Người thanh niên giàu có muốn theo Chúa
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B
NGƯỜI THANH NIÊN GIÀU CÓ MUỐN THEO CHÚA
Kn 7,1-7; Dt 4,12-13; Mc 10,17-30
Có một người giầu có kia thường xuyên đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Ông có nhiều tiền của, có thiện chí, nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa... Thấy ông đã lâu không đến xưng tội, thánh nhân tìm đến nhà ông để gặp ông. Sau một hồi trò truyện, ngài nhìn lên cây Thánh giá trên tường, ngài cân nhắc độ cao của Thánh giá rồi đề nghị với người đàn ông giầu có : “Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh giá không”. Ông đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá.
Bấy giờ thánh Philipphê dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giầu đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với tới cây Thánh giá. Ông làm theo ý thánh nhân và sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Sau đó ngài nói với ông: “Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải”
Câu chuyện làm chúng ta nhớ đến người thanh niên giàu có, mong muốn tiến hơn trên con đường thánh thiện, Nhưng vì muốn luôn gắn bó của cải tiền tài, anh đã không thể đi theo con đường của thầy Giêsu.
Tin Mừng Mc 10,17-30 trình thuật Đức Giêsu vừa lên đường (Mc 10,17), đó là hành trình tiến về Giêrusalem giữa hai lần loan báo sự Thương Khó lần hai (x. Mc 9,30-31) và lần ba (Mc 10,32-34). “Con đường theo Ngài” thúc bách thanh thoát sẵn lòng siêu thoát mọi sự để đi theo Chúa. Có người thanh niên giàu có chạy đến (x. Mc 10,22), quỳ xuống, đấy là cử chỉ cho thấy anh hết sức kính trọng Đức Giêsu (x. Mc 1,40). Anh thưa với Ngài : « Thưa Thầy nhân lành: từ “nhân lành” thường được áp dụng cho Thiên Chúa ở trong Cựu Ước (x. Tv 117/118,1; 1 Sb 16,34; 2 Sb 5,13), chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được coi là “nhân lành”, còn không ai khác là “tốt” cả (x. Rm 7,18). Anh nói lên sự mong muốn của mình: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời” ( Mc 10,30). Mong muốn của anh là phải làm gì để thủ đắc sự sống đời đời” đồng nghĩa với được “Nước Thiên Chúa” (x. Mc 9, 43-47).
Ngài truyền cho anh: đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cướp, đừng làm chứng gian, đừng lừa dối ai, hãy thảo kính cha mẹ ( Mc 10,19), là các điều răn trong bài phần lớn được rút từ phần hai của Thập Điều (x. Xh 20,12-17; Đnl 5,16-21). Giữ các giới răn là phương thế rất phổ thông và truyền thống trong đạo Do Thái. Anh thanh niên rất hài lòng về câu trả lời của Chúa, và hãnh diện thưa với Chúa là mình đã tuân giữ các điều răn ngay từ nhỏ. Thấy anh đơn sơ chân thành nỗ lực tìm cách quan hệ với Thiên Chúa nên đã tận tình giữ các điều răn, Ngài “đem lòng yêu mến” (Mc 10,21). Tình thương này đi đến chỗ gọi anh làm môn đệ: “Bán của cải và chia sẻ cho người nghèo để theo Ngài”. Một thách đố Đức Giêsu đề ra cho người đi theo Chúa theo nghĩa hẹp - một bậc sống đạo cao hơn, tư cách của người môn sinh, hơn là một nguyên tắc chung của đời sống Kitô hữu. Đức Giêsu yêu cầu anh bỏ hết mọi điểm tựa an toàn của trần gian để tín nhiệm vào bản thân và sứ vụ của Người – điểm tựa và mục đích của người môn sinh: “Rồi hãy đến theo tôi”. Nhưng anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (x. Mc 10,22).
Các môn đệ sửng sốt ngạc nhiên trước đòi hỏi của Chúa Giêsu, “vì theo cách giữ đạo thời đó, thì càng giầu càng có nhiều thuận lợi. Có tiền thì người giầu có thể dâng lễ vật cho Thiên Chúa theo Luật buộc để được xá tội, có thể dâng cúng một phần mười tài sản mà các tư tế đòi, hoặc có thể bố thí cho người nghèo… Dường như có một thỏa thuận ngầm giữa Thiên Chúa và những người giầu. Như vậy, giầu có của cải không phải là dấu chỉ của người đẹp lòng Thiên Chúa sao” (J. Potin Fiches dominicales, tr. 298), nhưng ở đây Chúa Giêsu đòi hỏi trở nên nghèo.
Đức Giêsu lại nhấn mạnh thêm một câu làm cho các ông càng kinh ngạc hơn: “ con lạc đà …. lỗ kim (Mc 10,25). Theo các nhà giảng thuyết và chú giải trước kia, lỗ kim là cái cửa nhỏ bên cạnh một cái cổng lớn ở tường thành Giêrusalem, mà một con lạc đà không thể đi qua. Nhưng có một vài thủ bản nhỏ đọc là kamilos (sợi dây thừng) thay vì kamêlos (con lạc đà) nghĩa là giây thừng đi qua lỗ kim. Cho nên chúng ta phải kết luận rằng đây là một ví dụ về lối nói ngoa, thậm xưng (x. Mt 23,24; Lc 6,41-42), như trong những sách các thầy rabbi viết, cũng đã có những phóng đại như vậy, thí dụ con voi chui qua lỗ kim (sách Talmud). Đức Giêsu cũng đã có lần nói đến, khi trách người biệt phái: “Quân dẫn đàng mù quáng ! Các ngươi gạn lọc con muỗi, nhưng lại nuốt trửng con lạc đà”(Mt 23,24) ? So sánh người giầu vào nước Trời với con lạc đà chui qua lỗ kim, không phải Chúa có ý nói người giầu vào Nước Trời khó mà thôi, mà Chúa có ý nói là việc không thể có (Trần Văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr. 324-325).
Việc không thể, nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được (x. Mc 10,27): Đức Giêsu nhấn mạnh tới quyền năng của Thiên Chúa và sự ký thác cậy dựa vào Thiên Chúa để được cứu độ. Đức Giêsu khẳng định rằng con đường mà Người đang theo được hướng dẫn bởi thánh ý Thiên Chúa cũng một cách trực tiếp và đảm bảo như các điều răn. Người cũng khẳng định: chính Người có khả năng dẫn đưa tuyệt đối chắc chắn đến sự sống đời đời cho những ai từ bỏ tất cả theo Ngài. Cho nên, Ngài mời gọi anh làm cử chỉ như các môn đệ đầu tiên: bỏ mọi sự đi theo Thầy (x. Mc 1,16-20; 10,28-30). Nhưng chàng thanh niên giàu có đã không hiểu lời mời gọi của Đức Giêsu là Tin Mừng, anh muốn vừa bám vào của cải vừa đi theo Đức Giêsu. Sự kiện phải chọn lựa làm cho anh buồn rầu.
Chúa Giêsu lại dùng phép khoa đại theo lối Đông phương khi khẳng định tất cả những ai từ bỏ: người thân yêu, của cải quý giá để gắn bó với Chúa, chắc chắn sẽ lãnh được một phần thưởng “gấp trăm” những gì họ đã từ khước…(x. Mc 10,28-30)
Người Kitô hữu luôn được mời gọi nên hoàn thiện (x. Mt 5,48), nên hoàn thiện phải dám từ bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý Chúa cách triệt để. Trong mọi hoàn cảnh luôn trung thành với niềm tin, với Tin Mừng dù cho bị thiệt thòi, mất mát nhưng được chính Đức Kitô là chỗ dựa với lời khẳng định gấp trăm lần sự hy sinh từ bỏ.
Thật thế được chính Chúa là gia nghiệp:
“Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn”
(Tv 16,5-6).
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 10/10/2015
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: