Chúa mở tai, mở miệng con
Chúa Nhật XXIII Thường Niên
CHÚA MỞ TAI, MỞ MIỆNG CON
Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
Một phụ nữ có người bạn bị điếc. Bà hỏi người bạn muốn gì nhân dịp sinh nhật. Người bạn trả lời:
-Nhờ bạn viết thư cho Ann Landers, yêu cầu cho tôi bản kinh cầu nguyện cho người điếc.
Và ngày sinh nhật của người điếc đó, bà Ann đã gởi tặng lời kinh như bà thỉnh nguyện. Trong đó có lời cầu như sau:
“Lạy Chúa, người ta thường có thiện cảm với kẻ mù, người què, nhưng nổi sung bực bội với kẻ điếc, nên người điếc luôn phải ẩn tránh bạn hữu và ngày càng phải sống cô đơn khép kín!...
Lời kinh trên đây cho chúng ta thấy nỗi khổ của kẻ điếc. Chúng ta thường nghĩ rằng người mù khổ hơn kẻ điếc. Nhưng Helen Keller vừa mù vừa điếc thì cho rằng bị điếc còn khốn hơn bị mù nhiều, vì các cánh cửa cuộc đời bị khoá chặt lại: mở Radio vô ích, xem truyền hình chẳng thú vị gì, không thể nói chuyện với ai, và cảm thấy cô đơn chán nản...( câu chuyện theo Br.Thiện Mỹ, CMC).
Thật thế, người điếc thật khổ, câm và điếc càng khốn khổ hơn. Trong một cuốn sách có câu sau đây : “Yếu tố đầu tiên trong một cuộc đối thoại là sự thật, thứ hai là có lương tri, thứ ba là tính hài hước vui vẻ, và cuối cùng là sự hóm hỉnh thông minh”. Nhưng làm sao mà một người có thể đối thoại với người khác bằng miệng, nếu như anh ta vừa câm lại vừa điếc. Thật hạnh phúc, nếu đôi môi được mở ra, được cười nói, được trao đổi với mọi người, nếu đôi tai được thông, để nghe được lời yêu thương dịu ngọt, ân cần của anh em bạn hữu và gia đình…
Trong Tin Mừng Mc 7,31-37, Chúa Giêsu mở môi miệng, tai anh câm điếc là đem lại hạnh phúc cho anh, chúng ta thấy ngài dùng một cử chỉ kỳ lạ: đặt tay vào tai anh, dùng nước miếng để bôi vào miệng anh. Đức Giêsu chữa người mù ở Bétsaiđa trong Tin Mừng Máccô (x. Mc 8,23) và làm cho người mù từ mới sinh được sáng mắt trong Tin Mừng Gioan (x. Ga 9,6) cũng cùng một cử chi kỳ lạ bôi nước miếng. Tác giả J. Potin nghiên cứu môi trường văn hoá trong Kinh Thánh xác nhận việc chữa lành bằng cử chỉ đụng chạm với nước miếng là: “Những cách thức chữa bệnh này rất thông dụng trong các đền thờ ngoại giáo và vẫn còn thịnh hành trong các môi trường Kitô giáo" (Đức Giêsu Lịch sử đích thực), Centurion, tr.172). Ngài dùng các phương thế bình dân để tỏ bày quyền năng Thiên Chúa…
Hình ảnh Đức Giêsu chữa người vừa câm vừa điếc như là một ẩn dụ nói về con người mọi thời đại với biết bao hoàn cảnh khó khăn và bệnh tật. Những hoàn cảnh ngặt nghèo khiến chúng ta xa cách nhau, xa cách Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta gặp được Chúa Sự Sống- Người tháo cởi tai và miệng, chúng ta thể hiện như Dân Do Thái năm xưa khi chứng kiến phép lạ Chúa làm thì ca ngợi : “Ngài làm điều gì cũng tốt cả”, với sự kinh ngạc thấm đẫm tâm tình biết ơn.
Đó là thời kỳ thi ân của Đấng Cứu Độ đến như Ngôn Sứ Isaia đã loan báo cho dân Israel về Đấng Cứu Thế: “Đấng Thiên Sai sắp đến cứu thoát anh em. Lúc đó mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe được. Lúc đó, chân người què sẽ nhảy như nai và lưỡi người câm sẽ nói sõi sàng” (Is 35,3-7).
Đức Giê-su là Đấng Mêsia, như Ngài trả lời cho Gioan Tẩy giả qua những người được ông sai đến: “Các ông cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được…” (Mt 11,4). Đây là những dấu chỉ thời Mê-si-a – thời kỳ cứu độ mà các ngôn sứ đã báo trước.
Khi mở miệng mở tai người câm điếc, Đức Giêsu cũng mở tai, tháo lưỡi, mở mắt cho các môn đệ, và mời gọi các ông tin tưởng vào Người. Lòng tín thác này sẽ giúp các ông nhìn nhận sự giải thoát mà Ngài đã mang lại cho con người. Sự giải phóng mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta trên mọi nẻo đường khi Người mở mắt chúng ta trước tất cả, xuyên qua những ngờ vực, những nỗi sợ hãi và mang hy vọng tiến về vinh quang của Người.
Liên hệ với cuộc sống của chúng ta Thánh Bêđa (PL 92,203t) suy niệm hình ảnh anh câm điếc: người Kitô hữu nào không lắng nghe Lời Chúa là người điếc và kẻ nào không truyền đạt lời tuyên xưng đức tin cho kẻ khác là người câm. Nước miếng mà Đức Giêsu bôi vào lưỡi anh câm có nghĩa là sapor Domini sapientiae (hương vị của sự khôn ngoan của Chúa); còn ngón tay mà Đức Giêsu ấn trên tai anh điếc, tượng trưng ân huệ Thánh Thần (x. Lc 11,20). Trong tác phẩm “Tự thú”, thánh Augustino nhìn nhận đôi tai của ngài đã điếc đặc trước Lời phán dạy của Chúa trong thời gian lâu dài: “Con yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vẫn ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài… Chúa gọi con. Chúa la to và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng. Chúa chiếu tỏa và đã xua tan sự mù loà của con…”. Sau khi tâm hồn được mở ra, Augustino tán tụng hồng ân Chúa bằng chính cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa và anh em qua sứ mạng Giám Mục như sách Cách Ngôn dạy: «Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng phán xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ» (Cn 31,8-9).
Thiên Chúa chữa lành cho những người tật nguyền, không chỉ thể xác nhưng còn về mặt tâm linh, để họ được lành và có đủ khả năng biết cách sống với Thiên Chúa và với tha nhân.
Lạy Đức Giê-su Ki-tô là Đấng chữa lành, Ép-pha-tha, xin hãy mở ra cho con:
- Ngài quan tâm và cứu vớt bằng ơn chữa lành người tật nguyền về mặt thể lý, như mù, điếc, què, câm, những người bị thiệt thòi và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nhưng mắt con không thấy anh em lầm than khốn khó, xin mở mắt cho con.
- Tai con không nghe tiếng than thở của anh em, xin Chúa mở tai cho con.
- Lòng con khép kín trước nhu cầu của anh em, xin Chúa mở lòng con.
- Tâm trí con không hiểu , xin Chúa mở trí lòng con
- Miệng con câm nín trước tình yêu kỳ diệu của Ngài, xin Chúa mở miệng để con biết ca tụng.
Vâng, lạy Chúa – Epphatha – hãy mở ra…
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 05/09/2015
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: