Tính hiện sinh của màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa
TÍNH HIỆN SINH CỦA MÀU NHIỆM BA NGÔI THIÊN CHÚA
TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU.
Suy nghĩ từ cậu nhận định của Đức cha Bruno Forte: “Có một tình trạng không thể chối cãi là nhiều Kitô hữu ‘mặc dù trong những tuyên xưng Đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi hoàn toàn là chính thống, nhưng trong cụ thể đời sống tôn giáo thì lại hầu như theo hướng ‘độc vị’
a b
* Dẫn nhập:
Đức tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi khởi đi từ biến cố Vượt Qua: Tử nạn- Phục sinh của Chúa Giêsu. Trong dòng lịch sử Giáo hội, Đức tin chính cốt của Kitô giáo này đã gặp không ít thăng trầm, thậm chí phiến diện giữa các Ngôi vị Thiên Chúa, kéo theo hệ quả là đời sống Đức tin mất quân bình nội tại, thiếu sức sống. Công đồng Vaticanô II (Vat II) với quyết tâm về nguồn Mạc khải, hiểu Đức tin Ba Ngôi Thiên Chúa như Thiên Chúa tỏ lộ trong Lịch sử Cứu độ, nhờ đó đời sống Giáo hội ít nhiều tìm được căn tính của mình, lấy lại được sức sống năng động trong Thánh Thần Chúa.
Dẫu vậy, nơi đời sống thực tế nơi không ít người Kitô hữu, màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa xem ra vẫn còn thiếu liên hệ gắn kết. Đức tin Chính thống tuyên xưng nghe vẫn hài hòa- quân bình giữa một và ba- ba và một, song cụ thể cuộc sống lại cho thấy ngược lại, ‘độc vị’. Đấy là hướng nhìn của tác giả Bruno Forte (Giám mục) khi phát biểu: “Có một tình trạng không thể chối cãi là nhiều Kitô hữu ‘mặc dù trong những tuyên xưng Đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi hoàn toàn là chính thống, nhưng trong cụ thể đời sống tôn giáo thì lại hầu như theo hướng ‘độc vị’ (‘monothéistes’)…”[1].
Như vậy, vấn đề là ở chỗ người Kitô hữu làm thế nào để màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa luôn Hiện hữu (nội tại) ấy trở thành Hiện diện (hiện sinh) trong đời sống mình. Muốn được thế, lẽ thường không chỉ nhận biết thực trạng ‘độc vị’ cũng như những hệ lụy của nó; quan trọng hơn, tiếp cận đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa theo mạc khải, nhất là khám phá ra điểm tựa- quy chiếu đích thực.
Đấy là hướng đi của bài viết, chúng có tương quan biện chứng.
I. Thực tại ‘Độc vị’.
1. Hiểu thế nào?
Màu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là màu nhiệm trọng tâm, cội nguồn phát sinh các màu nhiệm khác. Nơi ấy Giáo hội truyên xưng một Thiên Chúa là Chúa Cha- Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Ba Ngôi khác nhau nhưng mỗi Ngôi Vị là Thiên Chúa trọn vẹn- đồng Bản Thể, điều này cũng có nghĩa mỗi Ngôi vị không là Bản thể tự tại (tồn tại do mình và cho mình). Đức tin hệ tại điều này: Thờ kính một Thiên Chúa Ba Ngôi mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cách Bản thể; Nhân danh Một Chúa Ba Ngôi chứ không phải “nhân danh Ba Ngôi vị” riêng lẻ (x.CG 266.233).
Bởi đó nói ‘độc vị’ trong màu nhiệm Tam Vị hiệp nhất ấy, vô tình ta làm giảm hay triệt tiêu hai Ngôi vị còn lại, là hiểu sai lệch mạc khải, và xét cho cùng ‘đánh mất’ luôn Thiên Chúa đích thực như mạc khải. Dừng lại ở ‘độc vị’ hay ‘Bản thể cá biệt’ là phủ nhận hoàn toàm màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, phủ nhận mạc khải[2]. Lịch sử Đức tin Ba Ngôi Thiên Chúa ít nhiều thấy rõ điều đó, cả những hệ lụy đáng tiếc.
2. Vấn đề ‘độc vị’ trong Lịch sử Giáo hội.
Thời các Tông đồ: Màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi “được tường thuật” như câu truyện sống động. Đức tin được tuyên xưng bằng chính cuộc sống chứng tá. Quả thế, tuyên xưng Giêsu là Kittô, hay Ba Ngôi Thiên Chúa như trong công thức Rửa Tội (Mt 28,18-19) trong một thế giới Do Thái giáo độc thần triệt để là điều không dễ, Kitô hữu luôn phải trực diện nhiều hiểm nguy, kể cả bị bắt hại, bị giết chết.
Thời các Giáo Phụ, Ba Ngôi bắt đầu ‘được’ đặt thành vấn đề, cho thấy bước đầu Giáo hội ý thức thức làm thần học- suy tư có hệ thống về nội dung Đức tin. Không ít người thiện chí cảm thấy khó chấp nhận Đức tin nền tảng, bởi có sự mâu thuẫn ngay nội hàm từ ngữ- giữa một và ba, giữa độc thần- đa thần. Để bảo vệ và sống Đức tin Chính thống, Giáo hội đã phải trực diện nhiều lạc thuyết phát sinh từ trong nhà mình, trong đó đáng kể hai lạc thuyết mới nghe có vẻ logic: Hạ Nhục (Subordinatianismus) (1) và Nhất Chủ (Monarchianismus) (2). Thuyết (1) chạy chốn vấn nạn, cho Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa mà là một hữu thể gần Thiên Chúa cách đặc biệt. Thuyết (2) bảo vệ ‘độc thần’, theo kiểu… vở diễn: Ba Ngôi là ba vai diễn khác nhau của một Thiên Chúa trong Lịch sử[3]…
Thách đố về mặt từ ngữ đã ngã ngũ nhờ Thánh Basile, Giám mục Césaree (329-379) khi ngài phân biệt và định rõ ý nghĩa hai từ Ousia (hiện hữu yếu tính, Bản Thể) và Hypostatis (hiện hữu đặc thù, Ngôi Vị). Kết quả công thức “Một Bản Thể, Ba Ngôi Vị” ra đời, sau trở thành định tín.
Có thể nói, thần học Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ Thánh Basile, đã tiến một bước khổng lồ. Dẫu vậy đây cũng chỉ là suy tư của con người giới hạn. Đức Thánh cha Bênêđictô XVI, khi còn là Hồng y Joseph Ratzinger từng cảnh báo: Các công thức trong giáo lý Ba Ngôi Thiên Chúa, chỉ có tính chất ‘gợi ý’, cho thấy nỗ lực vươn tới điều khôn dò. “Đây không phải là định nghĩa, nếu hiểu định nghĩa là xác định một thực tại trong khuôn khổ trí thức của con người; cũng không phải một khái niệm, nếu khái niệm là điều mà tư tưởng nhân loại có thể nắm chắc được”[4]. Lời nhắc nhớ trên không phải vô cớ, bởi Giáo hội đã có “đêm trường” khi sa đà vào lý trí, xa nguồn mạc khải, đánh mất đi kinh nghiệm sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Một khi đánh mất kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa thì người ta bám vào luật, khe khắt với nhau.
Quả thế, thời Kinh viện dù có công rất lớn trong việc xây đắp một hệ thống thần học vững chắc, thống lĩnh mọi tư tưởng thời đại; song do qúa say mê, coi trọng lý trí, những tưởng con người có thể ‘nắm chắc’ được Thiên Chúa, nên thần học đơn điệu, xa lạ với cuộc sống, nặng nề và có cả nguy hại[5]. Trong suy tư thần học Ba Ngôi Thiên Chúa, quá chú trọng Chúa Kitô Đức tin hơn là Đức Giêsu lịch sử, đề cao Người đến độ thiên hướng ‘độc vị’- duy Kitô, giảm mất vai trò Chúa Cha, Chúa Thánh Thần. Đơn cử, những quyết định quan trọng mà Thẩm quyền Hội thánh công bố, ‘công thức’ vốn tốt đẹp thời Tông đổ: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28), giờ vài trò chính, hàng đầu- Chúa Thánh Thần bị… rụng mất (!). Hệ quả trong thực tế đời sống Giáo hội mất quân bình nội tại. Cả một thời gian dài, Giáo hội được định nghĩa là giáo sĩ, ‘đẻ’ ra cơ chế ‘giáo sĩ trị’, vai trò người Giáo dân bị xem nhẹ, gạt lề trong Giáo hội Hiệp thông và Sứ vụ…[6]
Giáo hội của Đức Kitô- Giêsu đang đứng trước thách đố sống còn, không phải trên bình diện thần học (do lạc thuyết) mà là cuộc sống hiện sinh bức bách. Công đồng Vat.II (1962-1965) được coi như ‘lễ Hiện xuống’. Nhờ quyết tâm về nguồn mạc khải, Giáo hội tìm được hướng đi quân bình nội tại, năng động trong màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo hội ý thức căn tính của mình xuất phát từ nguồn cội màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi; Tái khám phá chiều kích Ba Ngôi trong mọi lĩnh vực đời sống Giáo hội; Giáo hội xác tín, Công đồng họp trong Chúa Thánh Thần, đáp ứng thúc bách của Chúa Thánh Thần (x.GH 1-8; MV 11)[7]…
Tóm lại, Thời các Tông đồ- các Giáo phụ dẫu còn hạn chế trong suy tư thần học nhưng kinh nghiệm về sự hiện diện Thiên Chúa Tình yêu vẫn là yếu tố chính nên đời sống tương hợp với với điều tuyên xưng. Đức tin được sống. Màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa được biện phân mà không biệt lập…
Có lẽ Ba Ngôi bắt đầu bị ‘lưu đày’- xa lìa cuộc sống, lúc con người có tham vọng điên rồ- vô vọng khi muốn dùng khả trí để hiểu Thiên Chúa. Do mất dần kinh nghiệm sự hiện diện năng động của Ba Ngôi Thiên Chúa, nên Thiên Chúa bị biến dạng theo con người quan niệm. Thiên Chúa không được hiểu như là chính mạc khải Ngài tỏ lộ, hay bị hiểu phiến diện thì đời sống Giáo hội, con người cũng mất quân bình, khô cứng. Công đồng Vat.II dựa trên nền tảng mạc khải (Thánh Kinh- Thánh Truyền) đã, đang nỗ lực hiểu và sống màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa như là Ngài tỏ lộ, song ngày nay Giáo hội- đời sống người Kitô hữu đang trực diện nhiều thách đố khác trong một thế giới “văn minh sự chết”, giá trị tôn giáo mất dần…
Và như thế, Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn bị bị ‘lưu đày’- khía cạnh khác của lối sống ‘độc vị’ trong một thế giới tục hóa: khi con người duy trí, tôn sùng khoa học, ngạo kiêu, thích hưởng thụ, mất tương quan …
Làm thế nào để màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa đi vào đời sống đạo?
Để hiểu và sống hài hòa với Đức tin tuyên xưng, tốt nhất ta hãy tiếp cận đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa theo mạc khải, hay nói theo cách của Đức cha Bruno Forte, trở về ‘quê hương’ của màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi[8].
II. Tiếp cận màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
1. Một Mạc khải:
Khẳng định này, trước tiên cho thấy, màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là kết quả của suy tư thuần lý mà là thành quả “suy gẫm” từ những trải nghiệm sống động trong Lịch sử Cứu độ. Thiên Chúa tỏ mình như thế nào, thì Người đúng là như thế vậy[9]. Mạc khải của Thiên Chúa tiệm tiến và đã hoàn tất viên mãn khi Chúa Giêsu- Kitô đến[10]. Chính vì thế, nơi cuộc đời- sứ vụ của Chúa Giêsu, Giáo hội khám phá đời sống ‘quê hương’ Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa duy nhất vừa tương quan năng động.
2. Nơi Đức Kitô- Giêsu, mạc khải của Thiên Chúa hoàn tất:
Dưới ánh sáng Phục sinh, trong sự Linh hứng của Chúa Thánh Thần, từ những trải nghiệm lịch sử sâu đậm của các Tông đồ với Đức Kitô- Giêsu, các bản văn Tân ước, nhất là Tin Mừng, cho thấy Thiên Chúa tỏ lộ dung mạo chưa từng biết đến, vượt tầm trí nhân loại: Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc bởi có tương quan năng động giữa các Ngôi vị Thiên Chúa. Tin Mừng theo Gioan, ngay từ những dòng đầu đã minh nhiên cho thấy Thần tính của Chúa Giêsu[11]: Ngôi Lời là Thiên Chúa, là Con Một từ cung lòng Cha (Ga 1,1-18).
Thật thế, nơi Chúa Giêsu trần thế, ta gặp một con người trọn vẹn nhưng ý thức rất rõ căn tính của mình: là Con Thiên Chúa từ trước muôn đời, được Cha sai đến trần gian và sẽ trở về với Cha (Ga 8,42;13,3). Người từng tỏ lộ về mình: Ta là Đấng Hằng hữu, Ta với Cha là một, ai thấy Ta là thấy Cha (Ga 8,58; 10,30; 14,9). Điểm độc đáo, Người gọi Thiên Chúa là Cha của mình ở ngôi thứ hai (you) tương xứng, Đấng đang đối diện với mình. Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh, không ai dám và không tự ai ngang xứng có thể đối thoại trực diện với Ngài nếu không phải là Ngôi Vị đồng Bản thể. Điều này cho thấy, Thiên Chúa duy nhất có Ngôi Vị Cha khác Ngôi vị Con.
Từ kinh nghiệm mới mẻ- nơi Thiên Chúa có sự ‘song đôi’ trên, đưa đến kinh nghiệm thứ ba- kinh nghiệm Thánh Thần hiện diện, cách thức Thiên Chúa trao ban trọn vẹn cho nhau, cách thức mà Thiên Chúa thông ban- hiện diện nơi con người chúng ta[12]. Chúa Giêsu mạc khải: Thiên Chúa là Thần Khí và Thần Khí phát xuất từ nơi Cha (Ga 4,24; 25,26). Chính Thánh Thần soi ta biết Chúa Giêsu ở trong Cha, Đấng tái sinh ta làm Con Thiên Chúa và giúp ta biết thờ phượng Thiên Chúa đích thực, gọi Ngài là Abba- Cha ơi!...(Ga14,20; 3,5; 5,33; x.1Cr 2,11;12,3; Gl 4,6…).
Khi đọc lại “ký ức” trong Thánh Thần, các Tông đồ nhìn ra ‘quê hương’ Ba Ngôi Thiên Chúa hiện tỏ trong cuộc đời trần thế Đức Giêsu. Suốt cuộc đời Người luôn sống trong tương quan mật thiết, hiệp nhất năng động với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, ngay từ ngày Nhập Thể- đời hoạt động công khai cho đến biến Vượt Qua- Tử nạn - Phục sinh và lên trời.
Chúa Giêsu được Cha sai đến để bày tỏ kế hoạch Tình yêu (cứu độ) và trong Chúa Thánh Thần Ngài đã Nhập Thể, thi hành ý Cha trọn vẹn. Câu Chúa Giêsu nói: “Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa bàn Thần Khí cho Ngài vô ngần vô ngại, Chúa Cha yêu thương người Con và đã trao mọi sự ở trong tay Người” (Ga 3,34-35), cho biết phần nào đời sống nội tại của Thiên Chúa trong cuộc đời Nhập thể của Người. Đấy là “thực tại tình yêu tương thông, tương hướng” trọn vẹn, tuyệt đối[13].
Tóm lại, để hiểu và sống màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa ta không bao giờ tách ra khỏi màu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu. Chính nơi Người, từ trải nghiệm sống động, Tông đồ Gioan đã ‘định nghĩa’: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
III. Tính Hiện Sinh màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa nơi người Kitô hữu
1. Căn tính Con người:
Từ mạc khải của Đấng Phục Sinh cho biết màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, ta khám phá Thiên Chúa đã lưu nhiều ‘dấu vết’ Tam Vị trong công trình Tạo dựng, trong Lịch sử Dân Thánh (Cựu ước). Đặc biệt trong tạo dựng con người, khi Thiên Chúa phán: “Chúng Ta hãy làm ra con người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta” (St 1,26a)[14].
Con người là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa! Như thế, con người dù muốn hay không, dù biết hay không biết vẫn thuộc về Thiên Chúa, có căn tính sự sống Tam Vị trong thâm sâu nơi mình. Có khao khát vươn tìm Chân- Thiện- Mĩ, có tương quan xã hội. Và con người chỉ đạt được hạnh phúc thật, ý nghĩa cuộc đời khi sống theo căn tính thuộc linh. Trở về Ba Ngôi Thiên Chúa chính thực ta trở về cội nguồn, tìm con người thật của mình[15].
* Ba mức độ Thiên Chúa hiện diện nơi con người:
- Sống theo Lương Tâm: Những người chưa biết Thiên Chúa, sống theo tiếng nói lương tâm là sống theo ý Chúa. Lương tâm chính là “cung thánh” nơi ta trực diện với một mình với Đấng Tối Cao. Kinh nghiệm cho thấy: có một lề luật ghi khắc trong tâm hồn mà chính con người không đặt ra cho mình (x.MV 16).
- Sống theo Giao ước (cũ): Cụ thể và sáng rõ hơn lương tâm, dù còn hạn chế. Sống theo Giao ước (cũ) là tuân giữ Thập giới mà Thiên Chúa mạc khải cho Dân Israel tại núi Sinai.
- Sống Theo Chúa Giêsu- Kitô (Giao ước mới): Mạc khải Thiên Chúa hoàn tất nơi Chúa Giêsu- Ngôi Lời Nhập Thể. Sống lời Chúa Giêsu dạy, trở nên giống Người là thể hiện rõ nhất, phong phú- đầy đủ và năng động nhất sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Đời sống Kitô hữu hệ tại là sống trong Đức Kitô- Giêsu, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần để làm Con Thiên Chúa. Đức Kitô là Đường- Sự thật- Sự sống, đến để kiện toàn lề luật (Ga 14,6; Mt 5,17), bởi đó Lương tâm và Cựu ước chỉ có giá trị khi quy Kitô[16].
Sống trong Chúa Giêsu – Kitô, điểm độc đáo, gian nan- thử thách- khổ đau, kể cả cái chết đều trở nên giá trị Tin Mừng… Khi nghiệm sống tại thế ‘tất cả Hồng ân’ như chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, thì trần thế vốn bị coi như ‘bể thảm’ nay trong Chúa Giêsu - Kitô thành ‘biển Hồng ân’.
Và như thế, tin theo Chúa Giêsu, đâu phải đợi đến đời sau mà ngay hiện sinh tại thế đã cảm nếm ‘quê hương’ Gia đình Thiên Chúa mai sau.
2. Trong Chúa Giêsu- Kitô màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện nơi đời sống người Kitô hữu:
* Trong tư cách làm nghĩa tử của Thiên Chúa, theo Gioan:
Ơn Cứu độ của Đức Kitô đã phục hồi cho ta quyền làm con cái Thiên Chúa mà Nguyên tội đánh mất (qua Bí tích Thánh Tẩy).
Thánh sử Gioan liên kết ý nghĩa đời sống Kitô hữu trong và làm một với Chúa Giêsu với tư cách là Con. Nếu như Chúa Giêsu nói về mình Người Con không thể làm bất cứ điều gì ngoài Cha (5,19.30) thì cũng quả quyết với môn đệ- không có Thầy anh em không làm gì được (15,5); Người tuyên bố- Ta với Cha là một (10,30; x.17,1-2) đồng thời Người cũng tha thiết xin Cha giúp họ nên một như Chúng Ta (17,11). Ngài yêu những người theo mình bằng Tình yêu của Cha trao mình, và Người tha thiết xin họ “hãy ở lại trong tình thương của Thầy” bằng cách giữ giới răn của Người như cách Người ở trong Tình yêu Cha ( 15,5)… Nhờ Chúa Giêsu, Giáo hội, mỗi người Kitô hữu được làm Con Thiên Chúa đích thực không chỉ trong tương quan với Thiên Chúa mà còn hướng tới “sứ vụ”- như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em (13,20; 17,18; 20,21).
Như vậy, theo Gioan, đời sống Kitô hữu là “đời sống như Người Con, trở thành Con, nghĩa là không còn sống cho mình hay tựa vào mình nhưng sống trong sự khai mở, sống hoàn toàn ‘bởi’, và ‘cho’”[17].
* Đặc tính của sự sống Chúa Giêsu, theo Nhất lãm:
Muốn sống như Chúa Giêsu, cần biết cụ thể hơn đặc tính sự sống của Người. Trình thuật Chúa Giêsu chịu cám giỗ trước khi thi hành sứ vụ công khai nơi Nhất lãm cho thấy rõ bốn đặc tính sự sống của Chúa Giêsu trong Thánh Thần[18] (Lc 4, 1-13 ; Mt 4,1-11; Mc 1,12-13)
i. Sống Lời Chúa: Lời Chúa biến thành cuộc sống nơi Chúa Giêsu, giúp Người thấy rõ đâu là ý Cha để thức hiện. Lời Chúa thành “vũ khí” tuyệt đối Người dùng và chiến thắng mọi cám dổ của ma quỷ.
ii. Không dùng quyền năng Thiên Chúa phục vụ mình (cám dỗ 1, theo Luca), nhưng trong đời sống hoạt động sau này Người dùng quyền năng mình có để phục vụ người khác. Rõ ràng, Chúa Giêsu không phải sống cho mình mà là sống cho người khác .
iii. Chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa (cám dỗ 2)
iv. Và Tôn thờ Ngài vô điều kiện, không tính toán so đo (cám dỗ 3)
Người Kitô hữu sống trong Đức Kitô- sống năng động màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa không thể thiếu những đặc tính sự sống của Chúa Giêsu. Điểm nổi bật xuyên suốt và là nền tảng sự sống của Người chính là Tình yêu. Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15) đồng thời là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu.
Cuối cùng, sống trong Chúa Giêsu- Kitô là sống trong kinh nghiệm Thiên Chúa Tình yêu, là yêu như Người yêu.
3. Yêu Như Chúa Giêsu yêu:
Bản chất Thiên Chúa là tình yêu- ‘Thiên Chúa là tình yêu’. Dưới lăng kính Tình yêu ta dễ dàng lĩnh hội màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như những màu nhiệm Đức tin khác. Chỉ trong Tình yêu con người mới ‘lý giải’ màu nhiệm một Chúa- Ba Ngôi. Khi yêu nhau thì mọi thứ là của nhau, hiệp nhất trong tương quan. Bản chất của tình yêu là năng động ‘đi ra’: Ngôi Cha ‘đi ra’ nơi Ngôi Con, Ngôi Cha và Ngôi Con ‘đi ra’ nơi Thánh Thần; rồi ‘hướng ngoại’- Thiên Chúa đi ra với thụ tạo, nhất là với con người. Trong Chúa Giêsu- Kitô, Thiên Chúa trao ban trọn vẹn tình yêu của Ngài cho con người (Ga 3,16; Rm 8,32…)
Thực ra cốt lõi Đức tin- Giáo lý- đời sống Kitô giáo không gì khác ngoài Tình yêu. Giới răn mới và quan trọng nhất nơi Giao ước mới, là lời trăn trối của Chúa Giêsu chính là Tình yêu- Yêu như Người yêu (Ga 15,12). Từ trải nghiệm sâu sắc, Thánh Phaolô khẳng định: “Trên hết là Tình yêu” (1Cr 13,13); Còn với Tông đồ được Chúa yêu: “Ai ở trong Tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
Quả thế, nơi tòa Chung Thẩm, Tình yêu trở thành nhất chuẩn để căn xét vào chung hưởng Nước Trời (Mt 25, 31-46)
Nhưng, thế nào là tình yêu và yêu thế nào? Tình yêu vốn là một phạm trù huyền nhiệm nếu không có điểm quy chiếu rất dễ lạm dụng hiểu sai, thực tế đã cho thấy thế[19].
Điểm quy chiếu của Kitô giáo chính là Chúa Giêsu. “Căn cứ vào điều này chúng ta biết Tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Yêu như Giêsu yêu, là Tình yêu Agape (Bác ái). Cụ thể hơn, theo Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, Tình yêu chính đáng, giúp phát triển nhân bản toàn diện là “Tình yêu trong Chân lý”[20].
* Nhận định:
Câu nói của Đức cha Bruno Forte (“Có một tình trạng không thể chối cãi là nhiều Kitô hữu ‘mặc dù trong những tuyên xưng Đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi hoàn toàn là chính thống, nhưng trong cụ thể đời sống tôn giáo thì lại hầu như theo hướng ‘độc vị’) mang tính hiện sinh, nhắc nhở ta – người Kitô hữu ý thức thể hiện được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống đạo cụ thể.
Ngoài ra, nhận định của ngài cũng phản ánh rõ nét xu hướng sống đạo thời đại tục hóa: Theo đạo mà thiếu sống đạo, chưa sống theo hướng (nếu không muốn nói trái lại) điều mình tuyên xưng. Dưới lăng kinh màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, huynh hướng ‘độc vị’, thực tế là thiếu vắng Thiên Chúa- thiếu vắng kinh nghiệm Thiên Chúa tình yêu hiện diện trong lịch sử. Điều này rất nguy hiểm, vì tự căn tính con người có tính tôn giáo, một khi thiếu vắng Thiên Chúa đích thực như Ngài tỏ lộ, con người sẽ mất định hướng, rồi ‘đẻ’ ra vị Thiên Chúa triết học, những chủ thuyết ‘Messianismus’- một ‘Cứu chúa’ cho con người[21], và con người mượn danh Thiên Chúa ‘độc vị’ này để mưu toan chính trị, chiến tranh bạo lực... Lịch sử nhân loại đã và đang rõ thấy...
Cũng may, ‘độc vị’ nơi nhiều người Kitô hữu mới chỉ là ‘khuynh hướng’, tức đang có biểu hiện, bắt đầu cho thấy sự thiên lệch Đức tin Chính thống trong sống đạo[22]; Song nếu không kịp phản tỉnh để trở thành lối sống thì rất bi kịch, bởi sẽ mất dần cảm thức về tội (tương quan với Thiên Chúa) và có thể đánh mất Thiên Chúa (!).
Vấn đề mà Đức cha Bruno Forte quan tâm là làm thể nào để giữa Đức tin thường tuyên xưng nơi Ba Ngôi Thiên Chúa phải phản ảnh được trên đời sống đạo thực tế của người Kitô hữu. Muốn được như thế, Kitô hữu phải có Đức tin trưởng thành.
Đức tin Kitô giáo không phải phải thứ cảm tính, mông lung nhưng có nội dung vững chắc trong lịch sử, luôn được Thánh Thần của Đức Kitô hướng dẫn, đảm bảo đưa đến Chân lý toàn vẹn (Ga 16,13), dẫu có vấp váp. Mỗi Kitô hữu phải có bổn phận ý thức đào sâu sự hiểu biết đức tin trong Giáo hội Tông truyền. “Ngu dốt là mẹ mọi sai lầm” (Công đồng Latran IV).
Đức tin và lý trí không mẫu thuẫn, trái lại chúng có tương quan mật thiết, bổ túc nhau, nhờ đó đời sống văn minh con người mới thực thăng tiến. Tuy nhiên, tiếp cận màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa trên bình diện ‘cái đầu’, cần luôn ý thức “thần học phủ định”, tức như một minh chứng về sự bế tắc, giải đáp vô vọng của con người[23]. Điều này cho ta biết rõ con người thật của chính mình, biết khiêm nhường trước Đấng Tuyệt Đối.
* Thay lời kết:
Nhờ Chúa Giêsu- Kitô mặc khải, ta biết được màu nhiệm không dò nơi Thiên Chúa: Một Chúa- Ba Ngôi. Màu nhiệm căn nguyên này trong đời sống Giáo hội đã trải qua không ít thăng trầm, hệ tại ở việc còn hay mất kinh nghiệm Tình yêu Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử, trong mỗi một nhân vị. Khi ta giảm, hay mất ‘kinh nghiệm’ ấy do đề cao lý trí hay tục hóa… sẽ có nguy cơ ‘độc vị’ trong sống đạo, hệ quả đời sống ta mất quân bình nội tại, không tìm được hạnh phúc đích thực.
Để có hạnh phúc thật- có Thiên Chúa hiện diện, cũng có nghĩa phải chấp thuận sống theo khuôn mẫu Ngài: Yếu tố chung của các Ngài là tự hiến cho nhau, là hiện hữu trong Ngôi khác, là làm Ngôi khác hiện hữu”[24].
Cụ thể sống theo mẫu gương Chúa Giêsu, nghĩa là ta sống tương quan Tình yêu Thiên Chúa, tự hủy mình vì người khác. Con người được dựng nên không phải cho mình mà là cho người khác, và ta chỉ tìm được chính mình khi ra khỏi mình, khi trở thành hữu thể tương quan. Khi Hiểu Đức và sống Đức tin hòa chung nhịp bước, chắc chắn đời sống đạo của người Kitô hữu sẽ phong phú.
Cuối cùng, “giáo lý Ba Ngôi quả thực mở ra cho ta một cách hiểu mới mẻ về thực tại, giúp ta hiểu thế nào là con người, thế nào là Thiên Chúa”. Sự hiểu biết này, kết cục “dẫn đến những thực hành hết sức cụ thể: nói về Thiên Chúa, nhưng rốt cuộc lại khám phá ra ý nghĩa của đời người; điều xem ra quá sức nghịch lý nhưng cuối cùng lại tràn đấy ánh sánh và đem lại ý nghĩa cho cuộc đời đến mức không ngờ”[25] (Hồng y Ratzinger)
Lm. Đaminh Hương Quất
(Tháng 3-2010)
' & '
* Ký Hiệu Trích Dẫn:
GH - Hiến Chế Tín Lý về Gio hội (Lumen Gentium).
MV - Hiến Chế Mục vụ về Gio hội trong Thế giới ngy nay (Gaudium et Spes)
CG - Giáo lý Công giáo, 1992.
* Ti Liệu Tham Khảo Chính:
1. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, 1992.
2. Thánh Công Đồng Chung Vaticannô II, GHHV Pio. X- Đà Lạt, 1972.
3. Bruno Forte- Màu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch Sử, chuyển ngữ Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung.
4. Joseph Ratzinger (ĐTC Bênêdictô XVI)- Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay.
Chuyển ngữ Lm Athanasio Nguyễn quốc Lâm và Phạm Hồng Lam, NXB Tôn giáo, 2009.
5. Joseph Moingt, S.j- Bernard Sesbou,S.j- Lược sử Quá trình phát triển tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Chuyển ngữ Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung.
6 . Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc, Chỉ Một Thiên Chúa: Chúa Cha- Chsaa Con- Chúa Thánh Thần.
[1]x.Bruno Forte, Màu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch sử, tr.14
[2] x.Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc, Chỉ Một Thiên Chúa: Chúa Cha- Chúa Con- Chúa Thánh Thần, tr.329t
[3]x. Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, tr172t; Bruno Forte, sđd, tr98t
[4] x. Joseph Ratzinger, sđd, tr.177
[5] Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân thành Bt Xức Dầu lần cuối, giáo lý Cánh chung nặng tính hỏa ngục gây sợ hãi, lo lắng…
[6] Mãi đến Công Đồng Vat II (1962-1965), căn tính của người giáo dân mới được khôi phục. Giáo dân được coi là hiện thân của Giáo hội tại thế, là Linh hồn của thế giới (x.GH, 30-38)
[7] Trước thềm Công đồng Vat.II, nhờ anh em Chính Thống nhắc nhớ, Giáo hội ý thức đầy đủ hơn vai trò Chúa Thánh Thần.
[8] x.Bruno Forte,sđd 17tt
[9] x. Joseph Ratzinger, sđd, tr. 167-170
[10] Nơi Đức Kitô-Giêsu mạc khải của Thiên Chúa đã hoàn tất viên mãn, nhưng để lĩnh hội kho tàng mạc khải này, Giáo hội không thể “đốt cháy giai đoạn” mà cần có thời gian để Đấng Bảo Trợ đưa đến Chân lý toàn vẹn (Ga16, 4-15)
[11] Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, Thần tính của Chúa Giêsu trong tương quan với Cha còn ẩn dấu trong Nhân tính.
[12] X. Joseph Ratzinger, sđd, tr. 168
[13] x.Joseph Ratzinger, sđd, tr 190
[14] x.Theo các Giáo Phụ hiểu, “Chúng Ta” ở đấy là màu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
[15] x.Bruno Forte, sđd tr.278tt
[16] x.Bruno Forte, sđd, phần Màu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngơi nơi con ngừơi, tr. 331tt
[17] x. Joseph Ratzinger, sđd, tr. 194
[18] Theo Lm Nguyễn Đức Thông, bài giảng trên lớp.
[19] Đơn cử, Joseph Fletcher do không phân định được Tình yêu, nên ‘đẻ’ khuynh hướng “luân lý phóng túng”; theo ông: “tất cả những gì người ta làm vì Tình yêu đều hợp với luân lý”. Và Giáo hội không chấp nhận quan điểm nàý
[20] x. Hai thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: Thiên Chúa là Tình yêu (Deus Caritas est), Bác Ái trong Chân lý (Caritas in Veritate) giúp hiểu rõ hơn Tình yêu phong phú- năng động của Đức tin Kitô giáo.
[21] Ví dụ: Marxismus, Bushismus, Globalisie (toàn cầu hóa)… x. Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh, Kitô học, tr.24t
[22]x. Từ điển Tiếng Việt, mục từ khuynh hướng
[23] x.Joseph Ratzinger, sđd, tr 176t;
[24] Giáo Hoàng Học Viện Pio x- Đà Lạt, Điển Ngữ Thần học Thánh Kinh, mục từ Thiên Chúa, TƯ V
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: