Đến khi nào Mẹ mới thôi đau ?
Đến khi nào Mẹ mới thôi đau ?
Trong những ngày qua, trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là mạng face book, hình ảnh cậu thiếu niên Đỗ Đăng Dư với đôi mắt nhắm nghiền và thân thể bầm dập vết thương được phát tán. Những hình ảnh mà ai nhìn thấy cũng không nén nỗi sự thương tâm. Tuy nhiên, có một bức ảnh khiến trái tim tôi đau thắt lại vì một mối đồng cảm sâu sắc đó là gương mặt khóc thương đầy đau khổ của bà Đỗ Thị Mai-mẹ của nạn nhân. Tôi ngắm nhìn bức ảnh này rất lâu và nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Bức ảnh này không trình bày những vết thương trên thân thể, không cho thấy những sự đau đớn trên thân xác nhưng nỗi đau của nhân vật trong bức hình là tột cùng của mọi nỗi đau . Là bằng chứng tố cáo tội ác của kẻ thủ ác một cách hữu hiệu nhất .
Như chúng ta đã biết , do bị tình nghi lấy trộm 2 triệu đồng của hàng xóm, em Đỗ Đăng Dư được dẫn giải lên công an xã. Sau gần hai tháng bị tạm giam để điều tra xét nạn nhân Dư bị rơi vào tình trạng nguy kịch vì thân thể có nhiều vết thương nặng, bầm tím. Vào ngày 05.10, công an đưa nạn nhân vào bệnh viện Bạch Mai điều trị. Ngày 10.09, Công an mới chính thức tuyên bố với gia đình thiếu niên Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, sống tại Hà Nội, đã qua đời. Mặc dù, vào chiều ngày 07.10, tại bệnh viện Bạch Mai, bà Đỗ Thị Mai, mẹ của Đỗ Đăng Dư quả quyết: “Có nhiều kiến bò xung quanh người của Dư và trên giường, chất dịch màu vàng từ người Dư chảy ra. Cháu chết rồi, chỉ còn mỗi tim đập một ít thôi” do được trợ giúp bằng máy thở.
Cách đây hai tháng, con vẫn là một cậu thiếu niên khỏe mạnh. Cho dù con có lỗi lầm gì thì con vẫn là con của mẹ với nguyên vẹn hình hài. Thế là từ một con người bằng xương bằng thịt, nay con trở thành một thân xác cứng đờ với những vết thương bầm dập . Mẹ đau không chỉ vì mất con, nhưng còn là vì biết rằng thân thể của con đã phải trãi qua nhiều sự đau đớn đến tận khi nó không thể tiếp tục sống nữa. Các em thiếu nhi có câu hát “ Em có ba là em có má, má yêu em như nước trong nguồn, từ ngày sinh ra , mẹ cưng như trứng, mẹ hứng như hoa, mẹ ôm vào lòng …” Vâng! Với người mẹ, cơ thể của đứa con là “ hoa” là “ trứng ” bởi nó là máu huyết của chính mình, là công người mẹ chín tháng mang nặng đẻ đau mới cho con hình hài của một con người. Sinh con ra, mẹ tiếp tục chăm bón từng giọt sữa, miếng cơm, chăm sóc từng giấc ngủ để con có một thân thể ngày càng khỏe mạnh, phát triển …Thân xác của con từ sợi tóc đến ngón chân đều thấm đẫm sự yêu thương chăm sóc của mẹ. Do vậy , nếu thân xác con đau thì lòng mẹ sẽ đau hơn gấp bội . Cá nhân tôi cũng có một trãi nghiệm về nỗi đau này đó là có một lần khi đứa con gái đầu lòng của tôi vào bệnh viện năm nó khoảng 12 tuổi . Trong một lần chữa trị, bác sĩ phải tiêm thuốc vào cột sống của nó. Dĩ nhiên là có thuốc gây mê nhưng khi nghe tiếng cháu khóc thét, đứng bên ngoài tai tôi như ù đi, tâm trạng gần như hoảng loạn, tôi dường như đứng không vững … Tôi muốn khóc nhưng không thể khóc, mắt cứ căng ra và lúc đó nếu được một điều ước, tôi chỉ ước một điều duy nhất là có thể thay con tôi chịu đựng sự đau đớn về thân xác mà con tôi đang phải chịu.
Trong phim “ Cuộc thương khó của Chúa Giêsu” có một cảnh phim rất cảm động và ấn tượng . Đó là cảnh khi Đức Mẹ thấy Chúa Giêsu ngã xuống đất khi vác cây thánh giá. Lòng Mẹ đau như cắt khi nhớ lại lúc nhỏ, Chúa Giêsu chạy chơi bị vấp ngã, Mẹ hốt hoảng chạy đến nâng con dậy, ôm con vỗ về mà lòng Mẹ xót xa khi thấy con bị ngã đau…Thế mà giờ này chứng kiến cảnh thân hình còn đầm đìa vết máu, chằng chịt những vết roi, lại phải té ngã vì vác thánh giá nặng nề, làm sao lòng Mẹ không đau như muối xát ? Và nỗi đau khi ẳm xác con mình sau khi được hai môn đệ hạ xác Chúa Giêsu và trao cho Mẹ dưới chân Thánh giá, là một trong Bảy nỗi đau mà Mẹ phải chịu trong sự hiệp thông mầu nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. “ Khi ấy Đức Mẹ giơ hay tay lên toan đỡ lấy xác Con, đến khi đã được thì ẵm vào lòng, đoạn áp mặt xuống trên đầu Con, chẳng quản những gai nhọn ở đầu Con thâu vào mặt Mẹ, mà mặt Mẹ thì chan chứa những máu Con dính vào, mặt Con thì dầm dìa những nước mắt Mẹ chảy xuống. Ai suy cho được sự trong lòng Đức Mẹ bấy giờ, thương xót khóc lóc thảm thiết đau đớn khốn cùng là thể nào! Đoạn lấy khăn trắng mà liệm xác Con, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như dao sắc thâu qua lòng đứt ruột ra vậy.”
Nhờ các trang mạng xã hội mà mọi người được biết rõ một thực tế đang đe dọa bất cứ người dân xấu số nào nếu họ sa chân vào đồn Công An hay các trại tạm giam. Nơi mà sinh mạng con người chỉ là phương tiện để thỏa mãn cái thú tính đang đội lốt người của những người thi hành công vụ. Tình trạng công an tra tấn người bị tạm giam một cách dã man, tàn bạo đã và đang tiếp diễn một cách ngang nhiên và bình thường. Lời kêu gọi “ Stop Police killing civilians” của người dân dường như vô hiệu vì những “ Công An côn đồ” này không phải chịu bất cứ một sự chế tài nào của luật pháp. Thi thoảng mới có vài vụ được đem ra xét xử nhưng cũng chỉ với mức án không thỏa đáng . Thậm chí còn có những vụ bị chìm xuồng công lý bị bóp méo bởi những hài kịch diễn ra ngay chốn công đường . Do vậy những cái chết đầy tức tưởi , đau đớn của các nạn nhân trong thời kỳ bị tạm giam ,có xu hướng ngày càng gia tăng bất chấp sự phẩn nộ của dân chúng cũng như nỗi đau của thân nhân.
Không một người phụ nữ nào muốn có một bức ảnh như thế này trong đời. Một khuôn mặt co dúm lại vì đau khổ. Những giọt nước mắt uất nghẹn như thể những giọt máu ứa ra từ trái tim của mẹ. Bàn tay xương gầy nâng lấy chiếc miệng mếu máo trong vô vọng như một sự an ủi đầy bất lực. Mẹ co đôi vai như muốn trốn chạy một thực tại đầy nghiệt ngã là con của mẹ đã chết – và chết cách thê thảm bởi sự tàn bạo và độc ác của đồng loại gây ra. Cái hình hài mà một thời được “ mẹ nâng như trứng, hứng như hoa” đã phải bầm dập đau đớn và cuối cùng con phải tức tưởi từ giã cõi đời trong lứa tuổi còn niên thiếu. Mẹ không tin ! Mẹ không thể tin ! Cách đây hai tháng thôi mà … con vẫn là một cậu thiếu niên tràn trề sức sống. Giờ sao chỉ còn một cái xác vô hồn với vết tích tả tơi ?
Khi gẫm sự thương khó thứ 6 của Đức Mẹ, chúng ta thấy xấu hổ, ăn năn vì tội lỗi của mình. Cũng vậy, mong rằng khi nhìn thấy bức ảnh gương mặt đau khổ tột cùng của người mẹ này, những kẻ thủ ác hãy cảm thấy ghê sợ tội ác của mình. Bức ảnh không tố cáo tội ác một cách cụ thể nhưng nó đánh thức không chỉ lương tâm cá nhân nhưng còn là lương tâm của cả nhân loại . Đến khi nào Mẹ mới thôi đau ? Câu hỏi này sẽ được trả lời khi và chỉ khi những người thừa hành luật pháp trong xã hội không còn khinh miệt chà đạp lên luật pháp, khi các quyền căn bản của người dân được tôn trọng. Tất cả hãy cùng nhau xây dựng một cuộc sống đầy tình thương , “ người yêu người sống để yêu nhau “ chứ không phải để đày đọa nhau bằng bạo lực và tội ác !
Điền Phương Thảo
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: