Nói với em, người mẹ trẻ …
Nói với em, người mẹ trẻ …
“ Hi chị! Đọc bài viết “ Nhân nào, quả ấy” và được biết về tình trạng sách giáo khoa phản giáo dục như hiện nay, em thật bối rối và lo lắng biết dường nào. Lâu nay em vẫn rất lo ngại không biết con mình rồi sẽ ra sao? Sẽ phải dạy con như thế nào trong môi trường xã hội nhiễu nhương như vầy nữa ? Bởi vậy khi em mang đứa con đầu lòng và bây giờ cũng vậy, em luôn cầu nguyện cầu xin cả hai đều được ơn gọi của Chúa. Theo em đó là giải pháp an toàn! Đúng không chị !”
Em gái dễ thương ! Chị hoàn toàn thông cảm với những lo âu của em về vấn đề giáo dục con cái . Là cha mẹ, ai cũng mong cho con mình không chỉ thành danh mà trước hết là phải thành nhân. Thế nhưng giữa một xã hội có một nền giáo dục đang có nhiều hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp và nhiễu nhương như hôm nay, quả là một thách đố rất lớn cho các bậc phụ huynh khi muốn tìm ra một môi trường khả dĩ có thể giáo dục con em mình hình thành nhân cách sống đúng đắn. Hẳn em còn nhớ trong Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện mẹ của Mạnh Tử là Chương Thị đã 3 lần chuyển nhà để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất. Thế nhưng so với các bà mẹ trẻ như em bây giờ, Mạnh Mẫu vẫn còn rất may mắn, bởi lẽ để việc dạy con có hiệu quả bà ta chỉ cần tìm một môi trường sống thích hợp với con để tránh tác động từ môi trường xấu, và môi trường tốt đó chính là ở gần trường học. Còn trong xã hội ngày nay, người ta không dám tin tưởng rằng ngôi trường là “ ngôi đền thiêng” trong giáo dục, đồng thời niềm tin tuyệt đối vào sách vở là kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của con người cũng khộng còn , do vậy, sự “ bối rối và lo lắng” của em là điều không thể tránh khỏi.
Và rồi em tự tìm cho mình một giải pháp là cầu xin Chúa cho hai đứa con yêu quý của em được “ Ơn Gọi” , bởi theo em đó là cách thức giúp con cái của em được hấp thụ một nền giáo dục tốt, nhân bản và đạo đức. Nhưng mà, em rất dễ thương của chị ! Thiển nghĩ , giải pháp của em chỉ giải quyết vấn đề ở đằng NGỌN chứ không phải ở đằng GỐC, do đó nó có thể là cách TỐT nhưng chưa phải là TỐT NHẤT. Bởi lẽ cho dù các con yêu quý của em được Ơn Gọi sống bậc tu trì đi nữa nhưng chúng vẫn phải sống giữa xã hội này, vẫn phải hòa nhập vào cuộc sống, vẫn không thể đứng bên lề dòng chảy của cuộc đời này. Hơn nữa, đạo của chúng ta là đạo Nhập Thể. “ Biến cố Nhập thể của Đức Giêsu Kitô là tâm điểm trong chương trình tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Nhập thể như điểm hội tụ trọn vẹn mối tương ái, giao hòa giữa Thiên Chúa và nhân loại. Con Thiên Chúa đã nhập thể giữa muôn vàn éo le, nghịch cảnh của kiếp nhân sinh, để dẫn đưa loài người đang lâm tình trạng sa ngã, hư mất trở về với sủng phúc nguyên khởi ”. ( Trích Nhập Thể và Hội Nhập Văn Hóa: Lối Tiếp Cận Dưới Nhãn Quan Loan Báo Tin Mừng- Trung tâm học vấn Đa Minh ). Do vậy, khi con cái của em được Chúa chọn cách đặc biệt để rao giảng Tin Mừng cho Ngài thì chúng không thể chỉ biết bốn bức tường của tu viện, nhưng là phải noi gương Thầy Chí Thánh để dấn thân phục vụ. Đạo nào cũng thế , tu luyện thì lên núi nhưng khi thành chánh quả thì cũng phải “ xuống núi” , đúng không em ? Đó là chưa nói đến chuyện được Ơn Gọi cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nếu chỉ nghĩ đến việc con mình được tu học tại các nhà dòng hay chủng viện như một biện pháp để “ tị nạn giáo dục ” thì sẽ có nhiều hệ lụy phát sinh bất ngờ đó em ạ.
Hẳn là em còn nhớ trong Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo của Công Đồng Vaticanô II có viết: “ Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được” (Gravissimum Educationis (GE), số 3). Do vậy em và người chồng yêu quý của mình hãy giúp con cái của cả hai hình thành một nhân cách tốt bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng. Hãy ý thức rằng vai trò giáo dục của cha mẹ là rất quan trọng và có thể bổ khuyết được sự thiếu sót của nhà trường hay xã hội nha em.
Tưởng cũng nên nhắc lại sự kiện vào ngày 06-08-2015, tại Trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công giáo Việt Nam. Theo đó giáo hội Việt Nam đạt được “ nguyện vọng trong việc đào tạo các chức sắc và tín đồ trong đạo Công giáo tại Việt Nam có đủ trình độ nâng cao về Giáo lý.” Đây dĩ nhiên là một tín hiệu đáng mừng vì từ nay Giáo Hội tại Việt Nam không phải cử người ra nước ngoài du học để đào tạo nâng cao trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ Thần học, tránh nhiều tốn kém về kinh phí cho các giáo phận cũng như cho chính bản thân những người được cử đi học. Đây là kết quả của sự cầu nguyện liên lỉ của giáo hội Việt Nam từ gần 60 năm qua.
Tuy nhiên, việc các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo được mở trường học như trước đây thì chưa. Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện về điều này. Bởi lẽ không điều gì tốt hơn việc con em của mình được học tập dưới những ngôi trường như thế. Đây mới là cái GỐC của vấn đề. Đối với các nước khác hay như tại Việt Nam trước đây, việc các tôn giáo tham gia vào sự nghiệp giáo dục của xã hội bằng cách mở trường tư thục là chuyện rất bình thường. Thế nhưng tại Việt Nam hiện nay điều đó vẫn còn là chuyện không tưởng. Có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ nguyên nhân chính là vì đường lối và triết lý giáo dục của nhà nước XHCN và tôn giáo đã có sự khác biệt rất đáng kể.
Em thân mến ! Trong niềm tín thác vào Thiên Chúa quyền năng, chúng ta tin rằng với Chúa mọi việc đều có thể xảy ra. “ Vấn đề hình thành một đại học Công giáo đầu tiên tại Việt Nam đã được tờ Vatican Insider cho rằng đó là một bước ngoặt trong lịch sử GHCGVN, là dấu hiệu của sự trở lại được nóng lòng mong đợi của tự do giáo dục… một quyền mà nhà nước cộng sản Việt Nam đã khước từ đối với người dân suốt 60 năm qua.” RFA . Vâng ! Một điều "đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được". Mc 10,7. Thiên Chúa đã lắng nghe lời cầu nguyện của Giáo Hội Việt Nam. Cũng vậy, hãy kiên trì cầu nguyện em nhé, sẽ có một ngày Giáo Hội Công Giáo sẽ được tham gia vào sự nghiệp giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần đào tạo cho xã hội những con người được phát triển đầy đủ cả trí dục lẫn đức dục. Và khi đó nếu cần, em chỉ làm một động tác như mẹ của Mạnh Tử ngày xưa là dọn nhà đưa các con yêu quý của mình đến gần các ngôi trường học như thế nha em.
Chúc em tìm được sự bình an trong niềm tín thác vào Thiên Chúa. Mến.
Điền Phương Thảo
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: