự kiện:
- Sự kiện thứ nhất (x. Mc 16,9-11) thuật việc Chúa hiện ra với bà Mađalêna (x. Ga 20,11-18).
- Sự kiện thứ hai (x. Mc 16,12-13) tóm tắt chuyện hai môn đệ đi về làng Emmaus mà Tin Mừng Luca kể chi tiết (x. Lc 24,13-35).
- Sự kiện thứ ba (x. Mc 16,14-18) Chúa hiện ra cho nhóm mười một; Người trách họ cứng lòng tin và trao cho họ sứ mạng rao giảng Tin mừng (x. Lc 24,36-43).
- Sự kiện thứ tư (x. Mc 16,19-20) ghi nhận vắn tắt việc Chúa lên trời (x. Lc 24,50-53; Cv 1,9-11).
Thánh Ambrôsiô nối kết giữa sự kiện Chúa Phục sinh và biến cố Thăng Thiên trong đời sống của người tín hữu: “Nếu Chúa chết đi mà không sống lại thì mọi tin tưởng của chúng ta đều là ảo tưởng (x. 1Cr 15,17). Nhưng nếu Chúa sống lại mà không lên trời thì bao gian lao đau khổ chúng ta phải chịu vì Chúa phải cho là vô ích. Bởi vì, chúng ta sẽ lấy đà nào để chịu khó, nếu chúng ta không có hy vọng lên trời”.
Tin Mừng Marco nhấn mạnh Chúa Giêsu được đưa lên trời (Mc 16,19a), về Trời là trở lại nơi Người đã xuất phát mà đến trần gian. Chữ “trên trời” chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện (x. Mc 1,10; 6,41; 7,34; 11,25). Lên trời là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha, trong đó Người được chia sẻ với Cha quyền năng và vinh quang. Được lên Trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16,19b), từ ngữ “ngồi bên hữu” chỉ địa vị cao trọng và quyền hành của Thiên Chúa (x. Mc 14,62; 16,19; x. 10,37; 12,36; Tv 110,1) như Đức Giêsu trả lời với các thầy Thượng tế: "Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến" (Mc 14,62).
Cho nên, Chúa Thăng Thiên, nghĩa là Ngài được tôn vinh. Chính vì thế Thánh Vịnh đã cất lời ca ngợi sự vinh hiển của Đức Giêsu từ ngàn xưa :
"Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi!
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!
Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu"
(Tv 47,2-3).
Vì thế, hoan ca chúc tụng Đấng về Trời là “dâng Ngài khúc đàn ca tuyệt mỹ nhất” vì Ngài là Đức Chúa hiển trị ở bên hữu Thiên Chúa Cha:
“hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta!”
…Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả”
(Tv 47,7.9).
Trời là nơi xuất phát của Ngôi Hai Thiên Chúa, đó là quê hương của mọi người tin vào Ngài phải hướng đến, như Ngài đã gợi mở: “Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho các con. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến, và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó”(Ga 14,1-3). Cho nên, Trời là quê hương mà chúng ta phải hướng về như Thánh Phaolô đã xác tín: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta”(Pl 3,20). Trời là phần thưởng dành cho những ai tin và bỏ mọi sự theo Chúa Kitô đã hứa : “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).
Để được về quê Trời, sống theo ý của Thiên Chúa, Đức Giêsu phán: “Không phải những ai cứ kêu Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! mà được vào Nước Trời, mà chỉ những ai làm theo thánh ý của Cha Ta”(Mt 7,21-23; Lc 6,46; 13,26-27). Vì thế, với chúng ta như Thánh vịnh khẳng định :
“Tuân theo thánh ý Chúa,
con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể”
(Tv 119,14).
Xin cho chúng con biết sống tinh thần ngóng vọng về Trời dù sống trong hiện tại trần thế, vì:
"Ðức Ki-tô niềm tin của thế giới
Lên cõi trời ngợp vinh hiển cao sang".
(Thánh Thi Kinh Sáng lễ Thăng Thiên)
Lm. Vinh Sơn scj, Sài gòn
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: