Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nẻo đường Thập Giá

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

 

 

Chúa Nhật XXIV Thường Niên B

 

NẺO ĐƯỜNG THẬP GIÁ

 

Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35

 

Lavallière Lepaux là một nhân viên Thượng hội đồng quốc gia Pháp, rất ghét đạo Công giáo và luôn tìm cách công kích Công Giáo. Ông lập một đạo mang tính trí thức mới bao gồm những triết thuyết có vẻ khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.

 

            Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras :

 

            - Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học thức, có huấn luyện – đào tạo, mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học, mà cả thế giới theo ông ?

 

            Barras trả lời :

 

            - Thưa ngài, nếu ngài muốn thiên hạ theo đạo mình, thì ngài để cho người ta đóng đinh ngài vào ngày thứ sáu, rồi sáng ngày Chúa nhật, ngài cố sống lại đi.

 

Chúa Kitô đã đi vào cõi chết và phục sinh khải hoàn như Ngài đã loan báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các luật sĩ loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).

 

Tin Mừng Marco 8,27-35, trình bày sự việc Đức Giêsu đang rời xứ Galilê, bắt đầu tiến lên Giêrusalem, lên Giêrusalem là chặng đường cuối cùng và kết thúc ở đồi Calvê: Ngài chết treo trên thập tự. Chuẩn bị cho các môn đệ đối diện với scandal thập giá, Chúa Giêsu phải sửa soạn cho các Tông đồ chuẩn bị bước vào. Giai đoạn chung cuộc của sứ mạng Messiah: cuộc tử nạn để cứu độ nhân loại, cho nên Thập giá đã hiện ra trước mắt Chúa Giêsu. Tin Mừng Marcô đã kể lại ba lần Chúa Giêsu  loan báo rõ ràng cuộc thương khó của Người (Mc 8,31; 9,31; 10,33) cho các môn đệ.

 

Ngài loan báo sẽ bước vào cuộc thương khó vác thập giá và trên thập giá bị đóng đinh và tử nạn, đó là định mệnh nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Số phận ấy trở thành nền tảng để Đức Giêsu khuyến khích các môn đệ như thầy: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Phúc âm, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”(Mc 8,34-35). Khi nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đấng bước vào đau khổ và sự chết, chúng ta cũng được mời gọi bước theo Người vô điều kiện: vác thập giá và bước đi như Người, bên cạnh Người, được Người nâng đỡ, để tiến về với Chúa Cha.

 

Lời tiên báo cuộc thương khó với thập giá, sự chết và phục sinh  ngay sau khi lời giải đáp về sự việc dân chúng nhìn nhận Ngài là ai. Trong khi dân chúng nghe lời Ngài giảng dậy cùng với sự chứng kiến phép lạ phi thường, nhãn quan của họ coi Đức Giêsu chỉ là một Ngôn sứ có quyền phép làm được những dấu lạ hơn người khác như ông Gioan Tẩy giả, ông Elia hay một tiên tri nào đó,

 

Đức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ :"Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? khi họ đã ở với Ngài đã thấy việc Ngài làm, nghe lời Ngài giảng và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14). Nhóm Mười Hai mà Thánh Phêrô đứng đầu trả lời: "Thầy là Đấng "Christos" nghĩa là Kitô”,  -  "Meshiah" trong tiếng Hêbrơ có một nghĩa rất mạnh như biến cố bùng nổ tại Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu - Đấng mà mọi người mong đợi để đến "hoàn tất lịch sử", được các  Ngôn sứ đã báo trước.

 

Dù tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, Đấng Messiah, Phêro chưa hiểu hết được mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong sứ mạng Messiah. Theo ông Đấng Messiah phải vinh quang, chiến thắng theo kiểu loài người, Đấng đến để giải phóng dân tộc Do thái và làm cho nước này trở nên hùng cường, bá chủ địa cầu. Cho nên, với Phêrô  Đức Kitô phải được tôn vinh như: Thiên Chúa hùng mạnh, danh Ngài lừng vang trên toàn cõi đất, Người là Đấng Thánh của Israel và Nước Người tồn tại đến vô cùng tận (Tv 11; Tv 12). Chính vì thế, không thể có việc Đấng Kitô phải đau khổ và chết nhục nhã như thầy vừa loan báo, nên Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy!”. Vì tư tưởng của Phêrô không phải là tư tưởng của Thiên Chúa. Qua việc sửa trị Phêrô, Chúa Giêsu muốn suy tưởng của con người cần phải được dẹp bỏ, và thanh tẩy trong mầu nhiệm cứu độ.

 

Đấng Kitô đối diện với thập giá, trên Thập Giá, Ngài  chấp nhận chết để tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ, đó là hy sinh vô bờ bến để cứu chuộc nhân loại: “không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).  Chính vì thế, Đấng hy sinh trên thập tự đã làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa được cứu độ .

 

Người môn đệ Chúa Kitô tham dự vào mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, với tâm tư con người đó là nghịch lý: Ngài đã chỉ đạt được vinh quang thiên sai nhờ đi qua Khổ Nạn và cái chết,  theo chương trình của Thiên Chúa như Ngôn sứ Isaia loan báo về tư thế của người tôi tớ đau khổ (Is 50,5-9a). Cho nên ai tự nhận mang danh môn đệ của Chúa Kitô, là “Kitô hữu”, được mời gọi bước vào sốngmầu nhiệm  nghịch lý Thập giá của Đức Kitô, chấp nhận đau khổ vì Đức Kitô. Như Tông đồ Phaolô đã trải nghiệm và gợi mở sống mầu nhiệm vác thập giá của người môn đệ Chúa Kitô: “hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ” (Cl 1,24-25)

 

Khi hiểu được ý nghĩa cao quí của thập giá, chúng ta bước theo Thầy với thập giá hằng ngày và hãnh diện như thánh Phaolô nói với tín hữu Galata: “Tôi chẳng hãnh diện điều gì ngoài Thập giá Đức Kitô”(Gl 6,14).

 

Lạy Chúa Giêsu, trên bườc đường thập giá Ngài đi, trong tư cách là môn đệ của Chúa:     

 

“Xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống vơi Ngài vinh quang”.

 

Thật thế, như Phaolô xác tín:

 

“Nếu ta cùng chết với Người,ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2, 11).

 

 

 Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 12/09/2015