Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

"Đầy tớ Chúa"..., "đầy tớ" trần gian

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

Chúa Nhật 25 B TN:

‘ĐẦY TỚ’ CỦA CHÚA…

‘ĐẦY TỚ’ CỦA TRẦN GIAN

(Mc 9, 30-37)

 

Trên hành trình lên Đền Thờ Giêrusalem, mặc dù Chúa Giêsu tiên báo hơn một lần về cuộc tử giá đầy đau thương nhục nhã, song các môn đệ không hiểu gì hoặc vì quá u nặng quan niệm trần tục, ấp ủ toan tính ích kỷ khi nghĩ về một Đấng Messia vinh quang hiển hách theo thói thế gian.

 

Dường như các ông có linh cảm, chuyến lên Giêrusalem lần này Thầy mình sẽ ra tay dẹp bọn đế quốc Roma, phục hưng dân tộc, thiết lập vương quốc Israel… Chính vì thế, mới có chuyện tranh dành chỗ cao, ghế lớn trong vương triều Giêsu. Thậm chí, ở lần khác, cũng trên hành trình lển Giêrusalem chịu khổ giá, anh em ruột Giacôbê và Gioan con nhờ mẹ cậy thế đồng hương, họ hàng thân thích xin đứa ngồi bên hữu, đứa bên tả. Điều này càng gây bất bình trong đoàn Tông đồ…   

 

Để phân giải cho cuộc tranh luận hơn thua này, thật bất ngờ khi Chúa Giêsu đưa ra nguyên tắc mang tính chân lý: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”.

 

   Tôi suy nghĩ nhiều và ấn tượng hình ảnh người Môn đệ là ‘đầy tớ’ phục vụ.

 

Có nhà lãnh đạo trong thế giới cộng sản đã mượn ý tưởng này cũng đưa ra nguyên tắc phục vụ lý tưởng cho các ‘đệ tử’ mình: ‘cán bộ là đầy tớ của nhân dân”.

 

Xem ra, đây chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền, còn thực tế thì… phá sản! Bởi thực tế cho thấy, đời sống ‘Chủ dân’ thế nào, đời sống ‘đầy tớ’ thế nào thì tất cả chúng ta quá biết, cả thế giới đều biết.

 

Tại sao lại dẫn đến hiện trạng ‘khôi hài’  ấy ?

 

Mạc khải Lời Chúa cho biết: Con người là một tạo vật ưu tuyển, vượt trội hơn mọi loại thọ tạo khác, vì Con người được dựng nên Giống Hình Ảnh Thiên Chúa, tự chất thuộc Linh, tự chất Con người có tôn giáo.

 

Vì là Hình Ảnh Thiên Chúa, con người với lý trí tự nhiên, với lương tâm ngay lành có thể nhận ra phần nào về Thượng đế, về ý nghĩa sự hiện hữu của nhân sinh.

 

Gần 2500 năm trước, hiền triết Socrates (470-399 Trước CN), người có công kéo triết học từ trời xuống mặt đất để suy tư về sự hiện hữu của Con người (trước đó các nhà triết học chỉ quan tâm tìm hiểu vũ trụ, tự nhiên). Cả đời ông truy tìm Chân lý- cái Thiện về con người, và ông sẵn sàng  đón nhận án tử trong an vui để bảo vệ những chân lý- đạo đức ông đeo đuổi. Ông nhận ra trong thâm căn con người có một cái gì thuộc về thiện căn đầy thiêng liêng, cao quý, ông gọi là ‘Linh hồn’. ‘Socrates xác tín việc chăm lo cho Linh Hồn con người phải là mối quan tâm lớn nhất của một người[1]. Chính vì thế, trước trào lưu khoái lạc- tục dục, Socrates căn dặn môn sinh: ‘Thà làm Con Người đau khổ hơn làm con heo sung sướng”.

 

Quen thuộc với chúng ta hơn, Đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana) khắc khoải trước nỗi đau khổ của chúng sinh, đã tìm đường diệt khổ- giác ngộ nhờ phát hiện ‘Phật tính’ có sẵn nơi mỗi con người. “Phật tính hay Thiên tính là một trong những thuộc tính phổ quát của muôn vật từ bé đến lớn, trong số đó có mọi sinh vật và đặc biệt là con người[2]. Có thể nói, ‘Phật tính’ chính là yếu tố thuộc linh, giúp hướng thượng.

 

 Ta cũng cần biết, vua Tịnh Phạn là người trần mắt thịt như mọi người, nhờ nhận ra Chân tính Phật tính ngay ở trong con người, ngài đã nỗ lực sống theo Chân tính Thiện căn ấy, ngày càng thuộc nhiều hơn về Chân tính thuộc Linh ấy, cuối cùng để Chân tính ấy dần dần chiếm hữu- bao trùm con người mình và thành Phật Thích ca.

 

Hành trình giác ngộ để thoát khổ, xét cho cùng chính là con đường trở về với Phật tính, mỗi ngày sống- thuộc về nhiều hơn, nhiều thêm Phật tính trong căn tính Con người. Nhà vua là một trong nhiều người giác ngộ thành Phật, không phải là người đầu tiên hay cuối cùng.

 

Thiết thực hơn, với chúng ta, khi sống theo gương Chúa Giêsu- Ngài là Hình Ảnh Thiên Chúa Nhập thể làm người, khi để (như Gioan Tẩy giả) cho Chúa Giêsu  mỗi lúc lớn lên còn mình nhỏ lại… là ta đang để Căn tính- Hình ảnh Thiên Chúa trong mình lớn lên, phát tỏa, là ta đang nên Thánh.

 

Khi ta biết bỏ mình để cho Chúa Giêsu lớn lên- bao trùm toàn bộ cuộc đời mình, ta có thể hân hoan như Phaolô từng thốt lên: “Tôi sống không phải tôi sống mà là chính Chúa Giêsu - Kitô  sống trong tôi’. Hay: ‘Tôi coi mọi thú như phân rác so với mối lợi tuyệt vời là biết Chúa Giêsu – Kitô, mà là Chúa Giêsu - Kitô Thập giá’[3].

 

Nói đơn giản, nhờ Lời Chúa ta hiểu Con người trọn vẹn gồm cả Xác- Hồn, không biệt lập, không phân ly. Do đó khi loại bỏ- tách biệt phần Hồn ra khỏi phần Xác nơi Con người là ta tự hủy diệt bản chất Con người, phần Chân- Thiện Mỹ.

 

Nếu Con người ‘bị coi’ đơn thuần là duy vật, chối bỏ căn tính thuộc Linh thì sự hiện diện của Con người sẽ là con vật nguy hiểm nhất, ác độc nhất, sẵn sàng đưa cha mẹ, những người vốn là đại ân nhân ra đấu tố, giết bỏ… bởi đã hủy diệt Lương tâm- Lương tri- Thiện căn; hoặc hèn hạ không dám đứng về phía Sự thật.

 

Lấy ý tưởng ‘tôi tớ’ của Đấng Cứu thế áp dụng vào thể chế duy vật, loại trừ Thiên Chúa để nêu cao tinh thần phục vụ thì đấy là trò cười, mị dân… Không lạ gì, khi thực tế cho thấy điều ngược lại đầy phi lý: Chủ nhân biến thành đầy tớ khốn khổ, còn ‘đầy tớ’ quyền hành thì ngồi trên đầu chủ, ngồi trên pháp luật tha hồ tham nhũng, thoải mái tác oai tác quái... chẳng ai dám làm gì; còn xã hội sa trầm đạo đức, đầy rẫy oan dân, bất công…

 

Đấy là loại ‘đầy tớ’ của trần thế. Đầy tớ giả!

 

Ở đâu mà có loại ‘đầy tớ’ này thì ở đó những quyền căn bản con người bị tù giam, gian tham lộng hành… Ước mong được Chân lý – Hòa bình ngự trị mãi là giấc mơ !

 

Còn ‘đầy tớ’ thật của Chúa Giêsu , theo Chúa Giêsu  thì sao?

 

Chúa Giêsu  là vua trời đất, là Chúa thật, song để Cứu độ Con người Ngài đã chọn con đường của Người Tôi Tớ.

 

Trong cuộc sống, Ngài từng tuyên bố: Ta đến để phục vụ chứ không phải để người khác phục vụ.

 

Nơi bữa Tiệc ly, Ngài cho thấy rõ Ngài là đầy tớ đến để phục vụ khi rửa chân cho các đồ đệ của mình- một việc làm của người đầy tớ hàng thấp kém nhất (chỉ dành cho đầy tớ dân ngoại, còn đầy tớ là người Do Thái không có chuyện rửa chân chủ).

 

Và trên Thánh giá đã nói lên tất cả, đã tỏa sáng trọn vẹn thân phận của người Tôi Trung của Thiên Chúa có tên Giêsu ở Nazareth.

 

Chúa Giêsu vâng lời Cha đã chọn con đường Người Tôi Trung trở thành con đường Tin Mừng Cứu độ cho nhân loại. Nhờ đó, trong Chúa Giêsu đường nên Tôi tớ phục vụ là con đường của Sống Tin Mừng và Loan báo Tin Mừng.   

 

Chính vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những Môn đệ của Chúa tiếp nối con đường Chúa đã đi mà bài Tin Mừng hôm nay Ngài nói rõ: “Muốn làm lớn anh em hãy nên người tôi tớ phục vụ người khác’.

 

Cũng cần phải nói, tước hiệu ‘Tôi Tớ’ của Chúa là một vinh dự không phải ai cũng được, đồng thời cho thấy sự khiêm tốn thâm sâu. Điều này cho thấy họ đang sống theo ý Chúa, đang biến Lời Chúa thành cuộc sống của mình[4].

 

Chúa Giêsu  là Tôi Trung của Thiên Chúa; Mẹ Maria ý thức mình là ‘nữ tỳ’ của Thiên Chúa; Đức Thánh Cha để nhắc nhớ mình nên giống Chúa Giêsu nên tự coi mình ‘tôi tớ của các tôi tớ’.

 

Và đến lượt chúng ta- những môn đệ theo Chúa Giêsu, trong yêu thương cũng phải biết khiêm tôn- phục vụ, trở nên tôi tớ của Thiên Chúa.

 

Cụ thể hơn. Tôi tớ như Giêsu – theo Chúa Giêsu phải có Trái tim yêu thương mọi người, ngay cả những người làm hại mình, coi mình là thù địch.

 

Tôi tớ như Giêsu – theo Chúa Giêsu phải biết tôn trọng Sự thật, tôn trọng Sự sống, can đảm dấn thân cho Công lý  và Hòa bình, thăng tiến phẩm giá con người….   

 

 Chúa Giêsu nói: “Muốn làm lớn anh em hãy nên người tôi tớ phục vụ người khác’. Rõ ràng, ta thấy phẩm chất, danh dự- vinh quang, tiêu chuẩn đánh giá của Chúa Giêsu  trái ngược với thói đời ích kỷ, đầy mưu tính, trái ngược với bản tính con người sau khi Nguyên Tổ phạm tội.

 

Điều đó có nghĩa, muốn sống được Lời Chúa, muốn nên người ‘tôi tớ của Chúa’ và nếm được ‘phúc thật’ với danh xưng ấy, tự sức ta không làm được. Cần phải có ơn Chúa!

 

Trong tín thác nơi Chúa, người tôi tớ phục vụ càng thấy Tin Mừng, càng thấy đời mình có ý nghĩa và ngẩn cao đầu tiến bước. 

 

Cẩn thận!..

 

Bởi ta đang sồng giữa nền văn minh sự chết, trong thế giới tục hóa như vũ bão, bao quanh đầy những ‘tôi tớ trần gian’, gian dối lộng hành….

 

Nói cẩn thận, bởi như cha ông ta căn dặn- ‘gần mực thì đen gần đèn thì sáng’; bởi Chúa Giêsu từng cảnh giác: Tinh thần thì nhanh nhẹn, còn thân xác thì nặng nề.

 

Nếu ta mang danh ‘tôi tớ của Chúa’, cụ thể mang danh Kitô hữu mà ta ‘vô thần’ thực tế, tức loại bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc đời  mình, thì hết sức nguy hiểm !

 

Khi không còn ý thức ‘tôi tớ’ tín thác nơi Chúa, đánh mất động lực sống Luật Yêu Thương mà ta nhân danh Chúa, làm việc bác ái… chẳng là ta đang bêu xấu Chúa. Bởi thực tế ta đang phục vụ cho cái tôi ngạo ghễ, để khoe hoang, để khinh thường người khác, hay những toan tính ích kỷ...

 

Và xét cho cùng, ta cũng chẳng khác kiểu ‘đầy tớ’ thế gian !

 

Như đã nói, nhân danh là ‘đầy tớ’ mà loại bỏ đi Thiên Chúa thì ‘đầy tớ’ ấy hết sức nguy hiểm cho đồng loại. Là Kitô hữu, nhân danh Chúa song làm không phải vì Chúa mà thực sự cho cái tôi ích kỷ của chính mình, còn cho thấy sự nguy hiểm ở đời sau.

 

Thế ta mới hiểu được điều Chúa Giêsu nói trong ngày phán xét, nhiều người nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa làm phép lạ… Kết cục Đấng Thẩm phán Chí công là Chúa Giêsu không nhận ra môn đệ của mình mà nghiêm trị thẳng, tống cổ ra khỏi Thiên đàng. (x.Mt 7,21).

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa xin cho con biết con; Tìm được niềm vui hạnh phúc trên hành trình làm tôi tớ phục vụ theo Chúa và như Chúa. Amen   

 

Lm. Đaminh Hương Quất

 



[1]x. Samuel Enoxh Stumpf, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, do Đỗ Văn Thuấn- Lưu Văn Hy biên dịch, NXB  Lao Động, 2007, tr.35tt

[2] x. Phật tính là gì ? (Theo “Phật và chứng ngộ” của Osho), http://ue-global.com/showthread.php?t=1069.

[3] Điều tuyệt vời, trong Chúa Giêsu đau khổ không ‘bị diệt’ mà được thăng hoa- thánh hóa thành Tin Mừng Cứu độ, là ‘Phúc thật’ như Chúa Giêsu  nói. Chính trong nghiệm sống này, những môn đệ chân chính đón nhận khổ dau, thử thách, những vận đen rủi… trong tươi vui, thậm chí còn khao khát đau khổ thêm, đau khổ nữa… Thánh Phaolô  xác quyết: “Vinh dự của tôi là thập giá Chúa Giêsu – Kitô’      

 

[4] x. Giáo Hoàng  học Viện Pio X,  Điển Ngữ Thần Học Kinh Thánh, từ Tôi Tớ Thiên Chúa.