Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Canh tân đời sống và con người giáo dân

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TÂN PHÚC-ÂM-HÓA GIÁO XỨ:

CANH TÂN ĐỜI SỐNG VÀ CON NGƯỜI GIÁO DÂN

 

          Trong 2 tháng liền (tháng 7/2015 và 8/2015), Gợi ý mục vụ cho "Năm Tân Phúc-âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn” của Hội đồng GMVN đưa ra 2 chủ đề gắn kết với nhau trong một tổng thể “Canh tân đời sống và con người linh mục”: Tháng 7 dành cho “linh mục phẩm trật – tư tế thừa tác”; tháng 8 dành cho “linh mục cộng đồng – tư tế cộng đồng”. Xin được chia sẻ cảm nghiệm về chủ đề tháng 8/2015: Tân Phúc-Âm-hóa giáo xứ: canh tân đời sống và con người Kitô hữu giáo dân “Muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại?” (Mc 9,50).

         

I. Người Ki-tô hữu Giáo dân là ai ? Loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu và được nhận là con cái của Người. Vì được tự do, con người đã sa vòng tội lỗi và xa rời hồng ân cao quý đó. Thiên Chúa vẫn thương yêu và mời gọi con người trở về. Lời mời gọi ấy là một Ơn gọi mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt: "Tìm nước Chúa trong khi quản trị các việc trần thế mà họ sắp xếp theo ý Chúa." (Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội "Lumen Gentium", số 81). Khi đón nhận Ơn gọi đó – qua bí tích Thánh Tẩy – con người đã trở nên như một "thụ tạo mới (Gl 6, 15; 2Cr 5, 17), một thụ tạo được thanh tẩy hết mọi tội lỗi và sống trong ơn nghĩa Chúa." (Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân "Christi Fideles Laici", số 9). Và đó chính là dân Thiên Chúa.

 

Phép Thánh Tẩy là nguồn gốc tạo nên thân phận mới của người tín hữu giáo dân trong mầu nhiệm Giáo hội, tạo nên sắc thái căn bản, và là nền tảng của tất cả mọi ơn gọi và hoạt động của đời sống Ki-tô hữu. Hiến chế "Lumen Gentium" (số 81) đã chỉ rõ: "Danh hiệu Giáo dân có nghĩa là tất cả các Ki-tô hữu không thuộc thành phần chức thánh hay bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là các Ki-tô hữu đã được rửa tội tháp nhập vào thân thể Chúa Ki-tô, được nhập tịch Dân Chúa, được trở thành kẻ tham gia theo cách của mình vào chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa và chức vụ vương giả của Chúa Ki-tô, họ là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Ki-tô hữu trong Giáo Hội và giữa trần thế theo nhiệm vụ riêng của mình."

 

Như thế, người Ki-tô hữu giáo dân được tái sinh trong kho tàng phong phú nhiệm mầu mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong bí tích Rửa Tội, đồng thời cũng xác định rõ vai trò quan trọng của người giáo dân trong Giáo hội và xã hội (không có công dân thì xã hội tiêu vong; cũng vậy, không có Giáo dân thì Giáo Hội làm sao tồn tại?).

 

II.- Phẩm giá người Ki-tô hữu giáo dân :

 

1. Phép Rửa Tộl và thân phận mớl của ngườl Ki-tô hữu: Nhìn một cách bao quát, “Toàn cuộc sống của người tín hữu giáo dân chỉ có mục đích là đưa họ đến nhận biết mầu nhiệm chính yếu của họ phát xuất từ phép Rửa Tội, là bí tích Đức Tin, để họ có thể sống nghĩa vụ theo ơn gọi Chúa đã chỉ định.” (T/H “Christi Fideles Laici”, số 10). Như vậy, chính phép Rửa Tội làm cho người tín hữu được tái sinh trong sự sống mới – một sự sống làm con Thiên Chúa, hợp nhất với Chúa Giê-su Kl-tô, với thân thể Người là Giáo hội, được xức dầu để trở nên Đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần.

 

2. Được tham gia vào 3 chức vụ của Đức Ki-tô: Chính vì những người đã chịu phép Rửa Tội, đã thực sự trở thành những chi thể của một thân thể duy nhất là Đức Ki-tô, nên họ được coi "là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa." (1Pr 2, 9). Rõ ràng họ xứng đáng được tham dự vào ba chức vụ của Đức Giê-su: Tư tế, ngôn sứ, vương giả.

 

a. Chức vụ tư tế: Khi người giáo dân được tham dự vào chức Tư tế của Đức Ki-tô, thì "mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô (x. 1P 2, 5), vì những của lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ tạ ơn. Như thế, giáo dân cung hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi.” (Hc "Lumen Gentium", số 34).

 

b. Chức vụ ngôn sứ: Việc được tham dự vào trách vụ rao giảng (ngôn sứ) của Đức Ki-tô làm cho người giáo dân có đủ khả năng và tư cách để rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và hành động; đồng thời họ trở thành những "chứng nhân" của Đức Ki-tô Phục Sinh trong Chúa Thánh Thần. Hơn thế nữa, "họ được gọi để chiếu sáng sự mới lạ và sức mạnh của Phúc Âm trong đời sống thường ngày, trong đời sống gia đình và xã hội của họ, cũng như để diễn tả niềm hy vọng vinh quang ‘ngay cả trong những cơ cấu của cuộc sống trần thế ' với một tâm hồn nhẫn nại và can đảm giữa những khó khăn của thời hiện đại.” (Hc "Lumen Gentium", số 35).

 

c. Chức vụ vương giả: Người tín hữu giáo dân thuộc về Đức Giê-su Ki-tô – Vua vũ trụ – nhờ đó họ được tham gia vào chức vụ vương giả của Người. Vì Đức Vua Giê-su đã “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mt 20, 28); nên người giáo dân “sống vương quyền Ki-tô hữu trước tiên bằng cách chiến đấu để chiến thắng thế gian tội lỗi (Rm 6, 12) ngay trong chính mình họ, rồi hiến dâng mình để phục vụ trong đức bác ái và trong công bằng.” (T/H "Christi Fideles Laici", số 14). Nói cách khác, người tín hữu giáo dân được tham dự vào chức vụ vương giả của Đức Ki-tô phải có trách vụ làm chủ được bản thân và làm chủ trần thế.

 

II.- Vì sao cần phải canh tân đời sống và con người Ki-tô hữu giáo dân?

 

Sứ vụ chủ yếu và nhất quán của Hội Thánh là truyền bá Phúc Âm. Để thực thi và hoàn thành sứ mạng cao trọng đó trong một thế giới luôn có những biến chuyển làm cho bộ mặt hoàn cầu luôn đổi mới, không thể cứ đi mãi trong một lối mòn về phương cách loan báo Tin Mừng; mà cần – rất cần – phải được canh tân cho phù hợp với thời đại trong từng thời điểm. Nếu hiểu công cuộc truyền giáo là truyền bá Phúc Âm (“Phúc Âm hóa”) thì việc canh tân chính là “Tân Phúc-Âm-hóa”.

 

Tông thư "Cánh Cửa Đức Tin – Porta Fidei" (số 6) đã dẫn giải: "Sự canh tân Giáo hội cũng tiến hành qua chứng tá cuộc sống của các tín hữu, qua chính cuộc sống giữa trần thế, các tín hữu được mời gọi làm cho Lời Chân lý mà Chúa Giê-su để lại cho chúng ta được chiếu sáng rạng ngời. Chính Công đồng, trong Hiến chế tín lý “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân), đã quả quyết: ”Trong khi Chúa Ki-tô, 'là đấng thánh, vô tội, không tỳ ố ' (Dt 7, 26) không hề biết tội (2Cr 5, 21), đã đến để đền tội cho dân (Dt 2, 17), thì Giáo hội, có cả những người tội lỗi trong cộng đoàn của mình, và vì thế Giáo hội vừa thánh thiện đồng thời cũng luôn cần được thanh tẩy, vẫn liên tục tiến bước trên con đường thống hối và canh tân.”

 

Đó là lý do giải thích tạì sao phải “Canh tân đời sống và con người Ki-tô hữu giáo dân”. Một cách cụ thể, vì sứ vụ “Phúc Âm hóa” gắn liền với con người Ki-tô hữu giáo dân như máu thịt, nên rất cần được đổi mới đời sống bản thân cho “ngày một mới – ngày càng mới – lại ngày ngày càng mới” (“nhật tân – nhật nhật tân – hựu nhật tân” – Khổng Tử).

 

III.- Canh tân đời sống và con người Ki-tô hữu giáo dân như thế nào?

 

Tông huấn “Christi Fideles Laici” (số  35) đã nêu rõ: “Trong khi nhận xét và kinh nghiệm tình trạng khẩn cấp thúc đẩy phải rao giảng Phúc Âm theo một đường lối mới, Giáo hội không thể tránh né sứ mệnh thường trực của mình là đem Phúc Âm đến cho từng triệu triệu ngườí cả nam lẫn nữ chưa nhận biết Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Rỗi con người. Đó là công việc đặc biệt truyền giáo mà Đức Ki-tô đã trao phó và còn trao phó mỗi ngày cho Giáo hội.” Định hướng canh tân đời sống và con người Ki-tô hữu giáo dân cần thực hiện theo 3 bước:

 

* Bước 1- Đào sâu đời sống đức tin: Cần tìm hiểu, lắng nghe và học hỏi cho thật thấu đáo nền tảng đức tin Ki-tô giáo, bởi vì “Người nào tin, người ấy thấy một ánh sáng soi sáng toàn thể cuộc hành trình của mình, bởi vì ánh sáng ấy đến từ Đức Ki-tô  Phục Sinh, sao mai không bao giờ lặn… Trong đức tin, món quà của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên được Ngài truyền cho chúng ta, chúng ta nhận ra rằng một Tình Yêu cả thể đã được ban cho chúng ta, một Lời nhân lành đã được nói với chúng ta, và khi chúng ta chào đón Lời này, là Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng con đường đi đến tương lai và làm lớn lên trong chúng ta đôi cánh hy vọng để nó đồng hành với chúng ta.” (Thông điệp Ánh sáng Đức Tin “Lumen Fidei”, số 1…7).

 

* Bước 2- Thích nghi đời sống chiêm niệm: Theo từ nguyên, “chiêm niệm” là ‘chiêm ngắm’ (bằng thị giác – đôi mắt) và ‘suy niệm’ (bằng tâm hồn – con tim). Với Ki-tô giáo, “chiêm niệm” là một thực tại ân sủng – một hồng ân của Thiên Chúa, Đấng cho phép người tín hữu nhận biết mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi. Tông thư “Misericordiae Vultus  – Khuôn Mặt Xót Thương” (số 8) đã khuyến khích việc chiêm niệm: “Với đôi mắt của chúng ta dán chặt vào Chúa Giê-su và ánh mắt xót thương của Ngài, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.” Nhờ chiêm niệm, người Ki-tô hữu mở lòng ra đón nhận sự mạc khải và thông hiệp của Thiên Chúa hằng sống, thông qua Đức Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần. Từ đó, chiêm niệm sẽ tác động mãnh liệt vào những “hành vi nhân linh – actus humanus” (GL/HTCG, số 1749), kiện toàn đức tính nhân bản (“nhân đức đối nhân” – GL/HTCG số 1804-1811) gắn kết với đời sống siêu nhiên (“nhân đức đối thần” – GL/HTCG số 1812-1829) của người tín hữu.

 

* Bước 3- Đổi mới công việc truyền giáo: Truyền giáo là sứ vụ cơ bản và nhất quán của Giáo hội. Toàn thể Giáo hội đều có trách nhiệm “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Để canh tân công việc truyền giáo thì trước hết phải đổi mới cách suy nghĩ, đừng cho rằng chỉ có truyền giáo bằng lời rao giảng (như các giáo sĩ), mà phải hiểu rằng truyền giáo bằng đời sống chứng tá mang lại hiệu quả rất cao. Vâng, “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân.” (Tđ “Evangelii Nuntiandi”, số 41). Truyền giáo là đón nhận ánh sáng đức tin, đồng thời chiếu tỏa ánh sáng đó cho cộng đồng (Tđ “Lumen Fidei”, số 1). Cũng bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26); nên việc “chiếu tỏa ánh sáng đức tin” (tức truyền giáo) phải cần đổi mới – “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả.” (Thư Chung 2013 của HĐGMVN, số 4).

 

          Trong tâm tình cộng đồng trách nhiệm, cũng như tháng trước (7/2015) đã gửi “10 điều tâm nguyện” đến quý vị “linh mục phẩm trật”, nay cũng xin gửi 10 điều tâm nguyện (5 KHÔNG + 5 SẴN SÀNG) đến với toàn thể “linh mục cộng đồng” trong gia đình thừa sai Giáo xứ:

 

A. 5 không:  

 

1- Không tự cao tự đại (tự coi mình là giỏi, khinh rẻ mọi người).

2- Không tự ti mặc cảm (thiếu tự tin, coi mình là dốt nát, thấp kém hơn mọi người), để rồi co cụm vào ốc đảo cá vị, không sống hòa đồng với cộng đoàn.

3- Không bảo thủ (bảo thủ là duy trì cái cũ sẵn có, không chịu hoán cải, không chịu đổi mới).

4- Không “tự tư tự lợi” (chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình và thu nhặt những cái không phải của mình làm của riêng).

5- Không mến Chúa yêu người” trên môi miệng (như kiểu những kinh sư và Pha-ri-sêu giả hình, “vì họ nói mà không làm” – Mt 23, 3).

 

B. 5 sẵn sàng:

 

1 - Sẵn sàng tu sửa bản thân (nhìn lại mình, lắng nghe Lời Chúa và lời góp ý xây dựng của anh em, quyết tâm sửa chữa những sai lầm thiếu sót).

 

2- Sẵn sàng đổi mới con người của mình theo tinh thần Phúc Âm (“Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giê-su Ki-tô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.” – Thư Chung 2013, số 3)

 

3- Sẵn sàng loan báo Tin Mừng bằng đời sống chứng tá (sống và hành động theo tinh thần Phúc Âm: “Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, và yêu người thân cận như chính mình." – Lc 10, 27).

 

4- Sẵn sàng dấn thân trong công tác Tông đồ bác ái (“Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Ki-tô là Ðầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội sát nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, phép Thêm Sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (1Pr 2, 2-10), hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Ki-tô ở mọi nơi trên hoàn cầu. Ðàng khác, đức ái như là linh hồn của tất cả việc tông đồ, được chuyển thông và nuôi dưỡng nhờ các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.” (SL về Tông Ðồ Giáo Dân “Apostolicam Actuositatem”, số 3).

 

5- Sẵn sàng đào sâu đời sống đức tin, thích nghi đời sống chiêm niệm với thời đại mới, và quyết tâm đổi mới công việc truyền giáo trong tinh thần trách nhiệm hàng đầu.

 

Kết luận:

 

Trong phần nhập đề của Tông huấn Ki-tô hữu Giáo dân "Christi Fideles Laici" (số 2), khi đề cập đến vai trò “không thể thay thế” của người giáo dân, thánh Gio-an Phao-lô II đã viết: “Suốt thời gian nghìên cứu, Thượng Hội Đồng luôn luôn đề cập đến Công Đồng Va-ti-ca-nô II, vì các giáo huấn của Công Đồng về vai trò giáo dân, mặc dù đã sau hai chục năm vẫn luôn hơp thời một cách lạ lùng, mang dấu chỉ của lời tiên tri: Một giáo huấn như thế có thể soi sáng và hướng dẫn để giải đáp vấn đề mới của thời đại hôm nay. Thật vậy, các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng đã vạch rõ được những con đường chắc chắn để "lý thuyết" phong phú về vai trò giáo dân, từng được Công Đồng trình bày, được "áp dụng" trong Giáo Hội.”

 

Ý thức rõ vai trò của mình là “các cành nho của một thân cây nho duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô” – một vai trò “không thể thay thế” – người giáo dân có bổn phận và  trách nhiệm phải “trổ sinh hoa trái”, tức là "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15). Và để thi hành được sứ vụ cao trọng đó, thì tiên vàn cần phải nhìn rõ được “cái xà trong mắt mình”, mà mạnh dạn lấy nó ra, nhiên hậu mới có thể hy vọng đổi mới được bản thân. Nói cách khác, muốn canh tân thì cần phải biết sám hối, có thành tâm sám hối thì mới canh tân được. Vâng, xin hãy chung nhịp tim và xắn tay áo lên để nhập cuộc “Hãy canh tân thế giới, và đổi mới lòng người. Hãy biến đổi thế giới thành thiên đường bạn nhé! Biết yêu thương tha thứ, quên đi bao hận thù. Biến chiến tranh gian ác thành công lý hoà bình.” (Bài ca sinh hoạt “Hãy canh tân”).

 

JM. Lam Thy ĐVD.