Tuyên tín
TUYÊN TÍN (CN XXIV/TN-B)
Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXIV/TN-B – Mc 8, 27-35) là trích đoạn Tin Mừng Mac-cô về 3 vấn đề: 1- Ông Phê-rô tuyên xưng đức tin; 2- Đức Giê-su loan báo lần thứ nhất cuộc Thương Khó và Phục Sinh; 3- Những điều kiện để theo Đức Giê-su. Mới đọc thoáng qua, thì thấy 3 vấn đề là 3 khía cạnh khác nhau, không liên hệ gì với nhau. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu, sẽ thấy đó là một hệ luận tất yếu. Thật vậy, cũng vì biết đức tin của các môn đệ chưa được vững chắc, nếu nói cho họ biết rõ về cuộc Thương Khó thì khó lòng họ tin, và như thế họ sẽ không chấp nhận những điều kiện để có thể đi theo Đức Giê-su. Phài tin thật trong lòng mới dám “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” được (Mc 8, 34). Đó chính là lý do khiến Đức Giê-su hỏi các môn đệ đã hiểu về Thầy mình như thế nào để xác định niềm tin của họ.
Sách Giáo lý HTCG (số 177) lý giải về đức tin: "Tin" qui chiếu vào hai điểm: Đấng mạc khải và chân lý mạc khải. Chúng ta tin chân lý mạc khải vì tin tưởng ở Đấng mạc khải.” Nếu chưa tin vào Đức Giê-su thì làm sao mà tin vào chân lý Người mạc khải (chân lý cứu độ do Người vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người thực hiện: cuộc Thương Khó và Phục Sinh)? Vì thế, trên đường đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê, dọc đường, Đức Giê-su hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Dư luận về Người kể ra đã khá rõ rệt. Ai ai cũng nghĩ Người là bậc xuất chúng, ít nhất cũng như Gio-an Tẩy giả, hoặc như Ê-li-a, hay một vị ngôn sứ nào đó. Còn đối với các môn đệ thì vì họ là học trò thân tín của Người, luôn ở với Người và được Người chăm sóc, dạy dỗ, rồi còn được chứng kiến biết bao phép lạ Người đã làm, tất nhiên họ phải có một cái nhìn về Người hơn hẳn những người khác. Vì thế, ông Phê-rô đã không ngần ngại thay mặt anh em mà thưa với Người: "Thầy là Ðấng Ki-tô".
Thiết nghĩ không thể có lời tuyên xưng nào chính xác hơn được. Và đó cũng là lời tuyên xưng của Hội Thánh sau khi mầu nhiệm Phục Sinh đã hiện thực hoá: Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa hằng sống, là Chúa các chúa, Vua muôn vua. Phê-rô hôm ấy nói được như vậy là nhờ ở Thánh Thần hoạt động trong lòng trí ông. Ông thốt ra lời rất đúng nhưng vượt quá tầm hiểu biết của ông, cũng giống như nhiều khi các ngôn sứ phát biểu những Lời của Thiên Chúa mà họ chưa quán triệt được tất cả nội dung phong phú. Có lẽ vì vậy nên Ðức Giê-su đã “lập tức cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.” Họ không nên nói những điều họ chưa hiểu biết thấu đáo, có thể gây ra những sự hiểu lầm, mà cần phải đợi đến khi chân tướng sự việc hiển hiện ra hết rồi hãy tuyên xưng. Cũng bởi vì "giờ" của Người chưa đến và cái trọng tâm của giờ ấy chính là cuộc khổ nạn, nên kể từ hôm nay, Người bắt đầu mạc khải cho môn đệ biết khía cạnh quan trọng này.
Phê-rô vừa mới thay mặt các môn đệ tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô”, vậy mà tiếp liền sau đó Thầy lại “bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở.” (Mc 8, 31-32). Ðiều đó làm cho các môn đệ càng thêm khó hiểu, và nhất là không thể chấp nhận được. Với bản tính bộc trực nghĩ sao nói vậy, nên “Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.” Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người liền trách ông Phê-rô rất nặng lời: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
Thực ra, không chỉ mình Phê-rô, mà cho đến thế kỷ XXI này, không thiếu gì những người nghĩ như vậy. Tư tưởng của loài người là thế. Làm sao hiểu và chấp nhận cho được Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, lại chịu để loài người phỉ báng, loại bỏ và giết chết. Thiên Chúa thương yêu loài người và với quyền năng vô biên, Người chỉ cần phán một lời thì con người sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Nhưng như thế thì con người theo bản tính bẩm sinh bất toàn của mình, sẽ chẳng hiểu được mầu nhịêm này. Con người nếu không được “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền) thì vẫn không tin và – vốn dĩ được tự do đến gần như tuyệt đối – sẽ lại khơi khơi sống một cách vô tư như chưa hề biết mình đã được cứu độ. Chính vì thế, nên ý định tối cao của Thiên Chúa Cha phải được thực hiện một cách cụ thể: Con Thiên Chúa phải xuống thế mặc xác phàm, chịu khổ hình và chết treo trên thập giá thay cho tội lỗi loài người và tới ngày thứ ba sẽ phục sinh vinh hiển. Chỉ có như vậy loài người mới thấu hiểu được hồng ân cứu rỗi do chính Người Con cũng là Người Tôi Trung của Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô vâng lới thực hiện. Và đó chính là mạc khải vậy.
Cũng chỉ vì con người khi được mạc khải chỉ hiểu được tường tận Lời Chúa bằng đức tin, nên sau Lời dạy về cuộc Thương Khó, Đức Giê-su tiếp tục dạy về những điều kiện để theo Người. Vác thập giá đi theo Ðức Ki-tô không chỉ là làm việc khó khăn này, chịu sự cực khổ kia; nhưng trước hết là phải có phương hướng nhất định. Phương hướng đó chính là đức tin mà những kẻ tin đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa (“Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.” – Gl 3, 26-27). Ðức tin có những đòi hỏi của nó, nếu không, nó chỉ là một mớ những ý tưởng trừu tượng. Ðức tin ấy phải là một sự sống, và vì sự sống là sinh hoạt, là hành động, nên đức tin được ví như hơi thở của sự sống, “Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2, 26). Nói cách khác là phải sống đức tin cách cụ thể trong cuộc sống đời thường.
Vâng, khi anh tuyên xưng đức tin là phải nói lên (tuyên – tuyên bố) được niềm tin của anh, đồng thời chứng minh được (xưng – xưng ra) niềm tin ấy trong cuộc sống của anh. Quả thực chúng ta không được như các thánh Tông đồ thủa xưa “vì đã thấy, nên đã tin”, nhưng nếu chúng ta “không thấy mà tin” thì chắc chắn sẽ được chúc phúc (“Phúc cho những ai không thấy mà tin” – Ga 20, 29). Vấn đề tuyên xưng đức tin xưa như trái đất, nhưng coi chừng chúng ta mới chỉ TUYÊN bố bằng đầu môi chót lưỡi chớ chưa thật sự XƯNG ra bằng chính cuộc sống của mình. Nói cách khác, nếu anh mới chỉ “nói” chớ chưa thực sự “làm” đúng như những điều anh đã nói, thì cũng chẳng hơn gì những “kinh sư và người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23, 1-7).
Ôi! Lạy Chúa! Con biết rằng con rất mạnh mịêng khi đọc hay hát kinh Tin Kính trong các thánh lễ, nhất là trong đêm Vọng Phục Sinh. Con cũng biết rằng khi con nói về niềm tin của mình thì thao thao bất tuyệt, nhưng con chưa sống niềm tin ấy một cách cụ thể trong cuộc sống thường nhật của con. Con tin vào Chúa, con luôn đến với Chúa, nhưng với những người anh em của con – nhất là những anh em khó nghèo, tật bệnh, lao tù… – thì con lại thờ ơ, lảng tránh. Như vậy thì nào có khác chi con chỉ mới TUYÊN chớ chưa XƯNG ra được niềm tin mà con đã chọn cho cuộc đời mình.
Cúi xin Chúa ban Thần Khí cho con đủ can đảm và dũng khí tuyên xưng đức tin cách công khai bằng chính những việc làm, những sinh hoạt trong gia đình, ngoài xã hội, nhất là phải thấu triệt nền tảng Đức Tin Ki-tô Giáo để từ đó làm sao cho châm ngôn “Đức Tin hành động qua Đức Ái” (Gl 5, 6) trở thành một chuẩn mực mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể cuộc sống (Rm 12, 2; Cl 3, 9-10; Ep 4, 20-29; 2Cr 5, 17) của bản thân con. Chỉ có như thế, con mới xứng đáng với danh hiệu “Ki-tô hữu” mà Chúa đã ban tặng. Ôi! Lạy Chúa! “Con tuyên xưng Chúa đã chết đi. Con tuyên xưng Ngài đã sống lại. Trong vinh quang mai Ngài lại đến. Đón chúng con, lên trời về với Chúa Cha.” (TCCĐ “Con Tuyên Xưng”).
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: