Gia đình giáo xứ sống đạo
GIA ĐÌNH GIÁO XỨ SỐNG ĐẠO (CN XXI/TN-B)
Bài đọc 1 hôm nay (CN /TN-B – Gs 24, 1-2a.15-17.18b) trình thuật sự kiện “Ông Giô-suê quy tụ ở Si-khem mọi chi tộc Ít-ra-en và triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục.” Trong bài giảng của ông, có một vấn đề rất đáng suy nghĩ: "Bây giờ anh em hãy kính sợ ĐỨC CHÚA, hãy chân thành và trung tín phụng thờ Người. Anh em hãy vất bỏ các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả và ở Ai-cập, và hãy phụng thờ ĐỨC CHÚA. Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA." (Gs 24, 15). Điều này cho thấy vấn đề sống đạo (tín ngưỡng) của tín hữu ngay từ ngàn xưa đã không hề có ép buộc, con người được hoàn toàn tự do. Và cũng chính vì được tự do như vậy, nên mới có cảnh đám đông người Do-thái, kể cả các môn đệ Đức Giê-su phản ứng khi nghe “Diễn từ tại hội đường Ca-phac-na-um”.
Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 6, 54a.60-69) là trích đoạn cuối “Diễn từ tại hội đường Ca-phac-na-um”. Cứ tưởng đến lúc này thì đám người Do-thái cũng đã phần nào hiểu ra được Lời dạy của Đức Ki-tô về Bánh Hằng Sống, không ngờ là họ vẫn cứng lòng không tin; nhưng đáng trách nhất là các môn đệ ở liền bên với Thầy, nghe biết bao lời giáo huấn thánh thiện, nhất là chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ Thầy làm, chứng tỏ Người đích thị là Thiên Chúa; vậy mà vẫn còn có kẻ chê “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”, để rồi ”Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.” (Ga 6, 60-66). Thấy tình hình như vậy, Đức Ki-tô quay lại hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Ga 6, 67-69).
Tình trạng nêu trên cũng đã từng xảy ra trong Cựu Ước. Đọc trong sách Giô-suê – một trong các sách Lịch sử thuộc trào lưu Đệ nhị luật – thì thấy kể lại: Khi ông Mô-sê qua đời, thì ông Giô-suê (Phụ tá của Mô-sê) được Đức Chúa trao quyền bính. Ông Giô-suê đã chỉ huy các bộ lạc vượt qua sông Gio-đan, tiến như vũ bão chiếm lãnh toàn miền đất Thiên Chúa đã chỉ cho ông Mô-sê thấy (Gs, ch. 1-12). Cuối cùng, ông Giô-suê quy tụ ở Si-khem mọi chi tộc Ít-ra-en và triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục, rồi nói với họ như trích dẫn nêu trên (Gs 24, 15). Nghe vậy, dân chúng đã khẳng khái đáp lại: "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác! Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua.” (Gs 24, 16-17).
Sự kiện này nói lên điều gì? Ở Cựu Ước, Thiên Chúa dùng Giô-suê – là một con người, một thụ tạo – hỏi dân chúng để xem thử lòng tin của họ, thì họ đã bày tỏ sự trung thành với đức tin mà họ đã đặt trọn vào Thiên Chúa; nhưng đến thời Tân Ước thì chính Đức Giê-su Thiên Chúa khi rao giảng Nước Trời đã bị ngay cả những môn đệ của Người bỏ đi, chỉ còn lại Nhóm Mười Hai ở lại với Người (nhưng trong số đó vẫn “có những kẻ không tin” như Giu-đa It-ca-ri-ốt – Ga 6, 64). Tiêu biểu trong Nhóm Mười Hai là thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin một cách khẳng khái: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Rồi đến lễ Vượt Qua trước ngày khổ nạn của Thầy, khi nghe Thầy nói sẽ chối Thầy, thánh nhân còn khẳng định chắc nịch: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã… Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." Không chỉ mình Phê-rô, mà “Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy” (Mt 26, 33-35). Ấy thế mà chỉ trong khoảnh khắc, Phê-rô đã chối phăng Thầy không chỉ một mà tới ba lần trong một đêm như Thầy đã tiên báo. Thánh Phê-rô thì như thế, còn các môn đệ khác thì sao? Thật là xót xa khi thấy “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.” (Ga 6, 66), "Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết" (Mt 26, 56). Ôi chao! Nhân tình thế thái là vậy ư?
Giáo hội tiên khởi như thế đó. Nhưng tới lễ Ngũ Tuần thì mọi sự đã hoàn toàn khác hẳn Tất cả các Tông đồ đều một lòng một dạ “Bỏ Thầy con biết theo ai vì Thầy có Lời ban sự sống”. Và nhờ lòng tin sắt đá ấy, các Tông đồ đã đem Lời Chúa tới khắp năm châu bốn biển. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, chẳng hiểu tỉ lệ những người không “bỏ Thầy” so với đám đông những người được nhận là bạn của Thầy (Ki-tô hữu) còn được là bao? Có thể họ không có ý lìa bỏ Thiên Chúa, nhưng trong cuộc sống, họ không tuân giữ Lời Chúa, thì cũng chẳng khác chi đám người Do thái và một số môn đệ xầm xì “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”; rồi họ bỏ đi một nước vì họ vẫn chưa thật sự tin rằng Người nói những lời chướng tai ấy lại chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Xưa kia, những môn đệ trước khi bỏ Chúa mà đi, đã nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi ?" (Ga 6, 54b). Ngày nay còn có cả những người vẫn luôn miệng xưng tụng Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng hằng hữu, vẫn nói chẳng thua gì Thánh Phê-rô: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." (Ga 6, 68-69); nhưng trong lòng thì rỗng tuếch, thậm chí nếu cần vẫn sẵn sàng đạp lên Thánh giá, sẵn sàng quay ngược mũi giáo đâm thẳng vào anh em đồng đạo, như xưa quân dữ đâm vào Trái Tim Chúa Giê-su vậy.
