Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Canh tân đời sống và con người linh mục

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TÂN PHÚC-ÂM-HÓA GIÁO XỨ:

CANH TÂN ĐỜI SỐNG VÀ CON NGƯỜI LINH MỤC

 

Gợi ý mục vụ cho "Năm Tân Phúc-âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn” ấn định chủ đề cho tháng 7/2015 là “Canh tân đời sống và con người linh mục”. Để góp ý cho chủ đề này, nếu đứng về phía Giáo quyền thì không có gì trở ngại, nhưng nếu đứng về phía giáo dân thì có khó khăn. Cũng bởi từ trước tới nay, giáo dân nói chung vẫn có thái độ dè dặt – nếu không muốn nói là sợ sệt – đối với hàng ngũ linh mục; đồng thời cũng có một số linh mục tự cho mình là nhân vật tối quan trọng bất khả thay thế, nên vẫn không tránh khỏi một khoảng cách tuy vô hình nhưng có thật giữa linh mục và giáo dân. Vì thế, xin nói qua về mặt từ ngữ trước khi đi vào trọng tâm chủ đề:  

 

I. Linh mục là gì? Ai là linh mục?

 

Theo từ nguyên, “linh mục” là người chăn dắt súc vật về đường thiêng liêng (linh: thiêng liêng; mục: chăn dắt súc vật. Vd: “mục đồng”: trẻ chăn dắt súc vật; “mục tử”: người chăn dắt súc vật; “mục vụ”: công việc chăn nuôi súc vật). Ở Việt Nam, và nói chung ở các nước Á Đông thường miệt thị, coi súc vật là một loài động vật ngu dốt, thấp hèn. Tuy nhiên, ở miền Trung Đông (kể cả châu Âu) thì không như thế, nhất là đối với những động vật dễ thương như chiên cừu. Chính vì vậy nên Đức Giê-su Ki-tô đã lấy hình ảnh đàn chiên làm biểu tượng cho những người tin và theo Người. Người còn tự nhận chính Người là mục tử chăn dắt đàn chiên đó (“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.” – Ga 10, 14). Không những thế, thánh Gio-an Tẩy Giả còn tuyên xưng chính Đức Giê-su là con Chiên của Thiên Chúa (“Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.” – Ga 1, 29). Đức Giê-su Ki-tô đã gọi Giáo hội mà Người thiết lập là đoàn chiên và giao cho các Tông đồ coi sóc ("Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình.” – Cv 20, 28).

 

Trong Tông huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân “Christi Fideles Laici” (số 14) có trích dẫn lời của Thánh Au-gus-ti-nô: “Cũng như chúng ta tất cả được gọi là Kitô-hữu (Christiani) vì đã được xức dầu (Chrisma) một cách thiêng liêng, do đó tất cả được gọi là linh mục, bởi vì chúng ta là thành phần thân thể của Linh Mục duy nhất." (1). Linh mục duy nhất đó là Đức Giê-su Ki-tô – vị Linh Mục (Tư Tế) Thượng Phẩm – Đấng là Đầu, là người chăn dắt toàn thể các chiên linh mục trong ràn chiên của Người (Giáo hội). Tuy rằng tất cả những tín hữu đã lãnh nhận Phép Rửa đều có thể được coi là linh mục, nhưng những người được đón nhận bí tích Truyền Chức Thánh mới chính thức là người thừa kế công việc (thừa tác vụ) của Linh Mục Duy Nhất (nên được gọi là “Tư tế thừa tác”). Số đông còn lại chỉ là những linh mục tự chăn dắt chính con chiên bản thân và đóng góp sức mình vào sứ vụ chung của cả đoàn chiên (nên được gọi là “tư tế cộng đồng”).

 

Như vậy là đã rõ, Tư tế là người được giao phụ trách trông coi về tế tự, lễ nghi, cúng tế, thờ phụng của một tôn giáo. Tư tế cũng là một chức quan trong triều đình Ai Cập cổ đại. Với Ki-tô giáo, Tư tế có vai trò quan trọng. Khi nói đến chức tư tế là nói đến chức Linh mục duy nhất của Đức Giê-su Thiên Chúa; chỉ có Người là Thầy Cả hay Linh mục Thượng phẩm duy nhất. Đây là chức tư tế của hàng giáo sĩ phẩm trật hay thừa tác xuất phát từ bí tích Truyền Chức Thánh. Cuối thế kỷ I, chức tư tế thừa tác được thể hiện trong các cộng đoàn theo ba cấp: mỗi cộng đoàn có một Giám mục (episcopus), nhiều linh mục (sacerdos) và các phó tế, tức là các trợ tá (diaconus). Còn chức tư tế cộng đồng của mọi Ki-tô hữu giáo dân là chức phát sinh từ bí tích Rửa Tội và Thêm Sức.

 

II. Canh tân đời sống và con người Linh mục:

 

Để góp ý “canh tân đời sống và con người linh mục”, xin được hiểu từ “linh mục” một cách chung nhất (“tất cả được gọi là linh mục” – thánh Au-gus-ti-nô). Cả cộng đoàn Giáo xứ cùng xắn tay áo lên canh tân đời sống và con người của minh. Nói đến canh tân thi không thể quên khẩu hiệu “sám hối và canh tân” do thánh Gio-an Phao-lô II đề ra và áp dụng triệt để trong suốt triều đai Giáo hoàng của ngài. Muốn canh tân thì phải sám hối và chỉ có dốc lòng ăn năn thống hối mới canh tân được bản thân.

 

Thánh Gio-an Phao-lô II đã nhấn mạnh vấn đề đổi mới (canh tân) trong mối liên hệ hữu cơ với sự hoán cải, cải cách: “Theo giáo huấn của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, rõ ràng là có một mối liên hệ giữa đổi mới, hoán cải và cải cách. Công Đồng khẳng định: “Trên đường lữ thứ của mình, Giáo hội được Đức Ki-tô mời gọi phải thường xuyên cải cách như Giáo hội liên tục cần làm, với tư cách là một tổ chức nhân loại và trần thế; vì vậy, nếu xảy ra là có một số sự việc không được tuân giữ cẩn thận đủ, thì vào thời gian thuận tiện, phải tiến hành việc sửa đổi cần thiết.” Không một cộng đoàn Ki-tô nào được khước từ đáp lại lời mời gọi này. Công Đồng kêu gọi hoán cải cá nhân cũng như hoán cải cộng đoàn. Khát vọng của bất cứ cộng đoàn Ki-tô hữu nào muốn hợp nhất phải đi kèm theo sự trung thành với Tin Mừng. Khi nói đến những người sống ơn gọi Ki-tô hữu, Công Đồng đề cập tới việc hoán cải nội tâm, canh tân tinh thần.” (Thông điệp về Đại kết “Ut Unum Sint”, số 15).

 

Quả thật Đầu của Giáo hội – Đức Giê-su Thiên Chúa – không ngừng đổi mới đời sống và văn hóa của con người đã sa ngã; Người chống lại và loại bỏ những sai lầm và tai họa phát sinh từ sức quyến rũ của tội lỗi. Tin Mừng Đức Ki-tô thường xuyên tinh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Những đức tính nhân bản của mọi thời đại và mọi dân tộc được Phúc Âm củng cố, bổ túc và tái tạo trong Đức Ki-tô nhờ những ân huệ bởi Chúa Thánh Thần. Như thế, trong khi chu toàn bổn phận, Giáo hội cũng đồng thời thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa nhân loại, và nhờ hoạt động của mình, ngay cả trong các nghi lễ phụng vụ, Giáo hội giáo dục cho tín hữu đạt tới tự do nội tâm phong phú.

 

Thật sự “Chỉ có cách đổi mới việc truyền bá Phúc Âm mới bảo đảm được Đức Tin trưởng thành, sáng suốt và sâu xa, có khả năng làm cho những truyền thống ấy trở thành một sức mạnh tự do thật… Trong khi nhận xét và kinh nghiệm tình trạng khẩn cấp thúc đẩy phải rao giảng Phúc Âm theo một đường lối mới, Giáo hội không thể tránh né sứ mệnh thường trực của mình là đem Phúc Âm đến cho từng triệu triệu ngườí cả nam lẫn nữ chưa nhận biết Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Rỗi con người. Đó là công việc đặc biệt truyền giáo mà Đức Ki-tô đã trao phó và còn trao phó mỗi ngày cho Giáo hội.” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, số 34-35). Rõ ràng đời sống và con người linh mục rất cần “nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (ngày một mới, ngày càng mới, lại ngày ngày càng mới hơn – Khổng Tử).

 

Muốn được như vậy, thì cần phải biết đổi mới (canh tân) con người của mình từ tư duy tới hành động, mà để có thể canh tân thì lại rất cần phải biết sám hối. Sám hối không chỉ là hối tiếc trước một việc sai trái đã qua, mà chủ yếu là thấy sai để sửa. Sám hối là biết hối cải và biết xin lỗi. Là con người, ai cũng có sai sót, lầm lỗi. Chỉ có điều là có những người không thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm, thiếu sót; hoặc đã thấy mình sai lỗi nhưng không chịu thừa nhận; hoặc có thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa, không xin lỗi; hoặc có sửa chữa mà cũng không thành thật, không quyết tâm cho đến cùng. Với Ki-tô hữu thì sám hối chính là từ bỏ những tính hư tật xấu để bước vào đời sống mới với nhũng tâm tình tốt lành, thánh thiện. Sám hối là cải tà quy chính, quyết tâm từ bỏ, đoạn tuyệt cái cũ xấu xa bất chính, từ đó mặc lấy con người mới, trở thành thụ tạo mới (Gl 6, 15) mở lòng ra đón nhận ân sủng Thiên Chúa, mở tim ra trong những quan hệ tốt lành với anh em.  

 

Đức Giám mục Giu-se Đặng Đức Ngân đã phụ trách giảng huấn trong tuần Tĩnh Tâm 2015 cho Linh mục đoàn Gp Phan Thiết, với chủ đề: "Linh mục và Tân Phúc-Âm-Hóa Giáo xứ và Cộng đoàn". Trong bài giảng 4: NGƯỜI KI-TÔ HỮU GIÁO DÂN TRONG GIÁO XỨ: QUYỀN VÀ SỰ CỘNG TÁC (“Christifideles Laici”), ĐGM đã đề cập đến vấn đề “Giáo dân có quyền được đòi hỏi nơi các linh mục” như sau: “III. Quyền được đòi hỏi nơi các linh mục: Thật sự mà nói, chúng ta thường quên khía cạnh giáo dân có quyền được đòi hỏi nơi các linh mục. Chúng ta thường chỉ nhớ chúng ta có quyền này, quyền kia và người giáo dân phải tôn trọng, lắng nghe và tuân phục chúng ta. Do đó, việc lãng quên vai trò người tôi tớ phục vụ nơi thừa tác vụ linh mục hay giám mục của chúng ta là điều dễ hiểu. Chúng ta nói cho giáo dân về sự dấn thân phục vụ nhau thì rất hay nhưng ngay bản thân chúng ta, chúng ta nhiều lúc không ý thức Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên người phục vụ giữa dân Người: “Ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ”, một sự phục vụ hạ mình như người đầy tớ rửa chân cho ông chủ (Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ).” (nguồn: website Giáo phận Phan Thiết)

 

Trong tâm tình đó, và cũng xuất phát từ Lời dạy của chính Linh Mục Duy Nhất (“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và phục vụ mọi người.” – Mc 9,35), xin đứng về phía linh mục cộng đoàn (tư tế cộng đồng) nêu lên 10 điều tâm nguyện (5 KHÔNG + 5 SẴN SÀNG), gửi đến quý vị linh mục phẩm trật (tư tế thừa tác) như một ước nguyện tự đáy lòng; xin hãy mở rộng trái tim và mở rộng vòng tay đón nhận:

 

A. 5 không:

 

1- Không dùng các bí tích để khống chế giáo dân.

2- Không dùng Lời Chúa để phê phán, đe nẹt hoặc nói cạnh nói khóe (chửi xéo) giáo dân.

3- Không để dạ (thù tức) những gì mà giáo dân xúc phạm đến mình (hoặc trực tiếp, hoặc thông qua tòa hòa giải khi xưng tội).

4- Không “trọng phú khinh bần” (coi người giàu hơn kẻ nghèo), vì chính Người đứng đầu hàng ngũ linh mục (Linh Mục Thượng Phẩm Giê-su Ki-tô) đã khẳng định một chân lý: Người chỉ đến với người nghèo khó, mọn hèn, tật bệnh, tội lỗi (Mt 11, 4-6).

5- Không tự mãn, kiêu căng, có thành kiến xem thường giáo dân, khiến giáo dân không dám lại gần (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) hoặc bày tỏ thái dộ bất hợp tác.

 

B. 5 sẵn sàng:

 

1- Sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ mọi phía (mọi thành phần giáo dân, kể cả ngoài xã hội) và mọi chiều (cả chiều thuận và chiều nghịch).

 

2- Sẵn sàng đối thoại để dung hòa và tìm ra chân lý (dứt khoát nói “không” với kiểu đối thoại một chiều, mà phải chọn “phương pháp phải theo để đi tới hiệp thông trọn vẹn là đối thoại về chân lý, được nuôi dưỡng và nâng đỡ bằng đối thoại bác ái.” – Tđ về Đại Kết “Ut Unum Sint”, số 60).

 

3- Sẵn sàng mời gọi mọi người cùng cộng tác, tham gia tích cưc vào công cuộc xây dựng Giáo xứ, Giáo hội về mọi mặt; đồng thời sẵn sàng khuyến khích, tích cực hỗ trợ giáo dân khi họ có nhu cầu tham gia hay thành lập những hội đoàn Công Giáo tiến hành, hội đoàn từ thiện bác ái, hoặc những nhóm cầu nguyện, chiêm niệm v.v... Ấy cũng bởi vì đó là “Quyền và sự cộng tác (Christifideles Laici) của Ki-tô hữu Giáo dân trong Giáo xứ”, như ĐGM Giu-se Đặng Đức Ngân đã lý giải trong “Bài giảng 4” (-nt-) của ngài: 

 

II. Quyền tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội (Giáo xứ): Người giáo dân tham gia vào sứ mạng của Giáo hội thông qua 3 phạm trù: 1- Quản trị giáo xứ; 2- Lãnh nhận các tác vụ; 3- Lập và tham gia các nhóm, hội đoàn. Riêng về phạm trù "Lập và tham gia các nhóm, hội đoàn", ĐGM nhấn mạnh: “Một phương diện khác nói lên quyền của người giáo dân trong việc quản trị Giáo Hội, giáo xứ chính là việc “lập và tham gia hội đoàn”. Quyền này cho thấy trách nhiệm và sự trưởng thành của người giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội (“Trước tiên phải công nhận là người tín hữu giáo dân có quyền tự do thành lập hội đoàn trong Giáo Hội. Quyền tự do này là một quyền lợi thật, nó không phải chỉ là một hình thức "nhân nhượng" của giáo quyền, mà là hậu quả đương nhiên của phép Rửa Tội.” – T/H "Christi Fideles Laici", số 29). Một điều đặc biệt chúng ta có thể nhận ra rằng quyền này cũng là một công cụ nên thánh của người giáo dân. Các phong trào giáo dân như Legio Mariæ, Focolare, Cursillo,… đã lan rộng trên thế giới (ngay cả tại Việt Nam), tỏ lộ ra diện mạo tươi đẹp của Giáo Hội qua sự thánh thiện người giáo dân.”

 

4- Sẵn sàng và nhiệt tâm đến với những người già cả, neo đơn, bệnh tật, nghèo khó, như Linh Mục Thượng Phẩm Giê-su đã dạy và đã thực hiện ("Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi." – Mt 11, 4-6)

 

5- Sẵn sàng phục vụ trong khiêm tốn và yêu thương, lấy “Đức Ái Ki-tô Giáo” làm chuẩn mực và “tính hiệp thông” làm tiêu chí hoạt động.

 

Kết luận:

 

Tóm lại, để giúp cộng đoàn linh mục giáo xứ và cách riêng quý vị linh mục quản xứ hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa và Giáo hội đã trao phó, thì chính chúng ta – những con chiên trong ràn chiên Giáo hội, những tư tế (linh mục) cộng đồng trong gia đình thừa sai giáo xứ – cũng phải sẵn sàng dẹp bỏ mọi dè dặt tự ti, mọi tị hiềm bảo thủ, hết lòng tu sửa bản thân, dẹp bỏ bức tường ngăn cách, tận tâm hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời cộng tác mật thiết với các tư tế thừa tác (linh mục phẩm trật); để trở thành một Hội Thánh địa phương (Giáo xứ) sống và hoạt động với phương châm “SÁM HỐI và CANH TÂN”. Xin tất cả cùng hướng về mục đích cuối cùng là tới ngày cánh chung tất cả đàn chiên (Giáo hội) đều được đứng ở bên phải Chúa, thay vì bên trái như đàn dê (“Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái” – Mt 25, 32-33).

 

Vẫn biết rằng không có giáo dân thì Giáo hội không thể tồn tại, nhưng cũng đừng vì thế mà lên mặt kiêu căng hợm hĩnh, bất phục tùng hoặc tự cách ly với các vị linh mục nói chung, và cách riêng là các vị linh mục quản xứ. Khuyên các ngài phục vụ trong khiêm tốn, trong Đức Ái Ki-tô giáo thì chính chúng ta cũng phải thực hành được như vậy. Cũng bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17), nên “Phục vụ mà thiếu khiêm tốn bao dung, thì phục vụ cũng chẳng còn ý nghĩa gì.” (“Phục vụ cách khiêm tốn” – Lc 17, 7-10). Xin hãy lấy Lời Chúa làm câu châm ngôn sống cho mình, như các vị tân linh mục thường làm khi thụ phong tác vụ. Và châm ngôn đó phải là Lời dạy chí lý và chí tình của Người Thầy Chí Thánh: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7, 12). Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

-------------------------

Chú thích : (1)- trích “Thành Đô Thiên Chúa ” của Thánh Au-gus-ti-nô, ch. XX, số 10.