Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đồng bàn

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

ĐỒNG BÀN – SYNAXIS                  

(LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ – CN X/TN-B)

 

Trong bài giảng tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su Ki-tô đã khẳng định: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!... Tôi là bánh từ trời xuống.” (Ga 6, 35.42). Đám người Do-thái liền xầm xì phản đối khiến Đức Giê-su phải nhấn mạnh: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Cuối cùng, Đức Giê-su khẳng định chắc nịch: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uồng máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho kẻ ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uòng máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6, 51-56). Lời dạy này không chỉ làm cho đám người Do thái sôi nổi tranh luận với nhau; mà còn khiến nhiều môn đệ của Người thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi.” (Ga 6, 60).

 

Quả thật là khó nghe lọt tai được, bởi theo nghi thức Do-thái thì trong những dịp lễ lớn như lễ Vượt Qua, hy lễ toàn thiêu sẽ là chiên hay bò (Xh 24, 5) bị sát tế, dùng máu rảy lên bàn thờ và trên đầu những người tham dự, còn thịt thì nướng chín để làm của ăn. Bây giờ Đức Ki-tô lại bảo ăn thịt và uống máu Người thì làm sao mà nghe cho được? Phải chờ đến đúng thời điểm, Đức Ki-tô đã cùng với các môn đệ tổ chức lễ Vượt Qua như một bữa Tiệc Ly, và nhân dịp này Người lập bí tích Thánh Thể. Khi lập bí tich Thánh Thể, Đức Giê-su dùng rượu và bánh để nói đến Thịt và Máu của Người làm hy tế toàn thiêu dâng lên Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Tiếp liền theo đó là cuộc khổ nạn mà chính Mình và Máu Thánh Chúa đã thực sự đổ ra trên thập tự giá. Suối nguồn Yêu Thương đã thực sự tuôn chảy từ nơi Trái Tim Cực Thánh bị lưỡi đòng đâm thâu. Tới lúc đó, thì điều khó tin và chướng tai đối với người Do-thái và các môn đệ đã trở thành hiện thực.

 

Mầu nhiệm tử nạn của Đức Giê-su chính là một hy lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa Cha, để đền tội thay cho toàn thể nhân loại. Cuộc sát tế chính Con Thiên Chúa – thay vì chiên sát tế – mang 2 chiều kích rõ rệt: chiều kích thần linh (vì Thiên Chúa) biểu hiện tình yêu tuyệt đối trong vâng phục Thánh ý Thiên Chúa Cha + chiều kích nhân vị (vì con người) biểu hiện tình yêu vô tận đối với nhân loại tội lỗi, nhằm cứu vớt, giải thoát họ khỏi sự chết đời đời. Như vậy, Bí tích Thánh Thể (trong hy tế toàn thiêu trên Thập giá) chính là suối nguồn Yêu Thương đích thực: chiều doc (thẳng đứng) thể hiện tình yêu Cha con giữa Thiên Chúa với loài người (MẾN CHÚA hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực) + chiều ngang thể hiện tình yêu đồng loại (YÊU NGƯỜI như yêu chính bản thân mình).

 

Từ suối nguồn Yêu Thương vô tận đó, Giáo Hội Mẹ múc nguồn sự sống để dưỡng nuôi đàn con tín hữu. Sự thật này không chỉ đơn thuần diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kết cốt lõi của mầu nhiệm Hội Thánh. Thật vậy, Hội Thánh vui hưởng thành quả hy tế Thập Giá với một cường độ mãnh liệt vô song. Kể từ ngày được thiết lập, với 12 Tông đồ tiên khởi, cho đến ngày lễ Ngũ tuần, Hội Thánh – Dân của Giao ước Mới – bắt đầu cuộc hành trình tiến về Quê Trời, thì Bí tích Thánh Thể thần thiêng đã tiếp tục in dấu ấn trên cuộc sống thường ngày bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hy vọng tin tưởng trong sứ vụ nhất quán “chia sẻ Tấm Bánh Tinh Yêu cho muôn dân”. Lương thực trường tồn ấy đã thực sự làm tăng trưởng vượt bậc Hội Thánh, lan tỏa khắp năm châu bốn biển.

 

Đó là lý do khiến Thánh Gio-an Phao-lô II đã khẳng định: “Đức Giê-su, trong đêm bị nộp” (1Cr 11, 23) đã thiết lập Hy tế tạ ơn là Mình và Máu Người. Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Ki-tô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quý giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trổi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ. Hy tế này thật thiết yếu cho việc cứu rỗi nhân loại, nên Đức Giê-su Ki-tô đã hoàn tất hy tế đó và chỉ trở về với Chúa Cha sau khi đã để lại cho chúng ta một phương thế để thông dự vào hy tế đó, như thể chúng ta đã hiện diện ở nơi đó. Vì thế, mọi tín hữu có thể tham dự và cảm nếm vô vàn hoa trái của hy tế đó. Đó là niềm tin mà các thế hệ Ki-tô hữu trong mọi thời đại đã sống. Huấn quyền của Hội Thánh đã không ngừng hân hoan xác nhận niềm tin này và tỏ lòng biết ơn vì quà tặng vô giá ấy.” (Thông điệp Hội Thánh từ Thánh Thể “Ecclesia De Eucharistia”, số 11).

 

Cũng vì thế, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã giải thích: “Bí tích Thánh Thể là "nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Ki-tô hữu" (x. LG 11). "Những bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Chúa Ki-tô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta" (PO 5).” (GL/HTCG, số 1324); "Bí tích Thánh Thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội Thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất Dân Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa thánh hóa trần gian trong Chúa Ki-tô cũng như việc con người trong Thánh Thần, tôn thờ Chúa Ki-tô và nhờ Người tôn thờ chính Chúa Cha, cùng đạt tới tột đỉnh trong bí tích Thánh Thể" (x. CdR, Huấn thị "Mầu nhiệm Thánh Thể", số 6).” (GL/HTCG, số 1325).

 

Có thật nhiều danh xưng mà Giáo Hội đã định tín về Bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể được gọi là “Lễ Tạ Ơn” (GL/HTCG, số 1328), là “Lễ Bẻ Bánh”, “Bữa Ăn của Chúa” – Bữa ăn này cũng nói lên sự tiền dự (được dự trước) vào “Bữa Tiệc Cưới Con Chiên” tại Giê-ru-sa-lem trên trời.; vì thế thánh Phao-lô gọi là “Đồng Bàn – Synaxis” (GL/HTCG, số 1329); Bí tích Thánh Thể còn được gọi là “cuộc Tưởng Niệm Chúa Giê-su chịu chết và sống lại”, là “Hy Lễ Thánh”, là “Phụng vụ thánh thiện và thần linh” – Do đó, bí tích Thánh Thể được gọi là “Mầu Nhiệm Rất Thánh”, “Bí Tích Cực Thánh”, vì là bí tích trên các bí tích.” (GL/HTCG, số 1330); Bí tích Thánh Thể còn được gọi là “Bí tích Hiệp Thông”, vì kết hợp chúng ta với Chúa Ki-tô, Đấng ban Mình và Máu Người để tất cả trở nên một thân thể (x. 1Cr 10, 16-17). Bí tích Thánh Thể cũng được gọi là “Sự Thánh” (x. Giáo huấn các Tông đồ 8, 13.12; Didaché 9, 5; 10, 6) theo ý nghĩa đầu tiên của "mầu nhiệm các thánh thông công" được tuyên xưng trong kinh Tin Kính của các tông đồ. Ngoài ra, Mình Thánh Chúa còn được gọi là “bánh các thiên thần, bánh bởi trời, thuốc trường sinh (x. Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, thư Ep. 20, 2), của ăn đàng...” (GL/HTCG, số 1331).

 

Nói đến “Bữa ăn của Chúa”, “Bữa tiệc Thánh Thể”, “Bữa Tiệc Cưới Con Chiên” khiến người tín hữu nhớ đến dụ ngôn “Tiệc cưới” (Mt 22, 1-14). Lúc đầu ông chủ tiệc cưới (nhà vua) chỉ cho mời những quan khách tầm cỡ, “nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!" Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.” (Mt 22, 3-6). Nhà vua nổi cơn thịnh nộ, tru diệt hết bọn sát nhân, rồi sai đầy tớ ra các ngã ba, ngã tư mời bất cứ ai (không kể sang hèn, giàu nghèo) vào dự tiệc. Thế là tất cả mọi người đều được tham dự và đồng bàn trong tiệc cưới. Hình ảnh đó còn được chính Đức Vua Giê-su thực hiện trong suốt quá trình cứu chuộc nhân loại. Người luôn đến với những người tội lỗi, bệnh tật, nghèo nàn, và “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ.” (Lc 24, 30).

 

Cũng từ dụ ngôn tiệc cưới, rút ra được bài học: Chỉ những ai sốt sắng đón nhận lời mời, đến với tiệc cưới bằng niềm tin và đức ái chân thực (“mặc y phục lễ cưới – Mt 22, 11-14), thì mới xứng đáng được “đồng bàn” với Người ("Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en." – Lc 22, 29-30). Nói cách khác là phải thực tâm cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ, thì mới được hưởng vinh phúc dự “Bữa Tiệc Cưới Con Chiên” tại Giê-ru-sa-lem trên trời. (GL/HTCG, số 1329). Ấy cũng bởi vì "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài." (Thánh Au-gus-ti-nô).

 

Hóa cho nên “Tất cả các tin hữu vì là chi thể của Chúa Ki-tô hằng sống, được tháp nhập vào Người và nên giống Người nhờ Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, nên họ có bổn phận phải cộng tác vào việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được sung mãn càng sớm càng hay.” (Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 35). Vâng, mỗi Ki-tô hữu hãy nhìn lại mình để thấy được là: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2, 20). Như vậy là với cái thân xác yếu hèn, chúng ta đã được Đức Ki-tô Phục Sinh tháp nhập vào Người để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Vậy thì tại sao ta lại không thể toàn tâm toàn ý cộng tác với Giáo hội trong việc phát triển và bành trướng Thân Thể Người, để Thân Thể này được ngày càng sung mãn?

 

Tóm lại, người Ki-tô hữu khi tham dự Thánh lễ cũng chính là lúc được tham dự “Lễ Tạ Ơn”, “Lễ Bẻ Bánh”, “Bữa Ăn của Chúa”, được “đồng bàn” với chính Người đã ban Thịt Máu Mình làm của dưỡng nuôi các tín hữu đến muôn đời. Thực vậy, “Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Ki-tô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này.” (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lunen Gentium”, số 11).

 

Ôi! Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh! Cúi xin Chúa thương ban cho chúng con hồng ân được “đồng bàn” với Ngài trong Bữa tiệc Thánh Thể, đồng thời xin Chúa ban thêm đức tin và đức mến cho chúng con để chúng con luôn yêu mến Thánh Thể và siêng năng rước Chúa vào lòng, cũng như chia sẻ cho anh em Tấm Bánh Lời Chúa như một bảo đảm cho sự sống đời đời của chúng con. Cúi xin Chúa “làm cho trái tim chúng con được nên giống Trái Tim Chúa – Fac cor nostrum secundum cor tuum.” (Lời cầu trong Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giê-su).” – xc. Sứ điệp Mùa Chay 2015, số 3). Ôi! “Lạy Chúa! Xin ban cho con trái tim tinh tuyền, để con luôn luôn cao dâng tâm tình kính mến. Lạy Chúa! Xin ban cho con trái tim tinh tuyền, để con luôn luôn trung kiên vững một niềm tin.” (TCCĐ “Trái Tim Tinh Tuyền”). Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.