Tôi cũng đã từng viết, vào thời điểm 1975, ở Việt Nam đã có không ít những người (trong đó có cả những người bạn đồng nghiệp dạy học như tôi, những người đồng đạo trong xóm, trong giáo xứ của tôi và thậm chí có cả những chủng sinh Đại Chủng viện, tu sĩ...) vội vàng cất bàn thờ lên gác hoặc một xó xỉnh nào đó rồi chưng ảnh lãnh tụ lên. Chưa hết, còn khai vào lý lịch là “không tôn giáo”, theo “đạo ông bà”. Vấn đề truyền giáo ở VN, nếu đem so sánh sự “thử thách” ở thời điểm 1975 với “giai đoạn thử thách” của lịch sử Giáo Hội VN (dưới những triều đại phong kiến) thì chưa thấm tháp gì. Vậy mà con số những kẻ “cất giấu bàn thờ Chúa, theo đạo ông bà, không tôn giáo…” không chừng còn nhiều hơn con số 130.000 anh hùng tử vì đạo! Thế đấy! Nói đi thì cũng cần phải nói lại. Có thể ngày nay có rất nhiều người "không hề có ý lìa bỏ Thiên Chúa", không theo chủ nghĩa "vô thần", nhưng lại là những người "vô thần hiện thực", nghĩa là sống như không có Thiên Chúa vì thực tế đã không sống theo Lời Chúa dạy. Không thiếu những người "có đạo" mà không "sống đạo", và cũng chẳng ít người "giữ đạo" sốt sắng (đi lễ, rước lễ hàng ngày), nhưng lại không "hành đạo" trong cuộc sống hàng ngày bằng cách sống Lời Chúa.
Tóm lại, vấn đề đặt ra đối với người Ki-tô hữu ngày hôm nay là cần phải biết sống đạo cách thiết thực: Không chỉ tuyên xưng đức tin trên môi miệng như Lời Đức Giê-su nói với đám người Pha-ri-sêu: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mc 7, 6); mà phải là “lời nói đi đôi với việc làm”, tuyên xưng đức tin bằng hành động cụ thể trong cuộc sống. Ấy cũng bởi vì “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2, 17). Nói đến sống đạo thì không thể quên lời Thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô về vấn đề “Gia đình sống đạo” (xc bài đọc 2 CN XXI/TN-B – Ep 5, 21-32). Từ đó tự nhiên nảy sinh một so sánh giữa Giáo hội toàn cầu với Giáo hội địa phương (Giáo xứ):
Giáo hội được coi là hiền thê của Đức Giê-su (“Giáo hội được mô tả như hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tì ố (x. Kh 19, 7-8; 21, 2…9; 22,17)… Chúa Ki-tô yêu thương Giáo hội như hiền thê Người, Người trở thành gương mẫu của người chồng yêu vợ mình như yêu chính bản thân (x. Eph 5,25-28).” – Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 6-7). Trong khi đó, linh mục là người trực tiếp thừa kế chức vụ của linh mục thượng phẩm Giê-su Ki-tô, vậy cũng có thể nói Linh mục quản xứ là phu quân của hiền thê Hội Thánh địa phương (Giáo xứ). Do đó, gia đình thừa sai Giáo xứ hãy sống đạo cách tốt đẹp: Sống đạo bằng đức tin chân thực với lời tuyên xưng thành khẩn (“Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.” – Rm 10, 10). Đồng thời phải sống và hành động cụ thể lời tuyên xưng đó, bởi “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi… Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2, 24-26).
Ôi! Lạy Chúa! Con không còn đủ can đảm và tỉnh táo để viết tiếp được nữa, bởi nhìn lại mình, con cũng thấy hằng ngày – cách này hay cách khác – con cũng vẫn cầm giáo đâm vào Trái Tim Chúa; mặc dầu con vẫn biết – biết rất rõ – vẫn rất vững tin rằng “Bỏ Thầy, con biết theo ai?” Vâng, lạy Chúa! “Bỏ Ngài con đi với ai, vì Ngài có Lời ban sự sống. Bỏ Ngài thân con héo hon, đời cô liêu trên chốn dương gian. Bỏ Ngài con đi với ai đường xa lắc tương lai mịt mờ, nào ai dẫn con trên đường dài. Bỏ Ngài con đi với ai?” (TCCĐ “Bỏ Ngài con đi với ai?” – Phaolô Kim). Cúi xin Chúa ban Thánh Thần an ủi, soi sáng, thêm sức cho con, để con không chỉ "giữ đạo" mà phải biết "hành đạo", biết "sống đạo" một cách cụ thể theo đúng Lời Chúa dạy. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: