Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Như Chúa Giê su trở nên người phục vụ

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

 

 

Chúa Nhật XXV Thường Niên B

NHƯ CHÚA GIÊSU TRỞ NÊN NGƯỜI PHỤC VỤ

Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4, 3; Mc 9,30-37

 

 

Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Biết cuộc đời chỉ còn ngắn ngủi, cô muốn làm việc gì đó cho thật ý nghĩa trong quãng đời còn lại, cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình công trình xã hội của cô và tổ chức thiện nguyện.

 

Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ chuyên môn về tim rất giỏi. Vị bác sĩ giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hàng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề (Christopher Notes).

 

Elena Frings cảm nghiệm cái chết cận kệ nên quyết tâm sống phục vụ để có ý nghĩa, hình ảnh đó gợi cho chúng ta về Chúa Giêsu, cận kề cuộc thương khó và các chết, mời gọi các môn đệ đi vào mầu nhiệm thập giá khi sống tinh thần làm lớn thì là người phục vụ.

 

Tông đồ Phêrô dù tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô” (x. Mc 8,29), một Đấng Kitô, theo ông là “Đấng Kitô vinh hiển”, Đấng đến giải thoát dân tộc Do thái khỏi ách đô hộ của người Rôma và làm cho nước Do thái được hùng cường, bá chủ hoàn cầu. Thật thế, ông và các bạn vẫn chưa hiểu hết về một Đấng Kitô như Đức Giêsu loan báo “Đấng Kitô đau khổ” mà Chúa Giêsu nhấn mạnh trong lần thứ hai loan báo cuộc Thương khó của Ngài cho các môn đệ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”(Mc 9,31).

 

Các môn đệ vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Messia đến thiết lập một vương quốc trần gian hùng cường. Cho nên, các ông vẫn tiếp tục mong chờ một: “biến cố vẻ vang” chứng tỏ quyền năng của Đấng Messia. Một Vương quyền, quyền uy chiến thắng sắp đến với Đấng Kitô, nên các ông đã tranh luận với nhau xem ai là người đứng đầu khi trong triều đại Kitô sắp đến.

 

Nhãn quan đó rất phù hợp với tâm tư của con người với danh vọng và quyền bính như Noel Quesson có lời nhận xét: "Trong xã hội loài người, tự nhiên ai cũng muốn chiếm được vị trí quan trọng. Đó cũng là luật lệ của thế giới loài vật, một thế giới rất có phẩm trật: luật rừng xanh, nơi kẻ mạnh đè bẹp kẻ yếu, nơi người lớn thống trị người bé. Nhưng Đức Giêsu đến đảo ngược lô-gic đó: “Ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết. Ai muốn làm người lớn thì hãy làm đầy tớ mọi người” (trong "Les entretiens du Dimanche. Année B", Droguet & Ardant, trang 194-195).

 

Lời khẳng định : “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người” (Mc 9,35) được đặt trong ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá vua loan báo, Đức Giêsu giáo huấn các môn đệ. Ngài không hề loại bỏ ý muốn làm người đứng đầu, nhưng Người chỉ rõ người lãnh đạo phải có lý tưởng “diakonos- phục vụ”. Khi nói đến “diakonos- phục vụ”, Người xác định kiểu phục vụ không phải phục vụ cưỡng chế của người nô lệ (doulos) mà là việc phục vụ tự do của người tự nguyện trở nên tôi tớ. Tự nguyện vì muốn và thích công việc phục vụ vì lý tưởng cao đẹp. Chính vì mang tinh thần phục vụ, đòi hỏi người tôi tớ sự chú tâm trọn vẹn và tất cả các khả năng  để mưu ích cho người khác noi gương Chúa Giêsu như Ngài đã nói ý nghĩa sứ mạng Kitô của Ngài: “Con Người đến không để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20,28). Chính Ngài một mẫu gương tuyệt vời nhất: trong bữa ăn tiệc ly chuẩn bị đi vào cuộc thương khó, Ngài như một người tôi tớ cúi xuống mà rửa chân cho các môn đệ, (x. Ga 13,4-16) cùng với lời dạy rõ ràng: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (x. Ga 13,13-15).

 

Đối chiếu với hành động khiêm hạ của Chúa Giêsu cùng với lời dạy của Chúa Kitô: muốn là người lãnh đạo phải trở nên người phục vụ,  Nhà chú giải Thánh Kinh J. Hervieux giải thích thêm : " Chúa lấy người rốt hết để đối chọi với người đứng đầu, lấy người đầy tớ mọi người đối chọi với người cai quản. Điều nghịch lý này tất nhiên có nghĩa rõ rệt nhất khi nhìn cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã thực hiện trong bản thân và trong sứ mạng của Người. Người là Đấng cao cả hơn hết đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết để phục vụ mọi người".

 

Thật thế, Chúa Giêsu đã trở nên người tôi tớ, và là mẫu gương  cho người mang tinh thần phục vụ như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê, đã ca tụng tinh thần phục của Đức Giêsu: “Đức Giêsu Kitô Vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, Sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, Chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

 

Chúa Giêsu nhấn mạnh đến tinh thần khiêm tốn phục vụ mà môn đệ của Người phải có là tự hạ, trở thành người tôi tớ hầu hạ mọi người. Người lãnh đạo phải dựa trên nền sự khiêm hạ, sẵn sàng phục vụ tha nhân vô điều kiện qua việc Đức Giêsu đem một em nhỏ đặt giữa các ông ôm hôn các em và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Cử chỉ của Chúa Giêsu đi ngược phong tục hồi đó:  không quan tâm tới trẻ em người ta coi chúng như "vô giá trị”, như đồ bỏ, khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn tôn giáo vì chúng không hiểu biết Lề Luật.Qua việc đón tiếp các trẻ em, Đức Giêsu đề cao sự khiêm nhường phục vụ những người nghèo, có giá trị thiêng liêng cao quý như hành động phục vụ Người và phục vụ chính Chúa Cha Đấng đã sai Người (x. Mt 10,40).

 

Cuộc sống hằng ngày quy chiếu trong mầu nhiệm Thập giá mà Chúa Giêsu loan báo, chúng ta được mời gọi luôn mang trách nhiệm với tinh thần phục vụ như Thánh Phaolô đã khẳng định rõ ràng : Chúng ta có được tài năng gì cũng là do Thiên Chúa ban để phục vụ người khác (x. 1Cr 12,4-11). Phục vụ không chỉ là phục vụ anh em, mà hơn nữa ý thức phục vụ Thiên Chúa trong anh em, vì thật sự Ngài hiện diện cách thâm sâu nơi mỗi người như Thánh Phaolo nhẩn mạnh “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta” (Ep 6,7).

 

Thật thế, cuộc sống mỗi ngày luôn là một sự phục vụ dấn thân, đó là niềm vui của người môn đệ Chúa Kitô: yêu thương và phục vụ, nhà văn hào R. Tagore đã cảm nghiệm và gọi mời mỗi người chúng ta:

 

“Tôi thấy rằng cuộc đời là phục vụ.

    Khi phục vụ, tôi thấy rằng phục vụ là niềm vui”.

 

   Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 20/09/2015