Chén đắng - Tinh thần phục vụ
Chúa Nhật XXIX Thường Niên B
CHÉN ĐẮNG – TINH THẦN PHỤC VỤ
Is 53,10-11; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45
Một hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn tòa giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cộng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện:
Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.
Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.
Sau này lên ngôi Giáo hoàng, Đức Gioan 23 vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.
Tinh thần phục vụ của Đức Gioan 23 làm chúng ta gợi nhớ về ý nghĩa chén đắng và phép rửa là tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cùng với giáo huấn nơi người muốn làm lớn của người môn sinh Chúa Kitô.
Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Ngài lần thứ ba (x. Mc 10,32-34), các môn đệ vẫn chưa hiểu hết được mầu nhiệm thập giá, các ông vẫn hy vọng một triều đại Messia mà Thầy sắp sửa khai mạc với sự vinh quang của Thầy – Đấng Messia – Đấng Cứu Thế. Hai anh em Giacobê và Gioan nhanh chân xin trước hai chỗ danh dự trong nước Ngài: cho ngồi bên tả và bên hữu Thầy khi Vương Quốc Messia khai mạc. Rõ ràng lời thỉnh cầu này bỏ qua mạc khải hành trình Giêrusalem, bỏ qua thập giá mà Thầy đang mặc khải.
Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi,"Các anh không biết các anh xin gì, Các anh có uống nổi chén Ta sẽ uống không!” Đức Giêsu cố gắng chuyển biến tư tưởng của họ từ "vinh quang của Đấng Mêsisa" theo quan niệm con người sang “con đường dẫn đến vinh quang" là xuyên qua khổ giá qua hình ảnh chén đắng và phép rửa: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.”
- Trong Cựu ước, “Chén” đôi khi người ta nói đến chén chúc tụng, nhưng cũng nói về chén đắng để diễn tả những đau đớn trước khi chết. Khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến chén đắng, mà chính Ngài lãnh nhận lúc hấp hối ở Vườn Cây Dầu, Đức Giêsu đối diện với chén đắng phải uống đó là sự thương khó, Lúc phải uống chén đau khổ ấy, Chúa Giê-su đã phải nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt26, 38), và cơn hấp hối tâm thần của Người đã đạt tới mức độ khủng khiếp đến nỗi“mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22, 44). Trong cảnh cô đơn cùng cực, Ngài đã bối rối và cảm thấy không thể uống nổi chén quá đầy đau khổ, Ngài xin Chúa Cha cất chén đắng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này” (Mt 26, 39), nhưng vì ơn Cứu độ cho con người Ngài lãnh nhận chén đắng khi nói tiếp: “Nhưng đừng theo ý Con, cứ theo ý Cha”.
- “Phép rửa” Thầy sẽ chịu, nói đến phép rửa thì phải có nước, nước như là biểu tượng của sự phá huỷ (x. Tv 41, Tv 42,7; Tv 68, Tv 69,2.15; Is 43,2). Trong hy-ngữ thông dụng, từ này có nghĩa là bị lụt, bị ngập, bị bao trùm (hiểu Lc 12,50 theo nghĩa này). Chúa Giêsu sẽ “chìm đắm” trong cái chết trước khi “chỗi dậy” trong đời sống mới. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu sẽ trải qua một phép rửa thật sự. Người sẽ bị dìm xuống làn nước chết, trước khi chỗi dậy vào ngày thứ ba (Fiches dominicales, tr 304). Trong ý nghĩa đó, Phaolô Tông đồ sau này nhấn mạnh phép rửa Kitô giáo (chẳng hạn trong Rm 6,3) trong bí tích rửa tội, toàn thân người Kitô hữu được dìm xuống nước, tượng trưng cho việc chìm đắm chết đi để được sống lại với Chúa Kitô.
Giacôbê và Gioan dù không hiểu điều các ông xin, nhưng vẫn thưa được. Giacôbê và Gioan đã được Chúa cải hóa tham dự vào chén đắng của Thầy khiến các ông như thầy sau này đối diện tử nạn: Giacôbê bị vua Hêrôđê Agrippa giết năm 44 và là vị Tông đồ tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (x. Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrông, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh. Ông thoát chết bị khổ sai tại đảo Patmos (x. Kh 1,9).
Lời thỉnh cầu được vinh quang bên tả và hữu Thầy của Giacôbê và Gioan đã làm các tông đồ khác khó chịu, vì tất cả các ông đều mong muốn làm lớn trong nước Thầy sắp khai mạc. Trong ý nghĩa của mầu nhiệm Thập Giá qua hình ảnh chén đắng và phép rửa, Chúa Giêsu dẫn từ sự mộng mơ về quyền bính vinh quang mà các ông mong muốn đến sư hiệp thông đời sống với Ngài: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 43-44). Chúa Giêsu có quyền hạn đầy đủ của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không hành xử như một vị thống trị, mà trở nên như "một người đầy tớ". Ngài đã không như “lãnh chúa" mà là "gia nhân" (x. Ga 13,13) bằng cách rửa chân cho các môn đệ vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh và dạy bài học phục vụ cho các môn đệ. Đây là nẻo đường duy nhất đưa tới uy tín và sự cao cả thật của người lãnh đạo. Phục vụ là tiêu chuẩn duy nhất giúp đánh giá sự cao cả và thành công của người mang quyền bính: trở nên tôi tớ để phục vụ nhằm mưu ích cho kẻ khác, với trọn tâm hồn, với tất cả sức lực, thì thật sự là người đứng đầu mọi người. Cho nên, người môn đệ Đức Giêsu được chọn để phục vụ anh em theo lời giảng dạy và mẫu gương của chính Thầy - Đức Giêsu như Ngài đã khẳng định bổn phận phục vụ dựa trên nền tảng là lối cư xử của Ngài: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Trên hành trình của cuộc sống là hành trình thập giá, như hai môn đệ Gioan và Giacobê, Chúng ta được mời gọi uống chén đắng và chịu phép rửa xuyên qua những đối diện mọi gian nan khốn khó của cuộc đời…
Lãnh nhận chén đắng, tư cách của người trách nhiệm với gia đình cộng đoàn và xã hội, là sống lời mời gọi của Đức Giêsu "thương yêu” và "phục vụ” như Ngài mà Phaolô đã cảm nghiệm:
“Người đã thương yêu và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20).
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 28/10/2015
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: