Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bà là ai?

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

  BÀ LÀ AI ?

(LỄ TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ)

 

“Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” (Kh 12, 1). Bà là ai vậy? Vâng, “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận – Bà là ai?” Chắc chắn 100% Ki-tô hữu khi được hỏi như vậy sẽ trả lời ngay tức khắc: Đó chính là Đức Trinh nữ Maria Vô Nhiễm – Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh. Tuy nhiên, vì đây là một mầu nhiệm nằm trong công trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, nên để hiểu sâu vào vấn đề, thiết nghĩ cũng cần phải chiêm niệm, tìm hiểu kỹ trong Kinh Thánh, trong quá trình lịch sử Giáo hội. Đó cũng mới chỉ là trong lãnh vực tư duy, còn viết thành bài chia sẻ, thì chuyện lại càng không đơn giản.

 

Quả thật viết về Mẹ rất dễ, mà cũng lại rất khó. Tại sao vậy? Rất dễ vì có rất nhiều tài liệu, chứng liệu từ trong Kinh Thánh, trong Giáo hội kể cả xã hội, minh họa về Mẹ. Không chỉ Ki-tô giáo, mà cả xã hội đều đã công nhận, tôn vinh Mẹ là một bậc nữ lưu phi thường xuất hiện cách đây trên 2000 năm, để lại dấu ấn vĩ đại mà thời gian không làm phai mờ được. Rất dễ vì có rất nhiều người từ thượng lưu trí thức đến bình dân, từ tôn giáo đến không tôn giáo, đã viết về Mẹ. Có thể nói, mỗi Ki-tô hữu, nếu có khả năng viết, thì cũng có ít nhất là hơn một lần, một cơ hội, cơ duyên để viết về Mẹ, dù cho đó chỉ là một đôi dòng cảm xúc, tâm sự, một trang nhật ký, một bài thơ, một bài ca ngắn, hoặc một truyện (ngắn, dài, vừa) về Mẹ. Nhưng cũng vì những lý do “rất dễ” ấy, nên viết về Mẹ lại cũng rất khó. Khó vì khó tránh khỏi được sự trùng lắp, lặp đi lặp lại, hoặc khó vì tính giáo điều, khô khan, gò bó. Biết được như vậy, nhưng kẻ viết bài này vẫn rất ham viết – nhất lại được viết về người Mẹ từ cổ chí kim chỉ có duy nhất một mình Người.

 

Người mẹ đầu tiên của loài người là E-và đã đặt niềm tin vào con rắn hơn là tin vào Thiên Chúa, vì thế mà làm cho con cái sa vòng tục lụy, bị tội lỗi thống trị. Nhưng tình thương của Thiên Chúa vẫn không hề suy giảm, và vì vậy mà Người đã ban cho loài người một người mẹ mới, một E-và mới. Người mẹ mới này đã tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa thay vì tin vào con rắn như E-và xưa. Cựu Ước đã tiên báo người mẹ mới sẽ đạp đầu con rắn, chiến thắng sự dữ, vì “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3, 15). Cũng chính Người Nữ ấy được đón nhận lời hứa của Thiên Chúa: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen.” (Is 7, 14). Người Nữ ấy, nhờ lòng tin và vâng phục tuyệt đối nơi Thiên Chúa Cha, nên “Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một E-và mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (Rm 8, 29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ.” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 63).

 

Trong một gia đình thì người mẹ luôn luôn là một biểu tượng hiệp nhất bất khả thay thế, là mối dây liên kết bền vững giữa các phần tử, là sự hàn gắn những vết rạn nứt chia lìa, là nhịp cầu nối liền mọi ngăn cách phân ly. Không những thế, người mẹ còn là nguồn suối mát xoa dịu đau thương, yên ủi vỗ về trong gian nan thử thách, là ngọn lửa hồng sưởi ấm những con tim băng giá, động viên khích lệ những chán nản buông xuôi, những thất vọng ê chề. Tắt một lời: Người mẹ trong gia đình chính là nguồn suối Tình Yêu vô tận. Mẫu gương tuyệt vời về người mẹ ấy chính là Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vâng, chính Mẹ là suối nguồn Đức Ái Ki-tô Giáo bất tận như Hiến chế “Lumen Gentium” (số 69) xác tín:

 

 “Thánh Công Ðồng rất vui mừng và được an ủi khi thấy ngay giữa các anh em ly khai không thiếu những người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự Ngài đáng được, nhất là các anh em Ðông Phương, những người nhiệt thành và hết lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh. Tất cả mọi Ki-tô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Ki-tô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.”

 

Ngược dòng lịch sử về mầu nhiệm Truyền Tin, Hiến chế “Lumen Gentium” (số 53) viết : “Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Ðức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Thế. Ðược cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Ngài và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Ðức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần.” Ngay sau khi được sứ thần truyền tin, Mẹ đã đến thăm người chị họ Ê-li-da-bet và đươc chúc mừng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." (Lc 1, 41-45). Tới ngày sinh, các thiên thần, các mục đồng và những nhà hiền sĩ hân hoan chúc tụng vinh quang của Người Con cùng với Mẹ, nên Mẹ đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.” (Lc 2, 19-20).

 

          Mẹ cũng tuân giữ các điều luật, để Đức Giê-su chịu phép cắt bì và tiến dâng Con mình lên Thiên Chúa như mọi hài nhi thường dân khác (Lc 2, 21-28). Trong dịp này, một biến cố xảy ra khi ông Si-mê-on ẵm kính Con của Mẹ đã nói lời tiên tri: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà." (Lc 2, 34-35). Ngoài Si-mê-on, còn một nữ ngôn sứ tên An-na cũng nói tiên tri về Người Con của Mẹ chính là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ muôn dân (Lc 2, 36-38). Năm Đức Giê-su 12 tuổi, nhân dịp lên đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua, Người đã ngồi nói chuyện giữa các bậc thầy Do-thái và nói với cha mẹ: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2, 49), khiến các Ngài không hiểu lời Con nói; nhưng Mẹ vẫn giữ lấy tất cả các điều ấy và suy gẫm trong lòng (Lc 2, 41-51).

 

          Bước vào hành trình rao giảng Nước Trời của Trưởng Tử Giê-su, Mẹ cũng đã xuất hiện ngay từ đầu, trong tiệc cưới thành Ca-na xứ Ga-li-lê-a, và như một người Mẹ của cộng đồng vì động lòng thương xót, Mẹ đã cầu bầu, khiến Đức Ki-tô làm phép lạ đầu tiên của Người (Ga 2, 1-11). Mẹ đã đón nhận Lời của Người Con, như chính Mẹ hằng thực hành những điều đó một cách hết sức trung tín, đó là những Lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa ("Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." – Mc 3, 34-35; “Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." – Lc 11, 27-28). Như vậy, rõ ràng Mẹ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, đau đớn gánh chịu khổ hình và dự phần vào hy tế thập giá của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra.

 

          Và cũng từ tấm lòng trung kiên vâng phục tuyệt đối ấy, Mẹ đã một lần nữa được chính Thiên Chúa – qua miệng của Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ – khẳng định Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo hội. Đó chính là mầu nhiệm phó thác dưới chân thập tự (Ga 19, 26-27). Chính Trưởng Tử Giê su Thiên Chúa đã phó thác các môn đệ của Người (qua môn đệ Gio-an) được làm con của Mẹ, mà người đứng đầu trong đám môn đệ ấy đã được truyền dạy: “Phê-rô, con là đá. Trên viên đá này, Thầy sẽ xây Giáo hội của Thầy.” (Mt 16, 18). Như vậy, Giáo hội là thân mình, là các chi thể của Đầu là Đức Giê-su Ki-tô, tất cả đều là con cái của Mẹ ("Ngài thật là Mẹ các chi thể... vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo hội là những chi thể của Ðầu ấy." – Hc “Lumen Gentium”, số 53). Cuối cùng, trong tâm tình nữ tỳ vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha – thông qua lời trăng trối của Trưởng Tử Giê-su – Mẹ đã cùng với tất cả các môn đệ (Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê), với mấy người phụ nữ và với anh em của Đức Giê-su … đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện (Cv 1, 12-14).

 

          Vì được Thiên Chúa chọn làm người cưu mang, sinh hạ và dưỡng dục Đấng Cứu Thế từ trước vô cùng, nên Mẹ đã được hưởng hồng ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, hồng ân Trinh Nữ. Mẹ được tuyển chọn, nên Mẹ là dân Thiên Chúa từ trước khi Mẹ được sinh ra, nhưng Mẹ lại được cưu mang chính Con Một Thiên Chúa và trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Mẹ luôn sát cánh cùng Trưởng Tử Giê-su để hướng dẫn, dạy dỗ các môn đệ, các tín hữu – những người được gọi chung là dân Thiên Chúa, cho nên chính nơi Mẹ đã là dấu chỉ Dân Thiên Chúa. Mẹ là dân Thiên Chúa, dân Thiên Chúa ở trong Mẹ; cũng vậy, Mẹ là Giáo hội, Giáo hội ở trong Mẹ, Mẹ là Mẹ Giáo hội, Mẹ và Giáo hội là một thực thể bất biến, cùng đồng hành, cùng tiến bước trên hành trình Cứu Độ của Trưởng Tử Giê-su – Con Thiên Chúa, Đầu của Giáo hội (“Ngày nay Mẹ Chúa Giê-su đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành.” – Hc “Lumen Gentium”, số 68).

 

          Kẻ viết bài này đã cố gắng hết sức dàn trải những điều mình đã được đọc, được học, được biết về Người Mẹ Chí Thánh – người Mẹ của muôn dân muôn nước, muôn thế hệ. Tuy vẫn chưa thật sự hài lòng về những điều được trình bày trong bài này vì lực bất tòng tâm, nhưng cũng đành chỉ xin coi đây là tâm sự của một người con đã luống tuổi, với một ao ước thiết tha sẽ được sà vào lòng Mẹ, được Mẹ ấp ủ “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô: tôi thật vinh phúc.” (TCCĐ “Ngày Về” – Lm Kim Long).

 

Ôi! Lạy Mẹ! Cùng với những lời văn thô thiển và một bài thơ ngắn “BÀ LÀ AI?”, con xin dâng lên Mẹ đóa hoa lòng của cuộc đời con:

 

BÀ LÀ AI ?

 

Rồi bỗng chốc cả bầu trời rực sáng,

Và xuất hiện giữa một vầng hào quang

Có một người nữ chân đạp mặt trăng,

Áo mặt trời, đội triều thiên sao sáng.

 

Bà là ai như sao mai chói rạng?

Bà là ai tươi đẹp và trinh nguyên?

Bà là ai mà công phúc vẹn tuyền?

Bà là ai đến đạp đầu quỷ dữ (St 3, 15)?

 

Chính là Mẹ hạ sinh một Trưởng Tử (Rm 8, 29),

Là Con Một Thiên Chúa xuống gian trần

Đấng Thiên Sai – Đấng Cứu Độ phàm nhân

Khỏi tội lỗi từ muôn đời muôn thủa

 

Chính là Mẹ hiệp công cùng Thiên Chúa

Trong chương trình giải thoát cả loài người

Cũng chính Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi

Cho Tổ phụ Đa Minh, con của Mẹ

 

Mẹ ơi Mẹ, từ vực sâu cõi thế

Con đắm nhìn nơi vĩnh phúc quang vinh

Nơi muôn đời chan chứa ánh bình minh

Không hoàng hôn, cũng chẳng còn đêm tối

 

Mẹ ơi Mẹ, xin cứu con thoát khỏi

Cõi u minh, nơi vực tối thảm sầu

Cõi lầm than, nơi tội lỗi ngập đầu

Nơi xâu xé, tranh giành và chém giết

 

Mẹ ơi Mẹ, cõi trần đầy rên siết

Và nghiến răng, và uất nghẹn tủi hờn

Và máu đào, và nước mắt trào tuôn

Như hồng thuỷ muốn nhận chìm trái đất

 

Ôi, lạy Mẹ ! Nơi cõi trần chất ngất…

… những tang thương – Con quỳ gối nguyện cầu

Thế giới này xin được Mẹ cầu bầu

Cùng Thiên Chúa ban bình an vạn kỷ

 

Ôi lạy Mẹ! Con buồn khôn xiết kể

Nước mắt trào, con khẩn thiết nài van

Cho chúng con – đoàn con cái tân toan

Được mau chóng sum vầy bên gối Mẹ.

 

JM. Lam Thy ĐVD.