Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đạo của con tim

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

 

 

Chúa Nhật XXII Thường Niên B

ĐẠO CỦA CON TIM

Dnl 4,1-2.6-8; Gc1,17-18.21b.22-27; Mc 7,1-8a.14-15.21-23

 

Một cha xứ mới được bổ nhiệm đến một nhà thờ ở tiểu bang Kentucky, không mấyxa trường đua Churchill Downs nổi tiếng. Vào ngày Chúa Nhật đầu tiên, cha xứ mới đã giảng về cái xấu của cờ bạc, đánh cá độ và những tai họa do cờ bạc gây nên cho một số gia đình. Sau Thánh lễ, ông chủ tịch hội đồng giáo xứ liền đến bên cha tân cha xứ  và bảo rằng những người dâng cúng cho nhà thờ đa số là những người đua cá ngựa và cờ bạc…

 

Vào Chúa Nhật thứ hai kế tiếp, cha xứ giảng về nạn hút thuốc và những tai họa do hút thuốc gây nên, như bị ung thư phổi và chết sớm... Cũng như lần trước, ông chủ tịch lại kéo cha xứ lại và bảo rằng đa số những người dâng cúng rộng rãi cho nhà thờ là những người trồng cây thuốc lá, và tiểu bang Kentucky là nổi tiếng nghề này.

 

Vào Chúa Nhật thứ ba kế tiếp, cha xứ giảng về nạn uống rượu bia và tai họa do rượu bia gây nên cho các gia đình, như gây tai nạn xe cộ và đập phá nhà cửa. Cũng như lần trước, ông chủ tịch lại kéo cha xứ lại và bảo rằng đa số những người dâng cúng rộng rãi cho nhà thờ là những nhà nấu rượu và tiểu bang Kentucky nổi tiếng về công việc này.

 

Cha xứ thất vọng mới hỏi lại ông chủ tịch rằng: "Vậy tôi có thể giảng về vấn đề gì?" Ông chủ tịch liền trả lời: "Hãy giảng chống lại các nhà chính trị lừa đảo, mà trong giáo xứ chúng ta không có những hạng người này."

 

Giữ đạo hình thức, theo cách suy diễn của cá nhân bỏ lề luật Thiên Chúa để giữ những điều con người tự coi là đúng… Chúa Giêsu đã nói với những người biệt phái về cách sống đạo  hình thức ấy như sau:”Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8).

 

 Biệt phái và Luật sĩ giữ đạo theo cách giải thích của mình, họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật, cho nên giữ trọn lề luật là giữ đạo. Ðặc biệt là luật thanh sạch. Người Do thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Có những trường hợp bị coi là ô uế: những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo, người tội lỗi như ngoại tình, thu thuế. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế vì thế họ lên án Chúa Giêsu khi người tiếp xúc, nói chuyện, đồng bàn với người bị coi là tội lỗi (x. Mt 9,10 - 11). Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Vì thế để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.

 

Rửa tay trước khi ăn trên phương diện nhân bản rất cần thiết vì giữ vệ sinh cho sức khỏe con người.Trong tôn giáo cũng là tập tục  cao quí mang ý nghĩa rất thanh cao, thánh thiện: các tư tế rửa tay để thanh tẩy trước khi dâng của lễ lên Thiên Chúa để nhắc nhở sự thanh sạch của bản than khi tế lễ. Sau này dân chúng bắt chước rửa tay trước khi cầu nguyện. Với ý nghĩ cao đẹp này họ đã rửa tay trước bữa ăn, vừa giữ vệ sinh, vừa có ý nghĩa tôn giáo. Tuy nhiên,vì người biệt phái quá vụ hình thức mà quên điều thiết yếu là nội tâm con người cần phải thanh tẩy, họ phán đoán người khác chỉ dựa trên hành vi rửa tay trước bữa ăn, coi người khác xấu hay tốt dựa trên những hình thức bên ngoài…

 

Thiên Chúa muốn con người đặt tinh thần là trên hết, đặt tình yêu Chúa vào chỗ thứ nhất khi tuân giữ giới răn của Người. Chúa muốn con người đặt lề luật vào đúng vị trí của nó. Điều quan trọng là thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch trái tim, chứ không phải chỉ rửa tay, rửa các đồ vật bên ngoài. Cái cốt lõi của lề luật vẫn là tình yêu và từ tình yêu thể hiện ra cách sống bên ngoài. Cho nên, nếu giữ những việc, những điều lệ, tập tục do con người lập ra mà quên cái cốt lõi lề luật là mến Chúa yêu người là giả tạo hình thức và vụ lợi. Vì thế, Ðức Giêsu chê trách họ là giả hình: chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch tâm hồn. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Chúa Giêsu mượn hình ảnh những mồ mả quét vôi trắng tinh để nói cho những người Biệt Phái: đạo đức giả che đậy tội lỗi nhu mồ mả quét vôi trắng tinh, sạch sẽ nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa (x. Mt 23,27-32) ”. Ðức Giêsu đã mượn lời ngôn sứ Isaia (Is 29,13)  nặng lời chỉ trích họ : “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”(Mc 7,6). Chúa còn nói thẳng với họ về cách sống bên ngoài:“Không phải môi miệng cứ lâm râm lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là phải làm theo ý Cha trên trời” (Mt 7,21). Chính việc làm theo ý Chúa Cha mới được vào Nước Trời chứ không phải việc tôn thờ giả dối ngoài môi miệng hay giả hình bên ngoài.

 

Kinh Thánh nhắc nhở dân Chúa phải tuân giữ các giới răn, các lề luật, các huấn lệnh tượng trưng cho sự khôn ngoan, trong sáng và sáng suốt của dân Chúa giữa muôn dân muôn nước (x.Đnl 4, 1-2. 6-8). Nhưng Ðạo Chúa không phải chỉ là hình thức giữ các mệnh lệnh. Ðạo Chúa là tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo, sống đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy : “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).

 

Cho nên cần trở về với trái tim qua lối sống tình yêu, trong lúc chúng ta luôn gồng mình sống với cái tôi, cái tôi được sơn phết lớp mặt nạ, lớp mặt nạ giả hình, dối trá, thiếu thành thật, là những điều chúng ta tự coi là đúng và đi lệch với lề luật của Thiên Chúa mà theo suy nghĩ của con người.

 

Như Lời Chúa kêu mời: "Hãy tạo cho mình một trái tim mới" (Ed 18,31), một trái tim được thanh tẩy theo luật Tình yêu.

 

Vâng, xin Chúa cho con như lời Chúa truyền: "Ta sẽ thanh tầy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới" (Ed 36,25).

 

Trái tim trong sạch là nguồn suối thực thi luật…

              

 

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 29/09/2015