Hãy mở ra
HÃY MỞ RA (CN XXIII/TN-B)
Nghe và nói là hai nhu cầu thiết yếu của con người trong sinh hoạt cộng đồng. Từ 2 cơ quan thể chất (tai và miệng) “nghe” và “nói” đã trở nên như 2 cánh cửa tâm linh. “Nói” là cánh cửa mở tâm hồn mình ra thông giao với thế giới bên ngoài. Có gì tích chứa trong lòng, phải nói ra thì người khác mới hiểu. “Nghe” là cánh cửa mở ra đón nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Phải nghe mới hiểu được người khác. Không nghe không nói cũng giống như đóng kín cánh cửa cảm thông. Mình không hiểu người mà người cũng chẳng hiểu mình. Quả thật cái cảnh câm điếc nó đã khép kín cuộc sống con người trong một ốc đảo bị cô lập bởi một hàng rào vô hình, khiến cho con người tuy vẫn sống chung với cộng đoàn nhưng mất hết khả năng giao tiếp.
Điếc là không nghe được, khác với nghễnh ngãng là nghe không rõ. Câm là không nói được, khác với ngọng là nói không rõ, khó nghe. Theo khoa học thì người ta nói được là nhờ khả năng bắt chước. Cứ nhìn trẻ sơ sinh được cha mẹ tập nói cho, thì đủ rõ. Trẻ chăm chú nhìn cha (hay mẹ) để biết cách sử dụng miệng lưỡi, đồng thời lắng tai nghe âm thanh phát ra từ mịêng cha mẹ, sau đó sẽ bắt chước làm những cử điệu vá phát âm giống như cha mẹ. Lúc đầu có thể không đúng và rõ, nhưng dần dần về sau sẽ nói được gọn gàng, đúng giọng. Cũng vì tập nói chủ yếu là bắt chước cách nói của cha mẹ thông qua việc nghe, nên khi trẻ bị điếc thì trẻ cũng bị ngọng luôn (dù có phát ra âm thanh cũng chỉ ú ớ không rõ tiếng). Câm thì nặng hơn vì cơ quan phát âm (mịêng, lưỡi, dây phát âm) bị khuyết tật nặng nề. Ở đời, thường những người ngọng (hay câm) là vì bị điếc. Với khoa học tiến bộ ngày nay có máy trợ thính giúp người điếc nghe được và nếu bị ngọng thì có thể kiên trì tập luyện sẽ nói được, nhưng nếu người ấy bị khuyết tật cả bộ phận phát âm thì cũng chỉ còn cách nói bằng cử chỉ (dùng 2 tay, ánh mắt và môi mịêng) ra hiệu. Đã không nghe lại không nói được, cuộc đời của người câm điếc như bị đóng lại trước một thế giới đang mở ra, chẳng khác gì người tù biệt giam không thể có mối tương quan nào với xã hội bên ngoài.
Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXIII/TN-B – Mc 7, 31-37) trình thuật phép lạ Chúa Giê-su chữa cho một nguời bị điếc và ngọng. Chúa không chữa lành cho anh theo kiểu người thợ chữa một cái máy. Thái độ ân cần của Chúa “kéo riêng anh ra khỏi đám đông” và những cử chỉ chăm sóc tận tình, đụng chạm đến tai anh, xức nước miếng vào lưỡi anh, đã giúp anh tái lập mối tương quan với mọi người. Khi “tai được mở ra và lưỡi hết bị buộc lại” là lúc anh ta cũng được mở ra với thế giới và có khả năng cần thiết để nối kết tương giao với cộng đồng. Đức Giê-su đã dùng những dấu hiệu chữa bệnh bề ngoài “đặt ngón tay vào tai anh, lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh”, rồi Người “ngửa mặt lên trời” (tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa Cha) và nói “Hãy mở ra!”, thì “Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi hết bị buộc lại.” Cứ kể ra, với quyền năng Thiên Chúa, Đức Ki-tô chỉ cần phán một lời thì bệnh nhân sẽ khỏi, nhưng ở đây Người muốn cho mọi người thấy được tỏ tường phép lạ mà Người đã thực hiện, nên Người mới có những hành động như trên (một cách mạc khải mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa thông qua những cử chỉ và hành động mà người đời thường gặp trong cuộc sống trần thế). Căn bệnh điếc và ngọng về thể lý thì chỉ cần như thế là đủ; nhưng ở đây Đức Ki-tô còn muốn đi xa hơn, chữa căn bệnh ngọng và điếc về tâm linh của bệnh nhân cũng như của cả đám đông.
Nói đến vấn đề ngọng và điếc tâm linh cũng khá rắc rối và thường thì người mắc căn bệnh này lại không tự biết mình đang mắc bệnh. Căn bệnh này phổ biến ở hai chiều kích: siêu nhiên và xã hội. Với siêu nhiên thì gần như họ luôn nghễnh ngãng (nghe câu được câu chăng, tai lành tai điếc, chớ chưa đến nỗi điếc đặc), thờ ơ trước Lời chân lý và vì thế khi phải nói điều chân lý, họ trở nên ngọng nghịu lắp bắp nói chẳng nên lời. Với xã hội thì căn bệnh này càng phổ biến, đó là những kẻ theo một truyền thuyết mù quáng nào đó mà họ cho là lý tưởng (kiểu như đánh bom tự sát khủng bố giết hại đồng loại, sẽ được nên thánh “tử vì đạo”), hoặc những kẻ ăn trên ngồi trốc rất thính tai khi nghe đến tiền tài, của cải, lạc thú, danh vọng, quyền lực, địa vị; nhưng lại “mũ ni che tai” để trở thành điếc đặc trước những thảm cảnh của con người như thiên tai (nạn nhân bão lụt, động đất, nghèo đói, bệnh tật), nhân họa (nạn nhân chiến tranh, khủng bố, áp bức, bóc lột…). Đó chẳng phải ai khác hơn là những kẻ "xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." (Mt 25, 42-43).
Quả thực là vẫn còn quá nhiều bệnh nhân "đui mù câm điếc" tâm linh và thật sự cũng vẫn còn thiếu thật nhiều những môn đồ chân chính của Thầy Thuốc Chí Thánh Giê-su Ki-tô. Với những trường hợp bệnh nhân không được chữa khỏi, thế nhân thường hay đổ lỗi cho thầy thuốc. Gặp thầy dỏm thiếu tài hoặc thầy hay nhưng lại thiếu đức thì không nói làm gì, nhưng đến như gặp thầy có đủ tài đức mà họ vẫn không tin, ấy mới là điều đáng trách. Khổ một nỗi là đến ngay những người mắc căn bệnh trầm kha ấy cũng – vô tình hay cố ý – không nhận ra được chính mình đang mang bệnh nan y, cầu mong được Thầy Thuốc Chí Thánh chữa trị. Họ đã quên mất một điều xem ra có vẻ nghịch lý nhưng lại là sự thật hiển nhiên: Người bệnh muốn được khỏi thì điều kiện tiên quyết không ở nơi người thầy thuóc, mà ở chính nơi bản thân mình và đó chính là lòng tin, là đức tin vậy. Người Thầy Thuốc Chí Thánh luôn luôn sẵn sàng đến với mọi người đau yếu bệnh tật, ăn thua là người bệnh có biết đáp trả mà chạy đến với Người hay không mà thôi. Vâng, "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" (Thánh Âu-tinh), bệnh nhân tâm linh phải cộng tác bằng đức tin vào Người Thầy Thuốc Chí Thánh, mới được khỏi bệnh là điều tất nhiên vậy. Đừng bao giờ quên rằng chính Người Thầy Thuốc Chí Thánh khi chữa lành cho bệnh nhân luôn luôn khẳng định "Đức tin của con đã chữa lành con".
Ôi! Lạy Chúa! Con cảm thấy con cũng đang bị điếc và câm – hay ít ra là đang nghễnh ngãng và ngọng nghịu như kẻ giả điếc, giả câm – trước Lời Chúa mời gọi con mở to mắt ra để thấy những nỗi cùng khốn của những người chung quanh con, banh lỗ tai ra để nghe những tiếng rên xiết đau thương của họ, đồng thời mở miệng ra để an ủi họ, xoa dịu đau thương cho họ, và nhất là nói dùm họ, tranh đấu cho họ trước những thế lực áp bức bất công… Nhưng con đã làm như không nghe, không thấy, con đã "giả mù sa mưa" để có thể câm lặng "toạ thị cầu an" hầu được yên thân, khỏi bị mất mát, hy sinh những gì mà thế lực áp bức sẽ dành cho những kẻ dám bệnh vực cho những người bị áp bức.
Cúi xin Chúa ban Thánh Linh chữa lành cho con chứng bệnh nan y ấy, như xưa Chúa đã chữa cho biết bao người "què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc" được khỏi không những căn bệnh "đui mù câm điếc" về thể lý mà cả về mặt tâm linh nữa. Ôi! Lạy Chúa! “Tiếng con kêu, nguyện thấu tới Ngài, lạy CHÚA, theo lời Ngài, xin mở trí cho con. Ước chi lời cầu khẩn của con vọng tới Ngài, xin giải thoát cho, như lời Ngài đã hứa.” (Tv 119, câu 169-170). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: