Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tính phổ quát của ơn cứu độ

Tác giả: 
Lm Vinh Sơn

 

 

Chúa Nht XXVI Thường Nn B

 

TÍNH PH QUÁT CA ƠN CU ĐỘ

Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48

 

Ông Môsê tập họp bảy mươi người trong số kỳ mục của dân và đặt họ đứng chung quanh Lều nơi Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. ĐỨC CHÚA ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục các ông bắt đầu nói tiên tri…

 

Có hai người không đến Lều và ở lại trong trại là Enđát và Mêđát, Thần Khí đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu nói tiên trí. Có người chạy đi báo tin cho Môsê. Ông Giôsuê người thân cận Mô-sê, muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm bẩy mươi vị Kỳ Mục, nói với ông Mô-sê: "Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ! " Nhưng ông Mô-sê trả lời: "Anh ghen dùm tôi à? Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để tất cả đều là ngôn sứ! " Vì ĐỨC CHÚA đã ban Thần Khí của Người trên họ...

 

Câu trả lời của Môsê với Giôsuê cũng giống như câu trả lời của Chúa Giêsu cho môn đệ của mình là Gioan, khi môn đệ này thấy một người không trong nhóm các môn đệ nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ liền cấm người này làm thế. Ông thuật lại sự việc với Chúa Giêsu, Ngài  phán với ông rằng: “Đừng ngăn cản người ta…vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,39.40).

 

Chúa Giêsu lên án tấm lòng hẹp hòi, cục bộ, mang thái độ khép kín, phe nhóm, ganh ghét: sao người ta có thể nói tiên tri, có thể trừ quỷ, nếu không thuộc về Chúa, không do Chúa ban, suy nghĩ như thế không đúng tinh thần cởi mở của Chúa Giêsu. Hơn nữa, như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thần Khí như gió, muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8). Tông Đồ Phaolô đã nhắn nhủ: “Anh em đừng dập tắt Thánh Thần”(1 Th 5,19). Sau này Thánh Phêrô đã thấy Thánh Linh xuống trên cả dân ngoại (Cv 10,44)

 

Không phải chỉ có Giôsuê của thời Môisê hay Gioan của thời Chúa Giêsu, mà Giáo Hội trong suốt giòng lịch sử, đã nhiều lần bảo vệ cái độc quyền nhân danh Đức Chúa của mình đã gây ra chuỗi biến cố đau thương…

 

Từ tiền đề của Chúa Giêsu đưa ra, theo suy tư của các nhà thần học, những người ăn ở nhân lành tuy không cùng một đức tin Công Giáo, có thể có dấu chỉ thuộc về thần khí như Chúa Giêsu đã từng khẳng định: Thần Khí thổi đâu thì thổi, mặc dù chưa tin nơi Đức Kitô và không thuộc về Giáo Hội. Công Đồng Vaticanô II dạy rằng “Thánh Thần, trong một cách thế chỉ mình Chúa biết, ban cho mọi người khả năng được liên kết với mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô, và do đó, được cứu rỗi” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng số 22). Cho nên chúng ta không ngạc nhiên, khi thấy có nhiều người ngoại đạo với tấm lòng thành họ cầu xin Chúa, Mẹ Maria hay các Thánh, được nhận lời…

 

Xác tín của Công Đồng đã được củng cố thêm trong thời đại tân tiến, sau các khám phá địa lý và những tiến bộ trong khả năng truyền thông giữa các dân tộc khiến cho cần thiết phải ghi nhận rằng có vô số những con người ở các lục địa xã xôi, mà không phải lỗi tại họ, đã không hề được nghe lời công bố Tin Mừng, hay nghe trong một cách thế không phù hợp, từ những người đi chinh phục đất mới hay những kẻ thực dân lừa đảo, đến mức khó có thể chấp nhận được khi truyền đạt một cách không trung thực Tin Mừng .

 

Cho nên, dưới ánh sáng mặc khải của Lời Chúa, Công đồng Vatican II đã khẳng định anh chị em bên ngoài Giáo Hội cũng có cơ may được cứu rỗi thì còn có gì có sức giải thoát và thuyết phục về lòng quảng đại và ý chí vô biên của Thiên Chúa như thánh Phaolô khẳng định: “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4). Hơn nữa chính Giêu khẳng định: “Thầy là  đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), những sự tốt lành nơi anh em dân ngoại có sự linh hứng của Thiên Chúa.

 

Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta trong tương quan với các anh em tôn giáo khác:

 

"Chúng ta cần cổ vũ ngay trong lòng Giáo Hội sự trìu mến, tôn trọng và hãy hòa thuận với nhau, bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng. Chúng ta cởi mở với những người anh em tuy chưa sống hiệp thông trọn vẹn với chúng ta. Chúng ta mở rộng tới những ai đang bảo tồn các yếu tố tôn giáo và nhân bản quý giá trong truyền thống riêng của họ" (GS 9,2).

 

Thật thế, chúng ta sẽ nhận ra những người thành tâm thiện chí để hợp tác, để đón nhận nhiều bạn đồng hành trên đường phục vụ và loan báo Tin Mừng Cứu độ cho mọi người theo gương Chúa và chu toàn ý định của Chúa như thánh Phaolo Tông đồ đã khẳng định: “Muốn cho mọi người được cứu và nhận ra Chân lý” (1Tm 2,4).

 

Trong Giáo Hội, chúng ta được mời gọi sống hạnh phúc được thuộc về Chúa Kitô và chia sẻ cho anh em chung quanh hạnh phúc đó. Thật thế, chúng ta đừng lo giữ lấy độc quyền ơn cứu độ cho mình, nhưng hãy loan báo bằng chính đời sống hạnh phúc đó khi nghĩ đến người khác, khi nói năng, cư xử, hành động, để trở nên gương sáng cho anh em.

 

Nước Trời và hồng ân của nước Trời được ban quảng đại cho tất cả mọi người thành tâm thiện chí, tuy nhiên trong Nước trời trần gian – Giáo Hội, để giữ được nước Trời, Đức Giêsu dạy phải cương quyết:

 

  • Thứ nhất, đừng làm cớ cho người khác vấp phạm với gương mù gương xấu là lời nói hay việc làm. Gương mù gương xấu ví như hòn đá đặt giữa lối đi làm cho anh em vấp ngã, nên dịp cho người ta phạm tội. Chính vì tai hại như vậy nên Chúa Giêsu gắt gao lên án hết mọi kẻ làm gương mù gương xấu. Chúa Giêsu dùng hình ảnh: người làm gương xấu đáng buộc thớt đá cối xay vào cổ và quăng xuống biển, vì họ phải chịu trách nhiệm về những tội họ làm cho người ta phạm.
  • Thứ hai, để chiếm được Nước Trời phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho chính mình phạm tội. Chúng ta phải sẵn sàng làm một số việc vừa quyết liệt lại vừa đau đớn không kém gì hành động chặt tay và móc mắt. Chúa Giêsu không nói chúng ta phải thật sự chặt tay, chặt chân hay móc mắt vì đây chỉ là cách nói nhấn mạnh của Ngài hầu gây một ấn tượng khó quên đối với người nghe: Nước Trời, miền đất hứa của chúng ta, quê hương vĩnh cửu của chúng ta, muốn đạt được thì phải hy sinh.

 

Hạnh phúc vì là con cái của Giáo Hội, sở hữu nước Trời, chúng ta được dạy cương quyết giữ lấy những mời gọi bao dung với những khác biệt của anh chi em. Vì như Thánh Phaolô nói: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu thoát” (Rm 10,13).

                                   

    Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 26/09/2015